thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Tổng kết hội thi thơ Bút Tre THKT tháng 11-2010

 

Úi cha! Ngô trưởng lão ôi, Đỗ Xanh tôi đâu biết mình phải làm bản tổng kết cho vụ thơ Bút Tre. Chớ dám làm biếng mô. Vậy thôi, Đỗ tôi xin tuân lệnh kẻo trễ.


Nói chung thơ Bút Tre của phe ta có duyên tệ. Như bang ta đã biết, thơ Bút Tre phải có tính cách cộng đồng và phải có hài hước vu vơ, hoặc ít nhiều châm biếm một cái gì đó. Ngôn từ của bang ta gọi là “chọc quê” hay “đạo nổ” đí mà. Sau đây là một số dẫn chứng:

Nhớ xừa em mặc áo vang (vàng)
Nên tôi e ngại giá vàng tăng cao

(Ngô Vàng)


Tác giả mỉa mai những ai quá thực tế đến mức thô lậu không còn thấy vẻ đẹp của người yêu, khi mặc áo… mắc tiền. Hoặc ngược lại, tác giả châm biếm những anh chàng quá lãng mạn đến quên thực tại. Xin hỏi thật tác giả, cái gã “tôi” trong bài thơ có phải là Ngô Vàng không? Nếu mặc áo nào cũng khiến “tôi” e ngai về giá cả, vậy bòn chỉ còn nước cởi trần.

 

Nhong nhong chuột túi Doanh Môn
Thân ở bên Úc mà hôn Kiến Tường! (hồn)

(Nguyễn Văn Hòa)

Bài thơ này có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất nói về con chuột túi có cái đuôi ở bên Úc mà môi nó chĩa sang tận Kiến Tường để hôn thầy Hòa. Nghĩa thứ hai là thầy Doanh Môn có tài xuất hồn. Thân ông vẫn cưỡi con chuột túi, rung đùi thu thuế thiên hạ, nhưng hồn ông lại vẩn vơ ở Kiến Tường.

Tôi dân xứ Mộc Hóa quê
Mùa nên ít dịp đi về Sài Gon (Sài Gòn)

(Phạm Văn Định)


Lại “tôi” nữa. Gã “tôi” này thú tội rằng mình quê mùa vì ở Mộc Hóa. Vậy suy ra bất cứ ai ở Mộc Hóa đều là dân quê mùa ráo trọi. Chữ “quê mùa” bị ngắt ngang khiến chữ “mùa” trở thành lơ lửng. Ngẫm ra mới biết có hai sự kiện. “Quê” là phèn; “mùa” là mùa nước nổi, tức lụt lội. Câu thơ chọc quê dân Mộc Hóa vì không biết đi Sàigòn để làm gì, nên không đi.

Tuy nhiên thơ Bút Tre của phe ta rất ít, chúng ta thiên về thơ Bút Tràm nhiều hơn. Bút Tràm là thơ Bút Tre cải biên, một loại thơ đặc thù chỉ có ở THKT. Gọi là Bút Tràm, vì Kiến Tưong là xứ tràm, khi ảnh hưởng của thơ chỉ hạn chế trong nội bộ gia đình THKT. Trong khi đó Bút Tre đòi hỏi một cộng đồng rộng lớn hơn và một tầm nhìn tổng quát hơn.

Em tôi bút hiệu là Thuy (Thụy)
Vi vu viết truyện có khi vẽ trành (tranh).

(Ngô Vàng)


Câu thơ này quá hay nhưng có tính cách cá nhân. Tương tự như vậy, xin diểm qua vài câu thơ sau:

Cà ngơ cà ngất trên MÂY
HỒNG nhan cải số là đây VÂN HỒNG

(Trần Ngọc Bách)


Người con gái này có tâm hồn cứ như đặt trên mây, vì vậy đi đứng như người bị xỉn. Nếu cuộc đời cô cũng như thế thì âu cũng là cái số. Không lẽ tên thế nào thì người thế ấy. Không tin!

Ai trông giống giống chàng NGÔ
VÀNG không đem cất lại cho ra... đồng

(Trần Ngọc Bách)

Không ai nín cười được khi đọc câu thơ trên của "già" Bách. Câu thứ hai có vẻ hơi “ấy”, nhưng chàng Ngô không thể bắt lỗi được. Tác giả nói “Ai trông giống giống” chứ có nói chàng Ngô đâu. Từ trước đến nay (và có lẽ trong tương lai), Ngô Vàng là người bị chọc ghẹo nhiều nhất. Tại sao vậy? Phạm Văn Định đã tìm ra nguyên do:

Học sinh rất thích thầy Ngô
Bảo Toàn kể chuyện hơi "nồ" nhưng hay (nổ).

(Phạm Văn Định)

Và thêm một câu nữa cũng dùng thể thức trên nhưng theo điệu kể chuyện:

Vào web thấy lại thầy ĐÔ (ĐỖ)
TRANG là thầy cũ, THỦY cô vợ thầy
Gia đình đang sống phây phây
Yêu Râu (Elk Grove) là hạt, Calì (California) là bang

(Lê Thành Sử)

Bài thơ này phải đọc đến lần thứ hai, hài tính của nó mới lộ ra. Đang khi Đỗ Xanh tôi run lập cập vì giá lạnh mùa Thu thì tác giả nói “sống phây phây”. Phây phây gì mà xương cốt sụm ba chè, răng đập vào nhau lập cập đến nỗi Elk Grove mà đọc ngọng thành “Yêu Râu”. Quê độ.

Nói tới thơ không thể không nói tới Kiến Đen. Ông ta có cả một chòi thơ hoành tráng cơ mà. Thơ kiểu nào ông ta cũng chơi được. Với Bút Tre, Kiến Đen tòi ra một quái chiêu gọi là dị thơ. Nó vừa lạ, vừa làm người đọc nhức đầu:

Lắm Ku em thích hơn nhiều
Một Ku em cứ phải khều hỏi cu (cụ)...
Nào ngờ cụ lại ĐộcKu
Một mình em biết mấy Ku cho vừa..

(Kiến Đen)

Ai cũng thấy bài thơ rất độc đáo. Cả bài chỗ nào cũng thấy ku và cu, nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Có điều lối chơi chữ này chỉ những ai theo dõi về những gì đã xảy ra xung quanh thơ Haiku của gia đình THKT mới thấy nó hay. Độc!

Bang chúng ta còn một loại thơ Bút Tre cải biên nữa gọi là thơ Bút Bi. Là học trò ai cũng biết nếu dùng cây viết thường, viết một chút là hết mực. Trái lại muốn cho cây viết bi hết mực thì phải viết đặc kịt mấy trang sách họa may nó mới hết mực. Nếu ai đó dùng viết bi mà mần thơ Bút Tre, quí bạn đoán xem bài thơ sẽ dài đến cỡ nào. Hỏng! (Xin lỗi Ngô Vàng và Kiến Đen, Đỗ tôi không ám chỉ hai người đâu à nhe.)

Kết luận: Đỗ Xanh tôi trước khi tuyên bố giải nhất cuộc thi thơ Bút Tre, xin có câu hỏi:
“Thưa các thi sĩ, từ xưa tới nay có ai thấy thơ thiên hạ hay hơn thơ mình chưa?”


Bởi vậy, bây giờ làng ta có dịch, ai cũng thấy mình là dị nhân độc cô cầu bại. Ai cũng len lén đứng trước gương vái bóng mình. Có người một ngày vái mình tới 10 lần và cứ tủm tỉm cười khoái chí. Tâm hồn cứ như lơ lửng đi trên mây. Vậy Đỗ Xanh tôi xin long trọng tuyên cha (bố), “Xin các dị nhân tự khen mình đi là vừa. Mỗi vị đều là hạng nhất. Dĩ nhiên bà xã mình đồng ý. Rất xứng đáng!”.


(Đỗ tôi nói xong, móc túi, quẳng hằng tá bút xuống đất, rồi nhảy tòm xuống Động Đình Hồ lặn một hơi mất tăm. Đỗ nghe thoang thoảng trên bờ có tiếng la “Giám khảo dởm. Thơ của người ta hay như vầy mà xếp đồng hạng.”)
 

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove 30-11-2010)

 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage