NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN CỎ HOA
Hoa lan: Vương giả chi hoa
Phong lan là một loài hoa được mệnh danh “Vương
giả chi hoa”. Loài hoa vương giả vì vẻ đẹp hoàn mỹ và cũng vì
là loài hoa quí hiếm. Hơn nữa do ngày xưa hoa lan chỉ có trong các
vườn Thượng uyển của vua và các quan, nên là hoa của các bậc
vương giả.
Ngày nay nhờ khoa học kỹ thuật phát triển,
người ta đã nhân giống bằng nhiều cách, khiến cho cây lan đã rất phổ
biến; tất cả đều được sản xuất trong môi trường lý tưởng, trong
phòng thí nghiệm; trong đó cách gieo hạt (nhân giống hữu tính) và
cấy mô (nhân giống vô tính) để cho ra hàng triệu cây trong một thời
gian ngắn. Ngành trồng hoa lan đã biến thành một ngành nông nghiệp
phát triển thu lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Các nước
chung quanh ta, đứng đầu là Thái Lan, rồi đến Singapore, gần đây còn
có thêm Malaysia là những nước chia nhau thị phần lớn nhất về hoa
lan trên thị trường thế giới.
Ở Thái Lan nhiều khu vực nông dân trồng hoa lan
rộng lớn và dễ dàng như chúng ta trồng lúa, và đặc biệt họ làm hết
tất cả các công đoạn, gieo cấy mô, trồng thành vườn, và tiêu thụ
(xuất khẩu).
Ở Việt Nam, ngành nuôi trồng hoa lan tuy mới
phát triển, nhưng cũng đã có rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp thành
công, tài sản được định giá vài chục tỉ đồng. Nếu chúng ta có phương
án đúng đắn thì ngành nông nghiệp trồng hoa sẽ hứa hẹn một tương lai
sáng sủa cho “nông dân trí thức”.
Khi chưa làm quen và tiếp cận loài hoa này có
thể bạn sẽ thờ ơ, nghĩ rằng hoa nào cũng là hoa đẹp, nhưng khi quen
biết rồi thì bạn sẽ bị thu hút về vẻ đẹp đặc trưng, bền bỉ, thiên
hình vạn trạng của hoa lan. Hoa lan trở thành là loài hoa quý ngoài
vẻ đẹp kiêu sa rực rỡ, “hương sắc vẹn toàn”, còn có một đặc tính nổi
bật nhất là đời sống của mỗi đóa hoa rất bền, không phải “sớm nở tối
tàn”. Thông thường một nụ hoa từ ngày nở đến ngày tàn khoảng hơn 10
ngày, và một cành hoa, gồm nhiều nụ tiếp nối nhau sẽ khoe sắc đẹp
đến hàng tháng.
Trong bài viết ngắn này, tôi không có tham vọng
viết như một nhà nghiên cứu, vì sách viết về hoa lan đã có rất
nhiều, các chuyên gia viết dài vì phải đi sâu chuyên môn. Tôi chỉ
xin có đôi nét, chủ yếu là giới thiệu cho các bạn mới làm quen với
việc trồng hoa lan hay chưa biết gì nhiều ngoài việc thấy và “cảm”
được vẻ đẹp mỹ miều của nàng hoa cành vàng lá ngọc này.
Để các bạn dễ tiếp cận tôi xin bắt đầu bằng
việc phân loại cây lan.
Cây lan mang họ Orchid, thuộc thân thảo.
Ngoài nguồn gốc là lan rừng thì nhóm lan lai
tạo hoặc cấy mô chiếm đến 90% số cây lan bạn thấy trên thị trường.
1. Phân loại theo “phong cách sống”. Lan chia
thành hai nhóm:
- Nhóm Phong lan: phát triển và bám trên
một giá thể khác như trên một nhánh cây ở trong rừng, nhưng KHÔNG
phải bám để hút chất dinh dưỡng của cây chủ như cây chùm gửi. Vì vậy
bạn cũng sẽ không ngạc nhiên khi thấy các giá thể mà cây lan bám vào
có thể là một cành cây khô, một giò lan trong chậu sành chứa than
củi, hay giá thể là “mốp xốp”, nói chung là bất cứ thừ gì giữ được
độ ẩm.
- Nhóm Địa lan: sống trên lớp cây lá mục
trên mặt đất trong rừng.
Tất cả các cây lan có khả năng hấp thu mạnh
chất dinh dưỡng qua lá (và tất nhiên qua rễ). Chất dinh dưỡng cây
lan tổng hợp được cung cấp từ thiên nhiên hoặc do ta bón phân tiếp
sức cho cây.
2. Phân loại theo hình “hình dạng” và đặc tính,
cách phát triển cây nhánh. Ta cũng chia chúng ra hai nhóm:
- Nhóm đơn thân: cây chỉ có một thân
thẳng ít ra nhánh (chỉ ra nhánh khi trên ngọn có “vấn đề” hay cây
quá “sung”hoặc đạt được độ cao vài ba mét. Loại này cành hoa phát
triển thành một vòi ở bên nách lá. Gồm có: Vanda, Mokara, Hồ Điệp,
Ngọc Điểm…(chèn hình)
Mokara.
Hồ điệp.
- Nhóm đa thân: cây mọc thành bụi như
bụi lúa, bụi xả, gồm: Dendrobium (Đăng lan), Vũ nữ, Địa lan…khi đạt
độ trưởng thành thì cây sẽ phát hoa; cành hoa ở trên ngọn như bụi
lúa, nếu cây “sung” thì sau đó cây có thể mọc các cành hoa lần thứ
hai bên nách lá, như cây lúa trỗ “bông lúa chét”vậy. (chèn hình
Dendro, vũ nữ, Địa lan…)
Vũ nữ.
Địa lan.
Riêng mỗi một nhóm Dendro thì cũng có đến hàng
trăm ngàn giống mang đặc điểm khác nhau về hình dạng hoa, màu sắc
hoa không thể kể hết, ấy là nhờ kỹ thuật lai tạo bằng phương pháp
thụ phấn, như ngày nay người ta không thể đếm hết có bao nhiêu giống
lúa. Phương pháp thụ phấn có ưu điểm là cho ra giống mới, hoa đẹp,
siêng trỗ hoa, trỗ hoa bất kỳ mùa nào và hơn hết là lưu giữ được
những đặc tính tốt trong “gen” của bố mẹ như sức chịu đựng khô hạn,
sức kháng bệnh, ngoài ra phương pháp này còn có khi đột biến cho ra
vài giống lan mới xuất sắc, hoàn toàn mới lạ.
Có bạn nói: Cây lan khó trồng và hay đỏng đảnh
y như một nàng công chúa; vì sau khi mua cây lan về, hoa tàn rồi cây
cũng tàn dần luôn. Khi hỏi và xem lại thì biết suốt mùa khô sau Tết,
lâu lâu bạn ấy chỉ ban ơn cho cây tí nước, sau khi trỗ hoa, cây bị
chủ nhà cho… nhịn ăn nhịn uống, mà cây còn sống lay lắt đến mùa mưa
thì chúng ta nên nể phục sức chịu đựng của cây là đúng hơn.
Nhưng dù sao, đã là “công nương”, là “quý tộc”
thì hoa lan cũng phải được cưng chiều tí chút. Bạn sẽ được đền bù
xứng đáng, cho dù bạn là người chủ trương “thưởng hoa” không phải
tính chuyện kinh doanh.
Khi Xuân về, hay sau lúc làm việc mệt nhọc ngắm
hoa, lòng ta sẽ nhẹ nhàng hơn và có thể bay bổng với hoa hay cả
người và hoa cùng hòa thành một.
NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 1-2-2011)
|