thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

TỔNG KẾT THƠ THKT 2010

 

Tình người trong Vườn thơ THKT

 

Vườn Thơ THKT đóng góp cho thi ca THKT rất nhiều thông tin theo mùa rất rôm rả.

 

Cuối năm nếu không tổng kết thì e là một điều thiếu sót, người thơ thường lơ lửng trên mây và chỉ cần có “tri âm tri kỷ” không yêu cầu có bằng khen - tưởng lệ. Vì vậy, tuy không được đề cử làm ban giám khảo, nhưng tôi cũng xin cố gắng nêu lên những tiêu biểu, tham vọng “mua vui cũng được một vài trống canh”.

 

 

Thả hồn vào thi ca, chúng ta ít nhiều cũng gửi gắm tâm sự vào trong đó. Với hơn 220 bài thơ, và sự góp mặt của ngoài 20 tác giả nói lên khả năng và tình cảm tràn trề của người viết. Về hình thức đủ mọi thể loại như  thơ Đường, thơ lục bát, thơ mới, thơ Haiku, thơ Bút Tre…

 

Về nội dung Thơ là tâm huyết  của người viết, dù đang tại quê hương hay nơi xa xứ thì tấm lòng đau đáu nhớ về nhau, nhớ quê hương, nhớ Kiến Tường, nhớ trường xưa, nhớ những mối tình thời son trẻ… trăm nỗi nhớ cứ tuôn trào, dẫn ta vào nhiều niềm vui lẫn nỗi buồn miên man, trăn trở về kiếp người.

 

Không phân biệt là ở xa hay gần, đã nhớ thì cái cảm giác cô đơn lạc loài luôn là đề tài phong phú nhưng lại làm cho ta xao xuyến.

Bắt đầu từ nỗi buồn ở nơi chân trời xa thẳm:

Tưởng mình nát mục nơi viễn xứ
Bạn cũ trò xưa vọng Kiến Tường

(Cảm Xuân - Đỗ Ngọc Trang)

 

Và nửa bên này Trái đất:

Ở cái tuổi thường đắm chìm hoài niệm

Nhớ về nhau trong cảm xúc vô thường

(Bạn xưa – Phạm Hồng Phước)

 

May thay nhờ những thông tin ban đầu và bằng phương tiện hiên đại, thầy trò đã bắt được liên lạc từ ấy có nhau:

Cũng may đời còn có cái computer
Thầy trò mình cột nhau bằng sợi dây Internet
Cách một đại dương mà như nhà liền vách

(Tự sự cuối Đông - P.H. Phước)

 

Nối được tin nhau rồi niềm tin vào cuộc sống, tương lai được củng cố, tốt đẹp hơn :

Dẫu rằng có những cơn mưa

Trôi đi tất cả vẫn chừa niềm tin

(Muộn mà không muộn – Nguyễn Thị Quyến)

 

Và:

Sáng lên trăng
Để thêm hồng nhiệt huyết
Dù thời gian
Giục tắt lửa thanh xuân
.

(Sáng trăng – Nguyễn Xuân Kỳ)   

 

 

Vì nỗi nhớ da diết mấy mươi năm, nhớ về vùng đất cằn mà ân tình sâu nặng.

 

Nhớ Kiến Tường là nhớ những cánh đồng mùa khô nứt nẻ, nhớ mùa nước nổi cánh đồng khô bây giờ mênh mông như biển cả:

- Nhớ da diết những ngày xa xôi lắm
Khi mùa nước về phố chợ biến thành sông
Nhớ những ngày mưa ngập trắng cánh đồng
Nhớ lá me bay trên sân trường mùa Hạ

(Cảm nghĩ trước ngày họp mặt - Nguyễn Văn Hòa)

 

- Sao thể quên những chuyến đi bó gối

Tắc ráng lao giữa trời nước mênh mông

Dân thị thành nếm mùi mùa nước nổi

Học cơi sàn, học giăng lưới, chống xuồng

(Ngày gặp lại – P.H. Phước)

 

- Học trò dăm đứa mùa nước nổi

Thầy ngồi bó gối ngó mông lung

Kiến Tường mùa nước buồn khôn xiết

Nước và trời - thị trấn mênh mông...

(Nhớ - nh.Seattle)

 

Người học trò thì có nhiều lý do để nhớ:

Ta nhớ trường bởi trường là nguồn cội

Ta nhớ em bởi em mối tình đầu

Trường và em trong nỗi nhớ đằm sâu

Như hơi thở ngày nào ta còn sống!

(Nhớ - P.H. Phước)

 

Nhớ mùa nước nổi ở Mộc Hóa có người lại nhớ về đặc sản với tinh thần “ăn uống” nhưng cũng rất nên thơ:

- Lũ về bông súng đầy đồng
Vàng bông điên điển xen hồng hoa sen

Lũ về đem cá linh lên
Canh chua bông súng thêm bông điển vàng

(Quê tôi mùa nước lũ - Nguyễn Thị Xuyến)

 

hay :

- Bữa cơm toàn thấy cá linh

Canh chua bông súng, bạn mình kho tương

Bắc Chan rượu đế sương sương

Lấy thêm can đảm vấn vương áo dài.

(Về thăm xóm Cá Rô – P.H. Phước)

 

Thầy thì có nhiều điều khác để nhớ: ra quán cafê Năm Chuột:

SÁNG
Sáng ra chợ Kiến Tường
Nhâm nhi ly cà phê kho - dở ẹt 

TRƯA
Trưa lên lớp - những học trò rất ngoan
Lòng chợt vui chăm chút nợ ân tình

(Một ngày ở Kiến Tường – nh.Seattle)

 

Một cảnh dễ thương khác biệt là học trò đang đi học mà phải bỏ học lập gia đình (sớm):

Mùa nước tháng mười - nước trời hòa quyện
cô gái mảnh mai chống chỏi thuyền đời
tôi làm ông giáo
đứa học trò vùng xa - cưới vợ năm rồi
cô học trò buồn thiu - năm cuối cùng đi học
mẹ bắt ở nhà - đám hỏi sang năm!

(Nỗi nhớ - nh.Seattle)

 

Hình như nước ngập luôn là kỷ niệm và nỗi ám ảnh của mọi người khi nhớ về Kiến Tường, nước ngập không đi đâu được, đành ngồi bó gối than thở:

Nước dâng mấp mé bờ tường

Ngó con cá lội mà thương thân mình

Thầy ngồi bó gối làm thinh

Thương mình thì ít, học sinh thương nhiều

Nửa khuya sấm dậy gió lùa

Nước lên cả tấc nhìn mưa phát rầu

(Mùa nước nổi - P.H. Phước)

 

Khi nhớ quê thì mùa nào, cảnh nào cũng gợi trong lòng ta niềm khắc khoải nhớ nhung:

Tôi nhớ quê tôi bao mái tranh,
có sông Vàm Cỏ nước trong lành
có hàng phượng vĩ um tùm lá
che rợp sân trường buổi nắng hanh

(Nhớ quê - Nguyễn Văn Yêm)

 

Ở bên Úc, ngắm cảnh đẹp xứ người càng thêm nỗi nhớ:

Chiều nhìn núi Brindabella,
Trời xanh, mây trắng thật bao la! 
Chim bay về tổ tìm hơi ấm,

Riêng ta vẫn lạnh chốn phương xa!

(Chiều thu nhìn núi Brindabella - Chạnh nhớ quê nhà - Phạm Doanh Môn)

 

Ở bên Mỹ:

Thu về miền New England
Rừng sồi giờ nhuộm đỏ
Lá phong vàng rực rỡ
Bầy nai vàng lang thang

Ôi mùa thu sắc màu
Dù ở tận phương nào
Ngắm mùa thu viễn xứ
(Gợi nhớ mùa thu xưa – Ng.T. Xuyến)

 

 

Dù xa hay gần, hình ảnh mái trường luôn gợi cho thi nhân nhiều kỷ niệm có khi đơn sơ nhưng khó quên:

Trường người ta đỏ rực màu phượng vĩ

Trường ta đây xanh mát bóng me tây

(Nhớ hàng me tây - P.H. Phước)

 

Các anh chàng thi sĩ học sinh, khi tập tành yêu đương thì hay thương về tà áo trắng của ai đó, cho dù đang chuẩn bị vào mùa thi:

Tan trường đường trắng áo dài

Ta vào Núi Đất ôn bài mùa thi

Xưa em vào độ xuân thì

Mắt môi con gái ta đi sao đành

(Nỗi hoài nhớ nhau - P.H. Phước)

 

Chàng thi sĩ này lại viết bài “thay lời muốn nói” cho người khác khi nhớ về tà áo xanh:

Nhớ ai một thuở Kiến Tường

Áo dài xanh lá sân trường vấn vương

Có người cách một đại dương

Nửa đêm thức giấc lòng tương tư sầu

(Lưu bút - P.H. Phước)

 

Núi Đất một nơi  mà ai đã sống ở Mộc Hóa hay xa rồi ai cũng ghi khắc kỷ niệm:

Qua cầu Núi Đất lang thang,
Tên em còn đó trên hàng cây xanh.

(Một thời Mộc Hóa – Bùi Trung Tính)

 

Hay:

- Con đường ấy loanh quanh trong tiềm thức,
Mỗi bước đi như gợi nhớ ngày xưa…

(Mơ về thăm trường xưa - Ng.T. Quyến)

 

- Cho dù nếm trải nhiều mùa

Làm sao quên được mùa xưa Kiến Tường…

(Mùa Xưa - P.H. Phước) 

 

 

Cho nên: “quên thì khó mà quên - nhớ thì lòng luôn nhớ” bắt đầu nhớ đến người xưa:
Mơ màng chuyện mấy mươi năm
tôi xứ người lang bạt
em quê nhà lênh đênh
nhớ thôi, gặp gỡ làm gì...
quên thôi, như mộng mị

(Lang thang trên Net -  nh.Seattle)

 

Nhớ quá nâng nỗi nhớ lên thành huyền thoại (hay giai thoại):

Ngọc ngà châu báu nào đâu sánh

Trang sách cổ văn gối đầu giường

Bích hổ du tường buồn tặc lưỡi

Thủy chung tấm áo vọng người thương!

(Chút hương tình yêu - P.H. Phước)

 

Gặp nhau rồi mỗi người thương một cách:

Mấy mươi năm gặp lại

Hết rồi tuổi trăng sao

Nhưng trái tim còn mãi

Cung bậc xa xưa nào

(Không đề 2 – Nguyễn Thị Vân Hồng)

 

Nhớ mà được về thăm rồi từ giã cũng buồn:

Trần gian mấy chốc vui buồn
Đời ta được mấy yêu thương sum vầy,

(Lối xưa – Ng.V. Hòa)

 

Không buồn sao được khi nhìn lại dáng người thân yêu xưa:

Phong sương giờ đã dãi dầu
Tóc mây nay đã nhuộm màu thời gian
Nhìn em giây phút ngỡ ngàng
Vầng trăng năm cũ úa tàn vì đâu?

(Không đề - Ng.V. Hòa)

 

Người không về thăm được càng buồn hơn nên viết thơ tạ lỗi:

Ta lỗi hẹn cũng buồn
Nước rồi sẽ về nguồn
Ta hẹn hò một bận
Tóc chảy dài vai suông

(Tạ lỗi - nh.Seatttle)

 

Ở tận bên Mỹ không có tri âm kế bên thì ngồi một mình:

Sáng Chủ nhật uống trà

Vùng kỷ niệm nhạt nhòa

Nhớ nhau thì nhớ vậy

Nửa vòng trời cách xa...

(Sáng Chủ nhật uống trà - nh.Seattle)

 

Ở Việt Nam cũng ngồi, nhưng may mắn hơn có thể gọi thêm vài người thân cùng uống cafê:

Chưa gặp nhớ in ít
Gặp lại nhớ quá chừng
Con tim già thin thít
Huyết áp nhảy tưng tưng

(Đầu tuần uống Café - P.H. Phước)

 

Uống trà, cafê chưa đủ “ép-phê” bèn uống rượu xem có “xi-nhê”gì không, uống rượu một mình mới càng thấm thía:

Chiều cuối đông một mình ta uống rượu
trút nồng cay vời vợi những đêm sâu
độc phá tình sầu duy-hữu-tửu
(Độc ẩm chiều đông - nh.Seattle)

 

Nhưng chắc chỉ là “sầu thêm sầu” mà thôi!

Nhớ thì nhớ nhiều thứ, nhớ nhiều người, trong đó khó chịu nhất là cái gã “cố nhân”:

- Em một thuở, còn hồn ta muôn thuở
Hắt hiu buồn ru mãi cõi trăm năm

(Nền cũ – B.Trg. Tính)

 

- Ta - em đằm thắm chưa trao
Nửa thương nửa nhớ, nửa nao nao buồn...

(Một thuở -B.Trg. Tính)

 

- Tôi không dám ví tình anh như mây trắng...

Trôi bồng bềnh như nghiệp dĩ anh mang

Tôi chỉ mong một hạnh phúc... yên hàn ...

Để thông đó không khóc thầm... mây trôi mãi...

 

Và:

-Thời gian như dòng suối
Cuốn trôi thật vô tình
Nhưng em thì không thể
Nước mắt... ngược vào tim.
(Giọt buồn Tháng 7- Trần Thị Thanh Nguyên)

 

Có khi nhớ người xưa nhẹ nhàng hơn một chút:

Nắng xứ người gay gắt
Lạnh đất lạ buốt lòng
Nợ áo cơm còn nặng
Tình ngỡ đã phôi pha
(Phôi pha - nh.Seattle)

 

 

Lúc này thì sự đấu tranh của sự quên và nhớ, yêu thương tiếc nuối, gặp lại hay nên vĩnh viễn giã từ trở nên quyết liệt:

- Cần lắm không? Chút lửa khi đông về...

Chút kỷ niệm dẫu một thời trong ký ức

Một chút tình dẫu đã phôi pha

(Tự tình mùa đông -  T.T. Thanh Nguyên)

 

- Mong manh Ngày nắng Đêm sương
Chắt chiu Chút mộng Bình thường Cho nhau
Xin đừng Chạm đến Nỗi đau
Để tôi Ôm trọn Chiêm bao Vào lòng…
(Mong manh – Ng.T. Vân Hồng)

 

Cái gã cố nhân cứ đeo đuổi mãi, tuy mong manh nhưng muốn dứt ra mà chẳng dễ dàng gì

Yêu thương cũ bây giờ mong manh lắm

Như hoàng hôn đọng giọt nắng tơ vàng

 

Năn nỉ “thôi chia tay” cũng phải lựa lời nửa nhớ nửa quên:

Xin để lại đêm dài không mộng mị

Xin chiều về không còn chút vấn vương

(Giã từ - Ng.V. Hòa)

 

Trong khi năm hết Tết đến, gã Cố nhân chiếm diễn đàn khá lâu, cho đến khi bị ra lệnh đột ngột:

Đành thôi phong kín con tim lại

- Ngưng!

(Gửi cố nhân 2 – Ng.V. Hòa)

 

Vậy mà vẫn ráng làm người ta nhói đau lần cuối:

“Vẫn nghe lỗi một nhịp tim nhớ người”.

(Cuối năm – P.H. Phước)

 

Trở lại cuộc sống bình thường công việc và trách nhiệm của người thầy thuốc:

Giúp đời đâu kể chi gian khó
Độ thế không lo tuổi đã già

(Thơ Đường – Võ Xuân Sơn)

 

Và nghĩ đến trách nhiệm của người thầy trước tương lai, của những người học trò đã từng yêu và từng sống trong gia đình THKT:

“Chắp cánh ước mơ, cho đàn em đang cắp sách ngây thơ”.


 Chúng ta đã và đang chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp:

Khơi niềm hy vọng, giúp bao cảnh đời đã gặp điều nghiệt ngã”.

 

Ta đã làm điều đó bởi nhận thức sâu sắc về tình yêu, tình người, và sự hiện diện của mình trong vũ trụ bao la:

Kiếp nhân sinh vốn dĩ vô thường
Mà sao tưởng vĩnh hằng muôn thuở

(Mộng Huyễn – Jack Nguyễn)

 

Cuối cùng sẽ còn lại gì khi hầu hết chúng ta đã đi quá nửa cuộc đời; một chút suy tư trăn trở vì cuộc đời quá ngắn:

Ta đến rồi đi, thoảng chút dư hương,
rồi tan biến theo giông bão một đời người.
Bạn xa rồi khuất, chìm trong khói sương,
sẽ mờ nhòa trong gió mưa vật vã.

(Bài Phú 26-6 – Ng.V. Hòa)

 

Biết bao nhiêu suy tư trăn trở lại về khi một năm nữa đã trôi qua nhanh và một năm mới sắp đến. Đêm buồn nghĩ ngợi mông lung:

Sao rơi nơi xa xăm

Ước nguyện chưa kịp thành

Thương thêm sợi tóc bạc

Nỗi buồn cứ loanh quanh.

(Vọng Xuân – Ng.V. Hòa)

 

Chúng ta đã đi được một chặng đường trong hành trình bao la của kiếp nhân sinh, vui và buồn, thương yêu và nhung nhớ, gần và xa, chia ly và tái ngộ.  Chúng ta hãnh diện và hạnh phúc vì:

Ngôi trường ta số một ở trên đời
Xưa chung nhau quãng đời đẹp nhất

Giờ chia nhau những tháng ngày còn lại
(Chuyện chỉ có ở Kiến Tường – P.H. Phước)

 

Xin chúc một năm mới AN KHANG THỊNH VƯỢNG.

 

NGUYỄN VĂN HÒA

(TP.HCM 31-12-2010)

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage