Thơ Thất ngôn Bát cú Đường luật vần Trắc

Nguồn minh họa: Internet.
Về căn bản Niêm, Luật, Vần, Đối thì thơ Thất Ngôn Bát Cú Vần Trắc
cũng giống y như thơ Thất Ngôn Bát Cú Vần Bằng. Nhưng chỉ khác một
điểm là ngược lại, những tiếng cuối các câu 1-2-4-6-8 thay vì vần
bằng thì ở đây lại là vần trắc, và những tiếng cuối các câu 3-5-7
thay vì trắc thì lại là bằng.
Đây là lối thơ cổ, có trước thơ vần bằng. Luật vần trắc thường được
áp dụng trong thể Phú là một loại Cổ Văn.
Do thực tế nếu tuân thủ luật bằng trắc của tất cả các chữ trong bài
thơ thì cực kỳ khó, người ta xưa nay thỏa thuận với nhau chỉ giữ
đứng luật các chữ thứ 2, thứ 4 và thứ 6 trong câu (chữ thứ 7 thì đã
phải tuân theo niêm luật rồi). Và người ta có công thức:
- Nhất tam ngũ bất luận.
- Nhị tứ lục phân minh.
Sau đây là bảng luật thơ:
1. LUẬT BẰNG:
b - B - t - T - b - B - T (vần)
t - T - b - B - b - T - T (vần)
t - T - b - B - t - T - B (đối câu 4)
b - B - t - T - b - B - T (vần - đối câu 3)
b - B - t - T - t - B - B (đối câu 6)
t - T - b - B - b - T - T (vần - đối câu 5)
t - T - b - B - t - T - B
b - B - t - T - b - B - T (vần)
Ghi chú: chữ t-b nhỏ không nhất thiết phải giữ đúng luật bằng trắc,
nhưng nếu tiếng đáng trắc mà làm ra bằng thì được, trái lại tiếng
đáng bằng mà làm ra trắc thì không nên. Các chữ T-B lớn phải tuyệt
đối giữ đúng luật.
Bài thơ thí dụ để làm mẫu minh họa:
THU
Thu về lá rụng cành xơ xác
Gió cuốn hoa tàn rơi lác đác
Cạnh suối nai vàng đứng nhởn nhơ
Bên hồ thỏ trắng nhìn ngơ ngác
Mù mù góc biển cặp chim âu
Mịt mịt chân trời đôi cánh hạc
Khói trắng bay hoài tận nẻo xa
Mưa buồn rả rích hòa cung nhạc
Hoàng Thứ Lang
2. LUẬT TRẮC:
t - T - b - B - b - T - T (vần)
b - B - t - T - b - B - T (vần)
b - B - t - T - t - B - B (đối câu 4)
t - T - b - B - b - T - T (vần - đối câu 3)
t - T - b - B - t - T - B (đối câu 6)
b - B - t - T - b - B - T (vần - đối câu 5)
b - B - t - T - t - B - B
t - T - b - B - b - T - T (vần)
Ghi chú: chữ t-b nhỏ không nhất thiết phải giữ đúng luật bằng trắc,
nhưng nếu tiếng đáng trắc mà làm ra bằng thì được, trái lại tiếng
đáng bằng mà làm ra trắc thì không nên. Các chữ T-B lớn phải tuyệt
đối giữ đúng luật.
Bài thơ thí dụ để làm mẫu minh họa:
HÈ
Phượng đỏ sân trường thêm rực rỡ
Trưa Hè tiếng gió buồn than thở
Du dương khúc nhạc vọng thê lương
Réo rắc cung đàn nghe nức nở
Trước ngõ cành lan trắng nụ đơm
Bên tường khóm cúc vàng hoa trổ
Mây bay lảng đảng tận phương nao
Bãi biển rì rào con sóng vỗ
Hoàng Thứ Lang
*
Nguồn: Internet (Wikipedia)
*
Người tìm chọn và chia sẻ: hạanh đường (Maryland 8-8-2011)
|