Những câu chuyện của chúng ta

 

 

 

 

 

 

Tiệc mừng tuổi hạc

chúc thượng thọ 6 Lão sư thất thập

 

 

 

 

 

Hic. Cuối tuần này, Đôi Tình nhân TêTê Cali của Đỗ Nguyễn Gia Trang lại tay trong tay dung dăng dung dẻ "cưa sừng làm nghé" tiếp tục một chuyến "far weekend trip" nữa. Trước khi nhấn ga lên đàng, nhị vị còn kịp ngoái cổ "bán cái" cho đệ tử Phước Kiến Đen, nay còn được giao cái ghế "đẩu" Ông Từ của THKT Từ đường, một Non-Impossible Mission là chuyển tới các bậc Tiên chỉ thất thập cổ lai hy một sớ chúc thọ do nhị vị hợp soạn, cho đệ tử tham gia xơ múi chút đỉnh. Dặn thiệt kỹ là triệt để cấm không được táy máy tay chân tương vào đó cái mùi "ái tình lục dục" thời Tự Lực Văn đoàn hay không khí "mơ tiên hão huyền" của Bích Câu Kỳ ngộ, đặc biệt cấm chỉ cái hơi hám của bọn yêu tinh nhền nhện thời Tây Du ký. Nhị vị phán: "Cô thầy không thích đâu!". Gọn bâng!

 

 

 

 

 

Đồ nho họ Đỗ vừa về hưu. Đỗ thường ngồi thiền trên phiến đá cổ bên Động Đình Hồ. Có người nói đó là lúc Đỗ thả cho hồn mình trôi về miền quá khứ. Kẻ lại bảo chẳng qua trong lúc phu nhân vẫn còn độ tuổi hành hiệp giang hồ và quý tử độc tôn cũng phải giang hồ hành hiệp, Đỗ ra đây để trốn cái cô đơn cụ thể trong nhà. Mặc kệ miệng đời. Sống tới tuổi về hưu rồi, Đỗ đã quá rành chuyện thế thái nhân tình đó. Chỉ có ai trong chăn mới cảm được cái nỗi niềm của kẻ về nhà trước! Và thiên hạ mỗi tuần 5 ngày làm việc vẫn thấy cái bóng Đỗ ngồi đó như thi gan cùng tuế nguyệt!

 

Một hôm Đỗ đang thiền chợt có một gã trung niên trong lùm cây bò ra. Gã vòng tay chào cầu tài rồi xưng danh xưng tánh, “Tiểu nhân họ Kiến, tự là Gu-Gồ-Sợc. Tiểu nhân tuân lệnh bề trên xin trao lão sư tấm thiệp”. Đỗ kinh ngạc mở thư ra xem thì thấy vỏn vẹn có hàng chữ chỗ đỏ chỗ xanh, “Nhiêu ta Tính vốn ôn Nhu. Phát thiệp gọi lên Kỳ Sơn dự hội.” (*) Nét bút “run rẩy” mà trông như… rồng bay. Đỗ đọc xong hốt hoảng la lên, “Đây là lệnh bài mà… Đi mau”. Chẳng biết cái lệnh bài đó của nhân vật nào mà có uy lực kinh hồn bạt vía tới mức Đỗ quên béng đi cái thói quen “liếc xéo về góc bếp nhà mình trước khi làm chuyện gì tiểu-trung-đại sự”. Đỗ bỏ thiền quày quả theo gã Kiến. Gã đưa Đỗ chui vào bụi cây rồi xô Đỗ xuống một cái hố sâu. Đỗ hết hồn, nhưng cảm thấy mình bềnh bồng, lơ lửng như cưỡi mây.

 

Rớt xuống đáy hố, cảnh vật mở ra, Đỗ thấy một dinh thự nguy nga mà màu mè chói lọi. Ngoài cổng có treo bảng “Mạng nhện Kiến Tường Động”. Gã Kiến đến bên cửa cười phá lên ba tiếng rồi khóc rống lên ba tiếng. Gã giải thích rằng đó là password của bang. Cửa mở ra, một lão trượng hình dung cổ quái, tóc dựng đứng như rễ tre, chân đi hai hàng, ho khúng khắng chỉ tay vào Đỗ nói, “Hoan nghinh quang lâm, hoan nghinh quang lâm, xin nhập nội.” Đỗ kính cẩn vái chào lão trượng rồi bước vào cổng. Một gã trung niên khác, mặt trắng nhách, đứng trong sân cúi đầu chào Đỗ, nói, “Tiểu nhân họ Kiến, tự là Mê-Đi-À-Zôn, là ông từ ở đây, xin phép được dẫn đường.” Đỗ được Kiến Mê-Đi dẫn vào một thư phòng. Nơi đó Đỗ thấy có một cái bàn tiệc dài 6 thước và có 6 lão trượng đang ngồi đợi sẵn. Đỗ kinh hãi nói thầm, “Đây hẳn là những bậc chân nhân 1.000 năm khó kiếm, thật vinh dự cho dòng họ Đỗ nhà ta.” Bỗng lão trượng ngồi ở đầu bàn lên tiếng, “Khách đã tới, vậy mỗ đây tuyên bố khai mạc bữa tiệc.”

 

Đỗ chưng hửng vì không thấy có cái ghế nào dành cho mình, bèn khúm núm gãi đầu ngồi xuống đất. Một lão trượng đầu còn chút tóc, nhưng nhuộm màu ngũ sắc như màu con công, thấy vậy thương hại nói, “Đây là đại hội kỳ lão, chỉ những ai trên 60 tuổi mới được dự. Tuy lão đệ đủ tuổi dự hội nhưng quan viên chúng ta đây đều đã 70. Vậy chúng ta được ngồi mâm trên. Lão đệ chưa tới lúc, thôi tạm ở dưới đó.”

 

Một lão trượng vỗ tay 3 tiếng. Tức thì đầu bếp do quản gia Kiến Mê-Đi hướng dẫn bưng ra một cái mâm đặt trước mặt Đỗ. Trên mâm có một tô phở Dương Tử, một bầu rượu tiên, và một cái điếu cày tiên. Đỗ liếc nhìn trên bàn các vị chân nhân chỉ thấy những tách trà. Mê-Đi-À-Zôn biết ý tới bên phụ nhĩ, “Khách quan cứ tự nhiên dùng bữa. Các vị trưởng thượng trên kia người thì có tiểu đường, người thì có viêm phế quản, người thì có tăng xông, họ không dùng những thứ này đâu.” Hiểu ra Đỗ bèn cầm tô phở húp một phát.

 

Nhưng Đỗ chưa kịp nuốt thì một lão trượng mặt đỏ tóc trắng tay cầm bàn toán, hướng về phía Đỗ rung bàn toán lách tách. Kiến Mê-Đi nói nhỏ, “Tôn ông, tới giờ chúc thọ.”

 

Đỗ tỉnh ngộ, té ra bọn nhà bếp gọi mình tới để đọc diễn văn. Đỗ chụp bầu rượu uống một hớp để lấy can đảm, rồi đứng lên vòng tay hướng về phía bàn trên kính cẩn nói, “Dạ thưa các vị tiên hiền, hôm nay là tháng Tư, năm thứ nhất của bang THKT, đời vua Hùng thứ 20. Tiểu nhân đây xin thay mặt toàn bang khắp 5 châu 4 biển xin kính chúc các vị chân nhân an khang trường thọ, phước tràn trề như nước Đông Hải, đức cao vời vợi tựa đỉnh Thái Sơn.”

 

Ông Mê-Đi-À-Zôn cầm cây đũa gõ xuống đất một cái cạch ra hiệu. Tức thì đám nhà bếp gõ nồi gõ chảo cổ võ ầm ĩ.

 

Các cụ phá lên cười đắc ý. Một cụ nói, “Nghe được, câu này trích trong tập Lục Vân Tiên.” Một cụ khác hỏi, “Lục Vân Tiên là cô tiên nào vậy?” Cụ kế bên trả lời, “Lục Vân Tiên nổi tiếng như cồn mà ngài không biết sao. Đó là một tác phẩm văn học của bà Đoàn Thị Điểm.” Một cụ khác tiếp lời, “Ngài nhớ lầm rồi ạ, đó là tác phẩm của ông Hồ Xuân Hương đấy ạ.”

 

Đỗ đợi cho đám nhà bếp im lặng, rồi hắng giọng nói tiếp, “Thưa các quan viên, dạ chí phải! Trẻ con cười bảo rằng các vị đã lẫn. Chúng đâu biết 70 là khởi điểm sụp đổ của thế giới hình sắc. Các ngài lên đỉnh cao để nhìn con cháu mình cười đùa xôn xao trong những cánh đồng cỏ phía dưới, với cặp mắt bao dung. Ở tầng giới siêu thoát đây, sẽ không còn những đám khói cay che khuất tầm mắt, những gai góc chắn lối chân đi, và tâm chỉ còn tình yêu thuần khiết. Thế giới sẽ trở nên gần với thiên tính của lương tri trong những giá trị tuyệt đối của nó. Đó là cái thế giới của chân thân mà trong đó tất cả những mâu thuẫn đều được hòa giải. Tiểu nhân tôi với tất cả lòng thành xin mời “Lục Kỳ” trưởng thượng ly trà chúc mừng tuổi hạc.”

 

Một cụ hỏi , “Lục Kỳ nghĩa là sao?” Đỗ đáp, “Dạ thưa Lục Kỳ là sáu họ kỳ diệu. An Nam ta 99% là họ Nguyễn, nhưng các vị lại gồm họ Đoàn, họ Bùi, họ Lưu, họ Cao, họ Võ, và họ Nguyễn. Có ai trùng ai nhau đâu, vậy không phải là kỳ diệu sao.” Cụ tóc rễ tre cười hềnh hệch lại chỉ tay vào Đỗ nói, “Cái kỳ diệu không hề có bi nhiêu. Chớ chẳng phải tôn ông họ Đỗ, Gu-Gồ họ Trần, Mê-Đi-À họ Phạm… đó sao? Tất cả cha sinh mẹ đẻ đều khác họ,  nhưng điều kỳ diệu chính là ở chỗ cuối cùng chúng ta đều cùng trở thành bà con nhà họ Kiến.” Đằng sau cụ bỗng có tiếng rú lên, “Khẩu phục tâm phục.”

 

Như cao hứng, cụ tóc xởn “carê” tiếp tục vung tay, “Như ta đây lệnh về trường thì cứ dạy, tới chừng cầm lệnh chuyển trường thì cứ đi, không hề chia tay chia chân với ai, nên chưa hề có chia ly'”.

 

Cụ trông dáng thư sinh nho nhã tóc vẫn còn đen nhưng nhức chống chiếc gậy gạc sừng nai cứ thâm trầm khi thì nghển đầu lên nhìn bạn, lúc lại gục gặc đầu ra chiều đắc ý.

 

Ngồi cạnh cũng là một lão trượng lặng lẽ không kém, nhưng toát lên cái phong thái quan phụ mẫu chi dân, thỉnh thoảng lại cầm ly gõ cồm cộp xuống mặt bàn như quen tay đóng ấn.

 

Một cụ dáng to cao như dân xì-po, trán cũng trờn trợt, không nén nổi xúc động, cứ lắp ba lắp bắp lúc xổ tiếng Phú-lãng-sa, khi chêm tiếng Huê-kỳ-quốc. Trên má cụ ửng vết son in dấu 5 ngón tay như thể mới bị ai đó tát yêu, tát quái.

 

Cụ cao niên nhất bàn lại là người mới nhập bàn tiệc, khoác tấm áo choàng thêu đầy những con số, ký hiệu, hình họa. Võ lâm giang hồ đồn rằng có thời cụ nằm dưới trướng phu nhân của mình.

 

Đỗ cúi rạp mình chúc mừng từng vị một trên bàn tiệc. Các lão trượng có vẻ xúc động. Một lão trượng hình dáng tầm thước, trán trờn trợt, trông có vẻ bụi bặm hồng trần nhưng lồng ngực trong suốt như thủy tinh. Đỗ thấy rõ trái tim đỏ màu son phụ nữ đang đập loạn xạ bên trong. Lão cao hứng rút ra một cây sáo thổi một bài vọng cổ. Nhưng mới thổi tới xuống xề thì đã hụt hơi thở hổn hển. Kiến Mê-Đi-À bèn vội vàng đập cây đũa nghe cạch một tiếng. Đám nhà bếp tức thì ra tay đập nồi, đập chảo náo động cả sơn khê cố gắng khỏa lấp cái cái nỗi niềm hụt hơi của bậc tiên chỉ.

 

Tiệc tan, Đỗ cáo từ. Các cụ có vẻ quyến luyến. Cụ trông dáng thư sinh nho nhã móc từ chiếc hồ lô sau lưng lấy ra một lọ thuốc dúi vào tay Đỗ. Đỗ thấy lọ thuốc tỏa ra mùi hương, cho là thuốc trường sinh, bèn mở nút tính uống ngay tắp lự. Cụ già vội chụp lại, phán, “Đây là thuốc xức ngoài da. Nếu uống vào sợ không qua nổi một con trăng.” Đỗ giật mình nhìn lại lọ thuốc thấy nhãn hiệu “Thuốc Lác gia truyền chánh gốc Huê-Kỳ, Công ty Căn Nhà Ngoại Ô Biên Hòa bào chế.” Một cụ khác dắt ra chiếc xe đạp rồi nói, “Chiếc xe này do vua Hùng thứ 18 để lại, nay ta cho lão đệ mượn mà về”. Đỗ toan nói lời từ chối, bỗng có người vỗ vai đánh bộp một cái. Đỗ quay lại thấy một lão trượng mặt trắng quát, “Ta 70 mà chưa có râu, cái gã này định chơi trội chăng. Để ta vặt râu hắn.” Đỗ hết hồn nhảy lên xe đạp chạy thục mạng văng cả dép, lột cả dây sên mà không biết. Về đến Động Đình Hồ thì trời đã gần tối. Đỗ lẩm bẩm, “Ta phải có mặt ở nhà trước khi phu nhân ta đi làm về.” Nhìn trước nhìn sau không có ai, Đỗ nhảy tòm xuống hồ lội về phương Tây mất dạng!

 

 

ĐỖ NGỌC TRANG - PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Elk Grove 17-4-2010, Saigon 18-4-2010)

 

--

(*) Ghép tên của 6 thầy “thất thập”: Đoàn Văn Nhiêu, Bùi Trung Tính, Lưu Văn Nhu, Cao Thành Phát, Nguyễn Xuân Kỳ và Võ Xuân Sơn.

 

 

 

Thầy Nguyễn Xuân Kỳ (1941)

 

Cụ trông dáng thư sinh nho nhã tóc vẫn còn đen nhưng nhức chống chiếc gậy gạc sừng nai cứ thâm trầm khi thì nghển đầu lên nhìn bạn, lúc lại gục gặc đầu ra chiều đắc ý.

 

Thầy Đoàn Văn Nhiêu (1940)

 

Ngồi cạnh cũng là một lão trượng lặng lẽ không kém, nhưng toát lên cái phong thái quan phụ mẫu chi dân, thỉnh thoảng lại cầm ly gõ cồm cộp xuống mặt bàn như quen tay đóng ấn.

 

Thầy Lưu Văn Nhu (1938)

 

Cụ cao niên nhất bàn lại là người mới nhập bàn tiệc, khoác tấm áo choàng thêu đầy những con số, ký hiệu, hình họa. Võ lâm giang hồ đồn rằng có thời cụ nằm dưới trướng phu nhân của mình.

 

Thầy Cao Thành Phát (1941)

 

Một cụ dáng to cao như dân xì-po, trán cũng trờn trợt, không nén nổi xúc động, cứ lắp ba lắp bắp lúc xổ tiếng Phú-lãng-sa, khi chêm tiếng Huê-kỳ-quốc. Trên má cụ ửng vết son in dấu 5 ngón tay như thể mới bị ai đó tát yêu, tát quái.

 

Thầy Võ Xuân Sơn (1940)

 

Như cao hứng, cụ tóc xởn “carê” tiếp tục vung tay, “Như ta đây lệnh về trường thì cứ dạy, tới chừng cầm lệnh chuyển trường thì cứ đi, không hề chia tay chia chân với ai, nên chưa hề có chia ly'”.

 

Thầy Bùi Trung Tính (1940)

 

Một lão trượng hình dáng tầm thước, trán trờn trợt, trông có vẻ bụi bặm hồng trần nhưng lồng ngực trong suốt như thủy tinh. Đỗ thấy rõ trái tim đỏ màu son phụ nữ đang đập loạn xạ bên trong. Lão cao hứng rút ra một cây sáo thổi một bài vọng cổ. Nhưng mới thổi tới xuống xề thì đã hụt hơi thở hổn hển.

 

Các vị Tiên hiền được xếp lên bảng Phong Thần này theo trật tự a-bờ-cờ.

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage