thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Kiểng cổ Nam bộ



* biên khảo

 


Chơi kiểng trước hết là để thư giãn tâm hồn, là cách tìm về hòa mình vào thiên nhiên. Một nhà vườn hay một biệt thự nếu không có cây cảnh sẽ thiếu đi sự mềm mại và nét duyên dáng riêng biệt. Ông cha ta ngày xưa hết sức coi trọng các triết lý Nho giáo và Lão giáo, thể hiện một cách khéo léo, độc đáo trong nghệ thuật tạo tác cây cảnh: chơi kiểng để tu tâm dưỡng tính và dạy con cháu cách đối nhân xử thế; tạo ra một loại hình cây kiễng mang một bản sắc riêng. Các nghệ nhân ngày nay trân trọng đặt cho một tên cho loại hình này là: Kiểng cổ Nam bộ.

Cây kiểng cổ là cây được uốn sửa một cách công phu, đúng số tán, đúng nhánh, không thừa, không thiếu, mỗi thành phần trong cây kiểng tiềm ẩn một triết lý sống, mang các phép tắc lễ nghi, đạo đức thánh hiền, có ý nghĩa luân lý và triết lý. Kiểng được uốn sửa công phu theo những nguyên tắc nhất định giống như một bài thơ Đường luật, có niêm có đối rõ ràng.

Kiểng cổ Nam bộ thịnh hành và phát triển nhất là ở Gò Công, cây thường dùng là mai chiếu thủy, cây sanh hoặc kim quít. Kiểng cổ chủ yếu là ở dáng thế, không đặt nặng về hoa.
 


Bộ ba cây (nguồn Internet)

Một bộ kiểng cổ đầy đủ thường là năm cây, hoặc ba cây, tối thiểu cũng phải có hai cây, trong đó một cây ở giữa gọi là cây trung bình là cây chủ, thường có tầm vóc cao hơn, cành nhánh được uốn, chiết chi theo kiểu nhị diện (bây giờ gọi là không gian phẳng) và thường được sửa theo thế thất hiền hay ngũ phúc, tức là có bảy hoặc năm cành. Bốn cây còn lại chia ra hai cặp bằng nhau về độ to lớn và rất đối xứng nhau về hình thế các chi nhánh. Đặc điểm này đòi hỏi sự lựa chọn kỹ lưỡng về cây nguyên liệu ban đầu và công phu trong quá trình tạo tác.

Hai dáng thế rất thông dụng là:

Thế cây Tam Cương Ngũ Thường: chia ra hai thân; thân chính lớn (Phụ) và thân nhỏ (tử). Thân chính có năm nhánh lá làm thành bốn tầng và một tán ở đỉnh thể hiện cho ngũ thường - Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí ,Tín - thân nhỏ có ba tàng nhánh tượng trưng cho tam cang - Quân thần cang, phu thê cang, phụ tử cang. Cây phụ tử, thế tam cương ngũ thường, tượng trưng cho nam giới, cây dáng thế mạnh mẽ, hùng tráng, thiên về dương tính.
 


Cặp kiểng cổ trước Ngân hàng Agribank Trần Hưng Đạo Q.5, TP.HCM.

Thế Tam Tòng Tứ Đức: cũng chia làm hai thân, thân lớn chính (Mẫu) có ba đoạn và bốn tầng thể hiện bốn đức tính của người phụ nữ - Công, Dung, Ngôn, Hạnh - và cây tử tượng trưng cho tam tòng - tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Cây mẫu tử, thế tam tòng tứ đức thường được uốn sửa một cách mềm mại, uyển chuyển, thiên về âm tính, tượng trưng cho nữ giới.

Để đánh giá một cây kiểng cổ đẹp, người ta thường dựa vào vào các tiêu chuẩn kỹ thuật và mỹ thuật thông qua các chi tiết:

Hình: tức là hình dáng thân cây, tượng trưng cho Thiên đạo, gốc phải to và nhỏ dần lên ngọn, (dáng long giáng).

Thế: tượng trưng cho Nhân đạo, do bàn tay con người tác động vào để tạo ra những dáng thế mà con người muốn ký thác ý tưởng vào trong đó. Thường thì người ta chọn thế suy phong hồi đầu, tức là nghiêng theo gió nhưng vẫn quay đầu hướng về nguồn cội. Dáng cây nghiêng, nhưng đỉnh ngọn cuối cùng thẳng đứng phía trên của cội cây.

Chi: là cành nhánh, tượng trưng cho thần, nhánh dưới phải dài và lớn hơn nhánh trên.

Diệp: là lá cây, tượng trưng cho đạo làm con và gia cảnh, lá phải nhỏ và xum xuê tươi tốt.

Gần đây về việc tạo dáng cây, cũng có thể do sự kém hiểu biết, có người uốn sửa cây kiểng thành những kiểu thức đơn giản, tùy tiện phá vỡ những nguyên tắc chuẩn mực của cây kiểng cổ truyền thống, có khi làm ra cây ba nhánh bảy tàng, người ta gọi đùa là thế “tam sao thất bổn”: kiểng cổ không ra kiểng cổ, mà bonsai không ra bonsai.

Cây kiểng cổ, một sản phẩm thuộc phạm vi nghệ thuật, điều quan trọng không phải là thế kiểng này cao quí hơn thế kiểng nọ, mà chính là cái hồn của tác phẩm tác động vào tâm tư, tình cảm con người ta như thế nào. Những tư tưởng của Nho gia tuy đã trở thành những gì xưa cũ, có người cho đó là tàn dư của thời phong kiến. Thật ra tư tưởng ấy thịnh hành cách đây hàng ngàn năm, nay tuy có nhiều điều không còn hợp thời nữa, nhưng lưu giữ có chọn lọc lại những gì đã trở thành truyền thống, nề nếp và bản sắc của người phương Đông là những điều rất đáng trân trọng. Người ta có còn đáng được kính trọng hay không, khi các vấn đề Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín hay Công Dung Ngôn Hạnh bị xem nhẹ?

Ngoài việc ngắm nhìn cái vẻ tươi đẹp tự nhiên, chơi cây kiểng giúp cho chúng ta vươn tới chân thiện mỹ, tự chiêm nghiệm về bản thân, cùng với các quan hệ khác trong cuộc sống xã hội. Với cặp kiểng trước sân nhà như cặp câu đối tự răn mình, dạy cho thế hệ sau cách xử thế, đó là điều rất đáng được cân nhắc. Cho nên bảo tồn, trân trọng cái đẹp của người xưa, cái ý tưởng nó mang lại và nhắc nhở người ta sống sao cho phải Đạo, là một việc cần thiết trong xã hội kim tiền.
 

NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 27-8-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage