Nhớ quê
* tạp bút
Tôi lớn lên ở một vùng quê nghèo thời kỳ nửa sau của thế kỷ 20. Đó
là thời kỳ đầu phát triển của khoa học kỹ thuật, của công nghệ và
các phương tiện giải trí. Thời được nghe các nghệ sĩ hát, với kỹ
thuật ghi âm trên các đĩa đá và dàn máy hát đĩa quay dây thiều, phổ
thông nhất là dàn máy hiệu Colombia.
Thuở ấy quê nghèo, hiếm người sắm được một dàn máy hát như vậy. Nhà
có đám giỗ mà có dàn máy hát đĩa thì thật là tuyệt vời. Tôi là cậu
bé học lớp Năm (lớp 1 bây giờ), được phân công ngồi quay dây thiều
và thay đĩa hát là có uy tín và hãnh diện lắm lắm. Thỉnh thoảng
chiều về trên con rạch nhỏ, có ai đó bơi xuồng ba lá, giữa xuồng đặt
cái giàn máy vừa di chuyển, vừa hát cho mọi người cùng nghe (một
phần cũng có ý khoe mẽ ta có dàn máy mới mua!). Có người mới mua dàn
máy nên chưa biết sử dụng, để sai tốc độ quay nên nghe giọng ca sĩ
hát nhanh, léo nhéo như con chim chìa vôi tập nói, nghe thật buồn
cười.

Nguồn: Internet.
Ấy là thời thịnh của các bài ca vọng cổ và cải lương tuồng cổ. Đến
bây giờ tôi vẫn còn nhớ bài Sầu vương biên ải, bài ca cổ nhịp 8 do
Út Trà Ôn trình bày:
“Nhìn ánh trăng khuya soi lặng lẽ giữa đêm…trường…
cảnh vật mơ màng, soi giấc điệp giữa trời sương,
thêm chạnh tủi lòng người viễn khách cô đơn,
ngoài biên ải lạnh lùng, sầu vương theo ngọn gió”. (hết câu 1)
Thời kỳ đó là thời của các danh cầm cổ nhạc như Bảy Bá, Năm Cơ, Văn
Vĩ … với tiếng đàn rất truyền cảm, rất “mùi”. Nhạc sĩ Bảy Bá chính
là soạn giả Viễn Châu vang danh trong làng cổ nhạc từ xưa cho tới
bậy giờ.
Ấy là thời kỳ mà lâu lâu cả làng được xem một gánh hát về một chợ
nhỏ hay ở sân đình, đơn sơ nhưng người người đông vui như trẩy hội.
Thời kỳ đó cũng là thời của các bài hát tTân nhạc do Ngọc Cẩm-
Nguyễn Hữu Thiết song ca, với các bài nổi tiếng như Gạo trắng trăng
thanh, Trăng về thôn dã…giọng ca thật chơn chất ấy của một cặp vợ
chồng ca nhạc sĩ, góp phần cho sự phát triển thời kỳ phôi thai của
nền âm nhạc Việt Nam.
Tôi lớn dần lên trong một vùng kỷ niệm của thời thơ ấu, với câu ca
gắn liền với quê nghèo cùng với những đổi thay của vận nước. Sau này
dù biết nghe và chơi tân nhạc, nhưng dòng nhạc cổ cũng dễ gậy cho
tôi những phút phiêu linh, vì gợi cho mình biết bao nhiêu kỷ niệm
khó quên.
Ai trong chúng ta cũng hay nhớ về một thời kỳ ấu thơ của mình, gắn
liền với cây cầu với dòng sông quê hay một lớp học trong sân đình,
có khi là một góc phố với quán cà phê và bài ca kỷ niệm.
Tôi “nhớ mẹ tôi tảo tần một nắng hai sương”.
Tôi nhớ “ngoại tôi đầu bạc như bông đang lụm cụm trồng hành”.
Những câu hát ấy thật sự “ghi sâu vào trong tâm não, cho đến trọn
đời không thể mờ phai!”
NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 7-3-2011)
|