thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Ba ơi!

 

* tùy bút 

 

Thưa ba, hôm nay con đã nói biết bao nhiêu lần với những người khách chỉ một câu giống nhau:

- Happy Father's Day!

 

Thưa ba, ngày mai là ngày lễ dành cho người cha. Ba ơi, vậy là con gái của ba cũng lưu lạc xứ người 13 lần biết ngày lễ dành cho người cha. Con nhớ ba nhiều lắm, và con đã khóc  không biết bây giờ ba ở đâu? Từ nơi xa xôi đó, ba có được an vui, có biết rằng con gái của ba rất nhớ ba, bên ngọn nến lung linh, con đã ngồi lặng hàng giờ nghĩ về ba, ba của con, người cha khả kính mà vĩnh viễn con không bao giờ còn gặp được, có chăng chỉ trong giấc mơ thôi. Ba ơi!

 

Nhớ lúc chị em con còn nhỏ thường theo ba đi đây đó, ba đã dạy điều hay lẽ phải, ba kể chuyện đời xưa, nhắc nhở chăm chỉ học hành. Tụi con rất thích được nghe chuyện kể của ba, chỉ mong chờ những đêm trăng sáng cùng quây quần dưới trăng để nghe chuyện chú Cuội và Hằng Nga. Rồi chúng con đùa giỡn múa hát, với những tràng cười nắc nẻ. Đêm Trung Thu thì khỏi phải nói vui ơi là vui, tụi con cùng đám bạn trong xóm chơi cộ đèn, con sung sướng được xách chiếc lồng đèn đẹp nhất do chính tay ba làm cho con, mà mấy bạn con thèm thuồng ước ao. Ba ơi, tuổi thơ của con thật đẹp, thật hạnh phúc  mong sao ba sống hoài bên con vì con gái của ba lúc nào cũng cần sự dìu dắt, dạy dỗ của ba. Ba có nhớ năm con học lớp Năm  không? Con khoe bài Tập làm văn con mới làm, xem xong ba, vốn là một ông giáo làng, cười ha hả và bảo:

- Con tả ba tưởng tượng con đã thấy núi Thái Sơn vậy. Giỏi!

 

Hôm đó đề bài văn của con là “Trò hãy bình giảng câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”

 

Không hiểu sao con đã làm tới bốn trang giấy học trò, có lẽ xuất phát từ lòng thương cha mẹ. Ba ơi, con nhớ ba vô cùng!

 

 
Tác giả hồi nhỏ và ba của mình, chụp tại thị xã Tân An. (Ảnh do tác giả cung cấp).  

Có lần ba kể cho tụi con nghe chuyện Sào Phủ, Hứa Do, tụi con không hiểu gì nhưng vẫn nhớ nằm lòng, ba đã nói:

- Hãy học theo Sào Phủ, đức tính khiêm nhường, mình  làm được cái gì không cần phải để mọi người biết, miễn sao mình sống tốt, sống thật chính mình.

 

Thưa ba, con vẫn nhớ và nhớ hoài cho cả đời con. Có lần ba bảo con kể lại chuyện Hứa Do, Sào Phủ cho bà ngoại nghe vì ba khoe với ngoại là con gái ba giỏi, thông minh. Eo ơi, hôm đó con sợ quá nhưng cũng cố gắng kể vì ngoại hứa sẽ cho con đi sở thú và còn được chụp hình nữa, có lẽ được đi chơi là động cơ thúc đẩy con kể được. Đại khái chuyện như thế này:

 

Hứa Do là một người ẩn sĩ thời cổ bên Trung Hoa, một hôm ông đến bên bờ sông để rửa tai của mình. Có ông Sào Phủ đang dẫn trâu định cho nó uống nước bên bờ sông đó, chợt thấy Hứa Do rửa tai, ông hỏi:

- Tại sao ngài lại đi rửa tai của ngài vậy?

 

- Ta rửa những gì dơ bẩn mà ta vừa nghe.

 

- Ngài nghe điều gì mà dơ bẩn, mà ai nói những điều dơ bẩn đó?

 

- Nhà vua! Vua bảo là sẽ giao giang san lại cho ta, nếu ta chịu ra giúp nhà vua bảo vệ non sông Tổ quốc. Ta không muốn tai ta bị dơ bẩn nên mới đi rửa đó thôi.

 

Sào Phủ nghe thế liền dẫn trâu lên phía đầu dòng sông cho trâu uống nước, Hứa Do ngạc nhiên hỏi:

- Vì cớ gì nhà ngươi dẫn trâu lại đầu dòng cho trâu uống? Ở đâu mà chẳng uống được?

 

Sào Phủ đáp :

- Ngài không màng danh lợi, ngài cho những lời của vua là dơ bẩn, ngài đi rửa tai, tôi không muốn trâu của tôi uống thứ nước dơ bẩn đó.

 

Sau đó Sào Phủ dẫn trâu đi, trước khi đi, ông còn nói:

- Nhưng tại sao vua Nghiêu biết ngài có tài mà mời ngài ra để giao giang san, gấm vóc?

 

Nói đoạn Sào Phủ cười và dẫn trâu đi mất.

 

Ba đã nhắc nhở: Sống ở đời không cần phải để mọi người biết mình là tài giỏi. Các con nên ghi nhớ điều này. Ba còn nói: "hữu xạ tự nhiên hương!" Lúc đó con quá nhỏ không hiểu nhiều, giờ đây những lời dạy của ba vẫn còn trong tâm trí của con, ba ơi! Ba đã kể cho con nghe nhiều chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, con thích nhất là chuyện "Bồ câu và kiến", con nói với ba: “Con ghét ông thợ săn quá.”

 

Thưa ba, nhớ ngày con đi nhận nhiệm sở, ba đã cùng con lội bộ  biết bao là cây số, con biết ba rất mệt, nhưng ba vẫn tươi cười còn pha trò cho con cười để quên đi quãng đường xa diệu vợi. Con đã nản chí muốn bỏ nhiệm sở, nhưng ba đã an ủi và khuyên con đừng sờn lòng, vì ba muốn con là một  giáo viên. Ba ơi, làm sao con quên được tình thương ba dành cho con còn hơn cả núi Thái Sơn, không thể nào cân đong đo đếm, lúc nào bên tai con cũng văng vẳng lời dạy của ba, ba ơi!

 

Thưa ba, không sao nói hết nỗi nhớ ba trong con, con đã thật thấm thía câu:

"Có cha, có mẹ thì hơn

Không cha, không mẹ như đờn đứt dây."

 

Đờn đã đứt dây rồi ba ơi! Chẳng bao lâu sau ngày mẹ gặp tai nạn qua đời, do quá thương nhớ mẹ mà ba cũng ra đi. Con nhớ hoài giây phút hấp hối của ba, chắc là ba đau đớn lắm, nhìn ba mà đau xót vô cùng, môi ba mấp máy như muốn nhắn nhủ, dạy bảo điều gì cho đàn con, nhưng không thốt ra lời, còn nỗi đau nào hơn! Ba ơi, giờ đây các con của ba mỗi người một nẻo, đứa lưu lạc trời xa, đứa ở lại quê nhà, nhưng chúng con vẫn luôn khắc ghi những lời dạy của ba. Bao năm sống tha phương cầu thực, buồn nhều hơn vui, lúc nào hình ảnh ba cũng vẫn ở bên con, ba luôn mỉm cười với con, cho con thêm sức mạnh vượt qua bao sóng ghềnh thử thách. Con vẫn cố gắng sống và làm việc để không uổng công ba đã dạy dỗ.

 

Thưa ba, ngày lễ dành cho người cha đã đến, bên nén hương tỏa khói, con cầu nguyện cho ba được an vui cõi vĩnh hằng, dù ở bất cứ nơi xa xôi nào ba vẫn dõi mắt nhìn con, con hứa sẽ vâng lời ba dạy bảo và sống thật tốt để xứng đáng là con gái yêu của ba.

 

Hôm nay ngày lễ cha,

Con xin dâng chén trà

Cùng nén hương thơm ngát,

Và với một bình hoa...

 

Ba ơi, con nhớ và thương ba nhiều lắm!


LÊ THỊ HẠ ANH
(Maryland 18-6-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage