Những câu chuyện của chúng ta

 

 

 

 

 

 

COLORADO KÝ SỰ 9-2013 #09:

Khu đất thánh của dân da đỏ Crazy Horse



Dân da đỏ thốn cái con mắt và bực cái bụng lắm à nghen khi thấy mấy trự dân da trắng từ châu Âu tràn sang chiếm đất tổ tiên mình lập ra cái nước Hoa Kỳ lại còn tạc tượng 4 ông tổng thống của họ trên ngọn núi đá hoa cương Six Grandfathers nằm ngay trong lãnh địa của bộ lạc da đỏ Lakota Sioux. Đó là khu tưởng niệm quốc gia núi Mount Rushmore National Memorial (nay gần thị trấn Keystone trong vùng núi Black Hills thuộc bang South Dakota) được xây dựng từ năm 1927 tới 1941. Vậy nên năm 1948, người da đỏ - dân bản địa của nước Mỹ - đã hè nhau tạc tượng thủ lĩnh chiến binh Crazy Horse của bộ lạc Oglala Lakota trên ngọn núi Thunderhead Mountain trong vùng đất linh thiêng của người Oglala Lakota, cũng thuộc vùng núi Black Hills.


Thủ lĩnh Ngựa Điên Crazy Horse (1840-1877) có tên theo tiếng Lakota là Thasunke Witko (nghĩa là “con ngựa của ông cuồng điên”). Ông đã cầm vũ khí khởi nghĩa chống chính quyền liên bang Mỹ khi người da trắng xâm lấn lãnh thổ và hủy hoại cuộc sống của bộ lạc Lakota. Chiến thắng lừng lẫy nhất của ông là trong trận chiến Little Bighorn ở gần sông Little Bighorn (phía đông Lãnh thổ Montana) hồi hạ tuần tháng 6-1876. Đây là trận đánh nổi tiếng nhất trong cuộc Đại chiến của người da đỏ Sioux (Great Sioux War) năm 1876-1877. Đối thủ của thủ lĩnh Crazy Horse là Trung đoàn Kị binh số 7 của Quân đội Hoa Kỳ. Trong trận này, 5 đại đội quân liên bang đã bị tiêu diệt (với 268 người chết và 55 người bị thương), te tua nhất là Tiểu đoàn Custer gồm 700 quân do George Armstrong Custer chỉ huy. Tiểu đoàn trưởng Custer, 2 người anh em, 1 người cháu họ và 1 em rể đã tử trận. Sau khi đầu hàng quân của Tướng Crook năm 1877, thủ lĩnh Crazy Horse đã bị một lính canh dùng lưỡi lê đâm chết trong khi đang bị giam trong Trại Robinson ở nơi nay là bang Nebraska. Cho tới nay, Crazy Horse vẫn là một trong những người da đỏ bản xứ được tôn kính nhất. Ngay cả Bưu chính Mỹ cũng đã in hình ông lên tem thư.


Việc xây dựng đài tưởng niệm Crazy Horse đã được Gấu Đứng Henry (Standing Bear), một trưởng lão bộ lạc Lakota, cho phép. Đây là tác phẩm nghệ thuật của nhà điêu khắc người Mỹ gốc Ba Lan Korczak Ziolkowski. (Có một sự trùng hợp là đài tưởng niệm tạc 4 vị tổng thống Mỹ là tác phẩm của nhà điêu khắc người Mỹ gốc Đan Mạch Gutzon Borglum – toàn là dân nhập cư không phải từ Anh.)


Người ta cũng dùng mìn để phá núi và tạo ra những phần tượng lớn. Còn những chi tiết được tạc bằng tay. Khi hoàn tất, đây sẽ là pho tượng Crazy Horse đang cỡi ngựa chiến đưa thẳng tay chỉ về phía trước biểu tượng cho câu nói nổi tiếng của ông: “Đất đai của tôi là nơi thân xác tôi được chôn.” (My lands are where my dead lie buried).


Từ điển bách khoa online Wikipedia cho biết: Vào năm 1929, trưởng lão da đỏ Gấu Đứng Henry đã viết thư cho nhà điêu khắc Ziolkowski nói rằng: “Các thủ lĩnh bạn tôi và tôi muốn cho người da trắng biết rằng người da đỏ cũng có những anh hùng vĩ đại.” Nhà điêu khắc này hồi năm 1924 từng tham gia đội thực hiện công trình Núi Rushmore dưới quyền của nhà điêu khắc Borglum. Vậy là thủ lĩnh Gấu Đứng và Ziolkowski đã ngồi lại với nhau cho ra đời tác phẩm để đời này. Ban đầu nhà điêu khắc đề nghị thực hiện ở Wyoming Tetons, nơi có đá dễ tạc tượng hơn. Nhưng thủ lĩnh Gấu Đứng kiên quyết phải tạc tượng ở vùng núi Black Hills vốn được coi là đất thiêng của văn hóa Lakota.


Có nguồn tin nói rằng, nhà điêu khắc Ziolkowski đã được chính phủ liên bang đề nghị chi cho 10 triệu USD, nhưng ông đã từ chối vì sợ rằng công trình này sẽ bị người Mỹ da trắng sử dụng theo ý đồ của họ, không còn là một di sản của người da đỏ bản xứ nữa.


Những quả mìn phá núi đầu tiên nổ vang năm 1948. Nhà điêu khắc Ziolkowski chết năm 1982 ở tuổi 74. Phải mất 16 năm sau (năm 1998), khuôn mặt của Crazy Horse mới được tạc xong. Do không có đủ tiền, cho tới nay, tượng đài mới chỉ có phần khuôn mặt của thủ lĩnh da đỏ là được hoàn thành và phần phạt ngang kéo dài sẽ là vị trí tạc cánh tay chỉ về phía trước của ông kèm theo một cái lỗ được khoét ở vị trí giữa ngực và bờm ngựa.


Có thể nói rằng cả gia đình Ziolkowski đã hiến cuộc sống của mình cho công trình này. Bà Ruth (vợ nhà điêu khắc) và 7 trong số 10 người con của họ đang làm việc tại đây. Bà Ruth năm nay 87 tuổi hiện là tổng giám đốc Quỹ Tưởng niệm Crazy Horse. Cô con gái Monique Ziolkowski, một nữ điêu khắc gia, đã chỉnh sửa một số chi tiết trong bản vẽ của cha để tượng đài tốt hơn. Tuy nhiên không rõ cô có sửa lại cái ngón tay chỉ của thủ lĩnh da đỏ không? Một số người đã chỉ trích việc nhà điêu khắc Ziolkowski cho thủ lĩnh Crazy Horse chỉ ngón tay trỏ về phía trước. Văn hóa của người da đỏ bản xứ cấm kỵ dùng ngón tay trỏ để chỉ vào một người hay một vật gì.


Từ tháng 10-2006, Quỹ Tưởng niệm Crazy Horse bắt đầu cuộc quyên góp trên khắp nước Mỹ để hoàn tất công trình này, dự trù cần 16,5 triệu USD vào năm 2011. Năm 2007, T. Denny, một nhà từ thiện ở Sioux Falls (South Dakota) đã quyên tặng 2,5 triệu USD để xây trường đại học và trung tâm đào tạo y khoa cho người da đỏ Bắc Mỹ, và Bảo tàng người da đỏ Bắc Mỹ trong khu vực đài tưởng niệm. Sanford cũng tặng thêm 5 triệu USD (rải ra mỗi năm 1 triệu USD) để tạc phần đầu con ngựa mà Crazy Horse cỡi. Tháng 7-2010, hai vơ chồng Paul và Donna “Muffy” Christen ở Huron (South Dakota) tặng 5 triệu USD để xây dựng tại đây một khu trường vệ tinh dạy toán, Anh ngữ và các khoa nghiên cứu về người da đỏ Mỹ cho bậc cao đẳng.


Toàn bộ pho tượng Crazy Horse cũng tạc trên đá hoa cương (granite) khi hoàn tất sẽ có kích thước rộng 641 feet (195m) và cao 563 feet (172m), trở thành tác phẩm điêu khắc lớn nhất thế giới. Riêng phần đầu của thủ lĩnh da đỏ sẽ cao 87 feet (27m), cao hơn hẳn đầu 4 vị tổng thống Mỹ tạc trên núi Rushmore - mỗi đầu cao 60 feet (18m). Chưa hết, chỉ cần diện tích cái mặt, đầu và mái tóc của sếp da đỏ này là đủ để ôm trọn 4 cái đầu tổng thống của Núi Rushmore. Có lẽ đó là một thâm ý của người da đỏ.


Khu tưởng niệm Crazy Horse Memorial hiện nay do Quỹ Tưởng niệm Crazy Horse Memorial Foundation – một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân quản lý. Mặc dù bao gồm cả Bảo tàng người da đỏ Bắc Mỹ và Trung tâm văn hóa người da đỏ bản xứ, khu tưởng niệm này vẫn không được coi là một công trình tưởng niệm quốc gia.


Khu tưởng niệm Crazy Horse Memorial nằm trong vùng Black Hills, thuộc Hạt Custer (bang South Dakota). Địa chỉ của nó là 12151 Avenue of the Chiefs, Crazy Horse, SD 57730. Nó nằm giữa 2 thành phố Custer và Hill City, cách núi Rushmore khoảng 17 mile, trên xa lộ US-16 West/ US-385 South.

 


Trưa thứ Bảy 21-9-2013, sau khi đi thăm khu đài tưởng niệm quốc gia Mount Rushmore National Memorial ở gần thị trấn Keystone (bang South Dakota) – nơi có chân dung 4 vị tổng thống tiêu biểu của Hoa Kỳ được tạc trên ngọn núi đá hoa cương và sau đó là khu vực thần bí Cosmos Mystery Area ở Rapid City gần đó, bảy thầy trò Trung học Kiến Tường (THKT) chúng tôi quành xe lại theo xa lộ US-16A West, đi ngang qua thị trấn Keystone vào xa lộ bang SD-244 West ngang qua khu Mount Rushmore, rồi tiếp tục xuôi theo xa lộ US-16 West/ USD-385 South để cuối cùng rẽ trái vào đường Avenue of the Chiefs. Khu Carzy Horse cách khu Cosmos Mystery Area 22,8 mile (khoảng 40 phút lái xe). Tới nơi vào lúc 1 giờ chiếu, giữa trời nắng chang chang.


Vé vào thăm 10 USD/người cho khách từ 6 tuổi trở lên (dưới tuổi đó là miễn phí) hoặc mua vé mão nguyên cả xe là 27 USD.


Ai khỏe chân và mê thám hiểm thì có thể đi theo một con đường mòn (trail) dài 10km (6,2 mile) dẫn lên tận đầu của thủ lĩnh để ra đứng trên cánh tay của ông mà diện đối diện với ông (khuôn mặt ông cao như một tòa nhà 9 tầng). Thầy trò chúng tôi tự lượng sức đã mòn mỏi và gân cốt đã nhão nhoẹt nên chọn cách tham quan khu bảo tàng da đỏ nằm trong nhà có máy lạnh. Khu bảo tàng rộng mênh mông này chứa hơn 11.000 hiện vật lịch sử, tác phẩm nghệ thuật, đồ vật đương đại của các nhóm bộ tộc da đỏ. Chỉ có điều hơi bị lạc điệu là họ trưng bày khá nhiều chiếc xe môtô Harley-Davidson to vật vã. Tôi nói đùa: Dân da đỏ thời nay không cỡi ngựa chiến 4 cẳng mà chơi toàn ngựa sắt 2 bánh.

 

Trên một sân khấu nhỏ ngoài trời lấy ngọn núi tạc tượng Crazy Horse làm hậu cảnh, giữa cái nắng chang chang, hai người đan ông da đỏ một lớn tuổi, một trẻ mặc trang phục lễ hội của họ đang nhảy múa theo tiếng nhạc của người da đỏ. Cái ông lớn tuổi bụng bự chang bang nhảy coi mòi mệt mỏi. Đáng tiếc là họ đã chơi bằng nhạc ghi âm nhưng lại không chịu ý tứ giấu chiếc máy phát và giàn loa đi. Trên sàn có mấy chai nước tăng lực, nhảy một hồi mệt thì họ lại nạp thêm năng lượng rồi nhảy tiếp. Họ không xin tiền, nhưng ai có lòng hảo tâm đóng góp thì họ chẳng hề từ chối. Thầy Mai Văn Nhãn móc bóp lấy tờ 20 USD đưa cho phu nhân lên tặng cho hai nghệ sĩ da đỏ. Cái ông da đỏ lớn tuổi nhận tiền xong còn ôm hun một cái vô má cô. Ông thầy của tôi càu nhàu, đã mất tiền còn để bà xã bị hun nữa chớ!


Nhân tiện nói luôn, người da đỏ Mỹ (American Indian) theo số liệu thống kê dân số năm 2010 có hơn 5,5 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu là thuần chủng. Họ sống tập trung ở các bang miền tây Hoa Kỳ, chủ yếu trong các vùng được chính phủ Mỹ quy hoạch gọi là “khu bảo tồn da đỏ” (Indian reservation). Giàng ơi, hỏi 10 người ở Mỹ thì có tới 9 người lè lưỡi bái phục cái level “làm biếng number one” của người da đỏ. Phần lớn họ sống bằng tiền trợ cấp, chẳng thèm làm gì, suốt ngày uống rượu và cờ bạc. Có người nhận xét rằng đó là ý đồ của chính quyền Mỹ cứ để cho dân da đỏ sống vất vưởng như vậy, sống mà không chết, chẳng tâm sức đâu mà nghĩ tới chuyện kiện tụng đòi lại đất đai tổ tiên.


Ngay cái khu tưởng niệm Crazy Horse Memorial cũng mang tính chất rất “lè phè” của dân da đỏ. Chẳng có công trình nào trên thế giới mà khởi công từ năm 1948 cho tới nay 65 năm mới làm được có chút xíu. Cụm tượng 4 tổng thống trên núi Rushmore tuy cũng do không có đủ tiền mà không làm trọn vẹn như phác thảo ban đầu nhưng coi như cũng xong trong 14 năm. Ngay cả cái đại kim tự tháp (Great Pyramid) kỳ quan thế giới của Ai Cập cổ đại cũng chỉ mất khoảng 20 năm là hoàn tất. Báo New York Times (5-2012) cho biết: Quỹ Tưởng niệm Crazy Horse thu được lệ phí vào cửa khu tưởng niệm trong năm 2010 tới 3,8 triệu USD. Trong 5 năm qua, khu tưởng niệm này đã nhận được hơn 19 triệu USD tiền bá tánh đóng góp. Tiền không thiếu, có nghĩa là dân da đỏ khoái câu giờ!


Thật ra, có lẽ đối với nhiều người, làm được cỡ như vậy là đủ hấp dẫn rồi, vả lại, cái gì còn dở dang thường có sức thu hút riêng của nó. Ngày ngày thiên hạ từ khắp các tiểu bang và từ khắp thế giới vẫn nườm nượp đổ về đây nộp tiền vào cổng và dốc hầu bao mua hàng lưu niệm đặc sản da đỏ (tôi phát hiện có những món hàng lưu niệm – gift in rành rành chữ “Made in China”). Ngoài ra, có lẽ Quỹ Tưởng niệm Crazy Horse giờ muốn tập trung đầu tư khu này làm bảo tàng và trung tâm di sản văn hóa cho người da đỏ là chính. Pho tượng thủ lĩnh Crazy Horse cứ phơi nắng gió mưa tuyết mà… trơ gan cùng tuế nguyệt hén!

KIẾN ĐEN
(Crazy Horse, South Dakota 21-9-2013)

 

 

 

 

 

Kiến Đen tại khu Crazy Horse.

 

 

 

 

 

 

 

 

Thầy cô Nguyễn Hữu Thành và Huỳnh Kim Thọ đứng thưởng thức những điệu nhảy củ dân da đỏ.

 

Cô Kim Thọ.

 

Thầy cô Mai Văn Nhãn.

 

 

 

 

 

 

Những du khách đi theo đường mòn lên tận đỉnh núi. (5 ảnh cuối có nguồn từ Internet. Thanks.)

 

 
 


Copyright © 2010 - 2013 Trung hoc Kien Tuong Homepage