Những câu chuyện của chúng ta

 

 

 

 

 

 

Cảm nhận Janus

 

Cuộc họp mặt đầu tiên sau 40 năm xa cách của bang THKT xảy ra vào ngày mùng 5 tháng Giêng năm Canh Dần, tại Gò Công. Chúng ta hãy bắt đầu câu chuyện từ đó.

 

Tượng bán thân Janus. Viện bảo tàng Vatican, Rome

 

Tháng Giêng theo Tây lịch gọi là January. January có căn gốc từ tiếng Latin là Janus (hay Ianus). Janus là tên của vị thần giữ cửa trong huyền thoại La Mã. Điểm đặc biệt của Janus là có hai khuôn mặt. Một mặt ở phía trước để ông nhìn ra ngoài cửa hướng về tương lai. Một mặt ở sau ót để ông thấy nội thất là sự ngưng đọng của quá khứ. Kể từ thời điểm hội ngộ Gò Công, mỗi thành viên trong bang THKT đều là Janus. Mỗi người đều thấy mình có mặt trong quá khứ, nhưng đồng thời mình cũng đang sống với những mộng ước của tương lai.

 

Cảm nhận Janus rõ hơn khi chúng ta ngắm nhìn chùm ảnh THKT. Những tấm hình đen trắng mập mờ, góp nhặt từ bốn phương, như những mảnh vụn của dĩ vãng. Đàng khác, chùm hình màu tươi sáng do các trò Nguyễn Thanh Liêm, Dương Tấn Lương và Phạm Văn Định ghi lại như viễn ảnh đi vào tương lai. Nếu hai hướng không gian của Janus đều thu về một não bộ thì hai hướng nhìn của chúng ta cũng không đối nghịch chút nào. Chúng ta là nhân chứng duy nhất của hai khoảng thời Mộc Hóa chuyển mình. Nhưng dù tâm hồn chúng ta có hai thời điểm cảm nhận, chúng ta chỉ mang một ý thức về cuộc sống.

 

Nhìn tấm hình cổng trường xưa, nhiều người nhỏ lệ, có nhân tính nên có xúc cảm là chuyện bình thường. Nhưng không ai ngậm ngùi với tâm trạng “Thăng Long thành hoài cổ” như bà Huyện Thanh Quan. Nhìn hình trường Mộc Hóa ngày nay, kẻ ở xa không khỏi ngỡ ngàng, nhưng không ai có nỗi niềm như Lưu Nguyễn hồi hương. Bà Đoàn muốn trở lại quá khứ. Các ông Lưu Nguyễn không chấp nhận hiện tại. Chúng ta không giống họ. Bởi vì chúng ta không nhìn lại cái dĩ vãng đã mất để hoài cổ. Trái lại chúng ta đang sống thật, rất thật, với dĩ vãng THKT. Đồng thời chúng ta cũng không lạc lõng trước hiện tại, nhưng đang sống rất thật trong hiện tại. Chúng ta là những Janus. Tức là những người có khả năng hiện tại hóa quá khứ và tương lai vào một nhận thức.

 

Có nhất thiết phải trở về quá khứ không? Minh triết Việt đưa ra chân lý: “Cây có cội, nước có nguồn” để khảng định con người phải ý thức về cái gốc tạo ra mình. Như vậy phải nhìn về quá khứ, vì cái gốc tạo ra bản ngã nằm trong quá khứ. Về phương diện chủng tộc, lịch sử của quốc gia bắt nguồn từ vạn kiếp trước. Về phương diện cá nhân, gia đình THKT có cội nguồn là ngôi trường THKT cũ. Trên mảnh đất đó, nhiều người đã xây dựng bản sắc của mình. Nơi đó, cây trí thức và nguồn nhân bản đã sinh ra nơi họ cái tâm thức kẻ sĩ. Họ thật sự là tác phẩm do THKT tạo ra. Do đó khi họ nhìn cổng trường THKT không phải chỉ là ánh nhìn đầy cảm tính về một kỷ niệm suông, nhưng chiêm ngưỡng cái nhân sinh quan cội nguồn để biết mình là ai.

 

Cũng không khỏi có nhiều người bên ngoài bị hoang mang khi truy cập Website THKT. Họ tự hỏi phải chăng đây là một nhóm người bị hụt hẫng trước dòng sinh mệnh. Để trốn tránh thực tại, họ dựng nên một thế giới ảo, rồi xây lên ngôi đình THKT, để núp mình trong đó. Cũng có thể họ nghĩ rằng đây là sân chơi văn nghệ của một nhóm thầy trò vô thưởng vô phạt. Trên thực tế, chúng ta đang hoạt động sôi nổi trong hiện tại. Thành quả của hiện tại không có gì khiến chúng ta phải quay về thu mình trong bóng tối quá khứ. Những người hoang mang ấy không nhìn ra cái khả năng nối kết hai chiều của Janus. Nói ngắn gọn chúng ta là một thực tại hòa hợp của quá khứ và tương lai. Nói theo tinh thần minh triết Việt, ý thức cội nguồn không phải là suy tư về ký ức, nhưng là sự suy tư nối dài từ cội nguồn tri thức. Cái nội dung này không thể đo lường bằng những nhận xét hàm hồ dựa trên bề mặt. Bởi vì nó không can dự vào những gì không cùng nguồn gốc với nó.

 

Chúng ta không quá đề cao cho rằng mảnh đất THKT xưa là một cội nguồn hoàn mỹ. Nó rất thật với những chiều kích ưu và khuyết điểm, như mọi dòng lịch sử khác của con người. Tuy nhiên, bốn mươi năm đã qua là thời gian đủ để tinh khiết những bụi bặm vô minh, để tự ngộ những cơ sự rối rắm. Hôm nay chúng ta có thể nói, cội nguồn THKT xưa không phải là một huyền thoại. Nó là nhựa của cây. Nó là nước của sông. Biểu tượng đơn giản của nó là Website THKT, một cửa ngõ mở ra hai chiều không gian của tâm thức.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove 4-5-2010)

 
 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage