thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Thưa thầy Đỗ Xanh và cô Nước Biếc. Học trò rất hâm mộ nghệ thuật viết văn của thầy, từ những hư cấu thầy tạo dựng như là có thật và lồng ghép những nhân vật của Gia đình THKT. Học trò phải từng sống qua mới viết lại được, nhưng cũng rất vụng về.


Sự tích hoa phong trần

 

* Tạp bút


Trong cuộc sống chúng ta phải chịu mất dần dần mọi thứ và cuối cùng là chính bản thân.
Cuộc đời như bóng nổi, như gió thổi, như chim bay.
Trong kinh thơ nhà Phật ví đời người như những bông hoa.

Hoa muốn đẹp hoa đừng gai sầu hận
Hoa muốn thơm hoa nở rộng tình thương
Hoa muốn thanh hoa tinh khiết nêu gương
Hoa muốn quý hoa trang nghiêm cõi Phật


Sau mùa hè 1972, áo trắng học trò không còn được mặc, trại tập trung đã nhốt những cuộc đời trong trắng ngây thơ. Từ bé chưa bao giờ biết rời gia đình trường học tình thầy trò.


Có ai biết bơ vơ lạc lõng những tâm hồn trẻ giữa rừng người xa lạ, chúng tôi làm quen nhau và thành 3 người bạn thân.


Hoàng với dáng người gầy gầy mảnh khảnh thấp hơn Phú nửa cái đầu, Phú tiếng lơ lớ miền trung hơi khó nghe, còn Bông hơi mập mạp hơn Hoàng một chút và thấp hơn 1 cái đầu, cả 3 mang nét thư sinh tuổi dời còn non choẹt, mặt bấm ra sữa mới rời ghế nhà trường, không đứa nào biết chửi thề chửi tục là gì, không biết hút thuốc, uống ruọư hay cờ bạc trai gái…. Có những bản tánh na ná nhau, nên dễ chơi thân.


Nhớ ngày đầu gặp gỡ, sau giây phút trò chuyện làm quen, Phú lên tiếng hỏi:
- Ê, tụi bây uống cà phê nghen, tao có cây nhà lá vườn nè.


Phú lấy trong ba lô ra lủ khủ đồ nghề, nào là cái phin cà phê, mấy cái ly nhựa, muỗng, lọ đường, lọ cà phê, lọ ca cao, cái bếp lò xô làm bằng lon sữa guigô, cái ấm nhỏ bằng nắm tay. Phú lăng xăng lấy nước đổ vô ấm và nấu khoảng 5 phút thì nước sôi và bắt đầu pha chế vào phin cà phê. Ba đứa trải tấm poncho và ngồi bệt xuống đất vừa nhâm nhi cà phê, vừa nói chuyện tán gẫu.


Hoàng chợt hỏi:
- Ê Phú hồi trước mày học ở đâu vậy?


Phú đáp:
- Tao học ở trường Đinh Tiên Hoàng gần cầu Bông - Đa Kao - Thị Nghè đó.


Hoàng quay sang hỏi Bông.


Bông đáp:
- Tao học ở trường Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho.


Hoàng nói tiếp:
- Còn tao học ở trường Trung học Công lập Kiến Phong, tụi bây có biết xứ đó không?


Phú chợt reo lên:
- Phải tỉnh Kiến Phong gần Kiến Tường đó không, tao nghe nói ở đó chiến tranh ghê lắm, sau này ra trường mà đổi về mấy chỗ đó chắc chết mất.


Rồi ba đứa đều im lặng, như đeo đuổi ý nghĩ của mình về cuộc sống sau này.
Hoàng phá tan bầu không khí yên tĩnh:
- Tụi bây biết hoa hồng tượng trưng cho gì không?


Phú nói:
- Tượng trưng cho tình yêu, ai mà chả biết. Hoa mai tượng trưng cho mùa xuân. Hoa anh đào tượng trưng cho nước Nhật, hoa phưọng cho học trò…


Bông phá đám:
- Hoa rau muống tượng trưng cho Bắc kỳ phải không.


Phú trừng mắt:
- Mày nói vậy đụng chạm à nghen. Tao thì quê Thanh Hóa, thằng Hoàng quê Bắc Ninh còn mày quê Định Tường.


Hoàng ngắt lời:
- Tao thấy bây giờ dân miền Nam ăn rau muống còn nhiều hơn dân Bắc kỳ đó, rau muống có nhiều vitamin A lắm đó.


Chợt Phú nhớ ra điều gì:
- À bây giờ, tụi bây biết mình là hoa gì không?


Bông tiếp lời:
- Hồi học sinh áo trắng mình là hoa phượng, còn bây giờ phải mặc bộ đồ xanh ôliu này thì là hoa ôliu chứ gì.


Hoàng góp lời:
- Tao nghe nói cây ôliu để làm ra dầu ôliu, mà không biết nó có hoa hay không?


Phú khẳng định:
- Có cây thì có hoa có trái chớ gì, mày lo xa quá cho bò trắng răng hả.


Phú tiếp:
- Thôi bây giờ mày không biết hoa màu gì và ra sao thì cứ gọi đại là Hoa Phong Trần đi, ai muốn hiểu sao, nghĩ sao thì tùy họ mà thôi vì bây giờ tao thấy cuộc đời của tụi mình cũng tơi tả, phong trần lắm rồi…


Những câu chuyện vụn vặt, không đâu của chúng tôi để quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người thân, dần dần chúng tôi thấy thân và yêu thương nhau như anh em ruột.

 

Nguồn minh họa: Internet.


Ngày tháng cũng qua đi, tới ngày ra trường mỗi đứa đi một nơi, Phú thì ra Qui Nhơn, Hoàng thì về quê nhà lý do gia cảnh neo đơn, còn Bông về xứ Ba Dừa, Cai Lậy.


Lúc đầu ba đứa còn trao đổi cho nhau được vài lá thơ, sau chiến sự khốc liệt quá, không còn biết tin tức về nhau được nữa, lá thư nào gửi đi cũng biệt tăm biệt tích.


Vào mùa hè 1974, Hoàng nhận được một lá thư của người con gái tên Hồng là y sĩ của một quân y viện. Hoàng mở thư xem, Hồng giới thiệu là em gái của Bông, báo tin Bông đã tử trận trong một trận đánh, khi đứng lên quan sát, một viên đạn xuyên qua tim chỉ kịp thốt lên tiếng “chết tôi rồi”. Hoàng thấy chết lặng trong tim mình nhói đau, Bông đã ra đi vĩnh viễn.


Hai năm sau, tàn chiến cuộc, một lần Hoàng lên Sài Gòn ghé nhà thằng Phú ở Đinh Tiên Hoàng - Đa Kao, gặp hai cô em gái của Phú cho hay anh ấy đã chết sau khi ra trường được 6 tháng… Hai cô em gái nói: “Gặp anh Hoàng là bạn anh Phú, chúng em rất mừng, thư anh gửi còn trên bàn thờ anh Phú, chúng em mong anh có dịp đi qua đây, anh ghé chơi để chúng em đõ nhớ anh Phú của chúng em.”


Hoàng chỉ ậm ừ cho qua không dám thật long mình, vì còn bạn đâu để tới trò chuyện.


Tay Hoàng run run thắp nén nhang trên bàn thờ, hai hàng nước mắt lăn dài trên má từ hồi nào. Miệng Hoàng lẩm bẩm: Phú, Bông tụi bây chưa có gia đình, chưa tròn 21 tuổi còn trẻ quá mà đã vội bỏ cuộc chơi sớm vậy. Tao thì phải lầm lũi lang thang kiếm sống chịu bữa đói bữa no, có khi còn phải độn ngô khoai để giữ sự sống mà làm việc, không chừng bây giờ nghĩ lại tụi bây còn sướng hơn tao. Sống lâu chỉ tổ khổ cho thân xác chớ có lợi ích gì. Thôi để lại bài thơ này và xin chào tất cả:


Thuở học trò một thời mơ mộng
Mười mấy năm mài ghế nhà trường
Những mong sao ngày mai khôn lớn
Làm chút gì để giúp ích đời
Bao sóng gió cuộc đời dồn dập
Như nhận chim hoa dại học trò
Màu rong rêu khoác lên áo trắng
Nét ngây thơ, nhuốm đượm phong trần.


HOA PHONG TRẦN
(Mộc Hóa 30-4-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage