|
Ngố
* tùy bút
Năm gần mười tuổi rưỡi là tôi đã xong
bậc tiểu học, tôi không đủ tiêu chuẩn tuổi để thi vào lớp đệ thất
trường công lập. Thay vì để con gái học lại lớp năm, ba tôi đã cho
tôi vào trường tư để học đệ thất, lúc đó tôi nào biết gì, ai bảo sao
thì nghe vậy.
Thuở ấy, có khi tôi nhìn tôi chẳng
biết mình là trai hay là gái, mặc đồ thì áo tay phùng cổ lá sen,
quần lãnh "tuyết nhung" đen, nhưng lại thích chơi những trò chơi của
con trai như: đá cầu, bắn bi, búng thun, chạy đua, nhảy xa, nhảy cao
v.v... nói chung, tụi con trai tới đâu là tôi tới đó. Nhưng học thì
không tệ vì ba tôi là ông giáo làng, học dở là chết với ông.
Nhớ hồi học lớp năm trường tiểu học
Rạch Chanh, vừa vào lớp sau giờ chơi thì thầy Công gọi tôi lên trả
bài môn sử, tôi đọc một hơi vì ỷ là ta thuộc bài: “Ông Phan Đình
Phùng người làng Đông Thái, tỉnh Hà Tĩnh,... bởi can ngăn việc phế
lập nên bị vua Tự Đức cách chức đuổi về làng...” Tới đó, tự nhiên
tôi cà lăm. Thầy hỏi: Còn gì nữa? Tôi đâm ú ớ, rõ ràng mình thuộc
bài, trước khi đi học ba đã "dò" bài kỹ lắm sao bây giờ quên mất,
tôi lẩm bẩm. Thế là một cái "trứng ngỗng" to dành cho tôi! Số là hồi
giờ chơi tôi đã "cãi nhau" với thằng Khiết, thằng Chiếm, thầy Công
đi ngang qua và thấy nên mới bị thầy cho ăn "trứng luộc", cũng đau
lắm chứ lị! Khi tiếng trống "thùng! thùng! thùng!" báo hiệu hết giờ
chơi, thằng Khiết nhào tới gom hết tất cả những sợi thun và chạy vào
lớp, ấm ức, tôi chạy theo đòi lại, đã không lấy lại đươc mà còn bị
thầy phạt, thật là tức! Tức cả hai!
Giờ nghĩ lại mà thương thầy tôi quá, có lần thầy bảo với chúng tôi:
- Nghề giáo rất bạc bẽo, sau này các em đừng bao giờ theo nghề này,
hãy cố gắng học để trở thành kỹ sư, bác sĩ, vừa giúp ích nhiều cho
đất nước, cho xã hội, vừa danh giá hơn.
Chúng tôi nào hiểu gì, nhưng cũng cảm nhận một chút chút gì qua
giọng nói buồn buồn của thầy. Thầy còn rất trẻ nhưng tóc thầy đã
điểm sương, chẳng biết thầy tôi giờ ra sao, có còn khỏe không? Riêng
bạn Chiếm của tôi lớn lên đi lính bạn bị thương nặng lắm, cụt mất
hai cánh tay, sau này bạn đã qua đời vì cơn bạo bệnh. Còn bạn Khiết
thì hồi đó lam lũ với cuộc sống hàng ngày, chẳng biết bây giờ bạn ở
đâu?
Trở lại tôi lúc đó, hễ đi học về là thay bộ đồ ngắn và chạy ra chơi
với mấy thằng con trai trong xóm. Mẹ tôi cứ lắc đầu tặc lưỡi:
- Con Hạ cứ tối ngày chơi mấy trò chơi đó không khác gì con trai.
- Kệ nó, miễn nó vui, không có chuyện gì xảy ra thôi, vả lại nó học
đâu có tệ.
Ba tôi bảo thế, mỗi lần mẹ tôi than phiền về tôi thì y như ba tôi cứ
bênh vực. Mẹ có vẻ không hài lòng, cứ bảo con gái đã lớn phải tập
tành kim chỉ. Có lần thằng Đức con chú Năm Bộ nó ăn gian trong lúc
chơi đánh cờ, tôi rượt theo và nện cho nó một trận, mẹ tôi sợ quá
bắt tôi phải đi xin lỗi. Tuổi thơ của tôi thật hồn nhiên chỉ biết
ăn, học, rồi đùa giỡn. Khi tôi học hết năm lớp đệ thất, ba bảo khỏi
phải thi vào trường công, cứ học trường tư, vì mất đi một năm uổng
phí. Khi lên lớp đệ lục, tôi bắt đầu tham gia đội bóng của trường,
sau giờ học là tập dợt, tôi rất thích, cố tập luyện. Về nhà cùng
thằng em trai tôi tập, sau đó hai chị em chơi đá cầu, thằng em nhỏ
hơn chị hai tuổi nhưng tỏ ra có tài năng không muốn thua bà chị của
nó, tội cho mẹ cứ nhắc chừng hoài. Buồn cười là chẳng thấy đứa con
gái nào rủ đi chơi, chỉ có mấy thằng nhóc rủ chơi đánh đáo, bắn bi,
đá banh... tôi vui lắm, chỉ cười và cười.
Lớn lên, tôi càng nghịch ngợm thích chọc phá, nhưng cũng rất giàu
tình cảm, biết giúp đỡ những người già, và những bạn học có hoàn
cảnh khó khăn. Đầu năm lớp đệ ngũ, học sinh nữ phải mặc áo dài, khổ
sở cho tôi, lúc nào trong cặp cũng có bộ đồ thể thao vì còn phải tập
với các bạn. Thường thì chúng tôi đi học bằng xe đạp vui lắm, gái
có, trai có, cả đám chạy đua, có lần tôi bị té đau điếng, một cái
sẹo ở chân nhớ đời! Thuở đó đường không có nhiều xe như bây giờ,
thỉnh thoảng chỉ có vài chiếc xe lam, ngoại ô của thị xã nên cũng
vắng. Nhưng nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò, biết tụi tôi thuộc thứ
ba nên chẳng ai nói gì. Có khi tụi tôi kéo vào Tịnh xá Ngọc An lễ
Phật, được quý sư cô giảng cho nghe về kinh Phật rồi còn được "độ"
một bữa cơm "chùa" ngon lành! Năm học lớp đệ tứ, tôi theo cô Tiên
với thầy Liệt tập dợt ráo riết, không hiểu sao hôm đó tôi nhảy cao
bị té quá nặng, kết quả "treo giò" ở bệnh viện Long An khiến ba mẹ
lo lắng, còn phải nghỉ học. Từ đó, ba không cho tham gia bất cứ môn
thể thao nào, kể cả những trò chơi khác. Tôi bắt đầu viết bài cho
báo của trường, làm thơ, tùy bút, viết những đoản văn ngắn v.v...
Không ai ngờ được một đứa "ồn ào náo nhiệt" như tôi có những phút
giây suy tư thả hồn theo những áng văn, những vần thơ "dở ẹc".

* Nguồn minh họa: Internet.
Cuối năm lớp đệ tứ, tôi lại thi vào
lớp đệ tam trường công, từ đó tôi là học sinh của trường Trung học
Tân An, cùng các bạn như Tám, Nữ Nguyễn, Thức, Kinh Quốc, Bé Ba,
Ngọc Lan .v.v... Sau đợt "treo giò" bị ba tôi cấm chơi những môn thể
thao, nhưng tôi vẫn "lén" thi vài môn như leo dây, ném tạ, nhảy
xa... ở lớp đệ nhị để kiếm thêm ít điểm. Tuy không được chơi thể
thao, tôi vẫn đi xem các bạn luyện tập và luôn luôn đi ủng hộ khi
các bạn thi đấu với các trường khác. Năm học lớp đệ nhất cũng vì hay
chọc phá nên tôi bị thằng Năm giấu một chiếc giày phải đi chân không
về nhà. Trong lớp có nhỏ Hương Xuân không kém gì tôi, thế là hai đứa
tôi có đủ thứ trò để phá. Một lần thầy Hùng nghỉ, tụi tôi ngồi trong
lớp để chờ học môn học kế, Hương Xuân rủ tôi sang hái ổi ở phía sau
trường, trời ơi! sao mà sai trái thế từng chùm, từng chùm, thật là
hấp dẫn. Hai đứa mở cửa đi ra xuống lầu vừa hết bậc thang thì thầy
Phụ, tổng giám thị, đứng sừng sững ở đó tự bao giờ, hai đứa cố đi
thật nhẹ, dép xách tay không dám mang sợ có tiếng động, vậy mà thầy
cũng biết.
- Hai em đi đâu đó?
- Dạ, tụi em đi W.C.
Xuân nhanh nhẩu trả lời thật hóm
hỉnh.
- Đi vệ sinh sao ở đây? Trở lên lớp mau. Hai đứa tên gì? Học lớp
nào?
Hai đứa quay đầu chạy không kịp trả lời thầy, sợ thì ít mà tức thì
nhiều; tuy nhiên, hai đứa cũng có một trận cười khoái chí. Nghĩ cũng
buồn cười nhà vệ sinh thì nằm cuối dãy ngay đầu cầu thang, hai đứa
đã xuống tới đất rồi còn dám trả lời thầy như thế. Tôi thì nhớ hoài
những kỷ niệm, không biết ở phương trời nào, nhỏ Hương Xuân có nhớ
đến tôi, nhớ các bạn không?
Cuối năm đó thì buồn hiu, vì biết sẽ chia tay mỗi người mỗi ngã,
chúng tôi có tiệc chung của lớp, rồi cũng có từng nhóm, cùng tham
gia với các bạn của lớp khác, buồn nhiều hơn vui, những bài hát về
hè được thay phiên nhau hát, còn chuyền nhau ghi "lưu bút ngày xanh"
nữa (tôi vẫn còn giữ dù đã mấy chục năm), đứa nào cũng ứa nước mắt!
Vậy mà sau này nhóm bạn của tôi cũng liên lạc được với nhau, mỗi năm
họp mặt một lần vào tháng mười một, thường thì họp mặt tại nhà bạn
Trí ở đường Phan Đình Phùng vì bạn này ở trung điểm dễ dàng cho các
bạn dù ở xa cũng đến được. Nhóm của tôi có bạn Hoài, Quân, Huỳnh
Phong, Ngọc Anh, Mai Danh, Hoa, Bé, Nữ Nguyễn, Tám, Kim Ánh, Ba, Bé
Ba, Trí, Mỹ Nhan, Ngon, Lập, Lệ Thủy, Minh Hương, Thượng mập, Giảng
(bạn này đã chết cách đây hai năm vì bệnh), Bình, Lưu, Kim Thanh,
v.v.... Mỗi năm mỗi thấy sự đổi thay của từng đứa, già nua vì bộn bề
với cuộc sống, kể nhau nghe những vui buồn. Tội cho bạn Ngon hoàn
cảnh thật khó khăn, lại ở xa nhất mà không năm nào vắng bạn ấy cả.
Chúng tôi mỗi đứa một nghề, giáo viên, công chức, buôn bán, làm
ruộng... đứa nào cũng mong đến ngày họp mặt để cùng nhau ôn cố tri
tân. Cũng có một số bạn chưa lập gia đình, có bạn con đông, có bạn
đã định cư nước ngoài hễ có về thì cũng đến trong ngày họp mặt. Nhóm
bạn của tôi vẫn duy trì cho tới bây giờ, hễ đứa nào tìm được bạn thì
mời bạn đó đi dự họp mặt mỗi năm. Cũng như tôi, dù ở đây lúc nào
cũng nhớ đến các bạn ở quê nhà, và cố gắng tìm kiếm các bạn đang
định cư ở nơi này để liên lạc với nhau, mãi vẫn là bạn!
Xong bậc trung học, có đứa về quê, có đứa đi lính, mỗi đứa một ngành
nghề, tôi thì cũng đi dạy, hiểu thế nào là bạc bẽo nhưng cũng "chui
đầu vào".
Lúc dạy ở Cần Giuộc có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Vào năm 1979, phòng
Giáo dục bắt các trường phải có "vườn cây thuốc nam", chúng tôi bảo
học trò mang những thứ cây cỏ vô trồng, riêng tôi thì trồng rau
lang, rau muống, rau húng, rau quế, rau sam, toàn là rau... Đặc
biệt, tôi trồng một hàng cây so đũa thẳng tắp thật đẹp, khi nó trổ
bông eo ơi đẹp vô cùng màu trắng, màu đỏ. Lũ bạn tôi mỗi lần tụi nó
từ Tân Tập, Rạch Núi đi ngang qua là nó chọc ầm ĩ là: "Phước Vĩnh
Tây tụi nó trồng so đũa để nuôi dê tụi bây ơi!" Phòng Giáo dục xuống
thăm vườn thuốc nam có vẻ không hài lòng, tôi giải thích: "Tất cả
những thứ tôi trồng đều là dược thảo, vừa làm thuốc, vừa có rau để
ăn, ăn rất tốt cho sức khỏe. Còn cây so đũa có lợi vô cùng, bông và
trái non xào hoặc nấu canh chua thì ngon tuyệt, vạt vỏ cây ở lớp
trong là vị thuốc, cây nào già đốn “cùi lảm” (làm củi) rất là có
lợi". Thế là huề cả làng. Tôi thật không ngờ sau đó có nhiều trường
bạn ghé thăm "vườn thuốc nam" của chúng tôi, thầy Hai hiệu trưởng
trường cứ "la" chúng tôi: “Không có nước ngọt để xài mà mấy cô tưới
đám rau xanh tốt như vậy coi bộ hao quá.” Nhưng chúng tôi đã hùn
nhau đổi nước ngọt chứ nào có xài của trường đâu. Kỳ lạ là cuối năm
ấy, "vườn rau" chúng tôi được "khen thưởng", chúng tôi không mừng mà
đứa nào cũng tròn mắt kinh ngạc.
Lại có kỷ niệm khác là chúng tôi theo học trò đi câu cá kèo, và câu
cua, ôi vui làm sao! Câu cá kèo không có lưỡi, không có mồi chỉ cột
cái vòng để xuống, hễ thấy con cá chui vào là giựt lên, vui lắm. Còn
câu cua cũng thật đơn giản, chỉ câu bằng cơm nguội có vợt vớt con
cua lên, tụi tôi thích vô cùng, làm sao quên được!
Ngày nay, tuổi đời chồng chất, vật lộn với cuộc sống hàng ngày ở xứ
người, nhiều âu lo, những kỷ niệm vẫn sống mãi trong tôi. Nhưng tôi
vẫn còn tinh nghịch, có lẽ đã ăn sâu vào huyết quản. Tôi đã tham gia
nhiều trò vui, và kết thân thêm bạn. Cùng với Ngọc Anh, nhỏ bạn tinh
nghịch không kém hiện đang ở Florida, chúng tôi thường nói chuyện
qua điện thoại mỗi ngày cứ nghĩ cách để phá phách. Vì chúng tôi đã
liên lạc được một số bạn, các anh chị cựu học sinh Trung học Tân An
nên có đề tài hai đứa tôi chọc và được những trận cười thoải mái. Để
rồi sang ngày mới cứ "đi cày" và "đi cày" không hề thấy ánh mặt
trời!
Rồi một sự tình cờ, tôi đã đến với Trung học Kiến Tường, nơi đây tôi
thấy không khí của Từ đường rất ấm cúng, vui vẻ, tôi rất yêu thích
và tôi trở thành “kiến” tự lúc nào không hay. Tôi hòa nhập cùng tổ
Kiến, không một chút khác biệt. Mọi người, từ thầy cô tới các bạn
cựu học sinh THKT, đều dang tay, mở lòng chào đón tôi, đã coi tôi
như mọi thành viên khác. Tôi bỗng mỉm cười khi nhớ mấy câu ca dao:
"Con kiến mà đậu cành đa,
Leo phải cành cụt, leo ra leo vào
Con kiến mà đậu cành đào
Leo phải cành cụt, leo vào leo ra." (*)
Một mùa hè nữa đã đến, ở nơi này, tôi nào thấy được màu hoa phượng
đỏ thắm để mà ngân nga, mơ mộng "mỗi năm đến hè lòng man mác
buồn..." Nhưng trong tôi vẫn cồn lên một nỗi nhớ da diết, thèm được
trở lại thời cắp sách đến trường thật hồn nhiên, vô tư lự.
Cho dù cuộc sống tha hương vất vả, cho dù gian nan, với đời sống
hiện tại, tôi chỉ muốn mình mãi là Ngố mà thôi, để tôi còn có nụ
cười cả trong giấc ngủ.
kiếnngố - LÊ THỊ HẠ ANH
(Maryland 14-6-2011)
-----
(*) ca dao VN
|
|