Những câu chuyện của chúng ta

 

 

 

 

 

 

COLORADO KÝ SỰ 9-2013 #08:

Diện kiến 4 vị Tổng thống Mỹ trên núi Rushmore

 

 

Sáng thứ Bảy 21-9-2013, bảy thầy trò THKT lót dạ bằng những tô mì gói cho cô Vân - phu nhân thầy Mai Văn Nhãn bào chế trong gian bếp phòng khách sạn.

 

Đêm qua, sau khi từ Denver (bang Colorado) vượt 9 giờ 50 phút đường xe tới thị trấn Keystone (bang South Dakota), chúng tôi đã nghỉ tại khách sạn Mount Rushmore’s  Washington Inn Motel & Suites trên đường Winter St. Từ đây lên khu đài tưởng niệm quốc gia Mount Rushmore National Memorial chỉ khoảng 10 phút xe.

 

Từ khách sạn ở downtown Keystone, xe chúng tôi đi theo xa lộ 16/16A (tức đường Iron Mountain Rd) khi gặp đường 244 thì theo đường này chạy tới khu tưởng niệm Mount Rushmore National Memorial. Chạy tới chỗ khúc quanh có tấm biển kim loại ghi tên Gutzon Borglum, chúng tôi đã nhìn thấy ảnh của 4 vị tổng thống Mỹ được tạc trên một ngọn núi đá hoa cương (granite). (John) Gutzon de la Mothe Borglum (1867-1941) là một họa sĩ và điêu khắc gia người Mỹ gốc Đan Mạch nổi tiếng đã tạc chân dung 4 vị tổng thống Mỹ lên núi Mount Rushmore, cũng như chạm khắc ảnh 3 nhân vật chính của miền Nam đang cỡi ngựa trên vách núi Stone Mountain ở Atlanta (bang Georgia), tượng đầu Abraham Lincoln được trưng bày tại Nhà Trắng thời Theodore Roosevelt và cất giữ trong United States Capitol Crypt ở thủ đô Washington. Sau khi Gutzon Borglum mất vì chứng tắc mạch vào tháng 3-1941, con trai ông là Lincoln Borglum đã tiếp tục công việc còn lại ở Mount Rushmore.

 

 

Sau khi xuống xe ở đây chụp một số ảnh, thầy trò tiếp lục leo núi Mount Rushmore. Hai bên khu kỷ niệm có hai bãi đậu xe to đùng và nhiều tầng đặt tên là Washington Parking Ramp (bên trái) và Lincoln Parking Ramp (bên phải).

 

Tại cổng chính của khu Mount Rushmore National Memorial, chúng tôi nhìn thấy một hoạt cảnh vừa vui mắt, vừa ồn ào. Một nhóm bạn trẻ cả chục người xí xa xí xồ bằng tiếng nước họ đùa vui, tạo dáng chụp hình lưu niệm tập thể. Ban đầu nghe tiếng nói, tôi tưởng họ là người Thái Lan, tới chừng hỏi thì mới biết họ là người Lào, du học ở Mỹ. Vậy là diễn ra một màn giao lưu tình cảm giữa hai dân tộc láng giềng. Cô Nhãn vốn tính xởi lởi, dễ mến nên nhanh chóng được mấy bạn nữ Lào “kết mô-đen”. Ba thành viên THKT nữ đã có những tấm hình lưu niệm với 6 bạn nữ Lào. Thú thiệt, tôi cũng chộn rộn lắm, trong đầu cứ lởn vởn cái câu ca dao đã được đổi địa danh “Vientiane đi dễ khó về. Trai đi có vợ, gái về có con”, nhưng bữa nay ăn sáng bằng mì gói nên tâm cũng tịnh, vả lại vốn là người không thích cơm nếp mà nghĩ tới cái viễn cảnh người Lào ăn cơm nếp là chính khiến tôi “chưa uýnh đã hàng”.

 

Nhóm bạn trẻ Lào.

 

Giao lưu THKT và nhóm bạn trẻ Lào. Cô Nhãn (thứ 2 từ trái qua), cô Kim Thọ (thứ 4) và chị Cẩm Vân (thứ 5).

 

Cô Nhãn và hai bạn nữ Lào.

 

Tại mé bên trái cổng chính có nơi cho khách mượn máy đeo tai giới thiệu các địa điểm trong khu (audio tour). Khi khách đi tới đâu, trong máy sẽ có người giới thiệu về điểm đó.

Từ Borglum Court dẫn tới Grand View Tarrace (sân cho khách đứng ngắm cụm tượng) là một lối đi gọi là Avenue of Flags với hai hàng cột đá hai bên (mỗi bên 7 cột) gắn cờ các tiểu bang, mỗi cột gắn 4 lá cờ ở 4 mặt, trên thân cột có khắc tên bang tương ứng, năm gia nhập liên bang và thứ tự của bang theo thời gian gia nhập.

