thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

 

Ngày Nhà giáo, nhìn tấm hình, nhớ thầy Lê Phú Thứ

 

* Tùy bút

 

Với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, người Việt Nam chúng ta có ngày 20-11 để vinh danh quý thầy cô, những nhà giáo đã luôn tận tuỵ vì tương lai thế hê trẻ.

Hôm nay, nhân ngày Nhà giáo nơi đất khách, ngồi xem lại những tấm hình trong album của gia đình, tôi bất chợt nhìn thấy tấm hình tôi được chụp chung với thầy Lê Phú Thứ (*) trong dịp thầy cô ghé thăm chúng tôi ở Canberra tháng 11 năm 2000. Tôi vô cùng xúc động! Một chút nước mắt lăn trên gò má! Thầy đã không còn nữa! Mới đó mà đã qua bốn lần giỗ thầy rồi!
 


Hình chụp tháng 11-2000 với thầy Lê Phú Thứ (bên trái) tại Canberra.

Nhớ lại cách đây hơn mười một năm vào đầu tháng 11 năm 2000, thầy gọi điện thoại báo tin thầy cô sẽ về Sydney dự ngày họp mặt và phát hành đặc san của Hội Ái hữu Petrus Ký (trường thầy học trước đây). Thầy cô sẽ đi trước vài ngày và trên đường đi sẽ ghé Canberra thăm các đồng nghiệp, bạn bè, thăm gia đình bạn Thập và gia đình tôi.


Nhớ lại sự hồi hộp chờ đợi của lần đó… Vâng 30 năm xa cách rồi!!! Chuyến xe bus từ Melbourne tới. Một người bước xuống, hai người bước xuống… và đây rồi…


Cô bước xuống trước, rồi thầy. Cô không thay đổi nhiều so với mấy chục năm trước. Vẫn với gương mặt hiền hậu, khả ái và một giọng nói khoan thai, từ tốn… của một cô giáo trường Nam Tiểu học Mỹ Tho dạo nào. Riêng thầy, có già hơn nhưng tôi vẫn còn nhận ra. Cái phong cách tự tin, lạc quan… vẫn không thay đổi.


Thấy tôi, thầy vội chạy lại ôm chầm lấy và nói: “Môn ,thầy vẫn còn nhận ra em”. Tôi vô cùng xúc động trong giây phút gặp gỡ này. Nhìn khuôn mặt thầy bị biến dạng sau lần giải phẫu thập tử nhất sinh cách đây ít lâu mà tôi được bạn Thập và thầy cho biết trước đó, tôi thấy thương thầy nhiều quá. Thầy ân cần thăm hỏi về cuộc sống gia đình tôi. Thầy rất vui khi biết tôi vừa được Bộ Xã hội nhận vào làm việc.


Thầy là một giáo sư Anh văn nổi tiếng của trường Nguyễn Đình Chiểu và của tỉnh Mỹ Tho vào thập niên 1960-1970 mà tôi đã được hân hạnh thọ giáo khi tôi học lớp đệ nhất năm 1969 ở đó.


Trái với quan điểm của một số người thường cho nghề dạy học là một nghề bạc bẽo, thầy không nghĩ vậy. Thầy rất yêu nghề và thương mến học trò và các học trò rất kính trọng và quý mến thầy. Tôi không làm thống kê, nhưng chắc chắn rằng tên thầy được nhắc nhở đến nhiều nhất trong các bài viết liên quan đến hai trường NĐC và Lê Ngọc Hân. Thầy luôn tự hào là mình đã chọn đúng nghề và rất sung sướng với chức năng sư phạm của thầy. Cái phong cách lạc quan, tự tin và yêu nghề dạy học của thầy làm tôi kính phục và đã luôn luôn là kim chỉ nam cho tôi kể từ khi rời mái trường NĐC.


Nhớ lại khi học lớp đệ Nhất B (tức lớp 12 ban Toán bây giờ), vào những ngày cuối năm, chúng tôi thường tập trung vào học những môn chính như toán, lý, hóa … và hơi lơ là với môn sinh ngữ 2 Anh văn. Thầy có vẻ buồn! Có lần khi thấy cả lớp có vẻ không tập trung học, đã vậy một bạn còn cười cười nói nếu rớt tú tài thì đi đạp xích lô cũng có tiền, thầy nghe được và dù biết bạn này nói chơi nhưng thầy cũng nghiêm trang "triết lý" đại ý nghề nào cũng quý, nhưng không muốn sau này phải thất vọng gặp lại học trò cũ... đạp xích lô. Cả lớp cười và từ đó chăm học hơn.

Thật vậy, thầy đã dạy cho chúng tôi bằng tất cả nhiệt tình của một người thầy với bảng đen, phấn trắng trên bục giảng trường NĐC. Đến lúc tóc đã đổi màu, sức khỏe yếu trên đất khách quê người ở Úc, thầy vẫn thường xuyên thăm hỏi, khuyên bảo chúng tôi qua điện thoại.

Những lá thư tình nghĩa thầy viết đều đều trên bản tin NĐC-LNH như khơi lại những dòng kỷ niệm thuở học trò. Đây cũng chính là những bài học luân lý giáo khoa thư mà thầy để lại cho chúng em. Cám ơn cô Huỳnh Ngọc Sương – phu nhân của thầy - đã tiếp nối công việc của thầy để chúng em vẫn có được những món ăn tinh thần hữu ích.


Tôi vẫn mong một ngày nào đó sẽ đưa cả gia đình lên Melbourne thăm thầy cô một lần. Lần lữa mãi, công việc bận rộn… và rồi tôi vẫn có lỗi với thầy.

Ngày 8-10-2007 nhận được điện thoại của anh Vinh báo tin thầy vừa qua đời ngày hôm trước. Tôi vội vàng thu xếp công việc để lên viếng thầy lần cuối… nhưng thật không may, ngay ngày hôm sau, nhà tôi phải vào bịnh viện cấp cứu sau mấy ngày bị phản ứng thuốc vì đi đốt tuyến giáp trạng. Một lần nữa, tôi lại không được gặp thầy. Xin thầy tha lỗi cho em, thầy nhé.

Thỉnh thoảng cô Kim Lan ở Melbourne có chuyển lời cô Huỳnh Ngọc Sương gửi thăm tôi. Cô Ngọc Sương và cô Kim Lan thỉnh thoảng có gặp nhau trong những buổi sinh hoạt của các cựu học sinh trường Gia Long ngày xưa. Thật vô cùng cảm động về sự quan tâm của cô!

Tấm hình trước mặt tôi, thầy và tôi chụp chung ở Viện Bảo tàng Chiến tranh Canberra nhân dịp thầy cô ghé thăm chúng tôi cuối năm 2000. Hình thầy còn đó… nhưng thầy không còn nữa!!! Mới đó mà thầy đã xa chúng em hơn bốn năm rồi!

Một lần nữa xin thầy tha lỗi cho em!

* Viết nhân Ngày Nhà giáo 20-11-2011

MAI KHÁNH THƯ (PHẠM DOANH MÔN)
(Canberra, Úc 20-11-2011)
 

 

(*) Chút ghi chú về thầy Lê Phú Thứ: Thầy Thứ là giáo sư Anh văn các lớp đệ nhất và đệ nhị (lớp 12 và 11) trường Nguyễn Đinh Chiểu (Mỹ Tho) thập niên 1960, 1970. Thầy là một giáo sư Anh văn nổi tiếng ở Mỹ Tho và cả ở Sài Gòn thời đó. Thầy định cư ở thành phố Melbourne (Úc) và đã mất cách đay hơn bốn năm. Tôi tin chắc có nhiều học sinh THKT thế hệ tôi cũng biết thầy và là học trò của thầy.


 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage