|
Nguyên lý "triệt tam"
* tạp bút
Có anh Tám Tàng chuyên gia gây cười, anh thường hay chọc phá người
ta bằng những câu chuyện trớt quớt. Nhưng được một điều là anh luôn
gây được không khí vui vẻ thích thú.
Một hôm anh cao hứng lên diễn đàn, trước một hội trường đông người,
anh cất tiếng hỏi:
- Kính thưa quí vị, quí vị biết tôi sắp nói với quí vị đề tài gì
không?
Mọi người đâu biết ý đồ của anh thế nào, nên đồng thanh trả lời
“không, không biết”.
- Không biết thì thôi, về đi, tôi không nên nói.
Thế là anh bước xuống diễn đàn.

Nguồn: Internet.
Lần sau anh lại trở lại và cũng cất tiếng hỏi:
- Kính thưa quí vị, quí vị biết tôi sắp nói với quí vị đề tài gì
không? Đề tài “có duyên” hay “vô duyên”?
Vì muốn cho anh Tám Tàng kể chuyện, chứ không để anh về, nên mọi
người trả lời khác đi: “Biết rồi, biết rồi”.
- Biết rồi thì thôi, về đi, tôi khỏi phải nói.
Thế là anh bước xuống diễn đàn.
Lần thứ ba anh bước lên diễn đàn và lặp lại câu hỏi như cũ.
Mọi người muốn để cho anh Tám Tàng bị kẹt; phải kể chuyện chứ không
để anh ra về dễ dàng như trước nữa, nên chia ra hai nhóm trả lời:
“Biết rồi, biết rồi” và nhóm thứ hai: “không biết, không biết”.
Anh Tám trả lời tỉnh queo:
- Như vậy thì nhóm người “biết rồi” lên đây nói cho người “không
biết” nghe đi, tôi khỏi phải nói.
Thế là anh lại thoát nạn và bước xuống
diễn đàn.
Có người la lớn “vô duyên”, nhưng cũng có người nghĩ lại nói anh ấy
có duyên đấy chứ.
Nhưng cuối cùng mọi người lại được trận cười vui vẻ.
Anh Tám biết dùng và giới thiệu cho mọi người biết nguyên lý “triệt
tam”, tức là “nguyên lý thứ ba - Trung dung - cũng không được chấp
nhận".
Anh Tám Tàng này ở Bến Lức, không phải ở Tân An.
NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 16-3-2011)
|
|