10 điều thú vị về đồng đôla Mỹ
Đồng USD được sử dụng trên toàn thế giới, nhưng
không phải ai cũng biết hết những sự thật thú vị xung quanh đồng
tiền này.
CNBC đã điểm qua 10 câu chuyện mà có thể nhiều người chưa rõ về đồng
bạc xanh, từ chuyện đồng 2 USD có giá trị bao nhiêu, tới vai trò của
Mật vụ Mỹ đối với tờ USD…
1. Vì sao Benjamin Franklin được in hình trên tờ
100 USD?
Phần lớn các tờ tiền giấy của nước Mỹ đều in hình các tổng thống của
nước này như George Washington, Abraham Lincoln, Andrew Jackson… Chỉ
có hai ngoại lệ là hình Alexander Hamilton in trên tờ 10 USD và hình
Benjamin Franklin in trên tờ 100 USD. Trường hợp Hamilton xem ra dễ
hiểu, vì ông là Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Mỹ. Nhưng vì sao
mà Franklin, một nhà biên tập báo chí và nhà phát minh ra cột thu
lôi lại được in hình trên tờ 100 USD?
Ở đây có nhiều lý do. Thứ nhất, Franklin là một trong những “khai
quốc công thần” của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, có chữ ký trong bản Tuyên
ngôn độc lập của nước này. Thứ hai, một trong những quan điểm mang
tính cốt lõi của ông là “làm việc tích cực là con đường đi tới sự
giàu có đích thực” - quan điểm mang tính nền tảng cho “giấc mơ Mỹ”.
Và trên hết, chính những kỹ năng về in ấn của ông đã giúp in ra đồng
tiền giấy đầu tiên của nước Mỹ.

Ảnh: Getty Images
2. Tại sao lại có hình kim tự tháp trên tờ 1 USD?
Hình Tổng thống George Washington hay hình con đại bàng trên con dấu
của Bộ Tài chính Mỹ in trên tờ 1 USD đều là những hình ảnh đại diện
của nước Mỹ. Vậy hình ảnh kim tự tháp Ai Cập in trên tờ bạc này có ý
nghĩa gì?
Trên thực tế, hình kim tự tháp là một phần trên con dấu chính thức
của nước Mỹ - con dấu có hình đại bàng ở mặt trước và hình kim tự
tháp ở mặt sau. Hình kim tự tháp này được cho là đại diện cho sức
mạnh, 13 bậc của kim tự tháp biểu tượng cho 13 bang đầu tiên của Mỹ.
Đỉnh của kim tự tháp còn chưa hoàn thành có ý nghĩa rằng, vẫn còn có
những việc phải làm.

Nguồn ảnh: Getty Images
3. Một số thành phố ở Mỹ phát hành tiền riêng
Tiền địa phương khá phổ biến tại Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái,
nhưng trong vài thập kỷ qua, nhiều thành phố ở nước này đã bắt đầu
phát hành tiền riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Các loại tiền
địa phương này cũng chỉ được lưu hành riêng lẻ tại các thành phố đó.
Gần đây, xu hướng phát hành tiền địa phương được cho là bắt đầu tại
Ithaca, bang New York. Vào năm 1991, một nhóm cư dân của thành phố
này do Paul Glover dẫn đầu đã tạo ra đồng Ithaca Hour. Mỗi Ithaca
Hour trị giá 10 USD, ngoài ra còn có những mệnh giá nhỏ và lớn hơn.
Ngày nay, lượng Ithaca Hour còn trong lưu thông có tổng trị giá
khoảng 100.000 USD. Các thành phố Madison của bang Wiscosin,
Corvallis của bang Oregon, Traverse City của bang Michigan là vài
trong số các địa phương của Mỹ từng phát hành tiền địa phương. Chính
phủ Mỹ cũng cho in và xử dụng loại tiền riêng, và thay đổi liên tục,
cho quân đội xử dụng trong khi tham dự chiến tranh tại các quốc gia
xa lạ để tránh giả mạo.

Nguồn ảnh: Ithacahours.org
4. Tiền “trò chơi” được in nhiều hơn tiền thật
Có một thực tế là loại tiền “Monopoly” của trò chơi “Cờ tỷ phú” được
in nhiều hơn tiền USD thật ở Mỹ mỗi năm. Hãng Parker Brothers, công
ty tạo ra trò chơi “Cờ tỷ phú” cho hay, hàng năm, họ in hơn 30 tỷ Đô
la tiền “Monopoly”. Trong khi đó, vào năm 2010, Cục In tiền của Mỹ
chỉ in có 974 triệu USD tiền thật, trong đó 95% được dùng để thay
thế những đồng USD đã cũ nát.

Nguồn ảnh: Getty Images
5. Mỗi tờ USD có thể được gấp đi gấp lại bao nhiêu
lần trước khi rách nát?
Theo CNBC, mỗi tờ USD có thể được gấp đi gấp 4.000 lần trước khi kết
thúc vòng đời. Báo cáo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy,
tuổi thọ bình quân của tờ 1 USD là 22 tháng, 5 USD là 2 năm, 10 USD
là 3 năm, 20 USD là 4 năm, 50 USD và 100 USD là 9 năm. Tiền xu thì
bền hơn và có thể “sống” tới 30 năm.

Nguồn ảnh: Getty Images
6. Tiền USD được “luân chuyển” như thế nào?
FED là cơ quan quyết định in bao nhiêu tiền USD mỗi năm, còn Cục In
tiền là cơ quan thực hiện công tác in ấn. Vậy tiền cũ trong lưu
thông được đổi sang tiền mới bằng cách nào?
Khi FED nhận được tiền gửi bằng tiền mặt từ các ngân hàng, cơ quan
này sẽ kiểm tra tất cả các đồng tiền bằng loại máy móc đặc biệt.
Thông thường, những lần kiểm tra sẽ kết luận khoảng 1/3 số tiền được
kiểm không còn phù hợp trong lưu thông và phải được thay bằng tiền
in mới. Tiền bị loại sẽ được xé vụn, đem chôn lấp ở bãi rác, hoặc
đóng gói lại như “quà lưu niệm” dành cho các chi nhánh FED ở địa
phương.

Nguồn ảnh: Getty Images
7. Mật vụ Mỹ (USSS) và đồng USD
Mật vụ Mỹ được biết tới với vai trò bảo vệ tổng thống, nhưng thực tế
ban đầu là một cơ quan được thành lập để chống tiền giả. Vào năm
1865, Mật vụ ra đời trong bối cảnh tiền USD giả chiếm1/3 số tiền
trong lưu thông. Ngày nay, có khoảng 250.000 USD tiền giả “ra lò”
mỗi ngày.

Nguồn ảnh: Getty Images
8. Vì sao nhiều đồng xu Mỹ có cạnh lượn sóng?
Vào thời mà các đồng xu được làm bằng kim loại quý như vàng hay bạc,
nhiều kẻ gian đã “ăn cắp” bằng cách mài cạnh đồng xu lấy vàng bạc mà
không bị phát hiện ra. Vì vậy, cơ quan chức năng Mỹ bắt đầu tạo ra
những đồng xu có cạnh lượn sóng. Theo Nhà máy in tiền Mỹ, đồng 10 xu
có 118 sóng, đồng 25 xu có 119 sóng và đồng 50 xu có 150 sóng.
Cho tới ngày nay, cho dù đồng xu Mỹ không còn được làm bằng kim loại
quý nữa, nhưng vẫn có cạnh lượn sóng nhằm giúp cho công tác nhận
dạng khi cần thiết. Riêng đồng 1 xu và 5 xu Mỹ chưa bao giờ có cạnh
dạng lượn sóng vì chưa bao giờ được làm bằng kim loại quý.

Nguồn ảnh: Getty Images
9. Tờ bạc 10.000 USD?
Tờ 100 USD là tờ bạc xanh có mệnh giá lớn nhất được ấn hành hiện
nay. Trước đây từng có các tờ bạc mệnh giá 500 USD, 1.000 USD, 5.000
USD và 10.000 USD, nhưng đã bị ngưng phát hành vào năm 1969 do “ít
được sử dụng” - theo lý do mà FED đưa ra. Lần cuối cùng những tờ bạc
này được in ấn là vào năm 1945. Ngày nay, một số tờ bạc có mang giá
“khủng khiếp” trên vẫn tồn tại trong tay các nhà sưu tầm và vẫn được
xem là tiền hợp pháp.

Nguồn ảnh: Wikimedia Commons
10. Tờ bạc 2 USD có giá bao nhiêu?
Tờ 2 USD được phát hành đầu tiên vào năm 1862 nhưng sau đó bị ngưng
phát hành vào năm 1966, rồi lại được phát hành trở lại 10 năm sau
đó. Thêm một điều đặc biệt nữa: chỉ chưa đầy 1% lượng tiền giấy USD
trong lưu thông là tờ 2 USD. Tuy nhiên, những điều này không hề giúp
đồng 2 USD tăng giá trị, và chúng vẫn chỉ đáng giá 2 USD mà thôi.
Người Việt trong nước thích sưu tầm loại này nhất

Nguồn ảnh: Wikimedia Commons
*
Nguồn: Internet (xin cảm ơn tác giả)
*
Người tìm chọn và chia sẻ: thầy PHẠM DOANH MÔN (Canberra, Úc
1-9-2011)
|