thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Tổng kết hội thi đối THKT tháng 10-2010

 

Hội thi đối tháng 10-2010 có hai vế đối:
- Ông Vên Vên hát Beng Beng (Đỗ Xanh – DNNP)
- Mây Hồng môi hồng, má ửng đỏ, da hồng hào trong một ngày nắng hồng. (Kiến Đen)

 



Như quí vị thừa biết đối có nhiều thể cách. Đối thanh âm (bằng <-> trắc); đối nghịch ý (buồn <-> vui); đối tương đương (hồng <-> cúc),…


Với những vị có máu văn, câu đối được nhai rất kỹ trước khi nhả ra chữ. Trong trường hợp này "kiến" Phạm Văn Định tỏ ra nghiêm túc hơn cả.


Vế ra: Ông Vên Vên hát Beng Beng.
Vên Vên (viết hoa) là tên gọi quê hương ở Tây Ninh của thầy Ngô Bảo Toàn. Ông Vên Vên ý nói ông Toàn. Beng Beng (viết hoa) là tên bản nhạc Pháp Bang Bang, được nhạc sĩ Phạm Duy dịch lời Việt với cái tựa Khi xưa ta bé, nhưng đồng thời âm của nó cũng có nghĩa là ồn ào, hợp với cái “gu” khoái “nổ”.


Em Định đối lại: Chim Đa Đa sợ Bom BomBà Kiền Kiền vỗ Bom Bom.
Như quí vị thấy Định đã rất ý tứ và có dụng công trong thú chơi này. Bom Bom là tiếng vỗ trống, cũng inh ỏi không kém Beng Beng. Bom Bom còn là tên một bài hát của Modern Talking, nhóm nhạc dance pop nổi tiếng của Đức. Còn Đa Đa là một loại chim thuộc họ Gà gô, còn có tên dân dã là “chim bắt tép kho cà”. Ở Việt Nam có một bài hát phát triển từ dân ca mang tên “Tiếng hát chim đa da” của nhạc sĩ Võ Đông Điền nghe rất nẫu ruột, nẫu gan, nhất là với Ngô Nguyên soái nhà mình. Kiền Kiền là tên một loài gỗ quý trong bộ tứ thiết mộc.

Còn lại, đa số phe ta đều đối theo lối tương đương với chủ ý vui nhộn. Thực ra phe ta chỉ mượn cớ có câu đối để được dịp chọc quê nhau. Xin dẫn chứng qua những câu đối sau. Người viết xin thêm vào vài lời ghi chú để cho ẩn ý thêm rõ nghĩa.


Thầy Bảo Toàn: Bà Điệu Điệu (bỉu môi khoe răng khểnh) nổ phèng phèng (dọa cậu mặc sà rông)


Vân Hồng: Thấy thầy Đỗ Ngọc Trang già hôm rồi đi đám cưới người thân đã mặc quốc phục, sau khi biểu diễn 3 vòng catwalk thì hụt hơi mặt xanh lét, râu bạc phờ, đứng không vững còn đòi "đá đít" học trò (cho dù là "đá yêu" thôi mà), nên có câu: Ông xiêu xiêu (lạng quạng) đá binh binh.


Kiến Đen: Đôi Tê Tê (Saigon) nhảy Cha Cha. Cảnh này khiến: Đôi Tê Tê (Colo) cười hề hề.


Tưởng là kết thúc, dè đâu vào phút thứ 89, thầy Bảo Toàn coi bộ ngứa ngáy sao đó (hi vọng không phải do tắm nước sông Vàm Cỏ bị ô nhiễm) đã tung ra 2 vế đối gỡ gạc: Đôi Tê Tê (không rõ Tê Tê nào, hay là cả ba) giãy tê têĐôi Tê Tê (cứ xin nhận là Cali) cưỡi tê tê. Tê tê, còn gọi là con trút, là một loài động vật có vảy cứng dùng làm thuốc rất quý.

Cùng một nhịp điệu vui vẻ, Kiến Đen tung ra vế đối vừa nịnh đầm, vừa đẹp, lại vừa khó:
Mây Hồng môi hồng, má ửng đỏ, da hồng hào trong một ngày nắng hồng.
Mây Hồng (viết hoa) là tên của một người, nhưng đồng thời lại có nghĩa là cụm mây màu hồng. “Ửng đỏ” và “hồng hào” cũng là những biến cách từ sắc “hồng”.


Đến đây những vị soạn vế đối chia làm hai phe do 2 hướng nhìn khác nhau. Phe thứ nhất (có lẽ vì cận thị) thấy phu nhân Hồng nên trời đất đều phải hồng theo. Phe thứ hai thấy rằng vì mây hồng nên cảnh vật, kể cả phu nhân, bị nhuộm thành màu hồng.


Nhóm thứ nhất gồm Đỗ Xanh tôi và Kiến Đen. Kiến Đen vốn đen, nên tất cả những gì liên hệ đến Kiến Đen đều phải vô tư đen. Cũng vậy, Ngô Vàng và Đỗ Xanh là điểm chính. Cảnh chỉ là phóng ảnh của tâm. Người đã vàng đã xanh nhìn đâu cũng thấy vàng hay xanh, có thấy đỏ ở mô.


Đỗ Xanh: Kiến Đen râu đen, đầu hắc ín, mặt thất sắc ngoài trăm năm vẫn đen.


Kiến Đen: Ngô Vàng mắt vàng, mặt bàng hoàng, da vàng khè ngồi cạp trái bắp vàng. (Hoàng có nghĩa là màu vàng: Ngô Vàng cũng là bắp vàng).

Kiến Đen: Đỗ Xanh vườn xanh, trời thanh thanh, hoa xanh biếc bên ly chè đậu xanh. (Thanh có nghĩa là màu xanh; Đỗ Xanh cũng là đậu xanh).

 

Ở đây xin nói thêm chút xíu. Kiến Đen nói nhỏ với Đỗ Xanh là nếu không quá "e thẹn" thì vế đối mà Kiến Đen tung ra đã là:

Vân Hồng môi hồng, má ửng đỏ, da hồng hào trong một ngày mây hồng.

Nhóm thứ hai gồm thầy Nguyễn Đức Nhuận và em Nguyễn Thị Kim Quyên. Những vị này cho rằng vì bệnh, vì bầu trời nên con người mới đổi màu. Hiện tượng này cũng giống như da con cắc kè phải đổi màu theo môi trường.


Thầy Đức Nhuận: Trời xanh mắt xanh, da xanh xao, mặt tái xanh trong một ngày biển xanh.


Kim Quyên: Mây vàng, mắt vàng, má cũng vàng, da vàng hơn khi một ngày không có nắng. (Kiến Chín tặng cho những người bệnh gan).


Kim Quyên: Tóc đen, mắt đen, má ngâm ngâm, da bầm bầm trong một ngày thành Kiến Đen.


Thậm chí thầy Đức Nhuận còn có vẻ chưa “hả hê” nên đã phát triển câu đối của Đỗ Xanh tới mức chi tiết:
Kiến Đen, râu đen, đầu hắc ín, mặt hăc ám, trong ngoài, trên dưới đều đen hết thảy, "dòm" hoài mọi thứ đều đen.


Rồi có lẽ ở xứ Seattle đang là mùa thu quá lãng mạn nên thầy Đức Nhuận lại trổ ngón “nịnh đầm” (hình như đạp phải dép của Kiến Đen):
Chị Vân Hồng, phận má hồng, phấn hồng, son đỏ, nhìn đời qua lăng kính hồng.

Kết luận: Từ hình ảnh một phu nhân môi hồng má đỏ tóc mây đi trong nắng, chúng ta tìm ra bạn bè của bả là các vị đen thui, xanh lét, vàng khè thì nếu không phải là gánh xiệc DNNP thì chắc những người này chỉ có ở THKT.

Cái cốt lõi và cũng là niềm mong muốn qua hội thi đối tháng 10 này là: Hình ảnh một người má đỏ môi hồng... là hình ảnh mà tất cả các anh chị em đang bị bệnh đến mặt xanh, da tái đều sẽ được bình phục trong tháng 11. Đồng thời không khí ảm đạm trong tháng 10 cũng như "một ngày biển xanh" qua đi nhường chỗ cho "một ngày nắng hồng" đang tới.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove 24-10-2010)


 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage