thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Bài học từ 33 người thợ mỏ Chilê

* tạp bút

Trung tuần tháng 7, hãng Reuters đưa tin mỏ vàng và đồng ở Copiapo Chilê bị sụp. Ba mươi ba thợ mỏ bị chôn vùi mất tích. Sau 17 ngày, đội cấp cứu khám phá ra họ vẫn còn sống trong một căn phòng nhỏ dưới độ sâu 700m. Tất cả trong tình trạng chờ chết. Họ sống sót nhờ hạn chế khẩu phần vốn chỉ đủ cho vài ngày. Người ta chuyền một dây cáp xuống hầm để dò tin tức. Sau khi kéo dây cáp lên người ta nhận được một mảnh giấy có hàng chữ viết bằng sơn đỏ, “Estamos Bien En El Refugio los 33” (33 người chúng tôi bình an trong hầm).

Ngay khi tin của họ được đưa lên mạng, có 4,962 triệu độc giả theo dõi.  Câu họ viết trên tấm vải trở thành một thông điệp nhắn lên thế giới. Trong nghịch cảnh, con người sẽ sống còn nhờ mối bền chặt của tình bạn, của sự nhún nhường, của chí can trường, và khi biết chia sẻ. Thế gới chiêm ngưỡng họ như những vị anh hùng.Thế giới cảm thương khi biết rằng phải mất 4 tháng máy khoan mới đào nổi một đường thông tới họ. Thế giới gửi xuống hầm sâu một lời nhắn, "Estamos con ustedes" (Chúng tôi ở cùng các bạn).

Bỗng nhiên thế giới gần lại với nhau. Mỹ gửi đến chuyên viên thượng thặng về hầm mỏ, Nhật gửi đến đèn pha. Cơ quan NASA gửi đồ tiếp liệu… Rồi kỳ tích xảy ra, không cần 4 tháng, chỉ trong vòng một tháng rưỡi họ đã cứu được tất cả 33 ngưởi thợ mỏ ra khỏi hầm. Tính ra những người thợ này bị kẹt trong đá sâu 69 ngày. Ngày những người thợ lên mặt đất là một biến cố lớn. Tổng thống Chilê Sebastian Pinera, quan khách, gia đình, và hàng trăm phóng viên từ khắp nơi đứng bên cửa đường hầm để chào đón. Tài tử điện ảnh khắp thế giới đều gửi điện văn chúc mừng. Ông Steve Jobs, chủ hãng Apple, tặng mỗi người một chiếc iPod.

Tổng thống Sebastian Pinera trình diện mảnh vải có lời nhắn “33 người chúng tôi bình an trong hầm”.

Chưa đầy một tuần lễ sau đó, các nhà xuất bản, giới điện ảnh, và các hãng quảng cáo đều tới tấp cho người tiếp xúc với từng cá nhân. Họ đưa ra những giao kèo với món tiền thù lao kếch xù để xin được khai thác câu truyện. Một số văn phòng luật sư cũng gửi đại diện tới đề nghị giúp họ kiện hãng mỏ. Có hãng y phục còn tính cho in hàng chữ “Estamos bien en el refugi 33” lên T-shirt để làm tiền. Từ đó người ta nhận thấy các ông thợ mỏ đưa ra những nhận xét khác nhau. Có vẻ ai cũng muốn đề cao mình và ngầm chỉ trích người khác. Phóng viên hãng truyền thông ABC đặt câu hỏi, “Tại sao họ lại làm như vậy?” Brandon Fisher, giám đốc hãng Center Rock, Inc (hãng máy khoan) nhận định rằng: sau biến cố nổi tiếng đó, mỗi người đều muốn trở thành siêu sao. Với những diễn biến từ nhiều góc cạnh như danh vọng, tiền bạc, lòng tự cao… họ sẽ làm cho hình ảnh đẹp của họ lúc ban đầu xấu đi.

Có thể như vậy chăng? Còn quá sớm để biết những gì sẽ xảy ra. Có thể Fisher đã quá bi quan khi đưa ra lời phỏng đoán. Tuy nhiên câu truyện của họ cũng đáng để suy nghĩ.

ĐỖ XANH - DNNP

(Elk Grove 19-10-2010)


 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage