Hồn của đá
* Khảo cứu
Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hỏi người tình “Làm sao em biết bia đá
không đau?” là lúc nhạc sĩ đã tặng cho đá một cái hồn, một sự sống
vượt lên cái vô tri tĩnh lặng bình thường. Khi tình yêu vỗ cánh, nhà
thơ Hà Huyền Chi quay về đối diện với nỗi cô đơn, chắt chiu kỷ niệm
thành thơ, được nhạc sĩ Trần Trịnh cảm thông, phổ thành bản nhạc nổi
tiếng Lệ đá: “Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời” mà chúng ta
rất quen thuộc.
Tìm đá và thổi vào cho chúng một cái hồn, đặt cho chúng một cái tên
phù hợp, đó là nghệ thuật chơi đá cảnh, hiện nay rất phổ biến trên
thế giới.
Có thể bạn chưa quen vẻ đẹp trừu tượng của một viên đá cảnh, giống
như chúng ta chưa thấu hiểu hết khi nhìn các bức danh họa trừu tượng
của Picasso. Nhưng trong chừng mực nào đó, ta cũng sẽ thấy một phần
vẻ đẹp và những điều bí ẩn mê hoặc trong ấy. Chúng ta thường quen
với những tác phẩm đá cảnh hiện thực như tác phẩm non bộ, đó là tác
phẩm tả chân, nhìn vào là hiểu ngay nội dung. Nhưng đó là nghệ thuật
của sự xếp đặt lắp ghép nhiều viên đá rời rạc thành ra một tác phẩm
phong cảnh sơn thủy hoàn chỉnh, có có sự tạo tác sửa chữa, can thiệp
vào hình thể các viên đá trong mỗi thành phần của tác phẩm non bộ.
Non bộ - Bài ca quê hương - huy chương Vàng non bộ
cỡ trung TP.HCM 2011)
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu trường phái chơi đá
cảnh từ thiên nhiên Suseki, không qua bàn tay can thiệp, tạo tác của
con người mà có lần tôi đã đề cập trong bài
Nghệ thuật chơi đá cảnh.
Theo trường phái Suseki của người Nhật: trường phái đá cảnh này sử
dụng đá do “sự tác động xoáy mòn của nước dưới sông dưới suối”. Vì
đa phần các viên đá tìm thấy ở dưới suối, trải qua hàng trăm, hàng
ngàn năm bị xoáy mòn mà tạo thành. Đặc biệt nhất của tác phẩm đá là
không có viên đá thứ hai giống nó.
Có ba điều ta cần quan tâm khi tìm và đánh giá một tác phẩm:
- Thạch ý: tác phẩm gợi cho ta suy nghĩ về điều gì, hình ảnh gì cụ
thể hay trừu tượng khi tác phẩm vừa tác động vào mắt với cái nhìn
đầu tiên?
- Thạch chất: chất liệu cấu tạo nên viên đá, loại đá và độ cứng của
đá…
- Thạch sắc: màu sắc, đậm đà bắt mắt, hài hòa, quý hiếm…
Người Nhật thường chọn màu đá đen (tourmaline) với độ cứng từ khá
(6.5) cho đến rất cứng (độ cứng: 7,5 - trong bảng phân loại của
Fedrich Most). Cứng hơn nữa như spinel (8); hồng ngọc ( 9) và kim
cương (10) khó bị mài mòn nên không có tác phẩm đá cảnh. (Vả lại nó
quí giá theo cách khác).
Người Trung Quốc lại thích đá màu đỏ, hoặc có vân đỏ, nhưng vẫn hay
tìm đủ thứ màu sắc, đá mềm cũng được nếu có dáng thế đẹp.
Nhận xét đánh giá về tác phẩm đá cảnh:
Giá trị của tác phẩm tùy theo ý tưởng, các tác phẩm trừu tượng luôn
là tác phẩm có giá trị nhất, đứng thứ hai là dạng núi non, dáng núi
phải đặc biệt, ví dụ sườn núi có vân giống như một dòng suối; hay
dáng Tỵ vũ: như vách núi đá có mái che mưa, có thể là hình hang động
để cho thuyền bè vào trú ấn.
Cửa động đầu non, huy chương vàng Xuân 2011.
Hoặc có chỗ lõm xuống thành ao hồ trên núi cho ta hình ảnh của thiên
nhiên hoang dã có núi cao và bình nguyên.
Núi và hồ nước, tác phẩm đoạt huy chương bạc Xuân 2011.
Núi cắt chân.
Bản thân tác phẩm đá đã là trừu tượng rồi, nhưng cái hồn của tác
phẩm chính là sự tiềm ẩn những điều kỳ bí, “càng ngắm càng ưa”.
Chúa sơn lâm, huy chương Bạc.
Loại đá cứng luôn có giá trị cao hơn các loại đá mềm: Chacedony
(Casedon: thạch anh ẩn tinh; SiO2); Amethyst: thạch anh tím loại này
có độ cứng: 7 - trong bảng phân loại của Fedrich Most.
Casedon.
Casedon.
Casedon.
Thạch anh.
Thạch anh tím.
Đá đen nếu có lẫn vân màu đỏ là khi có hợp chất nguồn gốc sắt tam
(Fe3).
Nhà sắc đỏ.
Hoặc màu xanh ngọc do hợp chất canfit sắt CaFe2 tạo thành hay màu
xanh dương của đá Opan SiO2 n H2O.
Dãy núi.
Lão tiền bối.
Các loại đá cứng đặc biệt khi từ trong lòng quả đất phun trào, có
vài chỗ lẫn lộn chất đá vôi mềm, khi bị nước xâm thực khoét thành lỗ
hổng gọi là Thấu thạch (thấu là xuyên thấu) lại càng tăng thêm giá
trị đặc sắc của viên đá.
Thấu thạch.
Loại đá kết: nhiều chất liệu đá khác nhau trong tự nhiên trong quá
trình trầm tích, kết dính với nhau thành một viên đá hoàn chỉnh.
Đá kết.
Đá kết.
Các loại đá hoa văn đồ thị: tùy màu sắc của các loại hoa văn (vân)
trắng thường là do thạch anh tạo thành, các vân màu khác có thể là
do một loại chất liệu đá khác tan chảy, lẫn lộn trong quá trình phun
trào của đá núi.
Đá hoa văn.
Đá hoa văn.
Với người nghệ sĩ và các nhà khoa học thì đá nói lên rất nhiều điều.
Đá là bức tranh ba chiều thể hiện sức sống của một chủ đề nghệ
thuật. Một tác phẩm đá đẹp sẽ làm ta xúc động, yêu quí nó vì nó có
giá trị nghệ thuật rất cao tạo nên cái hồn của đá. Nghệ nhân sưu tầm
đá cảnh, tìm được một tác phẩm đá vừa ý, sẽ có hạnh phúc không thua
gì một họa sĩ vẽ xong một bức tranh đẹp. Sưu tầm đá cảnh còn là một
sự góp nhặt kỷ niệm của một kỳ nghỉ ngơi, du khảo… Kỷ niệm một thời
và vẻ đẹp có một không hai của viên đá sẽ gắn bó với chúng ta làm
cho ta yêu quí nó hơn.
Kết hợp sự trưng bày đá cảnh với bonsai là cách chúng ta thường thấy
trong các khu vườn Nhật Bản. Sự thanh thoát của cây bonsai hay một
chậu hoa cảnh gắn bên cạnh viên đá là môt sự kết hợp hài hòa giữa
cái đứng yên thường hằng của đá với sự mềm mại thay đổi đầy sức sống
của cây cảnh, đó là sự kết hợp tuyệt vời trong nghệ thuật sống hòa
hợp với thiên nhiên trong một thế giới đầy biến động.
NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 6-6-2011)
THAM KHẢO THÊM:
Nghệ thuật chơi đá cảnh
(Khảo cứu, thầy Nguyễn Văn Hòa 13-1-2011)
|