Tập cho con cháu chúng ta thói quen
đọc sách
Trong thời đại này, người ta không đề cập đến việc chống “nạn mù
chữ” ở trẻ em mà người ta quan tâm đến “nạn mù sách" ở trẻ em không
thích đọc sách và không thấy hứng thú trong việc tìm sách để đọc.
Khác với thời của chúng ta ngày trước, hễ cầm được quyển sách nào
hay là đọc ngấu nghiến, từ những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp hấp dẫn
đến tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tình cảm, truyện thần thoại hay
cổ tích. Ngày nay, truyền hình, phim ảnh, trò chơi điện tử, Internet
lôi cuốn giới trẻ nhiều nhất vì lúc nào cũng sẵn và dễ sử dụng.

Nguồn minh họa: Internet.
Vì thế, muốn con cái tập thói quen đọc sách, việc đầu tiên là chúng
ta phải tự hỏi xem chúng ta có muốn khuyến khích con cái chúng ta
đọc sách không? Nếu có, chúng ta phải làm gương cho con cái. Phải
cho các con mình thấy rằng mình thích đọc sách. Quý vị hãy luôn luôn
mang theo mình một quyển sách, để đọc khi chờ xe, chờ bác sĩ nha sĩ,
chờ đón con ở trường, ở lớp học võ, học đàn. Thú thích đọc sách cần
được tập dần dần bắt đầu từ gia đình, cha mẹ, anh chị. Nhìn thấy cha
mẹ anh chị đọc sách mà trẻ em tò mò muốn bắt chước theo. Hãy lựa
những câu truyện cổ tích hay để đọc cho con nghe từ khi con còn bé
thơ. Trong khi đọc, chỉ vào hình trong sách để giúp con theo dõi
truyện. Trẻ em nghe giọng nói của cha mẹ anh chị sẽ bắt chước theo.
Khi trẻ em lớn lên, hãy làm sao cho dịp đọc truyện, hay kể truyện,
trở thành một dịp để đối thoại, nói chuyện với con cái, về những
nhân vật, hay thú vật, về tình tiết trong truyện, và là một dịp để
bày tỏ cảm nghĩ và ý kiến của mình đối với những sự việc xảy ra
trong truyện. Khi trẻ em biết đọc, cha mẹ thay phiên cùng con đọc
một câu truyện. Có thể chọn truyện dài hơn và phức tạp hơn tùy theo
khả năng và trình độ hiểu biết của trẻ.
Chúng ta hãy tập cho con cái thói quen đọc sách báo. Cha mẹ nên chọn
sách báo đứng đắn và thích hợp với tuổi của con mình để làm quà tặng
cho con. Bậc cha mẹ cũng nên mua cho con một quyển tự điển, không
những để tra cứu những chữ khó mà còn có thể tìm đọc những chữ mới
“cho vui”! Chúng ta đã từng nghe nói đến những quyển sách về Harry
Potter của bà J.K. Rowling. Ở trên toàn quốc Hoa Kỳ, người ta đã bán
ra 80 triệu quyển sách của bà, và trên thế giới có 170 triệu quyển
được in ra. Sách truyện về Harry Potter được dịch ra 55 thứ tiếng
trên toàn thế giới, ở trong 200 quốc gia. Không phải chỉ riêng trẻ
em bên Mỹ mà trẻ em toàn thế giới cũng thích đọc truyện Harry
Potter. Tại sao bà J.K. Rowling thành công và trở thành một
người viết truyện hay như vậy? Từ khi còn nhỏ, bà đã tập viết
truyện. Truyện đầu tiên của bà tên là Rabbit. Bà Rowling đọc rất
nhiều sách; trong một cuộc phỏng vấn, bà nói là nhờ đọc nhiều sách
cho nên bà biết cách viết truyện làm sao cho hay và phân biệt được
những cách viết khác nhau. Bà Rowling cũng biết được nhiều truyện cổ
tích và thần thoại là nhờ bố mẹ bà. Khi bà còn nhỏ, ngày nào bố hay
mẹ bà cũng đọc sách cho bà nghe. Những truyện mà bố mẹ kể cho nghe
và những truyện tự đọc lấy khi lớn lên đã giúp cho bà trở nên một
nhà viết truyện hào hứng và phong phú.
Hãy giúp con em chúng ta đọc sách để học hỏi vì bố mẹ không thể nói
hết với con cái về mọi vấn đề mà phải nhờ đến sách. Việc giáo dục
trong gia đình lại cần đến loại sách riêng cho trẻ em, những sách
dùng truyện để nói về luân lý đạo dức. Trẻ em nào cũng thích đọc
những sách mới lạ kích thích sự tò mò ham hiểu biết của trẻ con. Sự
lôi cuốn khi đọc những quyển sách mới lạ thường khi hun đúc tính
tình trẻ em nhiều hơn là sự mắng mỏ dạy dỗ của cha mẹ. Cũng nhờ cùng
đọc sách với con mà cha mẹ có dịp để nói chuyện với con và bày tỏ ý
kiến của mình cho con biết. Điều đáng nói thêm nữa là khi ngồi đọc
sách cùng với con, bậc phụ huynh sẽ để lại trong lòng con cái kỷ
niệm êm đềm âu yếm của tình cha con, tình mẹ con. Sau này khi lớn
lên, các em sẽ ghi nhớ mãi trong lòng.
Một học giả Việt Nam vào thế kỷ thứ 18, Quế Đường Lê Quý Đôn, một
bậc tiền bối đã để lại nhiều tác phẩm quý giá cho văn học nước ta,
đã nói rằng: “Sách vở văn chương không chỉ có một đường: đọc sách
làm tăng sự khôn ngoan, phát triển tính tình, học làm người hiền,
biết chọn điều thiện…” Bậc cha mẹ nào mà chẳng muốn con mình khôn
ngoan, làm người hiền và chọn điều thiện, phải không quý vị?

Nguồn minh họa: Internet.
Sau đây là 10 lời khuyên để cha mẹ khuyến khích trẻ em đọc sách
1. Tìm một nơi ngồi thoải mái, yên tĩnh trong nhà hoặc ngoài vườn.
2. Chọn một thời điểm thuận tiện, chẳng hạn như ngày chủ nhật, hoặc
nếu là ngày trong tuần thì chọn lúc sau khi trẻ em làm xong bài vở ở
trường, hoặc sau giờ ăn cơm tối, hoặc trước giờ đi ngủ.
3. Tạo thành thói quen. Hãy ngồi đọc sách với con cái mỗi ngày hoặc
ít nhất một đôi lần trong tuần. Kiến tha lâu cũng đầy tổ. Không cần
thời gian dài, chỉ cần đọc hay xem sách với con mỗi ngày một ít, độ
10, 15 phút với trẻ cũng đủ.
4. Đừng ép buộc con mà nên dẫn dụ, làm sao cho con thích đọc sách.
Nên tập thói quen thích đọc sách từ khi còn nhỏ. Dạy con từ thuở còn
thơ…
5. Đừng ngắt lời con khi trẻ con đang đọc và có chữ đọc sai. Chờ đến
khi con đọc xong hãy sửa hoặc chờ xem trẻ em có tự sửa được không.
6. Hãy tìm những điểm khen con khi con đọc xong một đoạn trong sách.
7. Đến thư viện hoặc tiệm bán sách thường xuyên để tìm đọc/mua những
sách mới. Dẫn con theo và cho con chọn sách với mình.
8. Khi chọn sách nên thay đổi những đề tài khác nhau để cho trẻ em
không chán. Có nhiều loại sách để chọn đọc: loại sách có nhiều hình
ảnh màu, báo chí tập san, thơ, truyện vui cười, những loại sách để
trau dồi kiến thức (lịch sử, nghệ thuật, văn học, khoa học…)
9. Liên lạc với thầy, cô giáo trong trường để biết con mình ở trình
độ đọc được sách nào. Hỏi ý kiến họ về những sách con mình nên đọc.
10. Nói chuyện với con về quyển sách đang đọc, về nhân vật, hình
ảnh, tình tiết, đoạn ưng ý nhất, để xem con hiểu được bao nhiêu,
nhân đấy diễn giải thêm cho con nghe.

Nguồn minh họa: Internet.
+ Nguồn: Internet.
+ Người tìm chọn và chia sẻ: VÂN HỒNG
(Michigan 16-5-2011)
|