|
|
Tản mạn nhân ngày Nhà
giáo Việt Nam 20-11 đầu tiên của Gia đình THKT
Chúng ta thường nghe tục
ngữ có câu: “Âm thủy tư nguyên” - uống nước nhớ nguồn, ý câu
muốn nhắc nhở chúng ta ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước phải nhớ
người đào giếng! Thật vậy, chúng ta có được như ngày hôm nay, thứ
nhất là nhờ công ơn của Cha Mẹ đã tạo cho chúng ta nên vóc nên hình,
cho chúng ta một dáng dấp con người trong cuộc đời; thứ hai Thầy Cô
đã cho chúng ta cã một vùng trời kiến thức, chỗ đứng hiện tại của
chúng ta trong xã hội hôm nay chính là công lao của những người
Thầy, những người Cô đã dày công dạy dỗ cho chúng ta. Bài đạo đức
đầu tiên, mà Thầy Cô đã dạy, giúp chúng ta vững bước trên cuộc đời
và thành công như ngày hôm nay.
Công ơn ấy sánh như trời biển
Cao ngút ngàn và tựa đáy sông sâu
Là một học sinh, chúng ta không thể nào quên truyền
thống “Tôn sư trọng đạo” mà đã nghìn năm ông cha ta truyền
dạy.
Tục ngữ có
câu “Không thầy đố mày làm nên”.
Thật vậy! không có Cha
Mẹ, không có Thầy Cô làm sao chúng ta được như ngày hôm nay. Chính
Cha Mẹ đã cho ta cuộc sống, và Thầy Cô cho ta kiến thức, đã chắp
cánh cho chúng ta những ước mơ, và những ước mơ đó có thật sự bay
cao hay không là do ý chí ở mỗi chúng ta. Thầy Cô đã cung cấp hành
trang kiến thức, cho chúng ta bước vào đời, và giúp chúng ta thành
công trên con đường học vấn. Cha Mẹ, Thầy cô ví như con thuyền đưa
chúng ta đến một thế giới có muôn vì sao lạ, nơi ấy dạy cho chúng ta
những điều hay lẽ phải, một kiến thức vững vàng, một công nghệ tinh
vi, giúp con người đại tân tiến như hôm nay. Thế rồi thời gian trôi
nhanh, ngày lại ngày… trôi qua… tóc Thầy đã điểm sương vì bụi phấn,
mắt đã mờ da đã nhăn, theo từng bài giảng. Thế rồi! sau khi chúng ta
rời khỏi ghế nhà trường, thật sự đi vào đời, cuộc đời có muôn biến
vạn hóa, kẻ được người thua, kẻ mất người còn, như chúng ta hôm nay
có mấy ai còn nhớ về Thầy Cô giáo cũ của mình? Có ai lần tìm về lớp
cũ trường xưa để thăm lại những người Thầy đã từng dạy dỗ, đã từng
hy sinh đã bỏ ra biết bao nhiêu tâm huyết giúp chúng ta trở thành
người hữu ích cho xã hội?
Ai sẽ nhớ những người xưa dạy dỗ
Cho ta,
công thành, danh toại hôm nay
Và những ai? sẽ biết được ơn Thầy
Luôn dạy dỗ dắt dìu trong thương mến!
Nhớ lại ngày xưa, khi
còn bé, tôi là một học trò được Thầy Cô rất thương mến dạy dỗ nên
người và tôi còn được đóng một vai trò người lữ khách được ông lái
đò đưa qua sông, đến bờ, đến bến, nhưng người lái đò không cần lữ
khách quay lại trả ơn, cứ như thế tôi vẫn cứ ung dung đi trên con
đường, mà tôi đã đi suốt ngần ấy năm, dửng dưng không hiểu rằng ở
một nơi nào đó có những tấm lòng, những tình thương cao quý đang chờ
đợi dẫu biết rằng chỉ là một lời thăm hỏi!!! Và ngày nay, cũng bởi
lẽ cái quy luật tuần hoàn, tôi trở lại đóng vai trò một ông lái đò,
tiếp tục đưa khách sang sông, nhưng lại rất mong những người khách,
mà tôi đã đưa sang sông hãy quay trở về bến cũ, vì:
Mỗi năm chỉ có một ngày,
Thầy ơi con nhớ, những lời Thầy trao
Mong rằng trời sáng mau mau
Để con dâng đóa hoa sen cho Thầy
Vâng! Đó là ngày 20
tháng 11 hàng năm, là ngày lễ truyền thống và cũng là một ngày rất
vui trong đời của các Thầy Cô giáo được quây quần cùng với những học
trò đáng yêu của mình. Và cũng trong ngày ấy, tôi muốn các học sinh
phải cảm nhận được cái tình, cái nghĩa của Thầy Cô, cho chúng có
được ngày hôm nay, và cũng để giúp học sinh hiểu ra rằng chúng còn
có những người cha, người mẹ thứ hai luôn luôn thương yêu và dạy dỗ
chúng và chúng phải biết bày tỏ lòng kính trọng biết ơn, không phải
như tôi ngày xưa vô tình không hiểu, và thật sự không hiểu!!!!
Nên hôm nay trong ngày
20 tháng 11, mặc dù chúng em ở rất xa đối với Thầy Cô nhưng chúng
em xin mượn trang Web này để đến gần với Thầy Cô hơn, để nói lên tấm
lòng thương yêu vô bờ bến, mà một khoảng thời gian rất xa, chúng em
không liên lạc được và xin dâng lên Thầy Cô những đóa sen tươi thắm
và trân trọng kính chúc Thầy Cô một ngày Tết Nhà giáo thật vui vẻ và
luôn nhớ về Trung học Kiến Tường có những học trò thân thương luôn
muốn làm người lữ khách quay trở về bến cũ đò xưa.
NGUYỄN THỊ KIM QUYÊN
(Cần Giuộc 20-11-2010)
|
|
Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage |
|