thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Cánh thư từ quê nhà

 

 

* tùy bút


Lòng tôi như hoa hướng dương,
Trăm nghìn đổ tới một phương mặt trời. (*)


Long An, ngày...tháng...năm...

Hạ thương nhớ,

Hôm nay chủ nhật được nghỉ, tao dọn dẹp nhà cửa, chất lại kệ sách, sắp xếp lại cho ngăn nắp. Tình cờ mở quyển giáo án cũ thấy hai câu thơ trên của ai không biết mà mày ghi vào trang đầu của quyển vở, tao nhớ mày quá, nhớ cái thời mới bước vào đời, cái thời tụi mình dạy chung một trường, ở chung một nhà, tao vội viết thư cho mày đây.

Hạ thương, cái thời buổi văn minh, tiến bộ, thời buổi điện toán, người ta viết thư bằng "điện thư" qua máy "vi tính", vèo một cái chỉ ba mươi giây từ phương trời mù xa nào người kia đọc được ngay, ai lại cổ lổ xỉ như tao còn giấy trắng mực xanh, chậm hơn rùa, tao thì vậy. Mày thường bảo hiện đại là "hại điện" mà, tao chọn cái quê mùa để không hại điện, cũng như mày thường đem bài thơ "Chân quê" của "ông cố" Nguyễn Bính mày ra đọc hoài đến nỗi đứa nào cũng thuộc lòng mắc chán luôn.

Hạ, lúc này mày ra sao, khỏe không? Cuộc sống đã ổn định chưa? Tao biết sống ở xứ người thì không đơn giản, trăm bề khó khăn, nhưng dù sao mày vẫn được thoải mái, lại còn hấp thụ được nền văn minh thế giới "cập nhật hóa" kịp thời, kịp lúc. Còn tao, vẫn "gõ đầu trẻ" sống qua ngày, đừng lo cho tao, dù có khó khăn rồi cũng qua, một mình thì chả có gì là phức tạp. Ngày ngày đến trường vui với đàn học trò, về nhà làm những công việc lặt vặt, buồn xách xe đạp chạy lòng vòng thị xã cũng vui, vừa tập thể dục vừa giải trí cho "buồn ơi ta chào mi!". Bạn mình giờ mỗi đứa một nơi, ai cũng bận bịu gia đình, con cái, đâu có thời gian mà đến với nhau, có bạn cũng còn vất vả lắm mua gánh bán bưng không đủ nuôi đàn con, đành thôi. Nhận thư mày, tao mừng quá đọc tới đọc lui bao nhiêu lần, kỷ niệm sống dậy, như hôm nay soạn đống sách vở cũ gặp những quyển sách mày tặng cho tao, những bài thơ "lãng xẹt" của tụi mình còn tệ hơn bài thơ "con cóc", tao thấy nhớ lại thời mình dạy ở Cần Giuộc sao mà vui quá, cay sè mắt rồi nè nhỏ. Nhớ những lúc phá phách sao giờ nghĩ lại tụi mình ác quá hả mậy, có khi thấy tàn nhẫn nữa, bốn đứa mình tâm đầu ý hợp cứ cười suốt, làm biếng ăn uống, đứa nào cũng ốm nhom, ốm nhách, đã vậy nhỏ Hờ còn bày ăn "gạo lứt muối mè" nữa. Tao vẫn còn thắc mắc tại sao nhỏ Tờ "đía" nó cứ lạnh hoài hả mậy? Lúc nào nó cũng than lạnh là tại sao? Nhắc tới nó, tao phải phì cười, tự nhiên mình đặt nó là Tờ "đía" hồi nào không hay, mày nhớ không, hễ mình hỏi nó cái gì hoặc nhờ nó giúp ý kiến, lúc nào nó cũng lắc đầu khoát tay và nhỏ nhẹ bảo "Nô ai đia", tụi mình tức dễ sợ, dần dần nó trở thành Tờ "đía" luôn. Sao tụi mình không đặt nó là Tờ “lạnh lùng”? Vừa hay than lạnh, vừa không góp ý kiến, ý cò cho tụi mình, hỗng biết bây giờ nó ấm áp chưa?

 

Nguồn minh họa: Internet.

Hạ thương, tao nhớ hoài hôm mà tụi mình lại nhà TH xem kịch "Dưới hai màu áo" của ban kịch Kim Cương, sau khi xem xong, chú Tín nhòe nước mắt và bảo:

- Mình không xem nữa đâu, diễn như thật đấy!

Tụi mình cười quá chừng, ổng nổi sùng ổng chọc lại mà cả đám không biết, mày nhớ không nhỏ, chú nói với mày một giọng rất ư là... là... Hà Tĩnh:

- Mai sau mình về Lợi Bình Nhơn cưới vợ.

Cả đám xôn xao, mày còn nói:

- Thật hả chú, chú cưới ai vậy?

Chú không trả lời mà híp mắt cười, tới chừng mày sực nhớ Lợi Bình Nhơn là quê của mày, mày chửi và đuổi ổng về, thấy ổng ra về mà tội nghiệp, tao và nhỏ Hờ lăn ra cười, nhỏ Tờ thì "nô ai đia", nhìn thấy mặt mày đỏ lên vì giận dữ, nhớ lại mà quê giùm mày gì đâu.

Có lần chú Kim gửi mày hai câu thơ mày còn nhớ không? Hiện nó đang nằm trong cuốn nhật ký của tao nè, mày xem xong mày “qui đăng” (quăng đi), tao và nhỏ Hờ lượm cất:

Thương em bụng sát tận da,
Em nhìn không thấy, tưởng là đói cơm!!!


Trời, tán đào kiểu đó thì cho ế luôn hả mậy? Tao đang soạn lại mấy quyển sách, nhớ tới mày, bỏ dở dang lại bàn ngồi viết thư cho mày, nhắc lại kỷ niệm nhớ chuyện tao, tao khóc mày ơi! Cũng vì mấy câu thơ của Nguyên Sa mà tao tới giờ này như vầy mày thấy không :

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường...


Tao thích màu vàng, và người ấy cũng thích màu vàng nên đời tao giờ thê thảm, thôi không nói chuyện tao nữa. "Đừng khơi lại đống tro tàn, bụi bay cay mắt!" Tụi mình đã từng nói:

Chồng con là cái nợ nần,
Chi bằng ở vậy nuôi thân béo mầm.


Hì! hí! hì!
 

Nguồn minh họa: Internet.


Hạ, mày có nhớ lúc nhỏ Tờ "đía" thuyên chuyển về quê không? Hôm đó bạn bè kéo tới đông nghẹt nhà nhỏ Hờ luôn, tao và mày phải lau sàn gạch mà ngồi như ta đây là dân Nhật Bổn thứ thiệt, buồn mà vui, vui mà buồn, tụi mình thức trọn đêm không cười nổi vì buồn "buồn tàn canh giá lạnh!", tụi con Nhờ chơi "ca rô" mà cười không vô. Sáng hôm sau nó xách "vi la”, ủa va li ra đi, ai cũng đưa nó ra bến xe Cần Giuộc, chỉ có mày không đưa, lại trùm mền kín mít mà khóc rấm ra rấm rức, tao còn nhớ nhỏ Hờ nhái giọng Hà Tĩnh của chú Tín mà mếu máo nói:


- Buồn chịu không nổi chúng mày ạ Tờ "đía" đi rồi, ai thổi cơm cho chúng mình xơi, ai đổi nước ngọt cho chúng mình tắm.


Rồi nó la lên:


- Tụi bây dẹp lọ kẹo và bịch đậu phộng da cá, kẻo nhỏ Hạ nó ăn hết đó, tao sợ nó buồn lắm, mỗi lần nó buồn là ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn.


Thế là cười ra nước mắt. Tụi mình chỉ còn "tam nương" thôi, có ba đứa khó chơi ca rô, khó chơi đô mi nô, và khó chơi đánh cờ thấy mồ, rồi tụi mình cứ thay phiên làm trọng tài, mày có nhớ không?

Tờ "đía" giờ ra sao chả biết, mày ở một nơi, Hờ ở một nẻo, tao thì ở đây với cuộc sống lầm lũi, buồn nhiều hơn vui, một mình với căn nhà hiu quạnh nhìn thời gian đi qua mà ngậm ngùi:

Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu... (**)


Nhỏ ơi, có nhớ lúc hai đứa mình làm Tư Ếch đi Sài Gòn vào mùa hè năm đó không? Nhỏ Hờ hẹn để dẫn mình đi thăm chú Tín, và nó cũng từ giã mình mà đi... đi... Tao nhớ hoài lúc tao và mày leo lên xe buýt Ngã sáu Sài Gòn thì mày bị giật cái nón đang đội trên đầu, mày khóc và nói:

- Cái nón là kỷ niệm duy nhất của tao và nhỏ Nga khùng mà nó nỡ lòng nào lấy của tao, tao bảo nhỏ Nga hiện hồn về đòi lại hu! hu! hu!...

Bây giờ nhớ lại tao cũng mắc cười, sao lúc đó tụi mình khờ quá nhỉ. Rồi tao lại về thị xã, mày cũng rời xa Cần Giuộc sau đó vài năm, rồi nhỏ Hờ lại ra đi, tụi mình tản lạc, buồn buồn tàn thu! "Ai lướt đi ngoài sương gió ...". Giờ đây mày cũng xa, tao nhớ nhung chỉ nhìn qua kỷ vật "em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại..." hay là viết thư cho mày vậy thôi, chừng nào tụi mình gặp nhau đủ bốn đứa hả mậy? Làm sao trở lại thời gian cũ.

"Bao giờ trở lại đồng Bương Cẩn,
Về tới Sài Sơn ngó lúa vàn ,
...
Bao giờ tôi gặp em lần nữa,
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa”


Ôi tao khùng rồi, đó là mấy câu thơ của Quang Dũng trong "Đôi mắt người Sơn Tây", lãng quẻ dễ sợ phải không?

 

Nguồn minh họa: Internet.

Trong thư mày kể về cuộc sống tha hương, tao thấy thương mày quá, cũng có mấy người chắc ở gần chỗ làm pháo, nên khi về nước nói chuyện tao nghe mà không hiểu gì hết. Có mấy đứa về tụi nó mời tao đi "họp bạn", tao đi gặp được một số bạn cũ cũng vui vui, nhưng thiếu giọng cười quái đản của mày nên hơi kém vui một chút, tụi nó nhắc mày quá chừng, tụi nó còn "cúng vái" mày nữa.

Tao với mày vừa học chung thời trung học, lại trời xui khiến dạy chung trường nữa, nên đã thân lại càng thân hơn hén nhỏ. Tao đã làm xong "nhiệm vụ mày giao" là chạy đi lấy số điện thoại của những nhân vật mà mày cần, tao định kể mày nghe chuyện của gã "từ quan", nhưng thôi... hí hí hí!!!

"Ngày xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng...." (***)

Hạ ơi, mày sướng quá, còn liên lạc được với bạn cũ và thầy cô của tụi mình nữa, nghe nói có website rồi diễn đàn vui lắm hả? Vậy mày hết buồn rồi.

Hạ thương, thư dài quá rồi, càng viết càng nhớ mày, tao không viết nữa đâu, thư sau mày kể tao nghe về bốn mùa nghe nhỏ, nhất là mùa thu...

Em có nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.


Ông Lưu Trọng Lư làm thơ hay thiệt há mậy.Thôi tao dừng bút, chúc mày luôn khỏe để "cày", và nhất là nụ cười lúc nào cũng đậu trên môi. Hẹn thư sau.

Thương nhớ,

lêthị hạanh
(Maryland 6-6-2011)

 

-------------

(*) thơ Nguyễn Bính
(**) thơ Huy Cận

(***) nhạc Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage