ngẫm và nghĩ

 

 

 

 

 

 

 

Triết lý "Bà la môn"

 

* tạp bút

 

Chuyện kể rằng anh chàng trai trẻ sau một thời gian dài theo thầy học Đạo, nay muốn xin sư phụ cho ra trường. Theo thông lệ thầy cho một bài sát hạch (giống như kỳ thi tốt nghiệp). Nếu đạt yêu cầu thì được, nếu chưa thì phải ở lại học tiếp.

Thầy ra đề tài: “Có hai anh chàng dạo chơi trên nóc nhà, trượt chân té vào ống khói rớt xuống đất; một anh Đen, một anh Trắng”.

Hỏi: - “Ai đi tắm?”. Anh hoc trò trả lời ngay: “Anh Đen đi tắm”.

 

Thầy: “Sai rồi, anh trả lời thiếu suy nghĩ, anh Trắng nhìn thấy anh Đen tưởng rằng mình đen như vậy nên đi tắm, còn anh Đen thấy anh trắng tưởng mình sạch sẽ như thế nên không thèm đi tắm”.

 

Năm sau, thầy cũng ra đề tài cũ: “Có hai anh chàng dạo chơi trên nóc nhà, trượt chân té vào ống khói rớt xuống đất; một anh Đen, một anh Trắng”.

Hỏi: - “Theo anh, ai đi tắm?”. Anh trả lời : “Anh Trắng đi tắm”.

 

Thầy: “Lại sai, bây giờ thì khác rồi, anh Trắng sẽ biết mình trắng sạch nên không phải đi tắm nữa! Sao anh lại bắt anh Trắng đi tắm, mà không bảo anh Đen?”.

 

Năm sau thầy cũng ra đề tài cũ, và hỏi: “Chúng ta thấy thế nào? Ai phải đi tắm?”.

 

Anh học trò trả lời : “Thưa thầy, chuyện xảy ra như vậy, nên để cho hết cả hai anh Đen và Trắng đều đi tắm!”.

 

Thầy: “Lần này thì anh càng sai trầm trọng! Chúng ta biết là không ai lại đi dạo chơi trên nóc nhà, nên không có anh nào đi tắm cả!”.

 

Nguồn: Internet.

 

Lời bàn:

Câu chuyện này tôi đã được đọc trong một tập truyện của một Thiền sư rất nổi tiếng của Việt Nam.

Tựa đề “Triết lý Bà La Môn” là của chính tác giả, vì không còn được bản gốc nên tôi viết lại ý chính.

 

Mới xem qua ta có cảm nghĩ rằng nó hơi giống như chuyện anh Tám Tàng lên diễn đàn. Nhưng thật ra nó mang một triết lý sâu sắc hơn là một truyện vui. “Ta cần phải biết nhìn vào người khác để soi rọi mình. Phải sáng suốt,  giữ quan điểm của mình và phải biết nhìn vào toàn cục của sự việc trước khi đưa ra quan điểm cá nhân”.


NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM 19-3-2011)

 

 

 

Câu chuyện "Triết lý Bà La Môn" ngoài bài học về luân lý xã hội như thầy Nguyễn Văn Hòa đã trình bày, tôi còn thấy một bài học nữa theo hướng nhìn của Thiền Tông. Tôi xin gửi cho riêng Hòa trong ý hướng chia sẻ suy tư giữa bạn bè.

Triết lý Bà La Môn

Cái rốt ráo của tu đạo là giác ngộ, Thiền Tông gọi là ngộ. Ngộ là tâm thức, tức cái hiểu biết chiếu sâu vào bản thể của vật. Ngộ không phải là trí thức, tức sự biết do suy luận của tri óc. Trí thức chỉ là những biện giải bề mặt của vật mà thôi. Các vị minh sư thường dùng pháp nói nghịch lý như phương cách mô phạm giúp trò tỉnh ngộ. Lời nghịch lý dồn trí thức vào ngõ bí. Khi trí thức không có lối thoát thì tâm thức mở ra.

Trong câu chuyện “Triết lý Bà La Môn”, thầy trắc nghiệm trò 3 lần. Lần thứ nhất trò nói, “người dính đen phải đi tắm”. Điều này rất đúng với mắt quan sát và trí óc suy luận. Trò không sai, nhưng nhìn lạc hướng. Ngộ không do suy luận của trí óc mang tới. Thầy điểm đạo rằng giác ngộ là một chứng nghiệm nội tâm. Nếu cứ nhìn ra ngoại giới thì người dính đen sẽ không đi tắm, vì hắn không biết mình đen. Người tu đức nếu vọng ra ngoài để tìm chân lý, trí óc sẽ lầm và cho địa vị, tài sản, danh vọng là mình. Hắn sẽ không thấy bản thể thật của mình. “Anh trắng” cũng thế, bản thể vốn trắng sạch nhưng nếu không ý thức về giá trị của mình sẽ lạc đường đi tìm nó ở bên ngoài một cách vô bổ. Có ông tăng hỏi thiền sư Bá Trượng, “Tôi mong cầu biết Phật nhưng không biết tìm ở đâu.” Bá Trượng đáp, “Thật, mình đang cưỡi trâu lại đi tìm trâu.” Thầy ngụ ý nói, chính mình là Phật còn phải tìm Phật ở đâu bên ngoài.

Lần thứ hai, trò nói, “người trắng sạch phải đi tắm”. Điều này rất đúng với suy luận. Nó là kết quả rút ra từ kinh nghiệm của cuộc vấn đáp kỳ trước. Nhưng rút lại, trong cả hai kỳ, trò vẫn nhìn ra ngoài và vẫn dùng trí óc để tìm câu trả lời. Thầy nói nghịch lại, cốt để mở tâm thức của trò, “Người đen đi tắm và người trắng không đi tắm vì họ đã biết nhìn vào mình.” Thầy lại để cho trò một thời gian để chứng nghiệm.

Lần thứ ba, trò nói, “Cà hai anh đều đi tắm”. Trò xoa tay khoái chí, phen này thầy không tài nào bắt bẻ được. Đó là cùng kiệt của suy tưởng do trí óc mang lại. Trí óc không thể thấy có một giải đáp nào khác. Không lẽ bị dính đen mà không tắm. Thầy không chịu thua vì thất vọng, nhưng đại lượng và kiên nhẫn. Nhưng thấy trò đã lún quá xa trong suy luận trí óc, thầy giảng, “Không cần đi tắm vì có cuộc dạo chơi nào trên mái nhà đâu mà bị té dính dơ. Ta lấy ngón tay chỉ mặt trăng, sao ngươi không thấy mặt trăng lại chỉ thấy ngón tay. Tại sao trí óc cứ vướng mắc vào câu chuyện dạo chơi nóc nhà tầm phào ấy. Sao ngươi không buông bỏ nó ra để thấy cái chánh pháp của chân lý cứu cánh.”

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, California 20-3-2011)

 

 

 

 
 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage