thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Chuyện trời ơi

 

 

* Phiếm luận


Xin thanh minh trước: tôi không phải là người nhiều chuyện. Câu chuyện tôi kể xin được góp vui cùng độc giả THKT. Có duyên hay vô duyên của người kể, xin các bạn nở một nụ cười….


Tiếng Việt mình phong phú thiệt!

 

 

* Nguồn minh họa: Internet.


“Trời ơi” là một tán thán từ, khi người ta có việc gì thất vọng ,buồn chán thường nhờ đến Đấng Tối cao để ta thán hoặc được an ủi, an định tâm hồn.
Ở một mặt khac, nó lại có nghĩa vui vui:


Người ta thường bình phẩm một câu chuyện nào đó: “Hơi sức đâu mà nghe chuyện-trời-ơi!”. Vậy thì chuyện-trời-ơi là chuyện không tưởng, chuyện trên-trời-dưới-đất, chuyện nổ hơn pháo Bình Đà…. Chuyện-trời-ơi thường vô thưởng vô phạt, lúc trà dư, tửu hậu vậy mà.


Cũng có người nói “thằng-trời- ơi”. Ạ! lại cũng trời ơi. Thằng-trời-ơi thường làm những chuyện vô duyên, chuyện của kẻ vô công rỗi nghề. Chòm xóm gọi thằng-trời-ơi chỉ có ý chê trách nhẹ nhàng…


Hồi xưa, lại có từ “thằng phải gió”. Các bà thường hay dùng từ này khi gặp phải các ông trêu chọc. Cũng là một dạng “thằng-trời-ơi”. Đồng thuận hay phản đối? Who know? chỉ thấy bà mặt mũi đỏ rần, ngúng nguẩy… Xem ra, “thằng-phải-gió” đôi lúc cũng dễ thương.


Còn nữa nghen. Các cô thường hay mắng mỏ “đồ quỷ”. Quỷ, ma là thế giới xấu. Thế mà các cô thường gán cho đối tác tình cảm của mình. Chuyện xãy ra khi chàng ăn gian,lời dụng tình cảm để vô tình (hay cố ý) hít một cái đã thèm. Trong túc cầu, tay chạm bóng trong vùng cấm địa bị penalty là cái chắc. Trong tình cảm, nữ trọng tài thường quên mất lỗi này. Ôi cái lý lẽ của tình yêu.


“Cái mặt thấy ghét!”. Các cô thường kháo nhau về một nhân vật nào đó. Cổ nhân thường nói “ai chịu cha ăn cướp” thì dễ gì ai tự nhận mình thương? Nói ra thì ghét cay ghét đắng, tối về cô nàng ôm gối nhớ ai, mất ngủ mấy đêm.

Tiếng Việt sao mà phức tạp quá chừng: chuyện thương ghét biết đâu mà rờ…
Cao cao bên cửa sổ có hai người “tám” với nhau… “Bản mặt khó thương!” Thương cũng khó à nghen! Ôi, tiếng Việt tôi: khó thương, thương khó. Đâu là lẽ thật đây, Ngô Huynh?


Lúc Mỹ du về, Ngô Công có bài tạp bút rất ư thâm hậu. Chuyện cà phê: cà chỗ phê và phê chỗ cà. Hết nói nỗi cái tiếu lâm Giao Chỉ. Nhưng mà, người Nam Bộ thường nói: đi cà-phê-cà-pháo. Chữ cà pháo nếu diễn đạt như chữ cà phê cũng đạt lắm nghen.


Thôi, thôi… tôi lại dài dòng văn tự, không khéo ông anh TT Cali lại mắng mỏ là talkative… mà tôi có nhièu chuyện gì cho cam…


Tôi có lan man không, quý Đồng đạo?


Nh.Seattle

(Seattle, Washington 16-12-2011)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage