Theo ông Lâm Ngữ Đường thì lan là loài
hoa có cái đức "cô phương độc thưởng", tự biết mình đẹp,
chuộng nơi rừng sâu núi thẳm, ghét
nơi ồn ào náo nhiệt, không đua đòi hoặc cần có người khác để ý tôn
vinh.
Vốn là loài hoa vương giả, Đăng lan
tức là lan Dendro là loại lan có nét đẹp hiền hòa, dễ thương,
dễ trồng, không đòi kỹ thuật quá cao, giá cảlại bình dân. Lan Dendro còn là
loài hoa giúp thoát nghèo cho người nông dân, nên hoa còn được mệnh
danh là “công chúa bình dân”.Từ khi rời bỏ
rừng núi cây lan dendro không ngừng biến đổi để phù hợp với môi
trường sống mới.
Ngày nay hoa lan càng gần gũi và hiện diện trong cuộc sống trong
sinh hoạt của mọi người, trong những dịp lễ mừng khai trương, hay một lẵng hoa lan mừng thọ nói lên rất
nhiều điều thay lời chúc lành. Khi dùng trang trí cho văn phòng, cho
vườn lan gia đình nó tô thêm phần sinh động.
Dendrobiumđược
hiểu là cây lan sống ở trên cây, nên gọi là phong lan. Sống nhờ
nhưng không hút nhựa của thân cây chủ như loài cây chùm gửi.
Dendrobium là một giống lan có nhiều loài trong họ Orchidaceae,
giống này gồm hơn 1.600 loài. Phân bố trên các vùng thuộc châu Á
nhiệt đới, tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Á và Úc châu.
Việt Nam có khoảng trên 120 giống Dendro
rừng, nhiều giống thuộc loại quý hiếm.
Nếu như các nước Nam Mỹ tự hào về các loài thuộc giống
Cattleya tuyệt đẹp của mình, thì các nước Đông Nam Á cũng hãnh diện
vì có giống Deldrobium vô cùng phong phú. Điều kiện sinh thái của
Dendro cũng rất đa dạng, có nhiều loài chỉ mọc và ra hoa ở vùng
lạnh, có loài ở vùng nóng, có loài trung gian. Cũng có loài thích
nghi với bất cứ điều kiện khí hậu nào.
Ta cần
phân biệt hai nhóm lan Dendro ngoài thị trường:
Nhóm Denrobium Rừng
Lúc xưa người ta thường gọi Dendro là lan
Hoàng Thảo có lẽ bởi vì chúng ta không phân biệt giữa loài và giống
nên chỉ nhằm vào các cây có hoa màu vàng mà thôi. Thực ra lan
Dendrobium có nhiều màu sắc và hình thái khác nhau.
Các giống lan rừng nói chung, cần nhiệt
độ chênh lệch khá nhiều giữa ngày và đêm mới trỗ hoa. Phần lớn các
giống cây này thích hợp với nhiệt độ ban đêm vào khoảng 10-15°C
(50-60°F) và ban ngày vào 21-32°C (70-90°F). Hầu hết cây trỗ hoa vảo
cuối mùa khô và đầu mùa mưa, sau khi chịu sự thay đổi thời tiết mạnh
(dứt mưa và lạnh). Vì vậy khi trồng cây lan rừng ở trong vườn gia
đình, vào cuối mùa mưa ta phải ngưng tưới, (cắt nước) chỉ giữ ẩm
trong một thời gian cả tháng cho cây rụng lá để kích thích sự ra
hoa.
Có thể tạm chia
Dendrobium làm 2 nhóm chính: nhóm ưa lạnh và nhóm ưa nóng.
Nhóm
Dendrobium ưa lạnhsinh trưởng và phát triển tốt ở nhiệt
độ lý tưởng là 150C gồm các giống được lấy từ các vùng
cao nguyên của Việt Nam và Miến Điện trên cao độ 1.000m, Thủy tiên
tím (Dendrobium amabile), Long nhãn kim điệp (Dendrobium
fimbriatum). Các loài này nếu được trồng ở nhiệt độ cao hơn hoặc
bằng 250C thì cây vẫn sống, nhưng phát triển yếu hơn và
khó ra hoa. Do vậy nếu bạn mua lan rừng ở vùng Di Linh hay Đà Lạt về
thành phố Hồ Chí Minh trồng thì chỉ nở hoa một lần (khi mới mua) rồi
thôi.
Nhóm Dendrobium ưa nóng,
gồm đa số các giống Dendrobium có nguồn gốc là lan rừng của châu
Úc, Indonesia, Malaysia và các loài của giống Dendrobium lai hiện
được trồng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Nhiệt độ thích hợp cho
các loài của nhóm này là 250C. Tuy nhiên các giống
Dendrobium lai chịu được một nhiệt độ cao hơn nhiều.
Dendro là cây lan
thuộc nhóm đa thân, cây phát triển thành bụi, thân cây có đường
kính khoảng 2cm. Thân cây gọi là “giả hành”, mỗi giả hành phân ra
thành nhiều lóng, như thân cây mía. Trong tự nhiên cây lan có thân
nhỏ như vậy nên thường buông rũ xuống phía dưới.Do vậy khi trồng lan rừng dendro ta hãy cứ tôn trọng sự phát
triển tự nhiên của cây lan, không kéo sửa cây hướng lên trên. Đó
cũng là một cách “tạo dáng” riêng khá đặc biệt; cành cây buông lơi
trải đầy những nụ hoa xinh tươi trông thật tuyệt vời.
Dã
hạc Dendro Anosmum. (Ảnh: Nguyễn Văn Hòa- Tao Đàn 2009)
Den. amabile Ảnh: Bùi xuân Đáng
Den chryanthum Ảnh: Đinh Văn Tuyến
Den. lindleyi Ảnh: Phan Kim Ngân
(Nguồn Internet)
Nhóm Denrobium lai tạo
Ngày nay nhờ khoa học kỹ thuật phát triển,
người ta đã nhân giống bằng nhiều cách; lai tạo bằng cách thụ phấn
cho hoa kết trái, (vì trong tự nhiên hoa ít đậu thành trái). Sau đó
gieo hạt (nhân giồng hữu tính) để có thể cho ra hàng ngàn cây trong
một thời vụ. Việc cấy mô (nhân giống vô tính) càng giúp mau
chóng có hàng triệu cây đẹp giống nhau trong một thời gian ngắn. Kết
hợp hai việc này đã biến ngành trồng hoa lan thành một ngành nông
nghiệp phát triển thu lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Các
nước chung quanh ta như Thái Lan được xem như là cái nôi của lan
Dendro lai; Singapore, Đài Loan, Malaysia… lại là những nước nổi
tiếng về Hồ Điệp và Cattleya. Họ chia nhau thị phần lớn nhất về hoa
lan trên thị trường thế giới.
Việt Nam tuy mới phát triển ngành nuôi trồng hoa lan nhưng cũng đã
có rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp thành công, tài sản mỗi khu
vườn được định giá hàng chục tỉ đồng, tuy vậy ta chưa cạnh tranh
được với các nước bạn. Hàng năm ta có nhu cầu nhập khẩu hoa lan với
một số lượng rất lớn. Các giống lan lai của nhà vườn Việt Nam hiện
nay vẫn phải nhập khẩu đa phần là từ Thái Lan.
Khi nói đến xuất khẩu và cạnh tranh ta còn phải lưu ý đến “bản
quyền” nữa, vì không phải cứ nhập giống về rồi thoãi mái nhân giống
vô tính trong phòng thí nghiệm rồi xuất khẩu mà không phải gặp một
rào cản nào với thế giới; đó là điều chúng ta cần phải nghiên cứu để
vượt qua. Nếu chúng ta có phương án đúng đắn thì ngành nông nghiệp
trồng hoa sáng sủa hơn và mới có thể vươn xa ra với thế giới.
Nói về cây lan lai thì nó có nhiều ưu điểm nồi
trội như: đa dạng về màu sắc, (có đến hàng chục ngàn giống khác nhau
không thể thống kê hết), dễ thích nghi với khí hậu từng vùng miền,
cây không cần trãi qua giai đoạn ngủ đông như khi ở trong rừng và
rất siêng trỗ hoa. Có thể nói lan
dendro lai, nếu đã trồng và chăm sóc đúng thì nhất định sẽ trỗ hoa.
Chăm sóc cho
lan
Thủy tiên vàng.
Ánh sáng, nước tưới và phân
bón là ba yếu tố cho cây phát triển bình thường.
Ánh sáng: Cây Dendro cần ánh sáng 50-70%. Mỗi ngày ít nhất
được chiếu sáng 8 tiếng đồng hồ. Ánh sáng tốt nhất là ánh sáng buổi
sớm mai. Ta thường phải dùng lưới che để tránh nhiệt độ gay gắt vào
buổi trưa. Nhiệt độ cho cây lan lai thích hợp nhất từ 18 - 28oC
(không cần có tiết lạnh hàn như lan rừng).
Nước tưới: Nước sạch có độ PH từ 4 đến 6,5. Nước tưới hết sức quan trọng. Nó quyết định cho sự thành
công hay thất bại trong việc nuôi trồng cây lan nói chung.
Phân bón: Cây lan cần
nhiều phân bón để phát triển. Nếu có đầy đủ chất dinh dưỡng cây sẽ
mau lớn, ra nhiều hoa, hoa bền đẹp và to hơn. Ta thường dùng phân
hóa học để bón cho lan:
- loại số 1:10-30- 30;
- loại số 2: 20-20-20
- loại số 3: 6-30-30.
Đó là tỉ lệ theo thứ tự của thành
phần: chất đạm (Nitơ), lân (Phospho) và kali (Potasium).
- 30-10-10: tức
là chất Nitrogen nhiều gấp 3 lần hai chất kia giúp cho lá và cây mọc
mạnh.
- 20-20-20: tức là 3 phần đều nhau.
- 10-30-30: tức là trong phân có 1 phần Nitrogen, 3 phần Phophorus
và 3 phần Potassium. Loại phân bón này có thành phần P và K cao giúp
kích thích cho cây ra hoa.
* Thiếu chất đạm lan sẽ mọc chậm, lá sẽ quặt quẹo vàng vọt.
* Thiếu chất lân lan ra rễ ít, lá mầu xanh tím, khó ra hoa.
* Thiếu kali cây không phát triển, là vàng úa.
Có thể tóm tắt về việc bón phân như sau:
cây non cần nhiều đạm, cây trưởng
thành cần tỉ lệ cân bằng, cây đang ra hoa (kết trái) cần nhiều lân
và kali hơn. Lượng phân bón trung bình từ 1g đến 2g/ 1 lít nước.
Ngoài ra cây cũng cần một số chất vi lượng như Mg, Fe, Ca,… thường
thì các nhà sản xuất phân bón nổi tiếng đã có trộn tỉ lệ thích hợp.
Ngoài ra, ta có thể bón thêm các loại phân
thuộc nhóm phân hữu cơ vì thành phần của nó tương đối đầy đủ các
chất dinh dưỡng và chất vi lượng. Tuy nhiên phân hữu cơ, nhất là do
ta tự chế biến, thường có độ đạm khá cao và dễ mang mầm nấm bệnh, do
đó ta thận trong khi sử dụng. khi sử dụng phân hữu cơ thì sau đó
phải phun thuốc ngừa nấm bệnh.
Nhiều người nông dân có đất ở ngoại
thành, vùng Củ Chi, Hóc Môn, quận 12... khởi nghiệp bằng vài chục
triệu đồng vốn, trồng một vườn lan vài ngàn cây lan lai (trong 6
tháng thì xuất ra bán). Với giá bán sỉ một
cây lan đang có hoa, trung bình là 30.000đ, (lúc Tết thì giá cao
hơn), sau khi trừ bỏ công và chi phí với tiền lãi tại vườn hơn 50%,
sau vài mùa tích lũy, họ thoát nghèo nhờ vào trồng cây lan Dendro.
Họ là những nông dân giỏi điển hình của thành phố.
Trồng cây lan Dendro là một phương sách vươn lên làm giàu cho nông
dân trong khi đất nông nghiệp mỗi ngày một thu hẹp do tốc độ đô thị
hóa nhanh. Lan Dendro được gọi là “công chúa bình dân” cũng không
phải là quá đáng vì vốn gần gũi với mọi người mà rất dễ trồng, hơn
nữa còn giúp được cho người nông dân thoát nghèo.
Trồng lan là một thú vui tao nhã, khi
ngắm những cành lan tươi hồng trong nắng. Khi Xuân về,
hay sau lúc làm việc mệt nhọc, ngắm hoa, lòng ta sẽ nhẹ nhàng hơn, có
thể bay bổng với hoa mà mơ về nàng công chúa của một thời ở lứa tuổi
thần tiên.
NGUYỄN VĂN HÒA (TP.HCM 28-7-2011)
Video clip lan Dendro của Nguyễn
Văn Hòa trên nền bài nhạc Ob-la-di-Ob-la-da.
Xin chờ một chút để
file được tải về.
Khi xuất hiện chữ
Ready, xin nhấn nút tròn Play để xem.
Xin click kép (double
click) lên video để mở lớn và click lần nữa nếu muốn
thu nhỏ nguyên gốc.