thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Hồi ức nhân một ngày khai trường


* Tùy bút

 


Sáng nay, Thư cảm thấy vui và không biết mệt dù đêm qua Thư đi ngủ rất trễ. Xa lộ 100 hôm nay sao ngắn quá, lại toàn gặp đèn xanh, đường đi đến sở làm sao khác lạ thế. Thư thấy cảnh vật đẹp hơn, rực rỡ hơn dưới nắng hè. Y Phương dường như cũng hát hay hơn thường ngày Thư lẩm nhẩm hát theo, ô hay, bạn bè trong shop ai cũng tươi, Thư tự đặt một tam đoạn luận cho mình: "Tất cả mọi người đều vui, mà Thư là ngưòi, vậy Thư phải vui!"


- Sao hôm nay bạn vui thế?


Thư cười và khoe:
- Tôi mới liên lạc được thầy cô và bạn cũ thời trung học đã hơn 30 năm xa cách.


- Hèn chi trông bạn vui quá.


- Tôi đã gọi điện thoại cho thầy cô và bạn cũ nói chuyện cả đêm khiến tôi nhớ lại thời đi học quá.


- Chúc bạn luôn vui.


- Cám ơn bạn.


Thư vui lắm. Bây giờ Thư đã quen thuộc với câu hỏi cửa miệng: “How do you like your haircut today?” Bởi vì bây giờ Thư là thợ cắt tóc!


Tình cờ Thư tìm thấy website của trường Trung học Tân An, ngôi trường ngày xưa của mình. Thư vô cùng xúc động bao ký ức hiện về của tuổi ô mai cắp sách đến trường với chiếc áo dài trắng thật dễ thương. Được biết thầy cô mạnh khỏe, Thư mừng lắm, tuy có một số thầy cô còn ở lại quê nhà hay định cư ở các quốc gia khác. Cô cũng liên lạc được vài bạn cùng lớp, ôn lại kỷ niệm buồn vui dưới mái trường thân yêu. Đối với Thư, lớp mười hai đáng ghi nhớ vì đó là năm cuối của bậc trung học, có bạn lên đại học, có bạn đi làm, có bạn "sang ngang", có bạn thôi học vì hoàn cảnh gia đình… Thư nhớ lớp của mình lắm! Làm sao Thư quên được trường Trung học Tân An, hai dãy lớp sừng sững được nối liền bởi chiếc cầu nhỏ xinh xinh, dưới dòng nước có những đám lục bình trôi, chúng nở những chùm hoa màu tím thật đẹp nổi bật bên những chiếc lá màu xanh đậm, Thư và các bạn thích lắm cứ ra đó ngắm, đùa giỡn, làm thơ tả cảnh tả tình. Ai chê hoa lục bình chứ riêng Thư thì cô rất là "mê" một nét quyến rũ kỳ lạ nhìn hoài không biết chán:

Em đã biết mộng mơ
Khi nhìn hoa tím nở
Bao nhiêu là thương nhớ
Làm thơ tình tặng anh!

 

Nguồn minh họa: Internet.


Nhớ lắm những tháng ngày ở lớp mười hai. Lớp Thư dân kẹp tóc đông hơn dân húi cua nên chiếm phần ưu thế, nói thế chứ bọn Thư không có ăn hiếp đám con trai đâu, tại tụi nó hiền quá. Có lần Thư bị thằng Năm giấu một chiếc dép, cô không hề hay biết khi thầy Trưng gọi lên bảng, cô tìm hoài không thấy dép mình đâu đành đi chân không lên bảng, văng vẳng có tiếng cười của đám húi cua, dở môn nào thì thường hay bị thầy kêu ngay môn đó! "Tại nó lấy mất chiếc dép của mình nên mình trả lời không được", có cơ hội để Thư đổ thừa và không tiếc lời "chửi " nó. Càng đáng giận hơn khi tan học về, chú Quân trên xe buýt hỏi Thư:
- Sao lại đi chân không thế bé? Trông giống như nhà ngói mà cột chôn dưới đất đấy!

Lúc bấy giờ có xe buýt quân đội đưa đón học sinh. Nghe chú Quân hỏi thế, nước mắt Thư rưng rưng, càng tức giận và nhất định sẽ "trả thù".

 

Lại có lần trong giờ Anh văn dưới sự "chỉ giáo " của cô Liên, bọn Thư không ra chơi trong thời gian chuyển tiết, cứ thay phiên nhau hỏi để cô trả lời hết giờ chơi sang tiết toán, thầy Năm xô cửa bước vào, thầy nhìn thấy cả lớp còn quây quần bên nhau khiến thầy đỏ mặt bước ra và nói xin lỗi. Cả lớp thích chí cười vang, cô Liên bước ra mời thầy vào không quên háy mắt với bọn Thư. Đứa nào cũng cố nín cười, hôm đó Thư nghĩ không có đứa nào hiểu bài đâu và thầy chắc gì tập trung để giảng bài. Nhớ lại chuyện ấy, Thư thấy hối hận và thương thầy quá, tụi con xin lỗi thầy, thầy ơi!


Hồn nhiên nhất ở tuổi hoc trò Thư thèm trở lại ngày xưa, Thư nghĩ trong mỗi đứa không ai quên được những kỷ niệm thời cắp sách. Thầy cô của Thư đâu, bạn của Thư đâu, trường Thư đâu, lớp học của Thư đâu??? Bây giờ, với thời gian chắc thay đổi nhiều lắm! Có lần Thư đi ngang qua ngôi trường cũ, lòng thấy ngậm ngùi, Thư thật buồn:


Người xưa trở lại thăm trường cũ
Tìm bóng thầy cô với bạn hiền...


Mỗi người một phương!!!
Bây giờ lưu lạc xứ người, bận rộn với công việc hàng ngày, thật là một xứ sở lạnh lùng, Thư thấy cô đơn. Dường như mọi người đến sở chỉ biết làm việc mà thôi, mong hết giờ về nghỉ ngơi để rồi ngày mai lại tiếp tục. Thư cứ suy nghĩ hoài thế nào là" tình người ấm lạnh"? Thư tự tìm vui bên công việc và tự an ủi lấy mình, Thư rất nhớ ba, phải chi có ba bên cạnh, Người sẽ cho Thư niềm tin. Ba ơi! Con rất nhớ ba!


Câu hỏi và cái vỗ vai nhẹ làm cắt đứt dòng suy nghĩ của Thư:
- Are you Chinese?


- No, I am Vietnamese!


Tại sao người ngoại quốc khi gặp ngươi Việt Nam họ cứ ngỡ là người Trung Hoa? Nhớ ngày đầu tiên vào hãng Fiber Optic, Makita - cô tổ trưởng nguời da đen đã hỏi Thư như thế, và cô đã trả lời một cách tự hào! Tất cả đều mới mẻ với Thư từ ngôn ngữ, đến sự sinh hoạt… Hãng có trên chục người Việt Nam, tại sao người ta quá lạnh, chỉ nhìn cô với ánh mắt tò mò chứ không nói lời nào cả, một sự thắc mắc trong đầu "có lẽ mình là một Tư Ếch?!", cô mỉm cười một mình. Đang chăm chú theo dõi công việc qua sự hướng dẫn của cô tổ trưởng, bỗng Thư nghe một giọng thật là Việt Nam:
- Chị qua đây lâu chưa? Chị tên gì?


- Dạ em tên Thư, em mới qua được hai tháng.


Chị ấy nhìn Thư rồi nói:
- Tui tên Tuyết, mọi người ở đây kêu tui là Snow, chị kêu sao cũng được, tui làm ở đây từ lúc hãng mới thành lập. Có gì không hiểu hay trở ngại, chị kêu tui nha.


Im lặng vài giây, Snow nói tiếp:
- Bà chị tui có hãng ở phía sau hãng này nè, tại tui không thích làm, tui qua đây làm vui hơn.


- Em cám ơn chị.


Thư cám ơn chị ấy còn vì ít ra cũng có người biết Thư là người Việt Nam hiện diện tại xứ Mỹ này.


- Ê, thằng "Hải tặc" kìa, nó là thằng chủ đó.


Thư ngạc nhiên tại sao lại kêu "thằng", cô hỏi:
- Sao kêu là hải tặc hả chị?


- Nhìn cái mặt chần dần, cái đầu thì to hàm râu quai nón, dáng dấp y như mấy thằng hải tặc tui gặp lúc vượt biên, đã vậy nó khó lắm, khi nào hàng chết nhiều, nó quần te tua.


Thư sợ quá cái gì hàng sống, hàng chết, lo lắm nhung Thư không dám hỏi.


- Thấy cái thằng cao cao đẹp trai kia không? Nó là thằng Gãi.

 

Thư cười nghĩ chắc một biệt danh dành cho hành động nào mà anh ta bị thấy nên được đặt tên, chết danh luôn, và Snow nói tiếp:
- Có phải thằng Gãi phỏng vấn chị hôn? Nó là một trong mấy thằng chủ đó. Thằng này dễ chịu lắm, nó quan tâm công nhân và nói năng nhỏ nhẹ lắm.


- Hình như ông ta không phải người Mỹ hả chị?


- Người Do Thái. Đàng kia chỗ chị Kim làm, cái thằng đen thui mập thù lù là "Cây đèn dầu" đó.


- Sao là cây đèn dầu?


- Chứ bà không thấy cái mặt nó giống "Aladin" trong chuyện thần thoại sao?


- Cây đèn thần chứ.


- Nó mà đèn thần gì, đèn dầu thôi.

 

Rồi chị ấy bỏ đi lại chỗ "cây đèn dầu" và nói chuyện huyên thuyên. Thư không biết chị làm "chức vụ" gì trong hãng coi bộ chị có uy quá. Tuy nhiên Thư cảm thấy vui vui có lẽ ở đây hạp với mình và Thư thấy nể Snow. Dường như mọi người ở đây quên tên thật của họ mà cứ gọi bằng cái tên mới chỉ có nhóm Việt Nam hiểu thôi.


Qua một ngày đi làm, Thư không thấy mệt, vì công việc không có gì khó, chỉ cần khéo tay và cẩn thận để không bị hư là được, cô thấy vui vì đã có công việc làm. Tối đến, Thư viết thư cho các bạn và kể những gì mình đã gặp trong ngày đầu đi làm ở đất Mỹ. Sau một tháng thì mọi việc trôi chảy, Thư đã thạo việc và quen thêm vài người bạn. Nhờ sự hướng dẫn của Snow, Thư thấy dạn dĩ hơn, cô đã có niềm tin, không cảm thấy lac lõng nữa.


- Thứ Bảy này, Thư làm overtime không?


Mừng quá, Thư trả lời ngay:
- Dạ làm chứ chị.


- Có ai đưa bồ đi làm không? Nói địa chỉ, mình đến rước bồ cho.


Ồ! Sao có người tử tế thế! Thư vội đáp:
- Dạ ông xã em nghỉ thứ Bảy, anh ấy đưa em được chị à, cám ơn chị. Mình làm từ mấy giờ đến mấy giờ hả chị?

- 7 giờ 30 sáng đến 3 giờ 30 chiều.

Thư sung sướng vô cùng, lúc đó nàng đã quên hết mọi phiền muộn lo âu vì mình thật sự đã có việc làm.

Thư đã là cô thợ lành nghề sau sáu tháng cô quen chị Hồng người Sài Gòn, chị rất hiền ít nói trông như lúc nào cũng đầy tâm sự. Hồng hay kể Thư nghe về thời quá khứ, cũng đồng tâm trạng lạc lõng bơ vơ ở xứ sở văn minh này, vậy là Thư đã có người để tâm sự. Thấm thoát một năm trôi qua, Thư được chuyển qua tổ khác, phải làm quen với computer để test hàng, công việc mới mẻ nhưng Thư rất thích. Tại đây có ba chị Việt Nam, mỗi người một tuổi rất là đặc biệt: Dần, Tị, Hợi còn Thư thì tuổi Thân, Chị Hà tuổi Tị lớn nhất nên được phong là đại sư tỉ, Thư nhị sư tỉ, Thi Thi tam sư tỉ, Nhung thì Út Dần, chả ai dám đụng tới tổ Dần Thân Tị Hợi này cả! Với công việc này, Thư thạo nhanh lắm, không ngờ người Việt Nam mình giỏi thiệt.


- Chị Thư ơi, ngày mai sinh nhật Tracy, mỗi đứa hùn ba đồng để mua bong bóng và cái bánh sinh nhật, chị tham gia không?


- Có chứ Nhung. Ai sao chị vậy.


- Tháng sau là sinh nhật bà Thi Thi đó, tháng chín bà Hà, tháng mười Dona, tháng mười hai Yolanda và Joti.


Thư giật mình, tuy nhiên vẫn hỏi:
- Thế còn Nhung, tháng mấy?


- Đã qua rồi, em tháng ba, còn chị?


- Chị không có ngày sinh chỉ có năm sinh thôi.


Nhung trề môi:
- Xạo hoài, em lên văn phòng hỏi ông Will.


Thư tưởng thiệt lật đật nói:
- Chị không thích đâu cưng, mắc cỡ lắm.

 

Thật tình Thư không thích mọi người bận bịu vì ngày sinh nhật của mình, xưa nay nó cũng chỉ là một ngày như bao ngày đi qua trong đời Thư...


Một tổ chỉ tám người sao lu bu phức tạp thế. Đâu phải chỉ sinh nhật thôi, còn ngày lễ ngày tết nữa, trong tổ thường bắt thăm tên để mua quà cho ngày Noel, rất khó cho việc chọn quà, sợ không vừa ý người nhận dù biết "cho vui", tiêu chuẩn quà không quá mười lăm đồng. Năm đầu tiên ở Mỹ và ở sở làm cũng khá vui và lý thú vì có nhiều trò chơi trong ngày lễ lớn như Tạ ơn, Giáng sinh… Thư đã bắt đầu hội nhập và thấy yêu công việc của mình, ngày đi làm tối đi học Anh văn cứ thế, cứ thế… và cứ theo tháng ngày đưa đẩy. Còn đâu cô giáo bé nhỏ của ba, út của mẹ, giờ ở xứ người đã nặng nề với cuộc sống bộn bề, già đi trước tuổi!


Bên ngoài trời mưa thật lớn, sấm sét ầm ĩ, bên trong thì bầu không khí nặng nề. Hãng Thư vừa mới họp xong được biết hãng sẽ đóng cửa vào cuối tháng vì hãng đã mở chi nhánh ở China và Mexico, tại đó chi phí cho công nhân rất rẻ, cho nên công nhân ở đây thất nghiệp. Mọi người ai cũng buồn, một sự hụt hẫng tiếc rẻ, lưu luyến… Không ai nói với ai lời nào. Với Thư, cô đã buồn vui ở đây sáu năm dài, công việc đã quen. Chị Hà đã khóc, đằng kia mấy chị người Ấn Độ cũng ôm nhau khóc, phải chia tay với "Hải tặc", với "thằng Gãi", với "Cây đèn dầu"… Buồn buồn làm sao!


Thế là Thư đến với nghề tóc sau tám tháng đến trường cũng khá "cam go". Quyển vở đã sang trang! Lại đương đầu với khó khăn mới, môi trường này thật mới mẻ, Thư chứng kiến sự tranh giành chụp giật, cô thật nản chí. Hàng ngày tiếp xúc với khách trò chuyện học hỏi thêm, phải yêu công việc và Thư thật sự thích nghề này. Ba ơi, bây giờ con là một barber!

Bây giờ, mỗi tối Thư thường ngồi bên computer để mở trang web của trường xem những hình ảnh, bài vở của các anh chị, các bạn rồi Thư đọc e-mail cũng như gửi e-mail cho thầy cô và bạn bè. Thư thật vui khi nói chuyện với bạn, kể nhau nghe những vui buồn, những bực bội trong ngày đã qua, nói chuyện với bạn về cuộc sống hiện tại, nhắc thời cắp sách, nhớ trường nhớ lớp nhớ thầy cô bạn bè, ước gì được trở lại thời hồn nhiên đó. Trong giấc mơ, Thư luôn thấy mình là cô bé hồn nhiên với chiếc áo dài trắng ngây thơ, tỉnh giấc thấy mình đang sống tại đất nước xa lạ khác màu da chủng tộc, ngôn ngữ, một nỗi buồn xâm chiếm trong cô!


Nhớ ngày xưa thầy Trưng dạy môn Công dân đã từng nói trong lớp 12A3 của Thư: "Khi nào người ta cảm thấy thiếu thốn thì thấm thía, và ngược lại, khi nào người ta cảm thấy thấm thía thì thiếu thốn!!!"


Thưa thầy, con luôn ghi nhớ lới thầy. Con cảm ơn thầy, thầy ơi!
 

lêthị hạanh
(Maryland 8-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage