Khoa học và con ong bay lạc
* Suy luận
Trước những cơn thịnh nộ gần đây của thiên nhiên mỗi ngày một khốc
liệt hơn, lần nào cũng là chưa từng xảy ra trong lịch sử (của nước
Nhật hay ở Mỹ quốc). Con người chúng ta càng thấy mình càng thêm bé
nhỏ và yếu đuối. Người tin vào tôn giáo thì quay sang cầu nguyện
với đấng cứu thế của mình: cầu đức Chúa Trời, cầu ở đức Phật A di Đà
hay với thánh Ala… để được độ trì. Các nhà khoa học lại nhìn vào sự
thay đổi khí hậu và qui kết vào lỗi của con người khi tàn phá thiên
nhiên; không tôn trọng thiên nhiên thì sẽ bị luật của thiên nhiên
quật lại.
Thiên nhiên có những qui luật chặt chẽ mà các nhà bác học của các
thế kỷ trước tìm ra. Người ta đặt tên những đinh luật ấy bằng cách
lấy tên các nhà bác học Newton, Kepler, Archimède…để nhớ đến công
lao khám phá của các bác học. Đó là những trật tự mà Lão Tử không
biết tên gì nên gọi là Đạo. Tất nhiên Đạo của Lão Tử là của thời
“Trời tròn Đất vuông” không thể quán niệm được các định luật Vạn vật
hấp dẫn của
Newton hay sự nhảy nhót vui mừng khi la lên “Eureka” của Archimède.
Nhưng cách nhìn “sống sao cho hợp lẽ Trời” cũng là một quan điểm mà
ngày nay các nhà khoa học đang học theo; vận động cho một Trái đất
Xanh, tức là sống chan hòa với thiên nhiên.
Tìm tòi và khám phá các qui luật thiên nhiên hình thành nên ngành
khoa học Vật lý; nương theo các qui luật đó phát minh các công cụ
máy móc phục vụ con người. Khát khao khám phá là một ưu điểm của
loài sinh vật thượng đẳng là “con người”. Trong vòng 200 năm gần đây
con người thật sự rất vĩ đại đối với ngay cả chính mình. Con người
đã đạt được trình độ như các vị thần trong huyền thoại đi mây về gió
và có năng lực siêu nhiên “thiên lý nhãn, vạn lý nhĩ”.
Hai khám phá mới của vật lý là lý thuyết Tương đối của Einsteins và
Vật lý học Lượng tử; đi vào chiều sâu của hạt nhân nguyên tử và của
các hạt vi tế dưới nguyên tử (subatomic level); mở ra một chân trời
mới cho vấn đề năng lượng và khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của tư
duy con người, nhưng đồng thời cũng đưa người ta quay trở lại sự
huyền diệu không cùng của vũ trụ: Cái bao la của vụ trụ lại thống
nhất - về mặt hình thức - cấu tạo với cái bé nhỏ là hạt nhân nguyên
tử.
Yêu khoa học, hiểu thấu những trật tự thần kỳ của Toán không gian ba
chiều Euclide, hay khi nắm bắt một phần lý thuyết vật lý vĩ đại của
Einsteins ta lại thấy sự không thường hằng của các đối tượng chung
quanh. Ngay cả khái niệm thời gian cũng trở nên một thứ không phải
là bất biến: “Thời gian sẽ dừng lại khi ta đi bằng vận tốc của ánh
sáng”.
Chuyện thần thoại Từ Thức lên Tiên lại là chuyện thật trong không
gian bốn chiều của Einsteins.
Chúng ta quay cuồng trong cuộc sống này chắc chắn không chỉ để thỏa
mãn cho mình và người thân được no ấm. Chúng ta khát khao hạnh phúc
nhưng tìm hạnh phúc ở đâu?
Sống tốt và làm điều tốt cho xã hội để mình có một thân tâm an lạc
hạnh phúc ngay bây giờ có lẽ là điều chúng ta ai cũng nên nghĩ đến.
Càng không phải là làm điều tốt để xin được một vị trí cao ở trên
Thiên đàng hay ở Niết bàn sau khi ta an nghỉ. Vì điều đó chính là đi
từ cái lòng tham nhỏ ở trần gian sang mức độ tham lam vọng tưởng
trầm
trọng của ảo giác.
Nguồn minh họa: Internet.
Học cách vui khi nhìn con ong bay lạc trong phòng, vo ve chưa tìm
thấy lối ra bởi vướng một khung cửa kính. Có lẽ con ong tưởng rằng
đó là nơi tận cùng của vũ trụ, khi nó gặp một thể vật chất trong
suốt mà nó chưa có khái niệm.
Ai dạy cho con ong khái niệm về thủy tinh?
Ai dạy cho chúng ta quán niệm về bí ẩn của thiên nhiên về sự tận
cùng của vũ trụ và của cuộc sống?
NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 30-4-2011)
|