thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Về đâu những con đường


 

* Gửi em tôi



...Ai mà không có con đường của mình để đi...


Nhớ ngày còn bé, những dịp về thăm quê nội, đứng trước những ngõ quê rợp bóng tre, những ngõ vắng sâu hun hút, im lìm, khuất dưới những rặng tre già, lúp xúp mấy nếp nhà tranh phất phơ khói bếp, văng vẳng xa đưa một tiếng gà lạc lõng, lòng trẻ thơ tôi cứ thầm nghĩ: ...những con đường này sẽ đưa ta về đâu nhỉ?...


Câu hỏi ấy cứ theo tôi suốt cả một đời, những lúc nhớ quê, tôi lại hẹn với lòng, hôm nào ta sẽ trở về và thử đi đến tận cuối cùng xem có những gì cuối những con đường ấy. Nhưng rồi dự định nó cứ mãi là dự định và bị bỏ quên khi người nghĩ ra nó là tôi đây bị cuốn mãi theo những con đường khác: con đường cơm áo. Suốt một quãng đời dài đã trôi qua, tôi đã đi đâu? đã qua bao nhiêu con đường? đã có bao nhiêu vui buồn trên những con đường ấy? có bao điều đã vội quên, cũng có đôi điều mãi nhớ. Con đường nào lần đầu tiên mẹ dắt đến trường, chẳng có bướm có hoa, chỉ có bao nhiêu là nước mắt. Con đường thổ mộ băng đồng trong những đêm trăng tản cư nơi quê nội hay rộn ràng phiên chợ đêm ngày giáp tết, và tôi được xúng xính khoe quần áo mới, vẳng xa tiếng pháo đì đùng. Con đường đồng đất lầy lội, bùn sình quá gối, người đi cùng với trâu bò những ngày mưa dầm rét mướt trong tiếng gió rít những ngày đông, thổi buốt tuổi xuân thì và những cuộc tình mới chớm. Ôi, những con đường quê đã nuôi tôi khôn lớn bằng những ngọt ngào mộc mạc của tình tự quê hương. Làm sao tôi có thể quên được con đường rợp bóng tre những lúc giêng hai, khi ngọn gió chướng thổi ầm ào qua làng quê đồng bãi và tôi, một mình lang thang trên những ngõ quê bàng bạc ánh trăng, lòng thầm tiếc một bàn tay chưa dám cầm, một lời tỏ tình chưa kịp ngỏ. Dù biết chẳng bao giờ muộn, nếu có cơ hội, nhưng cuộc đời đâu có chờ ai, như nước chảy qua cầu, thời gian không trở lại. Tôi đã đi qua bao nhiêu con đường, những con đường không em. Đã lạc về đâu, người em tuổi nhỏ, để hôm nay khi quay về, tôi lại một mình bâng khuâng đứng trước những ngã ba đường của đồng đất quê nhà. Vẫn hàng tre năm cũ, vẫn dòng sông bên nhà soi bóng con đò, phải con đò ngày xưa không, vẫn im lìm nằm từ bấy đến giờ đợi lúc ta về.

 

Nguồn minh họa: Internet.

Tôi lại bâng khuâng với câu hỏi ngày xưa: con đường ấy rồi sẽ đưa ta về đâu?...về đâu?, câu hỏi như một hoài niệm mà không cần câu trả lời. Tôi thở dài với cái ước muốn đơn giản của mình, muốn thử đi một lần vào cái ngõ sâu hun hút ấy, có gì ở cuối những con đường, tôi vẫn luôn tự hỏi... Tôi đứng lặng im giữa đường làng chiều quê, thoang thoảng trong gió mùi ẩm mốc của rơm rạ ngai ngái, mùi khói un chất thải của trâu bò nhà ai, khen khét, nồng nồng, tôi hít thở nhè nhẹ và tận hưởng cái cảm xúc tuyệt diệu, ôi cái mùi của tuổi thơ tôi, làm sao tôi có thể quên được cái mùi kỳ diệu ấy, mùi của quê hương mà từ lâu tôi đã bỏ quên, khi mãi chìm đắm trong cát bụi thị thành. Tôi chợt ngậm ngùi khi nhận ra rằng mình đã đi qua bao nhiêu đường đời nhưng vẫn chưa đi hết được những ngõ ngách của quê tôi thì nói chi đi đến được trái tim của một con người...


...Tôi đứng đây, giữa chiều quê lộng gió, lòng tràn ngập cảm xúc với nỗi nhớ xiết bao mùi hương không còn tìm được nữa, mùi tóc của em tôi, mùi hương nồng nàn của một tình yêu chưa kịp nói. Tôi nhận ra mình đã già rồi, nhưng bi kịch cuộc đời không phải là già hay trẻ mà là một tâm hồn luôn trẻ trong một thể xác cứ già đi... Tâm hồn tôi luôn trẻ trong thể xác ngày một già cỗi cứ luôn phân vân khi đứng trước những con đường và tự hỏi: cuối những con đường ấy có những gì ? Rồi tôi lại nhủ thầm, một hôm nào đó mình sẽ đi, đến cuối con đường, vẫn còn nguyên cái ước muốn ấy dù bao nhiêu năm đã trôi qua, và, còn có con đường nào không để tôi được đi đến tận cùng trái tim em...?


...Tôi sống và vẫn còn mang theo niềm hối tiếc với những dự định lỡ dở của cuộc đời mình, những ước muốn luôn chỉ là những dự định và chẳng bao giờ thành hiện thực, những dự định bị bỏ quên, những cuộc đi chưa bao giờ được khởi hành và cả một đời, tôi sẽ chẳng bao giờ biết được có gì ở cuối những con đường...

lêchíanh

(Long An 27-8-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage