Thư thầy Đỗ Ngọc Trang và cô Nguyễn Thị Bích Thủy

gửi học trò Phạm Hồng Phước (27-1-2010)

   

Đây là lá thư đầu tiên cô Thủy - thầy Trang gửi cho học trò Phước sau 40 năm bặt tin nhau. Em xin phép thầy cô cho em được chia sẻ cùng mọi người, bởi vì "thầy cô là thầy cô chung" và trong thư có những chi tiết về thầy cô mà em nghĩ mọi người đều muốn biết.

Em Phước thương mến

Thầy cô không dám nghĩ là mình đã có ảnh hưởng tốt đối với Phước, nhưng nếu có, chính em mới đáng quí, vì chính em là người tạo nên thành quả. Thầy cô rất hãnh diện về em.

Em Bách đã làm được một việc lớn là nối kết chúng ta, một việc mà chúng ta đều muốn từ lâu nhưng không làm được. Nói chuyện với Bách thầy rất ngạc nhiên. Hầu như có một liên hệ nào đó mà học sinh Kiến Tường vẫn biết về nhau, dù mọi người đã tản mát khắp nơi rất xa. Phước nghĩ xem có phải chúng ta đã có một thời đáng nhớ và không ai muốn quên. Sau 40 năm, coi như đã nửa đời người, chúng ta ai cũng già, có người đã lẩm cẩm, nhưng hình như có một chốn cũ mà nơi ấy thời gian ngừng lại. Trong chốn đó chúng ta đều trẻ, chúng ta nhìn nhau bằng con tim chân thật nhất, và chẳng có ai bỏ đi xa.

Em biết không, em có máu làm báo từ thủa nhỏ. Nếu thầy nhớ không lầm thầy đã đọc một câu truyện do em sáng tác trên tờ bích báo nhà trường. Lúc đó em mới học lớp đệ lục hay đệ ngũ gì đó. Té ra đấy là dấu chỉ tương lai của em. Cách “làm báo” của em không phải là một nghề (job) mà là một sự nghiệp (career). Nó gắn liền với ý nghĩa sự sống và chia sẻ với mình những đam mê và dự phóng tương lai. Thăm viếng những websites và những công việc của em, thầy cô phục em sát đất. Vì vậy em đừng ngại khi nói về mình. Em phải kể cho cô và thầy biết những gì xảy ra cho em trong 40 năm qua, dĩ nhiên là có kèm theo hình. Có lẽ em cần nhiều thời gian để kể vì đời em không phẳng lặng…

Nhờ có em mà thầy đọc báo và website trong nước. Có rất nhiều thuật ngữ hơi lạ đối với thầy. Nhiều khi phải đọc đi đọc lại nhiều lần để cho đầu óc quen đi rồi mới đoán ra nghĩa. Chẳng hạn chữ “thư thoại”, nếu không nhờ có chữ voice mail thì không nhận ra nghĩa của nó. Té ra ngôn ngữ của thầy là thứ ngôn ngữ trước năm 75. Bây giờ do giao lưu văn hóa, ngôn ngữ đã thay đổi. Vì không hòa nhập với dòng sinh ngữ trong nước, nên mình bị thụt lùi. Thầy còn nhớ cách đây chục năm, có người bà con ở Việt Nam mới qua, họ dùng những từ như “dổm”, “xịn” khiến cô và thầy cười bể bụng. Bây giờ chính mình lại nói nhanh như gió những từ đó. Lẩn thẩn nghĩ lại nếu không dùng chữ “dổm” thì dùng chữ gì bây giờ?

Một chút tâm sự về thầy cô. Cô Thủy cách đây khoàng 20 năm, cô bị tai nạn ôtô khiến phải mổ 2 đốt xương cổ. Ít lâu sau cô lại bị gãy xương ở bàn chân khiến phải dùng nạng một ít lâu. Xin đính chính cô Thủy không bị đau xương sống và nằm liệt giường. Trái lại, trong thời gian bị đau và nghỉ việc, cô Thủy không chịu ngồi yên một chỗ, nhưng lợi dụng thời gian rảnh rang để đi học. Cuối cùng cô đậu bằng cử nhân Sociology và một “minor in Social Work”, Đại học San Jose State of California. Hiện tại cô là nhân viên của Sở Xã hội tỉnh Sacramento, California. Còn thầy, thầy đã về hưu từ tháng 12 năm 2009. Thầy tự học thần học (học phí ở đây quá mắc nên không đến trường) và thường viết bài về thần học (theology). Thầy lấy bút hiệu là Đỗ Trân Duy. Trân Duy là tổng hợp của ba tên: Trang Thủy Duẫn mà thành. (Con thầy tên Đỗ Duẫn Martin, ở nhà kêu là Duẫn. Đối với chúng ta, Duẫn là em của Phước). Thầy cũng vẫn có bài đang trên vài websites Công giáo ở bên Mỹ. Có lần thầy thấy bài của thầy được Giáo phận Vinh và Tòa Giám mục Việt Nam trích đăng lại. Cũng có lần một website Phật giáo đăng lại bài nói về thiền. Những nơi này thầy không gửi bài cho họ, nhưng khi thầy tò mò vào Google gõ chữ Đỗ Trân Duy thì thấy hiện ra. Có một điều may mắn là danh từ thần học Việt Nam không thay đổi như ngôn ngữ thông dụng thường ngày. Đa số những thuật ngữ được dịch từ tiếng Anh, nên thầy không bị trở ngại một chút nào.

Thầy Võ Xuân Sơn dự định sẽ qua Mỹ du lịch và ghé thăm thầy, nếu em cùng đi một chuyến thì vui biết mấy. Vả lại thầy Sơn cũng cần có người hướng dẫn, phải không? Thầy không rõ thầy Sơn có bà con gì bên đây, hay chỉ muốn viễn du một chuyến.

Co rat nho Phuoc,  rat vui va hanh phuc khi doc tho cua em. Co hy vong chung ta se co mot ngay gap nhau  rat “soon”. Xin loi la da khong viet duoc tieng viet vi khong biet bo dau. Nho e-mail cho co va thay hoai di nhe.

We love you so much.

Trang Thuy & Duan.

Thầy Trang

27-1-2010