Chuyện nó và tôi
* tùy bút
Tôi và nó học chung một lớp, nhưng lúc ấy chúng tôi không thân nhau
lắm và cũng không ngồi chung một bàn, thường thì mấy đứa nào chơi
chung với nhau hay ngồi chung với nhau, và chắc có lẽ mình học dở
nên mấy đứa giỏi đâu dám ngồi kế mình.
Trong lớp tôi có ba dãy bàn, mỗi bàn ngồi ba đứa, tôi ngồi đầu bàn
ba của dãy ngoài tính từ ngoài cửa bước vô, bên cạnh tôi là nhỏ Ngọc
Lan, kế nữa là chị Khưu Ngọc Yến. Còn nó, nó thì ngồi đầu bàn nhất
của dãy thứ ba, phía trước là bàn của thầy cô, con người ta học giỏi
mà! Nó nghiêm trang lắm, nói năng nhỏ nhẹ, bộ ba của nó là nhỏ Nga
và nhỏ Huệ, ba đứa nó đứa nào cũng dáng dấp giống nhau, tóc dài
nghiêng nghiêng xõa óng mượt, mảnh mai tha thướt với chiếc áo dài
trắng nữ sinh. Còn tôi, xấu xí, cục mịch lại thích chơi thể thao,
bạn bè toàn là "con trai" (bạn thật chứ không phải... đâu), bạn gái
chỉ có nhỏ Ngọc Lan, nhỏ Ba, Bé Ba sau này thêm nhỏ Hương Xuân,
nhưng tôi không cảm thấy buồn trái lại lúc nào cũng vui, miệng cười
suốt, đôi khi nhỏ Lan thúc cùi chỏ (cái tật của nó) la tôi bảo đừng
cười nữa. Tuy nhiên, tôi cũng có mấy đứa bạn thân đồng sở thích đang
học những lớp khác cùng cấp lớp với tôi, tôi đâu có "cô đơn".
Vì là năm thi nên chúng tôi không được tham gia trò chơi nào của
trường, ngoài việc tham gia viết bài cho tờ báo Xuân mà thôi. Nhưng
lớp tôi cũng vui lắm, con gái đông hơn con trai, bởi vậy tụi con
trai giả bộ hiền khô (giả nai mà) nên chúng tôi thường kêu là Phật
sống, bạn Trừ, bạn Tô Hà, bạn Đường thì quả đúng như Phật sống "hiền
như Bụt" chả thấy nói năng gì. Tuy nhiên, có mấy bạn ngồi bàn phía
sau tôi ôi, không hiền đâu mà phá thấy sợ, nạn nhân là mấy đứa ngồi
bàn trên tức là bàn của tôi, giờ nhớ lại thấy vui làm sao!
Nhỏ Huệ bạn thân của nó sau này lại dạy chung trường với tôi, cùng ở
trọ chung nhà nên thân với tôi lắm, dù sao cũng là bạn học, lại đồng
hương, đồng khói nữa. Còn nó cũng đi dạy nhưng khác huyện với tôi,
nên chúng tôi không gặp nhau, mỗi khi có về Thị xã cũng không có
thời gian mà thăm viếng bạn bè, quanh quẩn với giađình rồi lại trở
về trường tiếp tục "gõ đầu trẻ!".
Nguồn minh họa: Internet.
Rồi chúng tôi liên lạc được nhau sau mấy chục năm xa cách, nơi xứ lạ
quê người "tình cờ đất khách lại gặp nhau ....hai cái đầu đều
bạc...". Bây giờ thì chúng tôi thân và thương nhau lắm, như có sự
sắp đặt, tên nó cũng na ná tên tôi, nó là Ngọc Tơ, còn tôi là Hồng
Mơ, ngộ chưa?
- Ê mày, chơi ba đứa có sao không?
- Có sao đâu, hơi đâu mà tin dị đoan mày ơi, sao mày hỏi vậy?
Nó bảo :
- Tại tao thấy thằng Huỳnh Lơ được lắm, nó cũng vui và thân với tụi
mình, đặc biệt cái tên nó cũng quái đản như tao "dí" mày nên tao
nghĩ cho nó vào nhóm ba đứa luôn.
Tôi cười ha hả:
- Lơ Tơ Mơ, trời ơi! Ở đâu ra mà có sự trùng hợp vậy? Hay quá hả
mậy?
Hai đứa tôi cười quá chừng, cười sặc sụa muốn vỡ cái điện thoại
luôn. Hai đứa tôi chưa gặp nhau chỉ "tám" qua điện thọai thôi, kể cả
bạn Lơ cũng y chang, ngày nào chúng tôi cũng gọi cho nhau, ba đứa
tôi ở ba nơi giống như tam giác cân vậy, tại sao cũng có chuyện để
"tám" hòai hay thật! Tự nhiên nó gọi tôi và bảo:
- Ê mày, nhỏ Rở nó gọi tao nó nói nó muốn xin vô "băng" mình, vì nó
bảo tụi mình vui quá, mày thấy sao?
Rở cũng là bạn chung trường, mà là bạn của nó, Rở học chung với nó
từ năm lớp sáu, tên là Thanh Rở, nó nói với tôi :
- Tao thấy chơi ba đứa xui lắm, thôi cho nó vô đi, bốn đứa vẫn tốt
hơn.
- Sao mày tin dị đoan quá vậy? Ừ vô thì vô, mày nói với Huỳnh Lơ
chưa?
- Chưa, để mai tao nói với nó.
Tối hôm sau nó gọi tôi inh ỏi:
- Mày ơi, Huỳnh Lơ chịu cho nhỏ Rở vô "băng" mình rồi, nó nói tên
Thanh Rở không hay, nó đổi lại là Thanh Ngơ. Như vậy tụi mình là Lơ
Tơ Mơ Ngơ!
Rồi nó cười khoái trá, tôi cũng cười theo muốn rung chuyển quả địa
cầu luôn!
Bây giờ không là tam giác cân nữa mà là hình bình hành! Bởì vì chúng
tôi bốn đứa. Coi vậy mà Huỳnh Lơ nó cũng có nhiều ý kiến hay lắm,
mỗi khi tụi tôi có chuyện gì nan giải thì nó giúp ý thật hay, có lẽ
người ngoài thì sáng cũng nên, khi nào buồn gọi Huỳnh Lơ là có
chuyện cười liền tức thì, thế là quên hết bao phiền não. Bốn đứa
chúng tôi, mỗi đứa ở một nơi đã bảo như hình bình hành mà, chúng tôi
thân nhau lắm, Huỳnh Lơ thì thích làm thơ nên nó cứ "sản xuất" đều
đều, rõ "văn thơ một bụng", có khi Huỳnh Lơ làm thơ theo đơn đặt
hàng nữa chứ. Nghĩ cũng vui vui, bốn đứa chúng tôi thường trao đổi
tâm sự nên dù công việc hàng ngày có vất vả cũng thấy nhẹ đi vì ngày
nào chúng tôi cũng cho nhau nụ cười, cười thoải mái, cười sảng
khoái, cười khẳng khái. Huỳnh Lơ không bao giờ biết giận biết hờn,
mỗi khi tôi và nó bực bội chuyện gì là đem trút lên Huỳnh Lơ, Lơ vẫn
tỉnh bơ còn chọc lại cho tụi tôi cười nữa.
Nó và tôi giống nhau ở chỗ thích chọc phá thiên hạ để có những trận
cười thỏa thích, nó tài lắm, về nghịch ngợm thì nhiều cao kiến hơn
tôi, luôn luôn có kế hoạch hẳn hoi "mày phải như vầy như vầy... ";
tôi chỉ ừ ừ và cùng nó giỡn, nhất là thích giỡn trong đám đông. Nó
là đứa con hiếu thảo, nó hơn tôi là nó còn có mẹ để chăm sóc, nó lo
cho mẹ từng li từng tí, nấu từng món ăn ngon cho mẹ, đôi khi thấy nó
hạnh phúc bên mẹ mà tôi thèm thuồng, nhiều khi tôi nhớ mẹ tôi và tôi
khóc. Nó thường than vãn với tôi về sự cô đơn trống vắng khó diễn
tả, tôi hiểu nhưng không biết phải làm sao giúp nó, vì cái gì đến
phải bằng sự tự nhiên, hơn nữa ngoài khả năng mình.
Có rồi! Vậy là tôi cũng tìm được bạn cho nó, tôi mừng nhưng không
biết nó có mừng không? Tôi ngang nhiên chọn cái ngu thứ nhất trong
bốn cái ngu mà người ta thường nói, không sao hết, ngu vì bạn mà.
Thế rồi đầu mùa xuân năm ấy, chẳng thấy mai vàng nở rộ, cũng không
thấy én liệng trời cao, nhưng bầu trời trong vắt đẹp lắm dù có hơi
lành lạnh của gió xuân, nó đã có bạn! Chúng tôi thường bảo với nhau
hễ đứa nào có bạn thì cùng là bạn chung, nhưng lần này tôi muốn nó
được tự do với bạn của nó, tôi không xen vào để mang tiếng là phá
đám.
- Ê mày, "Y-cờ-lết" , tao thấy không được, tao không hạp vì
"Y-cờ-lết" không vui như tụi mình, Y... không biết cười.
Tôi không hiểu sao anh ta có cái tên Thi thật đẹp mà nó dám đặt "tên
Tây" cho anh Thi không cần chè xôi. Chúng tôi thì vậy, khoái sửa
tên, thích gọi bằng cái tên khác để rồi thấm ý cùng cười cho vui.
Nghe nó nói vậy, tôi hỏi:
- Sao vậy? Mày kỳ quá, mới có hai hôm sao biết được, từ từ mày sẽ
thấy cái duyên dáng của hắn, quan trọng là mày phải dạy cho Y-cờ-lết
biết cười.
- Thôi mày ơi, tao không thích, tao đã nói với Y-cờ-lết rồi.
- Tao không ý kiến ý cò gì hết, tùy mày , đâu phải ai cũng vui như
tụi mình, quan rọng là người đó hiền, đàng hoàng, không "cà giựt".
- Thì cũng được nhưng tao cảm thấy không hạp, thôi mấy đứa mình
"tám" với nhau cũng vui rồi. Cảm ơn mày lo cho tao.
- Mắc mớ gì, tao lo sợ cho mày thôi.
Mọi chuyện "vũ như cẩn"! Chúng tôi ngày nào cũng kể lể nhau nghe đủ
chuyện trên trời dưới đất, rồi có những tràng cười khi mà đứa nào
nghĩ được cách để chọc người nào đó.
Tôi quá quen thuộc tính nó, có khi đang thao thao bất tuyệt một câu
chuyện thật hấp dẫn bỗng dưng im lặng, mặc cho tôi cứ nói một mình
và "A - lô! A - lô!" mãi. Sau này thì tôi mới biết nó đang làm việc
tại sở len lén gọi tôi để "tám" thấy "sếp" đi ngang qua nó vội vàng
cúp phone liền. Thông cảm nên không thắc mắc gì, thì tôi cũng thế,
nó gọi đến mà tôi bận thì tôi bảo "sẽ gọi lại mày", coi vậy mà cũng
quen, hôm nào vắng tiếng nó tôi đâm lo lắng, hỗng biết nó có chuyện
gì không, bệnh hoạn, hay là má của nó có chuyện gì?
- Hôm nay làm nhiều tao hơi nhức đầu nên về nhà ngủ sớm, có gì lạ
không mậy?
- Không gì mới lạ dưới ánh mặt trời, "mặt trận miền Tây vẫn yên
tĩnh".
- Ê! Tao nghĩ mắc cười Huỳnh Lơ quá, hôm nay tao nói chuyện với nó,
nó nói bậy tao "chửi" cho nó một trận, nó không giận mà cười ha hả
nữa.
Rồi nó kể cho tôi nghe, nó của tôi dễ thương vậy đó, tính tình vui
nhộn nhưng hơi bộc trực dễ quạu, giận là nói, nói hoài sau đó là
quên, tôi thương nó lắm nên hay chia sẻ những vui buồn cùng nó, ở xứ
lạ quê người có được đứa bạn thân thì quí vô cùng, đã vậy chúng tôi
cùng học chung nữa. Một hôm:
- Mày! Nguyên thủy mày nghĩ... đối lại gì cho hợp?
Như chuẩn bị sẵn, tôi trả lời ngay:
- Tiền sử.
Hai đứa phá lên cười. Tôi bảo:
- Không phải sao? Nguyên thủy tức là thời xa xưa thời mới khai
thiên lập địa, hỏng phải tiền sử thì là gì?
- Hay, hay lắm! Tiền sử nghe cũng êm tai đó.
Nó có bạn mới tên là Nguyễn Thủy mà tôi đặt là Tiền Sử.
- Tiền Sử gọi tao hoài cũng bực mình, toàn nói gì đâu đâu.
- Gì nữa? Bộ Y-cà-lết thứ hai hả?
- Mày coi, ba hồi Tiền Sử bảo là nhà báo, bốn hồi bảo là "thầy
bói"...
Tới đây hai đứa tôi rú lên cười sặc sụa.
- Vậy hả? Thầy bói, được đó mày (tôi cố nín cười)
- Thôi mày ơi, không được.
- Trớt quớt nữa rồi sao?
- Tiền Sử lè nhè như ông cụ, một câu chuyện cứ lặp đi lặp lại hoài,
mệt quá.
- Mày khó quá, dễ tính chút đi.
- Tao nói không được là không được, trở lại bình thường cho rồi, tao
với mày cười vui đủ rồi.
- Tao cũng bó tay với mày luôn.
Nó kể tôi nghe lý do mà nó thấy "không hợp", tôi nghĩ cũng đúng nên
chẳng biết nói gì, dù tôi đang lo cho nó.
Thắm thoát mà tôi và nó liên lạc được gần hai năm, trong thời gian
đó, chúng tôi vui thật sự, chia sẻ những vui buồn, tôi vui nó cũng
vui, ngược lại nó buồn tôi vui không nổi, hay là tôi buồn nó cũng
buồn lây.
Tôi không biết nó và tôi còn gì để cười nữa không, còn đề tài nào để
chọc. Một hôm, nó bảo tôi :
- Ê mày! Thôi đi đừng lo cho tao nữa, bây giờ mình hãy lo cho mình,
lo cho sức khỏe là trên hết, tao mới đọc trong tờ báo nè hay lắm:
Bí quyết trường thọ:
1) Chấp nhận với những gì mình đang có.
2) Thích nghi với hoàn cảnh của mình.
3) Điều chỉnh để đạt được điều mong muốn.
- Còn nữa nè mày, mày phải biết phòng ngừa bệnh tật như: Không vui
quá hại tim. Không buồn quá hại phổi. Không tức quá hại gan. Không
sợ quá hại thần kinh. Không suy nghĩ quá hại tỳ. Xua tan hoài niệm
cay đắng bằng tha thứ và lãng quên. Với người cao tuổi tránh tranh
luận hơn thua.
- Trời, trời! Bỗng dưng nay mày trở thành nhà thông thái vậy, Ngọc
Tơ ngày nay không như Ngọc Tơ ngày xưa nữa.
- Còn nữa nè nhỏ, nói về thức ăn, thức uống trong ngày: Một củ hành:
chống ung thư; một quả cà chua: chống tăng huyết áp; một lát gừng:
chống viêm nhiễm; một củ khoai: chống sơ vữa động mạch; một trái
chuối: làm phấn chấn thần kinh, bớt lo âu, chống táo bón, giảm được
béo; một quả trứng hay ít thịt nạc: chống suy dinh dưỡng; uống 1 đến
2 lít nước mỗi ngày: giải độc cơ thể.
- Thôi đi mày ơi, sao hôm nay mày lại "bác sĩ” hay là mày học từ
Mari Tô.
Rồi hai đứa cùng cười khi nhắc đến Mari Tô (điều này chỉ hai đứa tôi
hiểu thôi).
- Ê, có cái triết lý này cũng hay lắm nè, tao đọc cho mày nghe nha.
- Kỳ này chắc tao trả bill điện thoại khùng luôn quá.
- Thì tao cũng vậy. Thế là cười nữa.
- Triết lý gì?
- Nghe nè. Ba quên: quên tuổi tác; quên bệnh tật; quên hận thù. Bốn
có: có nhà ở; có bạn đời; có bạn tri âm; có lòng vị tha. Nó nói
thêm, tao có bạn tri âm nhưng không có bạn đời.
Tôi bảo:
- Vậy riêng mày thì ba phải, ủa... ba có .
- Nghe tiếp nè : Năm phải: phải vận động; phải biết cười; phải lịch
sự hòa nhã; phải biết nói chuyện và phải coi mình là người bình
thường... Còn nữa, mày muốn nghe không?
- Thôi đủ rồi sư tỷ ạ, tao có câu này cũng hay lắm của ai tao không
nhớ: Hãy dành thì giờ cất tiếng cười đó là tiếng nhạc .
Thế là có trận cười nữa. Nó và tôi thì như vậy, có khi những câu
chuyện đâu đâu cũng là đề tài "tám" , tôi mong sao tình bạn giữa tôi
và nó mãi bền vững và vui hoài.
Tôi đã đọc ở đâu đó từ lâu mà tôi còn nhớ:
Tình bạn là điều kỳ diệu, tình bạn là người tâm phúc, tình bạn là
người an ủi, tình bạn là người lắng nghe, tình bạn là trái tim cảm
thông.
Tình bạn là một từ quá nhỏ nhưng lại cảm thấy lớn lao vô cùng, một
từ đầy cảm động.
Tình bạn là quyển sách vĩnh cữu luôn được viết ra để chờ được đọc.
Cám ơn đời đã mang đến cho tôi tình bạn tốt. Tình bạn muôn năm!
LÊ THỊ HẠ ANH
(Maryland, gửi ngày 6-4-2011)
|