|
Nỗi lòng người bệnh
* Ghi chép
Hôm nay tôi thật sự thấy nhẹ nhàng, tỉnh táo dù
từ 3 giờ sáng, tôi đã ngồi lên xe đò để đi khám bệnh lại, cũng ở
Saigon, nhưng qua một bệnh viện khác.
Khi tôi phẫu thuật ruột thừa ở bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 23 tháng
12 âm lịch năm vừa qua, từ nơi này, tôi biết mình mắc thêm rất nhiều
bệnh, bệnh đáng sợ nhất là xơ gan và viêm gan siêu vi C.
Theo lời hướng dẫn của nhiều người, tôi tìm đến một bệnh viện “tầm
cỡ” ở Saigon, vị bác sĩ chuyên khoa gan sau khi cầm trên tay giấy
kết quả xét nghiệm máu, cả kết quả siêu âm gan của tôi, ông nói:
“Men gan của bà hơi cao, có virus C chưa đến đỗi, nhưng bà có khả
năng không? Tôi sẽ cho bà chích thuốc, giá 7.500.000 dồng (bảy triệu
năm trăm ngàn đồng) một tháng, và phải chích liên tuc trong một
năm.” Tôi choáng váng và như người bi cơn địa chấn... Có lẽ đoán
được tâm trạng của tôi, ông bác sĩ nói tiếp luôn: “Thôi chắc bà
không có khả năng đâu, tôi sẽ cho bà thuốc uống trong một tuần rồi
trở lên tái khám, bà có bảo hiểm phải không?” Tôi gật đầu nói rằng
có. Một tuần sau trở lên, ông bác sĩ đó cho đi xét nghiệm máu lại,
cứ một lần như thế là trên một triệu đồng. Và bị lấy máu xong, tôi
thấy choáng váng, phần tôi vừa phẫu thuật ruột thừa chỉ cách đó hơn
một tháng thôi, tôi còn yếu lắm. Ông bác sĩ tiếp tục cho toa, cũng
chỉ hai thứ thuốc như lần đầu, và hẹn 1 tuần tái khám. Lại tuần sau
tái khám... rồi cũng xét nghiệm máu, rồi vẫn cho toa mua thuốc giống
như lần rồi. Tôi mệt mỏi quá bèn vào trình bày vơi ông: “Thưa bác
sĩ, có phải bệnh cùa toi có vấn đề gì không, tôi lo quá, vì tuần nào
cũng xét nghiệm máu,và đều uống thuốc như vậy cả, hay là tại bệnh
tôi hết chữa được, xin bác sĩ cho tôi biết sự thật để tôi tính
chuyện của tôi.”
Ông bác sĩ trả lời ngắn gọn, nhưng làm tôi hết sức ngỡ ngàng: “Bệnh
của bà chưa có gì đâu, nhưng từ đầu bà nói rằng bà có bảo hiểm, thì
tôi điều trị cho bà theo bảo hiểm, phải chi từ lúc đầu bà nói không
có bảo hiểm, tôi sẽ đánh thuốc cho bà một phát là xong, đâu cần bà
phải đi mỗi tuần như thế này.”
Tôi đau nhói trong lòng vì sự thật tôi không ngờ như thế... và rồi
tôi quyết định không đi tái khám ở bất kỳ một bệnh viện nào nữa cả.
Tôi sẽ uống thuốc Nam.
Đọc đến đây, ai lý giải giùm tôi mục đích của bảo hiểm y tế là gì?
Và lương tâm cùa người thầy thuốc có nên đánh cược trên sinh mạng
của những con người vốn đã đau vì bệnh tật, mà lại nghèo như thế đó
không? Nhìn chung mua bảo hiểm y tế đa sô là những người nghèo ở VN
ta, còn người giàu sẵn tiền, họ đâu cần chi đến bảo hiểm vốn đầy
phiền phức.
Và trở lại ngày hôm nay của tôi. Trước tiên tôi cám ơn sự khuyến
khích, an ủi của các em THKT nhóm thành phố (Bách, Phước, Phong
Xẹp), và đặc biệt là Ngọc Phát ở Mộc Hóa cùng đi khám bệnh chung.
Trước đây các em có khuyên, chị nên gặp bác sĩ Huy là con của thầy
Võ Xuân Sơn dạy mình, nhưng niềm tin về các lương y trong tôi đã
hoàn toàn mất hết từ dạo ấy. Nhưng các em cứ nói mãi, tôi đành thử
một lần nữa mà trong lòng không tin tưởng cho lắm.
Trên xe, đầu óc miên man nghĩ ngợi... Hiểu một cách chân phương là
thầy thuốc là người chịu trách nhiệm về sự sống, chết của con người,
mặc dù vẫn biết rằng con người từ xưa đến nay luôn là một thực thể
phức tạp, tuy nhiên khi đã chọn ngành lương y, thì xem như mình đã
chọn cho mình cái Tâm rồi, thì bằng mọi cách, dù bệnh nhân là ai,
giàu hay nghèo, họ đều phải được đối xử, cứu sống như nhau, bằng cả
lương tâm nghề nghiệp của mình. Tôi rất buồn khi mình là trong số
những con người tận mắt và trực tiếp nhìn thấy bề trái của giới y,
bác sĩ bây giờ (tất nhiên tôi không ngây thơ và cố chấp tới mức vơ
đũa cả nằm, mà hy vọng rằng đó chỉ là một số - cho dù là số nhiều –
những y bác sĩ coi chữ Tài – tiền lớn hơn chữ Tâm). Khi xe đến thành
phố, em Bách đã ra đón tôi, đưa tôi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
TP.HCM. Lần đầu tiên tôi gặp bác sĩ Võ Xuân Huy, con trai của thầy
tôi ngày xưa, tôi có thiện cảm ngay. Bác sĩ rất nhã nhặn khi tôi cúi
đầu chào. “Xin chị chờ em chút xíu nha...”
Chỉ cần như thế thôi, một chút xã giao lịch sự cũng đã tạo dược mối
quan hệ tốt đep trong tôi từ lần đầu tiên gặp gỡ này, và tôi bắt đầu
hy vọng bệnh tình của tôi sẽ giảm nhẹ hơn.
Trong phòng chờ đợi, tôi hỏi qua những người bệnh gan giống như tôi,
họ đều nói bằng một niềm tin tuyệt đối về vị bác sĩ chuyên khoa gan
ở phòng khám số 5. Họ nói họ cũng khám và điều trị nhiều nơi nhưng
chỉ ở đây, bác sĩ Huy ở phòng số 5 này là mát tay nhất. Bệnh giảm
thấy rõ, và ông này giải đáp rất chân tình. Một người đang ngồi chờ
khám kể: “Bệnh nặng nhưng ông bác sĩ an ủi, mình cảm thấy bớt lo
lắng, nên tôi cứ theo ổng suốt, không đi đâu nữa, tôi khỏi lúc nào
không hay, và bữa nay tôi chỉ dến để kiểm tra dịnh kỳ mà thôi.” Và
rồi theo số thứ tự, tôi lắng nghe ông bác sĩ khám và tư vấn cho các
bệnh nhân khác, thật không sai, bác sĩ và bệnh nhân như người nhà
của nhau, hỏi và giải đáp thật vui vẻ, người nào bước ra cũng vui
cười, cởi mở.
Tôi bước vào cũng thế, bác sĩ xem lại tất cả
bệnh án cũ của tôi rồi nói: “Bệnh chị chưa cần phải chích thuốc, em
cho chị điều trị trong 2 tháng, chị lên, em xem lại, và cố ăn uống
kỹ lưỡng hơn, đừng để cơ thể trúng nắng mưa, không nên thức khuya,
nhất là phải sống lạc quan, chị sẽ khỏe thôi.” Tôi phấn khởi vô
cùng, tôi nhìn đồng hồ đã 11g25 trưa mà phòng khám của bác sĩ Huy
còn khoảng hơn 20 người ngồi chờ. Tôi vội cám ơn, chào bước ra mặc
dù tôi vẫn muốn ngồi lại để nghe bác sĩ Huy khám và giải thích nhiều
hơn nữa. Tâm lý người bệnh nào cũng muốn được bác sĩ quan tâm và nói
rỏ hơn về bệnh tình của mình.
Thay vì như bao lần đi khám bệnh khác, sau khi xong, tôi ra thẳng
bến xe về ngay Mộc Hóa, nhưng lần này, tôi nói với Bách: “Em cho chị
đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế ở Kỳ Đồng để chị vào cám ơn Chúa.”
Trời mùa hè nắng như thiêu, hai chị em tôi vừa đi, vừa nói với nhau
về y đức của các bác sĩ. Chị em tôi cùng có một sự đồng cảm ...Ước
gì các y bác sỹ mỗi người đều hiểu cho nỗi lòng của các bệnh nhân,
vốn đau khổ về thể xác, họ rất cần an ủi, sẻ chia về mặt tinh thần,
như bác sĩ Huy... Một điều rất bé nhỏ, mà tinh tế, phải chăng đã bị
vùi lấp trong siêu lợi nhuận, trong cái hào quang bằng cấp mà đa
phần những lương y kia cố tình không muốn nghĩ đến.
Thầy Bùi Trung Tính, thầy Võ Xuân Sơn và bác sĩ
Võ Xuân Huy (con trai thầy Sơn) tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM
tháng 4-2010. Đây là lần gặp lại nhau đầu tiên của hai ông thầy THKT
là bạn thân của nhau sau gần 40 năm xa cách..
Thay lời cuối,cho những dòng suy nghĩ của tôi,
xin cám ơn bác sĩ Xuân Huy đã tận tình giải thích và hướng dẫn điều
trị về căn bệnh của chị. Cầu chúc em luôn thăng tiến trong công việc
để phục vụ xã hội trong tinh thần vì lương tâm, vì tình thương. Em
cám ơn thầy cô Xuân Sơn đã trao cho cuộc đời một đứa con xứng đáng
là Người. Cám ơn các em đồng trường THKT đã an ủi khích lệ cho
chuyến đi khám bệnh lần này. Xin chân thành cám ơn tất cả.
TRẦN THỊ THANH NGUYÊN
(Mộc Hóa 23-5-2012)
|
|