|
Trăng thu
* Tùy bút
Thời gian trôi thật nhanh, mới hôm nào đi lang thang dưới trăng
trong đêm trăng sáng của đêm rằm tháng tám âm lịch, bây giờ lại mùa
trăng mới. Đêm Trung thu!
"Trăng lên cao, bầu trời sáng tỏ. Lên trước trăng bao ngôi sao
nhỏ. Em xách đèn đi khắp muôn nơi...". Đó là lời một bài hát của
tuổi thơ, vui đùa nghịch ngợm dưới ánh trăng vàng. Trung thu một lần
nữa lại về! Gió giao mùa se se lạnh, cây lá bắt đầu đổi màu, cuống
lá chực lìa cành khi có gió thổi qua, buồn, một nỗi buồn xa xứ, đã
bao nhiêu mùa lá rụng, tóc đã nhuốm bụi thời gian, nhìn đàn chim bay
vội vã, chúng đi đâu? Về đâu? Đâu là nguồn cội? Văng vẳng mấy câu
thơ của thi sĩ Bùi Giáng làm tôi buồn vô hạn, một nỗi nhớ xa xăm...
Lên mù sương, xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ, xa bờ thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều,
Thì xin cứ để bóng chiều bay qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà,
Còn sơ nguyên mộng, bên tà áo xanh.
Nguồn minh họa: Internet.
Mỗi Trung thu về, tôi nhớ ba tôi nhiều lắm vì ba "ra đi" vĩnh viễn ngay
đêm Trung thu của hơn hai mươi năm về trước, không bao giờ tôi quên
được hình ảnh phút lâm chung của cha mình. Đêm ấy trăng lên cao sáng
tỏ, tôi đang ở tại trường để cùng các bạn vui tết Trung thu với học
sinh, thì đứa cháu cho hay ba tôi sắp ra đi nên muốn gặp tôi phút
cuối cùng của cuộc đời. Tôi chạy về ngay và đã chứng kiến cảnh ra đi
của người cha kính yêu, tất cả anh chị em tôi đều có mặt. Hình ảnh
đó mỗi khi nhớ lại, tim tôi như thắt lại, lòng đau đớn vô cùng. Đã
đành đời sống là vô thường, nhưng chứng kiến phút ly biệt vĩnh viễn
của người thân yêu sao tránh khỏi đau lòng. Tôi nhớ hoài nụ cười của
ba tôi tối hôm ấy, khi anh tôi bảo:
- Hạ về rồi nè ba.
- Ba, con nè.
Tôi nắm lấy tay ba, hốt hoảng:
- Sao tay ba lạnh ngắt!?
Ba tôi cố giương đôi mắt như muốn nhìn tôi khi nghe tiếng của tôi,
nhưng cố gắng mà không mở được, sau đó ba nở nụ cười héo úa, mắt ba
may máy và hai hàng lệ tuôn ra. Tôi lau nước mắt cho ba, chẳng nói
được lời nào. Ba mấp máy môi như muốn nhắn nhủ điều gì. Chị Tư tôi
bảo:
- Niệm Phật đi, chắc ba muốn mình niệm Phật.
Cả nhà cùng niệm Phật. Cái gì phải đến ắt sẽ đến. Ba tôi đã trút hơi
thở cuối cùng vào đêm trăng tròn nhất của mùa Thu! Trời như thương
cảm với chị em chúng tôi, đang sáng tỏ với ánh trăng vằng vặc, lại
nổi cơn mưa thật lớn. Mưa thu đêm đó thật là thê thảm. Ba nằm đó,
con cháu đông đủ, người khóc, kẻ bất tỉnh, khung cảnh thật hãi hùng!
Tôi rất thích mùa thu, nhưng từ đó lại sợ mùa thu, gợi sự đau lòng
và nỗi thương nhớ ba của mình.
Nhớ ngày xưa ba dẫn tôi đi học, dạy tôi từng chữ từng vần, có lẽ tôi
nhỏ nhất nên được thương nhiều, đi đâu ba hay dẫn tôi theo. Ba
thường kể chuyện những danh nhân trong lịch sử cho anh chị em tôi
nghe. Thích nhất là đêm Trung Thu quây quần dưới trăng vui chơi cùng
các bạn trong xóm, được nghe ba kể chuyện chú Cuội , với chị Hằng,
tôi hỏi:
- Ba ơi sao kêu là chú Cuội, còn chị Hằng không kêu là cô Hằng hả
ba?
- Tại vì chị Hằng rất đẹp, rất trẻ, không già nên người đời kêu là
chị.
- Ước gì chị Hằng xuống chơi với tụi mình nhỉ.
Rồi cả đám nhao nhao:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
- Chú Cuội ơi xuống đây chơi!
Tuổi thơ thật là vui. Ba tôi dạy chúng tôi hát, chúng tôi hát và vỗ
tay theo điệu hát:
Nào ta cùng nhau chơi chơi chơi
Ca hát với nhau vui vui vui
Rồi lên tiếng ta cười cười cười
Làm vui thú bao người người người
Chỉ có bốn câu vậy mà ba dạy thật lâu chúng tôi mới thuộc, khi thuộc
rồi, chúng tôi hát, ba đệm đàn "măng-đô- lin" phụ họa theo, thật là
vui. Chúng tôi chơi trò chơi "mèo bắt chuột", chơi trò chơi "bỏ
khăn": "bỏ khăn, khăn nổi khăn chìm, bà con cô bác đi tìm cái khăn",
hết đứa này tới đứa kia, đứa nào không hay mình bị bỏ khăn sau lưng
thì bị đánh, rồi cùng cười rộn vang góc sân nhà, vui ơi là vui! Ba
vẫn ngồi xem chúng tôi đùa giỡn, thỉnh thoảng, ba cũng cười theo.
Trăng sáng vằng vặc nhìn ra cánh đồng lúa xanh mượt uốn lượn theo
chiều gió, óng ánh dưới trăng. Trước sân nhà có cái ao nhỏ soi bóng
hàng dừa và ánh trăng vàng lung linh mặt nước, bức tranh thật đẹp.
Khi trăng lên thật cao và hơi chếch về phía sau vườn, chúng tôi mới
tan hàng, nhưng đứa nào cũng tiếc rẻ. Tuổi thơ thật hồn nhiên, vô tư
lự.
"Ví mà tôi đổi thời gian được" (*)
Để tuổi thơ tôi vẫn vui cười...
Khi tôi lớn lên, ba là người dẫn tôi đi thi trong các kỳ thi, ba
phân tích về các ngành học để tôi chọn lựa, nhưng ba thích nhất là
ngành giáo, khuyên tôi nên chọn ngành giáo,vì đó là nghề thích hợp
nhất cho phái nữ. Tôi đã chọn ngành sư phạm theo ý nguyện của ba.
Rồi ngày đi nhận nhiệm sở cũng chính ba tôi đưa tôi đi, hai cha con
đã lội bộ mệt lử luôn, vậy mà ba vẫn vui không hề than van gì cả,
thật là tôi nghiệp ba tôi vô cùng. Tôi cũng hay kể lể cho ba tôi
nghe những gì tôi gặp phải trên trường đời, để được ba chỉ dạy. Ba
tôi muốn tôi không phải là nữ lưu yếu đuối, không được khóc, hay nản
chí khi gặp khó khăn. Ba hay nói: “Khóc là nhục, rên là hèn, van xin
là yếu đuối.” Có lẽ những lời đó đã in đậm trong tôi, mỗi khi gặp
khó khăn, nghĩ đến ba là tôi như giải được nan đề.
Đêm nay, trăng sáng trưng, một mình bước loanh quanh nhìn bầu trời
hiu quạnh, tôi buồn quá, nhớ đến ba, ngày xưa ba thích ăn bánh trung
thu lắm, bây giờ bánh trung thu đó mà ba tôi ở nơi đâu? Gió thu hơi
lành lạnh, một vài chiếc lá rời cuống rơi xuống chân tôi, cúi nhặt
chiếc lá, tôi chạnh nghĩ: đến bao giờ tới phiên mình nhỉ? Tôi nhớ
đến lời hát "anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng
làm bằng chứng yêu em ..." (**) Lạ thật, một sự tưởng tượng
phong phú của nhạc sĩ, đến mùa thì lá rụng như đời người rồi cũng
như lá thu phai thôi!
Nhớ về ba của tôi thì nhiều điều để nói, không giấy mực nào kể hết
được. Tất cả là kỷ niệm, tôi mong rằng ba tôi luôn được an vui nơi
cõi vĩnh hằng. Nếu có phép lạ thì xin được một lần gặp ba của tôi dù
trong giấc mơ, để tôi nói với ba là con gái của ba không yếu đuối
hay nản lòng đâu, để được nghe người ta bảo: “con nhà tông, không
giống lông, cũng giống cánh.”
Bên ngoài trăng vẫn sáng, trăng thu thật buồn, nỗi buồn của đứa trẻ
mồ côi lưu lạc, buồn một nỗi buồn xa xứ, không một người thân bên
cạnh!
lêthị hạanh
(Maryland, Trung thu 2011, 11-9-2011)
---
(*) Mượn ý thơ Trần Trung Đạo
(**) Bài hát “Anh đến thăm em đêm ba mươi” của Vũ Thành An, phổ thơ
Nguyễn Đình Toàn.
|
|