|
Viết tiếp Câu chuyện
tuổi thơ
* Tạp bút
Ở đời đôi
khi có những kỷ niệm không dễ gì quên được, dù nó là những kỷ niệm
đơn sơ chìm khuất trong cát bụi của thời gian, mà gìn giữ kỷ niệm
thì cũng khác đối với mỗi người, vì khi người ta không có gì để hy
vọng thì người ta thường bám víu vào kỷ niệm. Tôi xin lỗi một lần
nữa, nếu câu chuyện này có trùng hợp với chuyện của ai đó, chỉ là
ngẫu nhiên.
...Tôi và
em có chung một tuổi thơ, một tuổi thơ thật đẹp, với tôi thì quãng
thời gian ấy không gì có thể đánh đổi được, dù sau này có trải qua
bao nhiêu cung bậc của đời người, tôi vẫn không quên kỷ niệm thời
thơ ấu, đó là thiên đường của tôi, thiên đường tuổi nhỏ... Ở cái quê
nghèo heo hút ấy, như mọi miền quê của đồng bưng Nam bộ, tôi và em
đã cùng lớn lên, vô tư như nắng và gió của trời, như cỏ dại ngoài
ruộng rẫy, không một chút âu lo và toan tính, mà thật ra có gì để mà
âu lo vì lúc ấy chúng tôi là “con thượng đế” và cũng chẳng có gì mà
toan tính, tất cả là của chúng tôi, "kho trời chung mà vô tận của
mình riêng"... (*)
Nhà em ở
cách nhà tôi không xa lắm, ngoài những giờ ồn ào ngoài đình với bọn
trẻ trong xóm thì tôi và em cùng chơi với nhau, thì cũng chỉ là
những trò chơi tuổi nhỏ với những vỏ sò vỏ ốc, cái lá cái hoa, những
lúc ấy sao tôi lại thích cái nhẹ nhàng hiền dịu của em đến thế, em
không còn ồn ào, mạnh mẽ như khi chơi những trò chơi với bọn trẻ
ngoài đình. Em có mặt ở đâu, thì ở đó em làm chủ cuộc chơi; nhưng
với tôi lại khác, em rất nhẹ nhàng hiền dịu, em biết tính tôi dễ
khóc, dễ giận hờn, nên thường nhường tôi phần hơn...

Nguồn minh họa: Internet.
Hai đứa
chúng tôi lặng lẽ chơi với nhau dưới chái hiên đầu hồi, những trò
chơi do em bày ra, đủ thứ trò. Tôi thấy em thật hay, ngày nào cũng
có trò chơi mới. Tôi thì em bảo gì làm nấy, thụ động, đôi khi bị em
trách vì làm sai một điều gì đó, chỉ biết nở một nụ cười ngây ngô...
Có một trò chơi mà tôi không bao giờ quên... Một hôm em bày cho tôi
trò chơi kéo rượu (có lẽ vì nhà em kéo rượu chăng, sau này tôi biết
là mẹ em kéo rượu rất ngon...), thế là tôi phải chạy đi tìm những
cái lon nho nhỏ, tìm những cái chậu bé tí, nhóm bếp bằng những hòn
gạch con con. Chúng tôi nhóm những cái bếp đồ chơi dưới mái hiên,
cũng có lửa củi, có bày hàng có bán buôn, nhưng quan trọng nhất là
có những nụ cười giòn tan không dứt khi em thấy tôi ngượng nghịu khi
chơi hoặc làm sai ý của em. Kỷ niệm vui nhất mà tôi nhớ là chúng tôi
cùng uống rượu, những giọt rượu đầu tiên mà tôi và em cùng nấu ra.
Ôi cái giọt rượu tưởng tượng của trò chơi trẻ thơ sao mà ngon đến
vậy, tôi làm sao quên được câu hỏi của em khi cùng nhau chia cái
chung rượu đầu tiên: "Nè, thấy mặt tao có đỏ không?" Dù chẳng thấy
gì, tôi vẫn ấp úng... "đỏ lòm!" Em thì nói: "Còn mày thì xanh
lét...!" Em có thói quen là mày tao tuốt luốt với bọn trẻ hàng xóm,
không trừ một ai, kể cả tôi. Thế rồi cả hai ôm nhau cười rũ rượi, em
nói say thì phải ngủ và thế là cả hai cùng giả vờ say nằm xuống đánh
một giấc ngon lành bên cái lò rượu vừa nấu xong cho đến khi mẹ gọi
lúc cơm chiều...
Vậy đó,
chúng tôi lớn lên bên nhau bằng những trò chơi, vô tư như cái cây,
ngọn cỏ. Có biết bao nhiêu trò chơi em bày cho tôi, có biết bao vui
buồn đã trôi qua dưới cái mái hiên tuổi nhỏ, nhưng tôi chỉ thích và
nhớ nhất là trò chơi nấu rượu, làm sao tôi có thể quên được nụ cười
khanh khách của em khi nhìn vào mắt tôi sau khi em cho tôi uống
chung rượu của trò chơi tuổi nhỏ. Bây giờ làm sao còn tìm lại được
chung rượu ấy nhỉ, có tiền cũng không mua được, để tôi nhấp thử xem,
nó có mùi vị ra sao mà lại có thể làm con người sung sướng , hạnh
phúc đến thế, cười vui đến thế dù cái nghèo và vất vả, thiếu thốn
vây quanh. Nhưng làm sao mà tìm ra được, cái chung rượu ngày xưa,
giờ đã thành kỷ niệm, mà kỷ niệm thì khác nhau lắm đối với mỗi con
người. khi người ta có bao nhiêu điều còn chờ đợi ở hiện tại và
tương lai thì có khi chẳng cần gì ở kỷ niệm, nó là 1 khoảng trống
cần được quên đi, như một vướng víu cần được rũ bỏ, không cần thiết
trong mớ hành trang của đời người... Còn tôi, tôi vẫn sống với kỷ
niệm của mình, vì đó là tất cả những gì tôi có về em và nó thật sự
thuộc về tôi!...
Trên con
đường thiên lý của cuộc đời mình, em đã trải qua bao nhiêu cuộc vui?
Em đã uống bao nhiêu rượu của cuộc đời? Những thứ rượu quí được bày
ra cho những cuộc vui vương giả, những trò chơi quí tộc của xã hội
thượng lưu, không biết lúc ấy em còn nhớ gì tôi, thằng bạn ở cái xóm
nghèo heo hút năm xưa đã cùng uống với nhau những giọt rượu mà chẳng
bao giờ có thể tìm lại được giữa cuộc đời này... Ở những cuộc vui
đó, khi mềm môi với những chung rượu vương giả, em còn nhớ gì tôi
không?
Tôi định
kết thúc ở đây, nhưng bỗng chợt nhớ lại một bài thơ của Nguyễn Bính,
bài "Hoa và rượu", bài thơ mà ngày xưa tôi và em đã từng đọc chung
biết bao lần trong những chiều mưa bó gối dưới hàng hiên, bài thơ
sao giống câu chuyện của tôi và em đến thế, Nguyễn Bính viết hộ tôi
chăng? Thì thôi vậy, không có gì để tặng nhau thì gửi tặng thơ...
gửi em bài "Hoa và rượu", em hãy đọc lại và nhớ tôi nhé, dù một chút
thôi cũng được, giữa những cuộc vui của đời em, nhớ nhé, người em
tuổi nhỏ của tôi ơi!
LÊ CHÍ ANH
(Long An 13-7-2011)
Hoa và rượu
Thấy rét u tôi bọc lại mền,
Cô hàng cất rượu ủ thêm men,
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ,
Say cả tư mùa cho khách quen.
Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ tôi,
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi.
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ,
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi.
Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà,
Người ta bắt chước chị người ta!
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng,
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa.
Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy,
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau.
Hí hửng bảo nhau: "Thơm đấy chứ,
Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu!"
Môt tối nhà Nhi có giỗ thầy,
Chị Nhi cho uống rượu cay cay,
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi chếnh choáng say.
Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài,
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai.
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy,
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.
Chị Nhi thường nói với u tôi:
-"Hai đứa, thưa bà, đến đẹp đôi!"
U tôi cười đáp ngay như thật:
-"Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi!"
Thuở ấy làm sao thật thái bình,
Trai hiền bạn với gái đồng trinh.
Đời say men rượu thơm hoa rụng,
Tràn những thơ ngây, ngập cảm tình.
Ấy thế mà rồi cách biệt nhau,
Nhà Nhi không biết chuyển đi đâu.
Mình tôi giời bắt làm thi sĩ,
Mẹ mất khi chưa bạc mái đầu.
Bỏ lại vườn cam, bỏ mái gianh,
Tôi đi dan díu với kinh thành.
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới,
Chuốc mãi men say rượu ái tình.
Rượu ái tình kia thành thuốc độc,
Vườn trần theo bướm phấn hương bay.
Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc,
Hoa hết thơm rồi rượu hết say.
Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu,
Ba bốn năm rồi năm sáu năm.
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại,
Men nồng gạo nếp nước hoa cam.
Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi,
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ,
Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi.
Chắc ở nơi nào dưới mái tranh,
Chị em Nhi vẫn sống yên lành.
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán,
Hồn vẫn trong và mộng vẫn trinh.
Ngày xưa còn bé Nhi còn đẹp,
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì.
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ,
Cho người thiên hạ phải say Nhi.
Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò đông vắng? Chợ gần xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam có nở hoa?
Mơ tưởng vu vơ lòng dối lòng,
Thực ra có phải thế này không.
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước,
Nhi đến năm sau lại lấy chồng?
Ước gì trên bước đường lưu lạc,
Một buổi chiều nào lạnh gió mưa,
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ,
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa.
Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó,
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu.
Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại,
Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau.
Tôi kể: "U tôi đã mất rồi,
Cửa nhà còn có một mình tôi..."
Nhi rằng:"Ngày trước u thường nói
Hai đứa mình trông đến đẹp đôi..."
"Chị em mới lấy chồng năm trước,
Chồng chị trồng cam ở mé sông.
Em ở mình đây nhà trống trải,
Trăng vàng đầy ngõ gió mênh mông..."
Như truyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng.
Tôi với em Nhi kết vợ chồng.
Rượu cất kỳ ngon, men ủ khéo,
Say người thiên hạ lại say nhau.
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị,
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.
Chao ôi! Là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu,
Sống vào trời đất, sống cho nhau.
Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi,
Hoa thừa rượu ế, ấy tình tôi.
Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng,
Gặp lại nhau chi muộn lắm rồi.
Nguyễn Bính
(*) thơ Cao Bá Quát
|
|