vườn thơ thkt

 

 

 

 

 

 

Một ngày ở Đỗ Nguyễn Gia trang

Bối cảnh chính: Một ngôi nhà ngoại ô ở nơi từng là khu rừng nhỏ của loài nai sừng tấm giữa Huê Kỳ Quốc. Ngôi nhà có khoảnh sân nhỏ phía sau trồng mấy cây đào đỏ, đào phai đang mùa xơ xác, mà hình như ông thầy những lúc chán mùi tục lụy thường ảo tưởng là chốn Động Đình Hồ. Thôi thì hẵn cứ để cho ông thầy thoát tục nhập cõi thiền được lúc nào hay lúc nấy. (Hề) có ảnh hưởng chi tới hòa bình thế giới đâu!

Buổi sáng.


Cô gái trở lại thăm ông thầy.
Cô gái: Lão sư, em cảm ơn thầy
Ông thầy tủm tỉm cười.
Cô gái: Sau khi nghe thầy chỉ giáo, em thấy lòng mình thanh thản hơn. 40 năm nay, có những lúc đêm khuya hay những khi có trục trặc trong cuộc sống vợ chồng, em tự vấn mình rằng ngày xưa liệu em có tàn nhẫn quá không.
Ông thầy rung đùi.
Cô gái: Giờ em ngộ ra rằng nếu như ngày xưa em không chạy đi mà chạy tới, liệu cuộc đời này có được một người như anh ta không.
Ông thầy hấp háy đôi mắt tinh anh (có một dị bản ghi là: tinh ranh) sau gọng kính.
Cô gái: Đã có biết bao bạn bè cùng lớp, cùng lứa với anh ta giờ đây chết dí trong cái đáy giếng.
Ông thầy vân vê chòm râu bạc như ông Thánh Phêrô.
Cô gái: Cái lồng son của em không chấp nhận con chim sẻ nên giờ nó mới trở thành đại bàng có cả một bầu trời vùng vẫy.
Ông thầy chiêu một hớp cà phê rồi chậm rãi nói: Chúc mừng chồng con của con. Hạnh phúc không ở đâu xa. Hạnh phúc đang nằm trong chính những gì mình có được. Có người 40 năm nay vẫn mòn mỏi đi tìm hạnh phúc. Nhưng đó là do hắn tự đày ải hắn thôi. Ngay từ khi còn lẫm chẫm, hắn đã không chịu nổi cái gì không hoàn hảo. Mà đời thì có gì là hoàn hảo đâu. Thật ra, hắn không phải là đại bàng đâu. Không được con hóa kiếp chim sẻ, hắn trở thành một con gà chọi bươn chải giữa trường đời. Được cái là hắn vẫn còn giữ được cái tiếng gáy có ích cho đời.

Buổi trưa.


Ngôi nhà ông thầy im phăng phắc.
Chỉ còn thoang thoảng mùi hương của người khách ban sáng.
(Không hiểu khứu giác ông thầy có nhận ra mùi ngọt ngào của dầu thơm Lancôme Hypnôse hay đã đậm đặc mùi trầm?)
Ông thầy ngồi thiền.
Nhanh chóng chìm vào dòng suy tưởng.
Trôi bồng bềnh về miền quá khứ.
Cái thuở chàng và nàng ở đầu lứa tuổi đôi mươi đẹp nhất đời người.
Chàng xứ Bắc văn chương lãng mạn, nàng miền Trung đoan trang đài các, và một cái góc ấm trong căn phòng học ở tận phương Nam giản dị chân tình.
Họ chưa có con.
Nhưng có hàng chục đứa nhỏ sàn sàn một lứa đang chờ họ khai tâm.
Ngày đó, cho dù có lạc quan đến cực độ về cái thiên chức của mình, họ cũng không thể hình dung được mình đã để lại những dấu ấn sâu đậm như thế nào, thậm chí ảnh hưởng đến cả đời của bọn đồ đệ. Những kẻ đã may mắn được học làm người từ những người thật sự là Con Người (viết hoa với tất cả ý nghĩa tốt đẹp nhất của hậu duê Adam - Eva).
Còn trưa nay, gian bếp nhà ông thầy lạnh tanh khác thường.
Bụng ông thầy sôi ùng ục.
Có tiếng thở dài ở một gian nào đó sau nhà.

Buổi chiều.


Cậu trai tới thăm lại ông thầy.
Cậu trai: Lão sư, em cảm ơn thầy.
Ông thầy thở ra cái khì.
Cậu trai: Nếu như thầy không ngăn cản em lôi người ấy ra khỏi mộng, có lẽ giờ đây em đang ngồi khảy bàn tính tiền sau quầy chợ chứ đâu phải lóc cóc gõ computer. Cảm ơn sự tinh tế (có dị bản ghi là: sự từng trải) của thầy.
Ông thầy khẽ liếc mắt về một chỗ nào đó trong nhà ("hình như" là phản xạ có điều kiện chứ không "hề" chi).
Cậu trai: Thầy đã cứu em và đem lại ơn phúc cho cộng đồng tin học.
Ông thầy nâng tách cà phê lên, hình như là để che miệng chứ không phải uống, nói nhỏ: "Nhỏ" là đệ tử chân truyền của "qua", vậy mà thiếu cái dũng và cái trí của "qua".
Có tiếng dặng hắng rồi tiếng chén đĩa xô lanh canh ở phía sau nhà.
Ông thầy nhún vai.
Cậu trai rụt cổ.
Thầy trò họ nhìn vào mắt nhau.
Như hai người đàn ông.

Buổi tối.


Đây là chuyện nội bộ giữa ông thầy và sư mẫu.

Ngoài cổng gia trang có treo biển Miễn chiến bài (có dị bản chép là: biển No Disturb).
Chỉ biết ở một nơi cách xa nửa vòng Trái đất:
Cô gái đang nằm rấm rức về cái hạnh phúc ông thầy chỉ giáo.
Cậu trai hướng mắt lên trời: Cầu cho lão sư đêm nay tai qua nạn khỏi!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(TP.HCM 14-3-2010)

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage