thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

ĐỌC VÀ SUY NGẪM

Chữ Đạo sĩ



Đạo ban đầu có nghĩa là "con đường". Trong tiếng Hán cổ có nghĩa "phương tiện", "nguyên lý", "con đường chân chính". Với Lão Tử, danh từ này được hiểu như một nguyên lý cơ sở của thế gian, xuyên suốt vạn vật. Theo Kinh văn, Đạo là hiện thực tối cao, là sự huyền bí tuyệt đỉnh:


Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh. Uyên hề, tự vạn vật chi tông.
Đạo trống không, nhưng đổ vào mãi mà không đầy. Đạo sâu thẳm, dường như là tổ tông của vạn vật.


“Đạo giáo triết học” theo lý tưởng của Thánh nhân: thực hiện Đạo bằng cách gìn giữ một tâm thức nhất định. Lão Tử chủ trương “Xử thế nhược đại mộng, hà vi lao kỳ sinh” xem “đời là giấc mộng lớn, lao tâm khổ trí làm chi cho phí kiếp người”.


Cùng quan niệm như Phật giáo: Lão –Trang Tử tin rằng căn nguyên của những phiền não thế tục là do thất tình, lục dục mang đến. Muốn chế ngự được những cảm xúc này, chúng ta phải tu tập và tôi luyện để thần khí đạt đến được trạng thái an định, độc lập. Từ đó không những được giác ngộ, trường sinh bất lão mà còn có thể làm chủ được định mệnh của mình sau khi lìa thế.

 


Cách tiếp cận chân lý của Đạo giáo gần giống cách thực hành của phái Thiền tông của Phật giáo: Chánh niệm trong từng hơi thở để đạt Niết bàn "ngay lúc này, ở đây". Hạnh phúc, an nhiên, tĩnh tại trong từng bước chân. “Đạo giáo tôn giáo” tìm cách “đạt đạo” thông qua việc ứng dụng những phương pháp như tĩnh tọa (Khí công, Thái cực quyền), sự tập trung cao độ tâm thức để đạt Niết bàn - một thế giới cực lạc từ thân tâm - và qua đó đạt được sự hợp nhất với vũ trụ.


Lúc đầu chỉ có người theo Lão Trang được gọi là Đạo sĩ. Sau này vì có nhiều nét tương đồng nên những người theo Phật giáo cũng được gọi là Ông Đạo, các thiền sư cũng được hiểu như một Đạo sĩ.


Không riêng tư cho một người theo Đạo giáo, hay một tôn giáo khác; cái triết lý “đời người như bóng câu qua cửa” cùng với sự chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh trước sự trường tồn của vũ trụ, hơn lúc nào hết rất gần gũi với chúng ta. Tiễn một người vĩnh viễn ra đi, đứng trước một cánh rừng bị tàn phá sau một trận mưa bão (hay sự hủy hoại của con người), nhìn vào sâu thẳm sự được và mất của một cuộc chiến tranh… làm sao chúng ta chẳng chạnh lòng! Cái tâm đó chính là Đạo.


Chỉ cần tĩnh tâm một chút, biết yêu người và yêu đời hơn một chút, thì ta cũng gần giống một đạo sĩ rồi, một đạo sĩ đời thường không cần ăn chay hay tụng kinh gõ mõ như người ta thường nghĩ. Chữ Đạo cũng được mở rộng theo đúng từ nguyên của nó: "con đường chân chính”. Có thể là Đạo làm người, có thể là Đạo làm Thầy. Đó là Chánh đạo, khác với tà đạo.



NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 4-3-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage