thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

 

Cái “chuồng” học đầu đời của tôi

 

* hồi ức

Tôi là đứa con thứ chín trong gia đinh có mười một anh em. Sau khi đình chiến được gần một năm sau thì song thân tôi sinh ra tôi ở một vùng đất trù phú thuộc lưu vực sông Hàm Luông. Tôi lớn lên chung quanh là sông nước mênh mông với vườn cây ngút ngàn của vùng đất miền tây Bến Tre. Thời thơ ấu quê tôi rất thanh bình, mọi nhà có đời sồng sung túc về vật chất lẫn tinh thần. Tôi còn nhớ trong làng tôi có đình thờ thần, trong ấp có miễu thờ tiên sư, và xóm tôi ở có nhà thờ Công giáo và trường học cho trẻ nhỏ.

Trong thời chiến tranh hồi đầu thập niên 1960, miền quê thân yêu của tôi bỗng chốc trở thành bình địa, vì quê của tôi bị rất nhiều bom đạn, các cơ sở xã hội như đình miễu, nhà thờ trường học không còn, chỉ là đống đổ nát hoang tàn. Một số người lúc bấy giờ chạy bỏ nơi chôn nhau cắt rốn tìm xứ khác có sự an toàn cho bản thân và gia đình của họ.

 

Nguồn minh họa: Internet.

Tôi như mọi đứa trẻ trong xóm tới tuổi đi học thì phải đến trường. Trường của tôi lúc bấy giờ nằm giữa cánh đồng khá lớn, đất của ông hội đồng "Bắp", cánh đồng rộng hơn trăm mẫu tây, trường được cất bằng vật liệu tạm thời bằng tre lá. Mỗi người trong xóm có lòng hảo tâm kẻ cây tre người tàu lá, bỏ ra một buổi cùng nhau dựng một ngôi trường học cho "đám nhỏ có nơi ăn học". Nói là trường cho nó "oai", thật sự nếu đứng xa xa nhìn trông giống như một cái chồng, nói cho đẻ hiểu như là chuồng trâu không hơn không kém. Đó là ngôi trường đầu đời của tôi.

Ngày đầu tiên tôi đến trường trước đó ít hôm, cha tôi có làm cho tôi một cái cặp để đựng tập viết bằng mo cau, mà trong vườn nhà tôi có hàng hà sa số tàu cau rụng đầy vườn. Nói về cái cặp bằng mo thì trong chúng ta ít nhiều củng có người biết nó ra sao như thế nào, thôi để tôi giải thích phớt qua cho những bạn nào chưa biết. Hai chiếc mo cau cắt lớn hơn quyển tập học trò mỗi cạnh rộng hơn 2" một tí, có một bên chừa dài hơn bên kia khi kết hai miếng mo cau lại còn dư phần trên, bẻ xuống để làm cái nắp cặp. Và cha tôi không quên bện cho tôi sợi dây, buộc hai đầu sợi dây vào hai đầu cái cặp. Còn cái nút gài nắp cặp lại, ông có cắt hình quả tim, tôi còn nhớ như in trong đầu. Khi làm xong cặp bằng mo cau, cha tôi đeo thử cho tôi. Tôi cảm thấy rất thích cái cặp trông có vẻ to hơn tôi nhiều lắm. Tôi tự ngắm mình mang cặp. Chẳng hiểu vì sao hồi đó tôi lại hình dung mình như người hành khất lủi thủi đi trong bóng đêm, tìm nơi nào đó dể ngả lưng cho qua một đêm. Tôi mong cho đến tuần sau được mang cặp đến trường.

Ngày tựu trường vào cuối tháng tám, trời mưa tầm tã, làm đường đến trường lầy lội, bàn chân tôi quá nhỏ không thể đi một mình được, tôi phải nắm lấy áo mẹ tôi đi sau mẹ, tôi cố ghì chặt vào tà áo của mẹ, nhìn tôi tưởng tượng như mẹ tôi có cái đuôi ở sau lưng. Bất chợt tôi bật khóc; mẹ tôi hỏi tôi sao con khóc? tôi trả lời "con sợ". Mẹ tôi trấn an cho tôi hết sợ: “Mẹ đã nói cho cô Ba rồi, là hôm nay mẹ đưa con đến trường.” Tôi nghe và an tâm một phần.


Nói về cô Ba, cô giáo đầu đời của tôi cũng là người trong dòng họ, cô Ba hồi nhỏ có đi tu nhà phước "trắng" tức dòng nữ tu Thánh Phao Lô Mỹ Tho. Cô có bằng" thành chung " năm 1940. Sau đó vì chuyện gì không biết, cô không tu mà trở về sống với gia đình, sau này cô lập gia đình.


Trên đường đi đến trường, đi trên bờ đất hẹp bờ ranh, trước khi đến trường phải qua hai chuồng trâu. Tôi nhìn vô chuồng trâu, tôi sợ trâu muốn chết được, vì con vật ấy khổng lồ đối với tôi thời đó. Mẹ tôi biết tôi quá sợ nên bà trấn an: “Không sao đâu, có mẹ đây, con đừng sợ.” Tôi lủi thủi bước theo sau, tới ngã ba, mẹ tôi nắm chặt tay tôi, bà quẹo trái để vào trường học. Thấy một cái chòi lụp xụp, tôi tưởng là chuồng trâu, hai tay tôi nắm chặt tay mẹ, hai chân tôi túm lại mười ngón chân cố cho nó ghì chặt xuống mặt đất người tôi ngã về phía sau, như một người phu xe cầm hai càng xe đang đổ dốc cố dùng hết sức đẻ hãm chiếc xe lại không cho nó lao xuống. Tôi nói trong nước mắt: “Mẹ ơi con sợ trâu, con không dám vô ngồi học chung với trâu.” Mẹ tôi cười và và nhẹ nhàng nói nhỏ vào tai tôi: “Đây là trường học không phải là chuồng trâu.” Tôi bước theo mà trong lòng đầy sự sợ hãi.

Trích trong hồi ký "Tiếng hát sông Mekong", trang 550, tác giả Nguyễn Công Phong (Viết cho em và các con).
 

NGUYỄN CÔNG PHONG
(Colorado 25-8-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage