Những câu chuyện của chúng ta

 

 

 

 

 

 

Ăn sáng Trung thu cùng thầy Dương Đệ

 

 

Sáng nay, thứ Bảy 29-9-2012, trước khi lên máy bay trở về New York, thầy Dương Đệ đã mời 3 đứa học trò ở gần khách sạn thầy lưu trú là Trần Ngọc Bách, Nguyễn Thanh Phong và Kiến Đen đi ăn sáng tại nhà hàng Ái Huê (Tản Đà, Q.5). Bữa trước, thầy định tới đầu tháng 10-2012 mới về lại Mỹ, nhưng có thay đổi kế hoạch nên về sớm. Bữa nay 14-8 âm lịch, Tết Trung thu rồi, nên coi như đây là bữa ăn sáng Trung thu của thầy trò THKT.

 

Khuya qua, thầy cô Lý Thị Kim Oanh - Nguyễn Hữu Hạnh cũng đã lên máy bay về Đức. Trong lúc bốn thầy trò chúng tôi đang thưởng thức mấy món ăn sáng đặc trưng của người Hoa ở Chợ Lớn - Chinatown lớn nhất thế giới, thầy cô Oanh - Hạnh đang đi mây về gió. Lát nữa đây, khi 3 ông học trò khò khò giấc trưa cuối tuần, ông thầy cũng đang thăng trên ghế máy bay. Quả là con người cứ như chim trong một thế giới di địch, sáng ngáp trẹo quai hàm ở nhà, trưa đã lang thang ở một nước nào đó.

 

4 thầy trò vừa ăn sáng, vừa nói về chuyện THKT quá khứ và hiện tại. Thầy Dương Đệ tâm sự rằng mình từng dạy học ở nhiều trường, nhưng chưa nơi đâu để lại dấu ấn và có được tình thầy trò sâu nặng đặc biệt như THKT. Thầy trò thương nhau đến là lạ. Bây giờ thầy trò tóc bạc như nhau, nhiều học trò đã là ông nội, bà ngoại, thậm chí có cháu gọi bằng cố, nhưng gặp lại nhau, thầy trò vẫn hồn nhiên, vui như ngày xưa. Các ông nội, bà ngoại học tró vẫn xúm xít chung quanh thầy cô, hạnh phúc và vui đùa hồn nhiên như cách đây 40 năm.

 

Kiến Đen từng nghe mấy anh chị lớp trên nói rằng: "Ở ngoài xã hội, tao được gọi là ông này bà nọ, về nhà cũng được gọi là ông là bà, chỉ có về với THKT là tao được gọi là "mày" như ngày xưa, vui nổ trời luôn."

 

Thầy Dương Đệ nhận xét: Có lẽ nếu như cuộc đời cả thầy lẫn trò không xảy ra cái biến cố làm thay đổi một cách cơ bản tất cả, rồi mọi người tứ tán, mất gần 40 năm sau mới tìm lại được nhau và sum họp thì thầy trò THKT cũng không thương nhớ nhau dữ dội như thế này. Cũng nếu như chiến tranh không kết thúc sớm, có lẽ giờ này thầy trò không thể ngồi bên nhau đông đủ như vầy. Già Bách nói rằng lớp mình có 6 bạn bị chiến tranh cướp đi ở tuổi đôi muơi.

 

Hôm thầy Dương Đệ và thầy cô Kim Oanh về thăm Mộc Hóa, các học trò cũ ở đó đã làm thầy cô xúc động tột cùng. Thầy Đệ phấn khích tới mức đã làm một điều hiếm hoi là cầm micro hát. Chủ nhà là thầy Trần Văn Thới thì "cháy hết mình" vì THKT. Khi chia tay rồi, nghe tin nhóm thầy trò THKT ở Saigon vẫn còn ghé thăm nơi này nơi nọ ở Mộc Hóa, giữa trời mưa, thầy Thới đã đi tìm và bị ngã lấm lem cả quần áo. Xe nhóm Saigon về đọc đường, thầy Thới còn gọi điện than rằng: "Mấy người về chơi, nhà gần 100 người vui quá, tới chừng tui ngủ dậy, nhìn quanh chỉ thấy bàn ghế. Sao mấy người đành đoạn bỏ tui ở lại." Rồi thầy Thới khóc hù hụ, khóc dai tới mức thầy Lê Công Phúc phải nhại lời một bài hát vỗ về qua điện thoại: "Khóc nữa đi em, khóc nữa đi em..." Buổi tối, cô Hoàng Thị Cẩm Thạch cho biết thầy Thới vừa gọi điện lên kể chuyện rồi lại khóc nữa. Thầy Dương Đệ nói: "Chưa gặp nhau thì nôn nao mau được gặp. Gặp rồi khi chia tay thật là đau lòng."

 

4 thầy trò THKT ăn sáng bên nhau trước lúc lại kẻ ở người đi tiếp tục ngóng chờ ngày tái ngộ.

 

Ba học trò Trần Ngọc Bách, Nguyễn Thanh Phong, Kiến Đen và thầy Dương Đệ.

 

Thầy Dương Đệ và Nguyễn Thanh Phong.

 

Bữa sáng có chả giò bách hoa (chả giò mà dài như chiếc đũa), chả giò thường, há cảo, bánh bao đậu ngọt. Bốn thầy trò ăn như vậy trong một nhà hàng người Hoa sang trọng mà chỉ tốn hơn 200.000 đồng (khoảng 10 USD). Một xửng 4 cái bánh chỉ khoảng 35.000 - 40.000 đồng.

 

Thầy Dương Đệ và Trần Ngọc Bách.

 

Thầy Dương Đệ và Kiến Đen.

 

Thầy Dương Đệ (ngồi) và 3 học trò Trần Ngọc Bách, Kiến Đen, Nguyễn Thanh Phong.

 

 

Có lẽ chỉ có ở THKT mới có cảnh ông thầy rót trà mời học trò như thế này. Hãy ngó gương mặt ngỡ ngàng hạnh phúc của Phong Xẹp kìa! Trong suốt bữa ăn sáng, thầy Dương Đệ "quản lý" cái ấm trà và không ngừng rót cho các học trò.

 

Nhìn cảnh này, tôi sực nhớ tới cái truyện ngắn "Cái ấm đất" của nhà văn Khái Hưng mà năm lớp Đệ Thất từng được thầy cô Việt văn cho làm bài trần thuyết.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-9-2012)

 

 
 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage