|
Ơn thầy!
1.
Trong quyển “Quốc văn giáo khoa thư”,
là quyển sách được dạy ở các trường tiểu học trong suốt những thập
niên thuộc nửa đầu thế kỷ XX, có bài dạy “Học trò biết ơn thầy” kể
về ông Cạc-nô (Carnot) là Tổng thống của nước Pháp về chơi quê nhà:
“Ông Carnot là một ông quan to nước
Pháp, một hôm nhân lúc rảnh việc, về chơi quê nhà. Khi ông đi ngang
qua trường học ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc bé, bây giờ
đã đầu tóc bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học.
Ông ghé vào thăm trường và chạy ngay
lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng: “Tôi là
Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”. Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo
học trò rằng: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta
đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày
nay”.
2.
Trong lịch sử nước ta, có chuyện kể:
Ngô Thúc Đán, một tướng của quân Tây Sơn lúc bị Nguyễn Thiết Cẩn,
một đề đốc của tướng Lê Văn Duyệt truy kích. Khi vị chỉ huy Nguyễn
Phúc Sơn ra lệnh chém giặc, Nguyễn Thiết Cẩn nhận ra hoảng hốt, bỏ
gươm, quỳ mọp kêu lên: “Trời ơi, Thầy”. Sau đó, Nguyễn Thiết Cẩn bị
chém đầu để làm gương. Nhưng các tướng sĩ đều rơi nước mắt khi bên
tai họ văng vẳng lời nói của Nguyễn Thiết Cẩn trước khi chết: “Tôi
không thể giết thầy giáo của tôi được, thà chịu chết còn hơn”.
Nguồn minh họa: Internet.
3.
Ngày nay, trong cuộc đời hoạt động
của mình, dù ở đâu, làm gì, bận rộn đến đâu, các vị Chủ tịch của
nước ta vẫn luôn nghĩ về người thầy dạy học của mình.
Vào tháng 9 năm 1997, khi ông Trần
Đức Lương được bầu làm Chủ tịch nước, dù công việc bộn bề, ít cho
ông có thời gian thảnh thơi, nhưng có một việc mà ông không thể
không nghĩ đến, không thể quên, đó là đợi dịp thuận lợi sẽ về thăm
thầy giáo cũ của mình gần nửa thế kỷ trước - thầy Hồ Cơ. Và, chỉ sau
đó không lâu, ông đã được đến thăm thầy. Thầy trò gặp lại nhau trong
mừng mừng tủi tủi khi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, về một mái
trường, về những vất vả, khó khăn, thiếu thốn... của cái thời xa xưa
ấy.
Trong câu chuyện với thầy, Chủ tịch
nước Trần Đức Lương vẫn một điều thưa thầy, hai điều thưa thầy. Ông
kể với thầy rất nhiều chuyện và có cảm tưởng như mình vẫn chỉ là cậu
học trò nhỏ bé năm xưa của thầy.
Thầy Hồ Cơ cũng không quên nhắc với
Chủ tịch nước Trần Đức Lương về những năm tháng gian khổ của cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp trên quê hương Quảng Ngãi. Thầy nhớ
lại rằng, hồi ấy ở xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, có một cậu học trò
nước da ngăm đen, người thấp đậm, nhưng lanh lợi, tháo vát, và đặc
biệt có cặp mắt rất sáng tên Lương đã rất chịu khó học tập và học
rất giỏi. Trò Lương ngày nào cũng đi bộ hơn mười cây số từ nhà đến
trường rồi lại từ trường về nhà. Mùa đông, có những lúc áo quần mỏng
manh phong phanh trong gió. Nhiều bữa không kịp về nhà ăn cơm trưa
phải ở lại trường ăn cơm nắm bới theo để chiều kịp học...
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trước
khi ông về hẳn Hà Nội để đảm nhiệm trọng trách mới, ông đã đi thăm
người thầy cũ (tháng 7-2006) ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi
(TP.HCM). Đó là thầy Lâm Bá Nhạc, còn gọi là thầy Năm Nhạc: “Em về
đây bàn giao công tác, tranh thủ về thăm anh và bày tỏ lòng tri ân
người thầy cũ...”, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết xúc động ôm người thầy
cũ trong vòng tay giữa bao nhiêu người bạn đồng môn tóc bạc và nhiều
chú bác, cô dì đã từng cưu mang ông. Và ông tranh thủ giải thích:
gọi thầy là “anh” vì sau này đều là dân kháng chiến với nhau. Thầy
Năm Nhạc xúc động: “Tôi thấy người đời khi làm chức to ít biết ngó
lại, nhưng em làm to vẫn biết ngó lại. Giờ đây em gánh trọng trách
lớn, hẳn trên bàn chủ tịch nước luôn có nhiều bài toán khó. Toán học
có những phương trình vô nghiệm, nhưng cuộc sống không thể chấp nhận
phương trình vô nghiệm. Tôi tin em có phương trình hay để tìm ra các
ẩn số, nhất là ẩn số có tên là tham nhũng”. Chủ tịch nước xúc động
ghi nhận: “Đó là mong muốn của em và cũng là của nhân dân cả nước
lúc này”.
4.
“Người trên yêu chuộng điều lễ thì
dân nào không tôn kính. Người trên yêu chuộng đạo nghĩa thì dân nào
dám không phục tùng.” (Tử Lộ)
“Người thầy là nguồn cội, là nguồn
suối, nguồn sống của nối tiếp các thế hệ nên người của một hoàng tộc
và trong chính phủ của mỗi quốc gia.” (Bùi Bình Thi)
5.
Thầy cô là những người đã thầm lặng
gieo từng hạt chữ tinh khôi trên cánh đồng mang tên giấy trắng ước
mơ; những người đã cống hiến sức mình, vượt qua mọi khó khăn, gian
khổ, dành nhiều tâm huyết để dẫn dắt đàn em thân yêu của mình ngày
một trưởng thành, nuôi dưỡng những hoài bão, hun đúc ý chí và khát
vọng cho các em ngày thêm bay cao và bay xa hơn.
“Cây cúc đắng quên lòng mình đang
đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”
… (Phạm Tiến Duật)
Xin tặng hai câu thơ này cho quý thầy
cô nhân ngày lễ hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20-11. Nhà giáo không
hẳn là chức nghiệp, đúng hơn là thiên chức, là niềm hạnh phúc cho
những ai được gần gũi, trở về với lứa tuổi học trò, một thế giới tâm
hồn vô tư, hồn nhiên và trong sáng của con người!
Xin cảm ơn tấm lòng cao cả của quý
thầy cô và mượn ý của hai câu thơ trên như một lời tri ân: công Cha,
nghĩa Mẹ, ơn Thầy!
NGUYỄN HIỀN HẠNH
(Mộc Hóa 14-11-2011)
|
|