 

4 vị tổng thống Mỹ được khắc hình từ trái qua phải (theo vị trí người nhìn) là George Washington (1732-1799), Thomas Jefferson (1743-1826), Theodore Roosevelt (1858-1919) và Abraham Lincoln (1809-1865).

 

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

Vào thời điểm bắt đầu xây dựng công trình (1927), Mỹ đã có 30 vị tổng thống, từ vị tổng thống đầu tiên George Washington (cầm quyền từ 30-4-1789 tới 4-3-1797) và lúc đó đang dưới trào tổng thống thư 30 Calvin Coolidge (từ 1923 tới 1929). Vậy tại sao lại chọn 4 vị tổng thống này để tạc tượng?

- George Washington là vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, lãnh đạo cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ tới thắng lợi cuối cùng giành độc lập từ tay Đế chế Anh. Ông được coi là cha đẻ của Hoa Kỳ và đặt nền tảng cho nền dân chủ Mỹ. Vì thế, Washington là nhân vật đầu tiên được chọn để tạc tượng trên núi Rushmore.

- Thomas Jefferson, tổng thồng thứ 3 của Mỹ, là tác giả của bản Tuyên ngôn Độc lập mà sau này đã truyền cảm hứng cho các nền dân chủ trên khắp thế giới. Ông cũng là người đã mua lãnh thổ Louisiana từ tay người Pháp năm 1803.

- Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Mỹ, người đã lãnh đạo nước Mỹ trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng khi bước vào thể kỷ 20. Ông là “nhạc trưởng” trong cuộc đàm phán xây dựng kênh đào Panama nối đông và tây thế giới lại với nhau.

- Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Mỹ, đã giữ vững được sự đoàn kết của nước Mỹ trong cuộc thử thách lớn nhất là cuộc nội chiến. Ông đã xóa bỏ nạn nô lệ và là vị tổng thống Mỹ đầu tiên bị ám sát.

 

Có nhiều nguồn nói rằng chính nhà điêu khắc Gutzon Borglum đã chọn 4 vị tổng thống tiêu biểu nhất trong 130 năm đầu tiên trong lịch sử Mỹ dựa theo vai trò quan trọng của họ trong việc bảo vệ nước Cộng hòa non trẻ và mở rộng lãnh thổ của nó.

 

Công trình xây dựng khu tượng 4 vị tổng thống Mỹ khởi công năm 1927, và các khuôn mặt tổng thống được tạc vào vách núi hoa cương đã hoàn tất vào giữa năm 1934 tới 1939. Đầu mỗi vị tổng thống cao 18 mét (60 feet). Theo ý tưởng ban đầu, mỗi vị tổng thống được thể hiện từ đầu tới thắt lưng, nhưng do thiếu tiền nên họ chỉ được tạc có phần đầu, và công trình phải kết thúc vào tháng 10-1941.

 

Toàn bộ khu tưởng niệm này rộng 5,17 cây số vuông (1.278,45 acre) và nằm ở độ cao 1.745m (5.725 feet) trên mực nước biển. Trước khi bắt đầu việc tạc tượng, người ta đã phải dùng chất nổ để thổi bay khoảng 450.000 tấn đá. Hơn 90% ngọn núi được khắc bằng chất nổ. Những chi tiết của các khuôn mặt được tạc bằng búa khoan (jackhammer). Những người dùng búa treo người lơ lửng từ đỉnh núi trong những chiếc ghế kiểu của người neo buồm trên thuyền buồm được giữ bằng những sợi cáp sắt. Bình quân mỗi ngày cần xài tới 400 mũi khoan. Người ta đã dùng một dạng xe điện cáp treo (tramway) để vận chuyển công cụ, vật liệu từ chân núi lên đỉnh núi. Sau này các toa xe cáp treo đó được cải tiến để có thể chở được nhiều người. Nhà điêu khắc Borglum và 400 công nhân đã miệt mài làm việc trong cái nóng mùa hè và cái lạnh mùa đông ròng rã suốt 14 năm. Và điều làm mọi người ngạc nhiên là với công trình như vậy mà không có người thợ nào bị thiệt mạng trong suốt quá trình thực hiện. Tổng chi phí cho công trình này là 989.992,32 USD.

 

Ngọn núi này hồi xưa được bộ lạc da đỏ Lakota Sioux gọi là núi “6 ông” (Six Grandfathers), nằm trong lãnh địa của người Lakota Sioux. Sau này trong một chuyến thám hiểm năm 1885, nó được đổi tên là Mount Rushmore, lấy tên của Charles E. Rushmore, một luật sư nổi tiếng ở New York.

 

Núi Six Grandfathers năm 1905. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

Mục đích tạc tượng trên núi Rushmore ban đầu chỉ xuất phát từ việc muốn tạo ra một điểm thu hút du khách tới thăm vùng Black Hills của bang South Dakota. Lúc đó, người ta dự định tạc lên núi những nhân vật nổi tiếng của miền Tây như Buffalo Bill Cody. Nhà sử học Doane Robinson đã nảy ra ý tưởng này hồi năm 1923. Năm sau đó, ông mời nhà điều khắc Gutzon Borglum làm một chuyến đi tới vùng Black Hills để khảo sát. Lúc đó, ông này đã nổi tiếng với tác phẩm chạm khắc trên núi Stone Mountain ở Georgia. Chính Borglum đã thuyết phục Robinson nên làm một công trình mang tầm cỡ quốc gia, và họ quyết định chọn 4 vị tổng thống tiêu biểu nhất để tạc tượng. Quốc hội Mỹ đã thông qua dự án này vào tháng 3-1925. Tổng thống thời đó là Calvin Coolidge đã quyết định cùng được tạc tượng với Washington là 2 tổng thống thuộc đảng Công hòa và 1 tổng thống của đảng Dân chủ.

 

Trong khu tưởng niệm này có một nơi gọi là Sculptor's Studio (xưởng của nhà điêu khắc) được xây dựng năm 1939. Nơi đây trưng bày các mô hình bằng thạch cao và các công cụ từng được sử dụng để tạc khắc các pho tượng. Đặc biệt có cụm 4 pho tượng mô phỏng như tác phẩm thật được đặt ở gian đầu tiên có một cửa sổ nhìn thẳng ra 4 pho tượng trên ngọn núi.

 

 

 

Cơ quan Công viên Quốc gia Mỹ (NPS) đã quản lý khu di tích này từ năm 1933 tới nay. Được gọi là “Đền thờ của nền dân chủ” (Shrine of Democracy), khu di thắng này mỗi năm có gần 3 triệu người tới thăm. Và hôm nay, thầy trò Trung học Kiến Tường đã có mặt ở đó.

 

KIẾN ĐEN

(Mount Rushmore, South Dakota 21-9-2013)

 

 

Thầy Nguyễn Hữu Thành và cô Vân - phu nhân thầy Mai Văn Nhãn.

 

Từ trái: KĐ, cô Huỳnh Kim Thọ, thầy Nguyễn Hữu Thành, cô Nhãn, chị Cẩm Vân, thầy Mai Văn Nhãn và anh Nguyễn Công Phong.

 

Cô Nhãn và cô Kim Thọ tại cổng chào.

 

 

 

Thầy Hữu Thành và cô Kim Thọ.

 

Vợ chồng anh Công Phong - Cẩm Vân.

 

 

Thầy cô Mai Văn Nhãn.

 

Từ trái: thầy Nguyễn Hữu Thành, chị Cẩm Vân, cô Huỳnh Kim Thọ, cô Vân - phu nhân thầy Nhãn, thầy Mai Văn Nhãn, anh Nguyễn Công Phong và Kiến Đen.

 

 

 

 

 

Cô Kim Thọ.

 

Thầy Hữu Thành đang trổ tài phó nhòm cho phu nhân Kim Thọ. Cô ra điều kiện thiệt là ngặt nghèo: "Chụp ảnh đẹp mới chụp à nghen."

 

 

 

Cô Vân đang làm người mẫu cho phu quân Mai Văn Nhãn sáng tác ảnh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chiếc nón cao bồi mà cô Kim Thọ đang đội có một "tiểu sử" khá ly kỳ. Sáng nay, cô Kim Thọ nói mình quên mang theo nón. Thầy Hữu Thành lập tức trấn an: Lát mua thôi. Khi trên tới khu núi Mount Rushmore, thầy đem một chiếc nón mới mua tới cho cô Thọ và nói: thầy mới mua nón cho thầy, nhưng nó chật quá, chắc vừa với đầu cô, vậy cô đội giùm thầy. Thầy còn mua thêm 2 chiếc nón lưu niệm cho 2 cậu cháu ngoại cưng. Cô Kim Thọ nói: "Ỗng vậy đó, đi đâu là không bao giờ quên mấy đứa cháu."

 

 

Chuyên cơ Air Forces One của tổng thống Mỹ trong một lần bay qua trên núi Rushmore. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

 

 

 
 


Copyright © 2010 - 2013 Trung hoc Kien Tuong Homepage