thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

 

Nỗi lòng người mẹ

 

* Tùy bút

 

Hạ rất hồi hộp, một tâm trạng vừa vui mừng, vừa nôn nao kỳ lạ! Trong số hơn bốn trăm học sinh đứng đàng kia có con gái của mình, hôm nay bé Vy ra trường của "high school"! Hạ thấy thương con vô cùng, một tình thương của người mẹ! Văng vẳng bên tai Hạ như nghe tiếng ru của mẹ mình, mắt Hạ nhòe lệ:

"Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi 

Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời."

 

Nhớ lại ngày xưa lần đi thi Tú tài ở Mỹ Tho, mẹ Hạ đã dặn dò đủ điều, mẹ còn nấu bao nhiêu nồi chè đậu để Hạ ăn, mẹ còn căn dặn phải lễ Phật mỗi sáng và tối. Bọn Hạ ở trọ tại chùa Phổ Hiền để đi thi, nghe lời mẹ, Hạ và các bạn đêm nào cũng lạy Phật và cầu nguyện trước khi học bài. Không có ý niệm gì ngoài sự mong muốn mình thi đậu, thi đậu thì sung sướng lắm, mình sẽ được lên lớp mười hai rồi vào đại học, ước mơ chỉ có thế. Nhìn tượng Phật sao ngài từ bi quá, khuôn mặt hiền từ, lúc nào cũng sẵn sàng để độ trì cho tất cả chúng sanh. Ngài sẽ phò hộ cho mình thi đậu! Hạ nghĩ thế.

 

Không có mẹ bên cạnh để nhắc nhở trong mấy ngày thi tạm gọi là xa xứ, Hạ ngủ không được vì lo lắng không biết bài thi khó hay dễ, nhỡ thi rớt mẹ sẽ buồn, lại thêm nhớ mẹ, Hạ cứ trằn trọc. Hạ và các bạn nằm sát nhau, tâm trạng đều giống nhau lo lắng cho ngày mai, tiếng nhỏ Thủy khe khẽ:

- Ngủ đi tụi bây thức hoài mệt, mai sao làm bài được.

 

- Thật là khó ngủ. Ê! Mai thi môn gì trước tao quên rồi? Tiếng Lan cất lên.

 

- Văn, sinh ngữ II, phải hôn mậy?

 

- Ừ!!!

 

Sư cô đi ra và bảo:

- Các con ngủ đi để mai thi.

 

Tất cả đều im lặng chỉ còn tiếng gõ nhịp của chiếc đồng hồ trên tường "tích tắc, tích tắc!" đêm yên tĩnh nên nghe thật lớn, không ngủ được, mắt cứ nhìn lên trần, nhìn bên cạnh nhỏ Lan và Thủy ngủ say sưa, và rồi Hạ cũng chìm vào giấc ngủ với nỗi lo.

 

Rồi kết quả Hạ được đậu Bình thứ, không có niềm hạnh phúc nào hơn. Mẹ đã tạ lễ "cái đầu heo", Hạ nhớ rất rõ, mẹ còn bảo mời các bạn đến ăn. Không ngờ mẹ thương và lo cho mình quá, chắc mẹ đã cầu nguyện nhiều lắm, và hai mẹ con đã ăn chay một tháng, tấm lòng người mẹ!

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Giờ đây, chính Hạ là mẹ, và đang theo dõi buổi lễ ra trường của con gái mình. Hai giọt lệ lăn dài trên má Hạ, nàng nhớ mẹ quá, chẳng biết bây giờ mẹ ở nơi đâu? Cõi vĩnh hằng mẹ có biết con gái của mẹ đang trải nỗi lòng như mẹ ngày xưa?

 

Nhìn con gái lên nhận bằng tốt nghiệp, Hạ mỉm cười một mình, nàng cũng vừa chụp được tấm ảnh con gái đang bắt tay với vị hiệu trưởng. Tám giờ tối nhưng trời vẫn sáng, bầu trời trong vắt những áng mây trôi lững lờ với màu sắc thật đẹp. Nhìn xung quanh những bậc làm cha mẹ người nào cũng vui mắt hướng về phía con của mình.

 

- Anh mới vừa chụp mấy tấm ảnh của đàn cò trắng và đàn két xanh thật đẹp.

 

Tiếng của bố bé Vy vang lên làm Hạ trở về thực tại.

- Sao lại cò và két?

 

- Hạ không thấy con gái mặc toàn trắng, còn con trai mặc toàn màu xanh sao? Trong đám cò, két kia ai biết được sau này sẽ là những kỹ sư, bác sĩ, luật sư, tiến sĩ... mà giờ đây trông chúng thật bé nhỏ, vô tư và ngây thơ.

 

Hạ phì cười: Ừ nhỉ!  Và miên man với những suy nghĩ không rõ rệt.

 

Thương con quá, ngày mai bước chân vào đại học lại ở xa, mẹ không kề cận, ai nhắc nhở, ai chăm sóc cho con. Với Hạ, con gái mình thật bé bỏng, lúc nào cũng như chú chim non nằm trong tổ chờ mẹ mớm mồi. Tiếng "tạch tạch đùng" của pháo bông phá tan bầu không khí, tiếng reo hò, tiếng cười ầm ĩ hòa với những sắc màu của pháo bông. Thấy vui làm sao!

 

Hạ ôm chầm lấy con. Vy khoe mấy tờ giấy khen và giải thích… đây là... đây là... Hạ cứ ghì lấy con và hôn lên má con với niềm hạnh phúc vô biên.

 

Thế là Hạ đã biết nỗi lòng của người mẹ, cám ơn mẹ đã cho con biết tình thương của người mẹ dành cho con. Một tình thương cao cả không thể cân, đong, đo, đếm. Ngước nhìn lên trời, vẫn sắc màu của pháo bông, Hạ linh cảm như mẹ mình đang quanh quẩn đâu đây, nhớ mẹ quá, Hạ buột miệng gọi hai tiếng: Mẹ ơi!

 

lêthị hạanh

(Kỷ niệm ngày con gái ra trường hè 2008)


 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage