Thu hồi hộp đến nỗi tim cô đập thình thịch,
cô cố nén xúc động, nhưng sao không kềm chế được, nước mắt
cô ứa ra. Sau bao nhiêu năm xa cách, cô trở lại quê nhà. Ba
mẹ đã mất, Thu không còn niềm vui nào cả, và tự hứa không
trở về vì Thu rất sợ kỷ niệm, nhớ những ngày hạnh phúc bên
cha mẹ và các anh chị. Nhưng lần này Thu phải về vì một
người, đó là chị của Thu, người chị lớn hơn Thu 12 tuổi, chị
như người mẹ thứ hai, chị từng ẵm bồng, chăm sóc cho Thu từ
lúc nhỏ, chị thay mẹ lo cho em vì mẹ bận việc tảo tần buôn
bán.
Nhận được tin chị ngã bệnh, căn bệnh hiểm
nghèo, phải đi cấp cứu và đang điều trị tại bệnh viện, Thu
sắp xếp công việc để về thăm một lần, nhỡ có bề gì Thu cũng
đỡ phải ân hận. Đón Thu là một đứa cháu, vì Thu đã dặn không
cần phải ầm ĩ, nghe nói giờ tất cả đều đổi thay nên Thu cần
một người hướng dẫn, nếu không thì Thu tự đi về, hành lý
chẳng nhiều, chỉ hai vali nhỏ thôi .
Đêm Sài Gòn không yên tĩnh, cái nhộn nhịp đến
ngạt thở, Thu thấy bỡ ngỡ vô cùng.
- Dì Út!
- Ồ, Thảo đấy à? Nay trông cháu lạ quá, chút
nữa là Út nhìn không ra.
- Xe ở ngoài kia kìa dì.
Thảo đở lấy chiếc xe đẩy và nói:
- Để con đẩy cho, Út có mệt lắm không?
- Không sao, nhưng Út thấy thay đổi nhiều
quá. Làm thủ tục cũng mất nửa giờ. Cả nhà khỏe chứ?
- Dạ! Ai cũng mong Út về.
Thu không nói gì, chỉ thở dài, đầu óc trống
trơn, mênh mông một khoảng không mù mịt.
- Lên xe đi Út.
- Ờ!
Đêm Sài Gòn vẫn náo nhiệt, xe chạy nối nhau,
đèn sáng rực, người người nhộn nhịp, không còn nét hiền hòa
như ngày xưa. Đâu còn ở cái thời:
"Đèn Sài Gòn, ngọn xanh, ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho, ngọn tỏ, ngọn lu..."
Bây giờ khác hẳn, hai bên phố đầy những quán
ăn, chỗ nào cũng đầy ắp người. Khoảng 45 phút sau về đến
nhà. Trời! Nếu không có bé Thảo, không tài nào Thu biết được
ngõ về nhà mình, nơi mà Thu đã sống cùng ba mẹ và anh chị em
mấy chục năm, còn đâu!!! Căn nhà lạ hoắc, mọi người thức để
đợi Thu, bao nhiêu chuyện để nói, không thấy mệt, nhưng Thu
cảm thấy buồn. Quê hương! Quê hương! Hai tiếng thật thiêng
liêng.
Cả nhà thức và chuyện trò, không ai ngủ và
cũng không cảm thấy buồn ngủ, biết bao nhiêu chuyện để nói,
để kể, buồn vui lẫn lộn. Buổi sáng, Thu đi dạo xung quanh
khu nhà mới vì nơi cũ có mộ ba mẹ đã giải tỏa và mộ ba mẹ
được dời đi nơi khác. Thu nhìn thật lâu nơi Thu đã từng sống
và khôn lớn cùng ba mẹ và anh chị, bao nhiêu hình ảnh hiện
ra trong đầu, Thu nhớ ba mẹ khôn xiết, nhớ vùng trời kỷ
niệm, nơi mà tuổi thơ của Thu quá vui, quá hạnh phúc. Đâu
cây đa đầu làng, đâu ngôi đình cuối xóm, đâu dòng sông nhỏ
uốn quanh sau nhà, đâu chiếc xuồng ba lá be bé, đâu vườn cây
đầy các loại quả mà mỗi lần tụi bạn đến chơi đều thích
thú...? Tất cả đã đổi thay, giờ đây nhiều nhà máy và xí
nghiệp đã mọc lên, không còn là thôn xóm quê mùa nữa. Nhớ
quá, Thu đã bật kêu lên:
- Ba ơi! Má ơi! Con đây nè.

Nguồn minh họa: Internet.
Thu đến bệnh viện để thăm chi Tư, trong đầu
Thu chỉ nghĩ đến đến người chị kính yêu của mình, Thu nhanh
bước bên đứa cháu.
- Mẹ mổ xong, còn đang nằm phòng hồi sức,
chắc chiều nay ra phòng ngoài đó Út.
- Ờ.
Thu chỉ ờ mà chẳng nói gì, bởi lẽ Thu rất lo,
rất sợ cho sức khỏe của chị. Thu thầm cầu nguyện cho chị
mình bình yên, tử thần không cướp đi người chị thân yêu của
Thu. Thu nhớ từng kỷ niệm với chị Tư của mình thời thơ ấu.
- Tư ơi, dậy đưa em.
- Ừ .
- Nhớ lấy cái mền có sọc trắng của em nha.
Hồi nhỏ Thu thích ngủ võng, mà phải có người
đưa, và người đó là chị Tư thì Thu mới chịu. Khi Thu ngủ
say, chị Tư bế Thu lên giường, nhưng khi giật mình thức
giấc, Thu lại lay chị Tư đòi xuống võng. Tội nghiệp chị Tư
không bao giờ tỏ vẻ bực bội, chị lúc nào cũng sẵn sàng chìu
đứa em gái bé bỏng. Thu nhớ lúc đó cũng ba, bốn tuổi. Mỗi
ngày chị Tư đi học bằng xe đạp, Thu ngồi ngoài hiên nhà để
ngóng, thấy chị về là Thu nhào lên bắt chị chở một vòng
trong sân nhà, Thu thích chí cười vang. Những bài hát chị
dạy Thu vẫn còn nhớ:
"Lúa ngô là cô đậu nành, đậu nành là anh dưa
chuột, dưa chuột là ruột dưa gang, dưa gang là nàng dưa hấu,
dưa hấu là cậu lúa ngô."
Bài hát vần lân vô nghĩa vậy mà Thu thích
lắm. Thu lẩm nhẩm bài hát đó và nói một mình:
- Lát nữa em sẽ hát cho Tư nghe.
Thằng cháu hỏi:
- Út nói gì vậy?
- Ờ, đâu có gì. Chờ thang máy lâu quá, thôi
đi bộ đi con.
- Lầu 9 lận, Út đi gì nổi.
- Không sao đâu.
- Đợi chút nữa hà Út ơi.
Tôi lại nhớ tới một bài hát khác:
"Con Hai đi chợ, mua một thước vải, con Ba nó
cắt, con Tư nó may, con Năm xỏ chỉ, con Sáu làm khuy, con
Bảy đơm nút, con Tám nó kéo, con Chín nó trì. Mười ơi, để
vậy còn gì áo anh."
Một bài hát ngộ nghĩnh, sau này Thu mới biết
được là chị Tư muốn tập Thu đếm số từ một tới muời, hay
thật! Tuổi thơ thật êm đềm, sung sướng, hạnh phúc ngập tràn
trong sự thương yêu của ba mẹ và anh chị.
Chị Tư mới vừa tỉnh, Thu được vào phòng thăm
chị, Thu lấy khăn ấm lau mặt cho chị. Chị nhìn Thu mỉm cười
nhưng không nói gì, chắc chị còn suy nghĩ "sao nhỏ này lại ở
đây" mà chị không nói chỉ nhìn Thu thôi.
Thu nhớ năm Thu học lớp Năm, chị Tư đi lấy
chồng. Đám cưới chị, Thu không vui, Thu giận anh rể đã cướp
đi người chị thân yêu của mình, Thu chạy trốn trong phòng.
Mọi người quá bận rộn với đám tiệc đâu ai nhớ đến Thu, Thu
khóc một mình.
- Không ai thương mình hết, Tư cũng hết
thương mình luôn, tại sao Tư phải đi về nhà người ta?
Thu nghĩ vậy nên khóc rồi ngủ thiếp đi. Chừng
thức dậy thì nhà vắng hoe, tiệc tan, mọi người đã về. Tư đâu
mất, mẹ dỗ dành:
- Ra ăn cơm đi con, mai Tư về sẽ có quà cho
con, có gì đâu mà khóc, con phải vui vì đám cưới của Tư chứ.
- Sao mẹ không kêu con để con đi theo đưa Tư?
- Chị con có vào phòng, nhưng thấy con ngủ
ngon nên để con ngủ. Thôi ra ăn cơm với ba mẹ.
Thu phụng phịu không nói gì, nhưng trong lòng
ghét anh rể vì Thu nghĩ tại anh ấy mà chị mình "bỏ nhà" ra
đi.
Thu cúi xuống hôn chị Tư:
- Chị khỏe không? Em về thăm chị nè.
- Cưng về hồi nào?
- Tối hôm qua. Chị ráng ăn uống cho mau lại
sức, chị ốm nhiều quá.
Chị nắm tay Thu bóp nhẹ, Thu rưng rưng nước
mắt.
Thu sung sướng được ngồi bên chị, săn sóc chị
từ miếng ăn, giấc ngủ. Thu không giận anh rể nữa mà còn cám
ơn anh đã thương Tư của mình hết mực, Thu bảo anh về nghỉ
ngơi để Thu ở lại thay anh chăm sóc chị. Thu đọc sách cho
chị nghe, kể lễ những vui buồn nơi xứ lạ quê người, những
nỗi nhớ thương người thân da diết, Tư có vẻ vui lắm. Thỉnh
thoảng Thu hát những bài hát hồi thơ ấu mà chị đã dạy:
"Bắc kim thang cà lang bí rợ. Cột bên kèo,
kèo bên cột. Chú bán dầu qua cầu mà té. Chú bán ếch ở lại
làm chi. Con le le đánh trống thổi kèn. Con bìm bịp thổi tò
tí te tò te..."
Cả hai chị em cùng cười.
- Bài hát thì không ý nghĩa, nhưng trò chơi
của bài hát đó thì vui hén Tư. Em nhớ chị dạy em và con Tám
chơi hai đứa ngoéo cái chân nhảy té nhào, hai ba lần mới
được, vui quá xá.
Chị cười không nói gì. Thu rất sung sướng
được nắm tay chị và cũng rất hạnh phúc được ở bên chị, ngược
lại chị nắm tay Thu, chị cũng vui, luồng tư tưởng của Thu bị
cắt đứt bởi câu hỏi của chị:
- Chừng nào cưng trở lại bên ấy? Về được bao
lâu?
- Còn lâu mà, em mới về đây hôm qua thôi.
- Ăn gì chưa?
- Không sao đâu Tư, trưa em chạy qua anh
Năm ăn uống, tắm rửa chiều chạy vô với chị.
- Thôi cưng về nhà đi thăm bà con đi, có đi
chơi đâu thì đi, chị khỏe rồi, vài hôm nữa về nhà thôi.
- Em về chơi với Tư mà, đâu có đi đâu, Tư
đừng lo cho em. Vài hôm em về quê và đi thăm mộ ba má, rồi
về thăm ngoại, sau đó trở lên với Tư, chỉ vậy thôi.
Chị lại bóp nhẹ tay Thu ứa nước mắt.
Chị Tư ngủ, Thu ra ngoài hành lang nhìn xuống
đường từ lầu 9 nên thấy xa vời vợi. Phố xá đông đúc, xe cộ
dập dìu, tiếng còi inh ỏi, thêm vào tiếng rú của xe cứu
thương, xe cộ tấp nập, đêm không yên tĩnh. Thu thở dài:
- Cầu mong Tư khỏi bệnh!!
Một ngày kia, Thu đang ngồi đọc sách cho chị
Tư nghe, đọc những mẫu chuyện vui trong quyển "Những người
thích đùa" của Azit Nezin, chị Tư rất thích. Giang, đứa cháu
trai của Thu vào, mỗi ngày Giang mang thức ăn đến hai lần
trưa và chiều, vì nhà Giang cách bệnh viện không xa. Giang
để giỏ thức ăn ở đầu tủ rồi lại nói nhỏ bên tai Thu.
- Út ra ngoài con nói cái này nè.
- Gì?
- Ông Tám bị "đột quị" đang nằm phòng cấp
cứu.
- Hồi nào?
- Sáng này.
Đó là chú của Thu. Chú Tám em của ba, người
dong dỏng cao, chú rất là vui vẻ, hoạt bát, rất thương con,
thương cháu, chú hay kể chuyện tiếu lâm cho con cháu nghe để
rồi cười ầm lên thật vui. Thu chưa kịp ghé thăm chú thì chú
đã ngã bệnh. Sao lạ vậy? Chú mình đâu có già? Thu nhớ ngày
xưa chú Tám hay đàn hay hát cho chị em Thu nghe, sở trường
của chú là nhạc Pháp, chú hát nhạc Pháp rất hay, mặc dù lúc
đó không hiểu gì, nhưng bọn Thu cũng cảm nhận được cái hay
của nhạc và vỗ tay tán thưởng ầm ĩ luôn. Chú vừa hát, vừa
đệm đàn guitar, đứa nào cũng há hốc mồm, vễnh tai nghe. Đặc
biệt chú hát bài "Chiều mưa biên giới" của nhạc sĩ Nguyễn
Văn Đông rất tuyệt, trong đầu Thu như còn văng vẳng tiếng
hát của chú. Ngày ba Thu mất, chú đã khóc nhiều mắt đỏ hoe,
xoa đầu các cháu nói:
- Sẩy cha còn chú!
- Cầu cho chú Tám qua khỏi.
Thu không muốn chị Tư biết nên đã giấu chị.
Thấy Thu buồn, chị hỏi:
- Có chuyện gì trông cưng không vui?
- Dạ không có gì đâu chị, để em đọc tiếp cho
chị nghe nhé. Sáng mai em về quê rồi chiều em sẽ trở lên với
chị nha.
- Ừ, cưng không cần trở lên, ở đây có tụi nhỏ
được rồi, cưng đi thăm bà con và bạn bè đi.
- Em về rồi chiều tối trở lại chơi với chị,
đã bảo về chơi với chị mà, ưu tiên cho chị đó. Miễn chị hết
bệnh là mừng.
Chị Tư làm thinh, Thu tiếp tục đọc sách mà
lòng ngổn ngang lo lắng.
***
Thu về quê và đi thăm mộ cha mẹ, thăm mồ mả
ông bà vì khu cũ đã giải tỏa nên mộ phải bốc cốt và dời đi
khá xa. Thu cũng về thăm nội, ngoại. Thu không có thời gian
để thăm bạn bè. Vỏn vẹn ba tuần làm sao Thu đi đâu cho được,
Thu muốn dành tất cả cho chị Tư của mình. Chị Tư đã xuất
viện và về lại Mỹ Tho, Thu mừng lắm thấy chị khỏe, chị đã đi
đứng được, mặc dù phải dùng đến gậy, chị ngủ ngon giấc và
bắt đầu ăn thấy ngon miệng, cả nhà ai cũng mừng và cầu
nguyện cho chị. Thu nói một mình:
- Chị mình còn trẻ mà, không sao đâu, rồi sẽ
trở lại bình thường.
Chú Tám đã vĩnh viễn ra đi, Thu buồn quá,
tiếc là không gặp được chú để chuyện trò và nghe chú hát,
Thu cảm thấy bứt rứt vô cùng. Tất cả đều vô thường, thấy đó
mất đó. "Đời người trăm năm, nhưng bảy mươi rất hiếm ...",
không sai.
* * *
Trở lại Mỹ, Thu thấy lòng buồn vui lẫn lộn,
buồn vì mất người chú khả kính, vui vì mình đã có khoảng
thời gian bên người chị thương yêu của mình.
Thu thèm được trở lại thời thơ ấu, để nửa đêm
lay chị Tư dậy:
- Tư ơi, dậy đưa em! Nhớ lấy cái mền...
Ôi dễ thương làm sao! Giờ đây trở lại với
thực tế phải đi làm, đi làm quần quật, không hề dám biết mệt
mỏi. Ai qua đây cũng thành một tuổi con trâu mà!
Văng vẳng tiếng chú Tám qua bài “Chiều mưa
biên giới”:
"Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu?
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ ...
Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gửi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn
Còn nhiều anh ơi.”
Thu nghẹn ngào trong màn lệ:
- Vĩnh biệt chú, chú Tám ơi! |