thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Thư xin ý kiến Ngô Nguyên soái

 

Kính gửi: Thầy Ngô

Thỉnh thoảng tôi cũng xem lại các bài thơ mình đã đăng trên trang Web THKT, không phải là để tự khen và tìm chỗ để lạy mình như thầy Ngô nói, mà để xem hơi hướng thơ mình có còn “chánh niệm” hay không. Nay tôi bỗng giật mình, sao lúc này mình làm nhiều thơ theo kiểu “Hậu Hồ Xuân Hương”quá.


Bắt đầu từ lúc nào vậy ta?


Đây rồi!
Từ sau bài Nhìn thấy.


Thường khi gửi e-mail bài viết thì Kiến Đen đăng nguyên xi, nhưng hôm ấy vì tôi đọc thơ qua điện thoại nên Kiến lại có cơ hội góp ý; xin sửa lại 8 câu này:


Thôi hoài công tìm kiếm
Cuộc sống vốn nhiệm mầu
Cảm ơn người tri kỷ
Kiếp này may có nhau
Nhắm mắt khép mi lại
Vẫn nhìn thấu tận cùng
Trăm năm đời hữu hạn
Ngàn năm chữ sắc –không


Đoạn thơ rầt “Thiền” như vậy mà Kiến Đen nỡ lòng đề nghị sửa lại như thế này:


Thôi hoài công tìm kiếm
Ăn nhậu chuyện muôn màu
Ta vào quán Tri kỷ
Gắp thịt rắn cho nhau.
Nhắm mắt tắt đèn hết
Cũng thấy đến tận cùng
Một trăm boa cũng ít
Vài triệu mất như không!


Tôi biết quán Tri Kỷ bán thức ăn ngon và nghiêm chỉnh, không phải boa gì cả vậy thì sau đó vô chỗ nào u tối rồi. Bởi vì sau đó thơ tôi có thêm câu:


Bếp hồng gần tắt than càng đượm
Bỏ kiếm buông gươm tiếc lắm thay


Rồi: xin thuốc dâm dương hoắc; rồi càng lúc càng leo thang: đòi theo ma đi ăn cỗ...


Ăn cỗ theo ma ai biết được
Xếp gọn kệ kinh một lúc thôi.


May mà lúc ấy còn biết xếp gọn kệ kinh môt lúc, nếu mà "bỏ hết kệ kinh vui với đời” thì chùa THKT này ai giữ?


Vì vậy tôi xin hỏi ý kiến thầy Ngô (và các bạn thơ): tôi có nên kiện Kiến Đen vì đã làm chuyển hướng thơ của một nhân tài còn nằm trong lá ủ hay không?Tôi phân vân lắm không biết sắp tới sẽ mần thơ theo kiểu nào đây?


Thầy Ngô nên trung gian hòa giải giùm, và nói trước, ai thắng thua gì thì Kiến Đen cũng phải dẫn đến quán Tri Kỷ hết, vì:
Nếu Kiến Đen thắng tức là chuyện đi quán Tri Kỷ là đúng: Kiến Đen đã đề nghị nên phải chung độ.
Nếu Kiến Đen thua kiện, chiếu theo luật của hội đồng xét xử và bên nguyên: Kiến Đen chung độ.


Dù sao ta cũng sẽ có cơ hội vào quán Tri Kỷ.



NGUYỄN VĂN HÒA

(TP.HCM 2-12-2010)

 


 

KIẾN ĐEN: Ông bà mình dạy rằng: thơ là người. Chỉ tại ai đó bị ức chế, ấm ức cái gì đó, chưa thỏa mãn cái gì đó nên mới khoái nói tới cái gì đó!

Nhưng cái mà:

 

Muốn vô Tri Kỷ cứ la

Cớ chi kiếm chuyện kiện ra tới tòa

Ông tòa cạp bắp xuýt xoa

Chay hoài thèm mặn cho ta đi cùng...

 

 

 

TƯ VĂN HỒI ĐÁP CỦA NGÔ NGUYÊN SOÁI

 

Kính gửi thầy Nguyễn Văn Hòa [nguyên đơn] và Kiến Đen [bị đơn]

 

Hôm nay ngày ấy tháng 12 năm 20+một nửa tại Tân An thành.

Xét trình tự theo vụ việc, Ngô Nguyên soái tôi có một vài ý kiến như sau:

 

1.Về nguyên đơn:

 

- Đơn đề nghị của nguyên đơn Hòa Văn Nguyễn được khẩn cấp chuyển đến bổn tòa là chính xác, đúng chỗ và đúng giờ Vàng… đạo. Nhưng bổn tòa đây được thần Kim Qui phó thác chức năng làm việc chỉ có Yes hay No: Chém hay Tha, chứ không được giảng huề [kiêng úy tên nguyên đơn!] Vì vậy nguyên đơn Hòa nên suy nghĩ thật kỹ-lưỡng-tính trước khi nộp đơn phát-kiện-hàng [Hình như thuật ngữ: kỹ lưỡng và phát kiện vừa dùng có gì đó hơi không ổn? Có thể bổn tòa quá phấn khích vì có thêm một con nai vàng tự giác nộp mạng mà dùng… ló ngữ chăng ta?!]

 

- Bản thân nguyên đơn Hòa có tiền sử bệnh dư máu văn nghệ, cho nên ý thơ được quyền phóng túng khi tới thời kỳ mãn… gò ép trong khuôn khổ Thiền thơ. Dẫn chứng là Nguyên soái tôi đã từng đọc một chuyện ngắn kể về nỗi khắc khoải của một ni cô và lời phều phào trối trăng cuối cùng chỉ đơn giản ba chữ:... nước mắm nhĩ...!

 

- Cho bổn tòa hỏi nhỏ một câu “ngoài luồng”: Phải chăng cái tên cha sanh mẹ đẻ đã vận vào cuộc đời nguyên đơn, nên làm cái gì nguyên đơn cũng đều huề vốn, chỉ muốn và chỉ có thể ở mức lình bình, dập dình như lục bình trôi, không thể dứt điểm hay tới bến được? Nếu vậy thì bổn tòa buộc lòng phải chấp nhận lời tự biện hộ của bị đơn rằng: “Chỉ tại ai đó bị ức chế, ấm ức cái gì đó, chưa thỏa mãn cái gì đó nên mới khoái nói tới cái gì đó!” Không những vậy, trong một phút fairplay – thanh liêm hiếm hoi, bổn tòa phải biểu dương bị đơn có lòng tôn sư trọng đạo, hiểu biết tới tận tâm can thầy mình và có lòng với thầy mình.

 

2. Về bị đơn:

 

- Bị đơn Kiến Đen có lỗi trong việc tài lanh muốn sửa chữa thơ của người khác [mặc dù ý thơ đề xuất "ngay chóc tim đen" khổ chủ]. Nhưng lỗi này cũng không thể bắt bẻ Kiến Đen được vì vị thuốc Dâm diêm hoắc không phải duy nhất điều trị bệnh thiếu tố chất "ấy" mà còn là chủ trị bệnh phong tê thấp, làm mạnh gân xương, trị đau thắt lưng, chữa thiếu máu nữa. Kiến Đen thương thầy mình nhiều tuổi nên nói giúp thôi hóa ra "làm ơn mắc vạ"! [Kề tai hỏi nhỏ Võ Xuân Sơn lang y: Đệ nói vậy chứ có phải vậy không thưa thầy? Nguyên soái tôi bít cửa chạy tội cho tiểu đệ nhà mình nên nói đại để… ép thầy Hòa vậy mà!]

 

- Trong đơn, thầy Hòa cũng xác nhận rằng ở quán Tri Kỷ không có gì hết. Như vậy Kiến Đen đưa thầy tới quán Tri Kỷ cũng hỗng có gì hết. Suy ra, cái “tăng hai” [mà thầy Hòa gọi là “cái sau đó”] là do nguyên đơn “con ong đã tỏ đường đi lối về” quen chân tìm tới sau khi đã sương sương mớ rượu mãng xà huyết! [Cái này… e hèm… nguyên đơn ới ời…. “Đi đâu cho tớ theo cùng. Tiền boa tớ chịu, có khùng tớ cam."]

 

3. Nghị án:

 

- Quán đặc sản rắn Tri Kỷ: không hề có thực đơn Gà móng đỏ [loài gà có tiếng gáy đặc biệt chỉ ở nơi mờ mờ ảo ảo và tiếng gáy cũng hơi lạ tai: bò.bó.bo...bo.!] Điểm này thầy Hòa đúng chóc bà lang trọc vì ngày xưa lắm, Nguyên soái tôi có cùng người Răng khểnh đến quán đặc sản rắn này để cùng nhau thưởng thức món… bò bít tết!

 

4. Kết luận:

 

Theo nhận định được căn cứ từ nhiều phía, bổn tòa có thấy vầy nè:

- Cả hai bên nguyên và bị đều trúng hết trơn hết trợi [kị úy thầy Trọi].

 

5. Phán quyết:

 

- Hai bên đồng chịu "Tri kỷ phí" cho toàn thể thành viên THKT. Thời hạn thi hành án do thầy Bao cong cong Lê Công Phúc tuyên.

Nay có vài lời đến thầy Hòa, chúc thầy luôn sung độ để có sức mà hùng hục làm…thơ…tình thiệt hay để phu nhân Ngọc Thủy luôn khen ngợi.

 

Phiên tòa bế mạc trong không khí: Ô, quá xá là vui… ta lại sắp được ngả mặn!

 

Bổn tòa ấn ký

 

NGÔ BẢO TOÀN sao lục

(Tân An 2-12-2010)

 

 

 

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage