Nữ doanh nhân gốc Việt bán hết tài
sản ở Anh để về Việt Nam mở cô nhi viện
Một trong những em bé mồ
côi được đưa ra khỏi Việt Nam trong những năm cuối cùng của cuộc
chiến đã trở thành một nữ doanh nhân thành đạt ở Anh Quốc, nơi cô đã
được một gia đình nhận nuôi khi mới 3 tuổi. Nhưng thay vì hưởng thụ
một cuộc sống vật chất đầy đủ với nhà đẹp và xe sang do chính bàn
tay cô làm nên, người phụ nữ đó lại đang bán hết mọi tài sản của
mình để trở về nơi cô đã sinh ra và mở một trại trẻ mồ côi để chăm
sóc những em bé có hoàn cảnh giống mình khi xưa.
Mời quí vị tìm hiểu thêm về người phụ nữ có tấm
lòng nhân hậu này.không hề biết mình được sinh ra ở đâu, chỉ được
nghe cha mẹ nuôi kể lại rằng cô được một cảnh sát địa phương tìm
thấy vào năm 1969, trong một bụi cây ven đường, chỉ vài giờ sau khi
cô ra đời. Người cảnh sát đó đã đưa cô đến gửi tại một trại trẻ mồ
côi ở Sài Gòn khi đó và cô được đặt tên tiếng Việt là Thị Hiền.

Thị Hiền khi còn ở trại mồ côi ở Saigon.
Cô sống trong một trại trẻ
mồ côi đông đúc và thiếu thốn thức ăn, nơi mà hầu hết các nữ y tá
đều là người Việt và mỗi người trong số họ đều có một suy nghĩ riêng
về cuộc chiến. Nhiều người trong số họ không đồng tình với sự can dự
của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Có lẽ vì thế mà những đứa con lai như Hiền,
vốn có mẹ là người Việt và cha là một binh sĩ Mỹ da màu, thường là
những đứa cuối cùng được chăm sóc và được nhận đồ ăn.
Vào thời gian đó, ở Anh,
một nhóm Cơ đốc giáo đã thành lập một hiệp hội có tên Dự án Trẻ mồ
côi Việt Nam (Project Vietnam Orphans) và họ bắt đầu tuyển dụng các
y tá tình nguyện sang Việt Nam làm việc tại các trại trẻ mồ côi.
Sau khi tới cô nhi viện,
những y tá này nhận ra tình trạng thiếu thốn nơi đây, với những đứa
trẻ suy dinh dưỡng nặng, đặc biệt là những đứa bé con lai. Tin tức
về những đứa trẻ mồ côi đang khẩn thiết được giúp đỡ đã nhanh chóng
lan truyền tới Anh và nhiều gia đình đã đồng ý đón nhận các em.
Hiền là một trong số những
em bé đó và cô đã trở thành một trong những em bé không vận, tức
‘babylift’, đầu tiên được đưa khỏi Việt Nam vào năm 1972, khi cô 3
tuổi.
Cô có cơ hội học hành và
trở thành một người phụ nữ thành đạt với doanh nghiệp riêng có tên
Couture Nail Service ở Beaconsfield. Tên Anh đầy đủ của cô là
Suzanne Thi Hien Hook, năm nay 42 tuổi.
Trong suốt những năm
trưởng thành và lập nghiệp ở Anh, Suzanne không bao giờ muốn nhắc
lại quá khứ của mình trừ khi có người nào đó hỏi cô. Cô cũng không
bao giờ sử dụng tên tiếng Việt của mình và cảm thấy không thoải mái
khi nói rằng mình là người gốc Việt. Thế nhưng một chuyến đi Việt
Nam vào năm 2007 đã thay đổi tất cả những điều đó và đó cũng là lần
đâu tiên trong đời, cô dùng tên tiếng Việt của mình và tự hào nói
rằng mình là người Việt Nam.
Cô kể rằng vào năm 2007,
cô đã sang Việt Nam để dạy tiếng Anh cho trẻ em mồ côi và đã có cơ
hội tìm hiểu về những em bé đó. Cô đã dành nhiều thời gian để chơi
đùa và chăm sóc cho những em nhỏ thiếu may mắn này. Cô nói rằng cô
và các em đã có một mối liên hệ đặc biệt bởi các em dường như chưa
bao giờ được gặp một người mồ côi gốc Việt đến từ một đất nước xa
xôi khác như cô.
Trở lại nước Anh, cô không
thể nào dứt bỏ được hình ảnh về các em nhỏ tại trại trẻ mồ côi, và
vì vậy năm nào cô cũng cố gắng sang Việt Nam để thăm các em. Mỗi lần
như vậy, cái mong ước một ngày nào đó chính cô sẽ mở một trại mồ côi
để đón nhận những em nhỏ như vậy càng lớn dần trong cô.


Suzanne bán bộ sưu tập 300 đôi giày của mình
lấy tiền dành cho trẻ mồ côi.
Cách đây một vài tháng,
khi trở lại Việt Nam cô đã tình cờ gặp lại những nữ y tá Anh đã từng
chăm sóc cho cô thủa nào ở Việt Nam. Cô nói rằng được gặp những
người phụ nữ đó và nghe những câu chuyện họ kể thật là một điều
tuyệt vời. Ngay sau chuyến đi đó cô đã quyết định giờ là lúc phải
biến ước mơ của mình thành hiện thực. Suzanne nói:
“Vẫn còn rất nhiều trẻ
em ở Việt Nam cần được giúp đỡ. Quí vị biết đấy, nhiều em bị bỏ rơi,
bị lạm dụng, v..v. Nhiều năm trước tôi cũng từng là một đứa trẻ mồ
côi giống như các em, nhưng tôi là một đứa trẻ may mắn. Nếu những nữ
y tá người Anh có thể chăm sóc cho tôi trong thời chiến, ở khu vực
chiến sự, thì tôi cũng có thể làm được điều này trong thời bình với
tất cả những công nghệ mới và hiện đại mà chúng ta có. Những đứa trẻ
này đang vô cùng cần đến sự giúp đỡ, và ai đó phải giúp đỡ các em.
Chính vì vậy mà tôi quyết định làm điều này.”Để có thể thực hiện
ước mơ ấp ủ bấy lâu nay, cô đã quyết định bán tất cả tài sản của
mình, gồm một ngôi nhà, được biết trị giá 500.000 bảng Anh, những
chiếc xe Mercedes sang trọng và bộ sưu tập giày và quần áo mà nhiều
người mơ ước có được.
Suzanne cho biết vào tháng
11 tới đây, cô dự định khai trương trại trẻ mồ côi Allambie ở
TP.HCM, mà cô đặt theo tên gọi của nơi mà cô đã từng được chăm sóc
trước đây:
“Allambie là tên của cô
nhi viện mà tôi được chăm sóc vào năm 1972 và có nghĩa là ‘nơi nghỉ
ngơi’. Tôi muốn giữ lại tên này vì tôi muốn làm những điều mà những
nữ y tá ngày xưa đã làm cho tôi.”
Suzanne cho biết tất cả
những gì cô mong muốn là làm sao để trong tương lai các em nhỏ mồ
côi này có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình:
“Kế hoạch trong tương
lai của cô nhi viện là làm sao để các em nhỏ này được học hành đến
nơi đến chốn, để sau này các em có thể vào học đại học hay tìm được
việc làm, tự kiếm tiền và không chỉ có một cuộc sống độc lập mà còn
có những kỹ năng xã hội khác để các em có đủ sự vững vàng cũng như
niềm tin vào những gì các em hướng tới.”
Suzanne nói rằng cô không
bao giờ suy nghĩ lại hay hối tiếc về quyết định từ bỏ cuộc sống đầy
đủ vật chất ở Anh để trở về sinh sống tại nơi cô đã sinh ra cho dù
biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức mới. Cô nói rằng cô sẽ
gắn bó với trại trẻ mồ côi của mình và sẽ dành phần còn lại của cuộc
đời mình cho các em nhỏ mồ côi Việt Nam. Cô nói tiếp:
“Cuộc sống chính là
những gì mà bạn tạo dựng nên, vì vậy nếu muốn làm gì đó thì hãy dũng
cảm và mạnh mẽ, hãy tin vào chính mình và theo đuổi những ước mơ của
chính mình.”
MINH ANH
Chủ nhật, 17-10-2010
* Người tìm chọn và chia sẻ: NGUYỄN VĂN
NGHĨA (Massachusetts 26-10-2010)
|