|
Rặng trâm bầu
* tùy bút
"Cho em hỏi rằng chứ ở nơi đâu, bát ngát xa
trông những rặng... trâm bầu...!" (*)
...Cứ mỗi lần nghe bài hát ấy vang lên đâu đó trong cái tĩnh mịch
heo hút của làng mạc chiều quê, lòng tôi lại cảm thấy buồn buồn, một
cảm giác trống trải mất mát lại đầy lên trong tôi. Ôi! nhớ làm sao
hình ảnh mộc mạc lại rất thân thương, lặng lẽ nhưng rất vững vàng
suốt một thời khai phá đất phương Nam của ông cha. Người ta thường
nhắc đến tre, nhưng ít ai nhắc đến trâm bầu, sau cây tre, có lẽ trâm
bầu là hình ảnh gắn bó nhất với đời sống, sinh hoạt của người dân
đồng đất Nam bộ.
Chẳng biết ai trồng và trồng từ bao giờ, hay đất nghèo đã sinh ra
giống cây ấy? Khi lớn lên, tôi đã thấy có trâm bầu, ở những mương
ranh quanh nhà, ở những vùng gò bãi bạc màu, vùng đất hoang giữa bạt
ngàn ruộng rẫy, ngoài tre, thì trâm bầu đã lấn át mọi loài cây khác
bằng sức sống mãnh liệt của mình. Có nơi, trâm bầu mọc san sát thành
rừng, thân thẳng, to và khỏe, khắp mình tua tủa những gai nhọn mà
nội tôi thường gọi là vú, vú trâm bầu..., tôi nhớ có lần bị nội răn
đe: Lì quá sẽ bị ăn roi trâm bầu! Thật vô phúc cho những ai bị phạt
bằng trâm bầu vú, may cho tôi là chưa trải qua bao giờ...
Trâm bầu có sức sống rất mãnh liệt, nó sống trên mọi vùng đất, dù
bạc màu đến mấy vẫn sinh sôi nảy nở, chặt nó đến bao nhiêu lần vẫn
không chết, lại lên vô số tược mới, rễ nó bám chặt vào lòng đất, dù
khô hạn hay ngập nước, nó vẫn luôn vậy, lá chẳng xanh thắm mà cũng
chẳng vàng vọt, chỉ là một màu xanh nhợt nhạt tưởng như héo úa, vậy
mà giữa sự thầm lặng chắt chiu lại chứa đựng một sức sống bền bỉ
không ngờ. Trong cái lất phất của những cơn mưa giông đầu mùa, ông
tôi chặt sát gốc các bụi trâm bầu già mang ngâm nước, chuẩn bị làm
lại cài chòi hay cái chái bếp đã ọp ẹp, vậy mà, chỉ hơn tháng sau,
đã thấy xanh mướt một màu, bao nhiêu là tược con tua tủa, chen chúc,
vươn lên bầu trời xanh. Khi mưa thu lác đác kéo về trên những ruộng
lúa mùa, thì con gái, cũng là lúc, những tán trâm bầu đã che khuất
đường chân trời. Những đàn chim lũ lượt kéo về xây tổ, xao xác gọi
nhau trong vòm lá lúc chiều về. Rồi một hôm, cả cánh đồng bỗng vàng
rực lên dưới nắng, lúa đã chín vàng. Trong mùi thơm thoang thoảng
của hương lúa, những ngọn chướng non hây hẩy, xô đuổi nhau trên cánh
đồng, ầm ào trong những tán lá trâm bầu dày đặc, lác đác những nụ
hoa bé xíu, ngày một lớn dần. Hoa trâm bầu trông ngộ nghĩnh, không
giống một loại hoa nào, như một khối vuông màu vàng nhạt, không đều
góc cạnh, to hơn ngón tay cái một tí, cứ lớn dần lớn dần, chờ đến
một hôm nào trong cái nắng giêng hai gay gắt, lại quay về với đất
đen, mong đợi một mùa mưa sắp đến...
Nguồn minh họa: Internet.
Tuổi thơ tôi gắn bó với những rặng trâm bầu, những lúc thả trâu
ngoài bãi, khi bắt dế lúc thả diều, bóng mát của trâm bầu luôn là
chỗ trú chân của bọn trẻ chúng tôi. Lớn lên một chút, những đêm
giăng câu thả lưới, chúng tôi thường nằm trên những ổ rơm ấm áp dưới
tán trâm bầu, lắng nghe tiếng cá quẫy dưới trăng, tiếng bầy cá trê
ăn tía giữa bàu..., trong cái vắng lặng của đêm sâu, bọn tôi nằm gác
chân lên nhau ngắm sao trời qua kẽ lá với bao nhiêu là ước vọng. Chỉ
mươi, mười lăm tuổi đầu, lòng tôi đã biết buồn, khi nhiều hôm một
mình lắng nghe tiếng cuốc gọi bầy não nuột trong đêm...
Ngày ấy, tôi chưa bao giờ để ý đến sự hiện diện của trâm bầu, vì tôi
sống với nó, nó ôm ấp tuổi thơ tôi, tôi lớn lên dưới những tán lá
rợp mát của trâm bầu. Bây giờ, sau bấy nhiêu năm, nghe lại bài hát
ấy, tôi lại cảm thấy ngậm ngùi. Tôi đứng đây, giữa làng mạc quê
hương, dù chưa một lần ra đi, để hiểu được cảm giác của sự trở về.
Tôi vẫn còn đau đáu với niềm yêu thương, gắn bó với đồng đất quê nhà
từ bấy đến nay, nhưng vẫn thấy buồn buồn, vì chẳng còn tìm đâu ra
hình ảnh vài cây trâm bầu, chứ nói chi là rặng... Trẻ thơ quê tôi,
giờ có đứa chẳng biết trâm bầu là gì. Quê hương ngày một đổi mới,
đèn điện đã làm quên ánh trăng, quạt máy, điều hòa đã làm thay cái
mát của ngọn nồm ngọn chướng, nhà gạch nhà tường đã san sát mọc lên,
chẳng ai còn nhớ đến trâm bầu nữa. Người ta quí từng tấc đất để sản
xuất, để trồng rau hoa, trồng cây ăn trái. Trâm bầu không còn cần
thiết nữa, chỉ còn là hình ảnh thuộc về dĩ vãng, giờ thì chỉ được
nhắc đến trong một bài hát mà có khi cũng ít người nghe, bài hát
nhắc nhớ cho ta biết đã từng có một loài cây tên là trâm bầu cùng
với ông cha đi suốt một thời gian khó...
...Và mỗi lần nghe lại bài hát về loài cây ấy tôi lại thấy lòng
chùng xuống với niềm thương nhớ khôn nguôi!
LÊ CHÍ ANH
(Long An 2-9-2011)
(*) Bài hát "Rặng trâm bầu" của Thái Cơ.
|
|