|
Hội chứng "ngôi lê đôi mách"
Sách Thần Y Hoang Đường Cổ Bản có ghi vắn tắt
về cái hội chứng này như sau: “Đây là chứng bệnh của người ướt
miệng, lưỡi không xương. Khi hớt lẻo thì mắt la mày lét, ngó trước
ngó sau với nhiều tà ý; xì xào to nhỏ vào tai người nghe. Khi dối
trá tới cao độ thì tim đập nhanh, hơi thở rộn ràng, cặp mắt láo liên
gian dối.”
Dối riết thành kinh niên, bất trị. Trưởng Lão Danh Y đề nghị phương
thuốc “Á Khẩu Liệt Dương Hoàn” hoặc “để y dối mãi thành điên cho
rồi”.

Đọc lại Luân Lý Giáo Khoa Thư thấy câu chuyện đáng suy gẫm sau đây:
“Anh Nhị nghỉ học một ngày. Hôm sau đến trường nói dối thầy rằng:
“Hôm qua con sốt, không đi học được”.
Nghiêm ngồi ở cuối lớp, muốn làm cho Nhị phải phạt, đứng dậy mách
rằng: “Thưa thầy, anh Nhị nói dối đấy ạ, hôm qua con trông thấy anh
ấy đi câu với một người nữa ở ngoài bờ sông.”
Thầy giáo ngoảnh lại mắng Nghiêm rằng:
“Tao có hỏi mày đâu, mà mày nói? Thằng Nhị nói dối, có tội đã đành,
nhưng mày mách lẻo như thế thì mày là đứa vô hạnh”.
Cả lớp nhìn Nghiêm ra dáng khinh bỉ lắm. Nghiêm
thẹn đỏ mặt, cúi gầm đầu xuống”.
Tác giả kết luận: “Đứa trẻ hay mách lẻo làm cho anh em bạn phải phạt
là đứa trẻ bụng dạ hèn mạt, làm điều đáng khinh bỉ. Ta không nên
mách lẻo”.
Theo Lisa Kirk, người mách lẻo chuyên môn đưa chuyện người khác; kẻ
vô duyên chỉ nói về mình; người lịch duyệt thì nói nhiều về bạn.
Jack Canfield, tác giả loạt sách The Chicken Soup for the Soul góp ý
“Bằng cách nghĩ và nói tốt về người khác, mỗi chúng ta sẽ là vật xúc
tác cho các cảm nghĩ tốt về mình, tăng niềm vui cho người và khích
lệ sự hài hòa xã hội. Nhưng buồn thay, những lời tiêu cực về người
khác, trước mặt hoặc sau lưng đều đưa tới sự băng hoại, sự mất vui,
làm đau lòng mọi người. Dù lời hớt lẻo có là sự thực chăng nữa thì
khi đi rêu rao, ta đã hạ phẩm giá của ta, của người và của tập thể”.
Cách ngôn Tây Ban Nha có câu “ai mách lẻo với bạn thì họ cũng mách
lẻo về bạn”.
Trong Thánh kinh ta học được: “Nói sai sự thực có chủ ý làm hại
thanh danh của người khác là kẻ mách lẻo. Thượng Đế rất buồn lòng
đối với kẻ nói xấu sau lưng người khác”.- Psalms 101:5.
Và “Biết điều riêng tư dù đúng hay sai của một người mà vội vàng kể
cho người khác nghe là kẻ ngồi lê đôi mách” - Proverbs 11:13.
Ngũ Giới là cơ bản đạo đức của người Phật tử với điều Bốn: Không Nói
Dối, nói trái với sự thật để hại người, mưu cầu lợi cho mình. Người
nói như thế là mất cả lòng nhân, không xứng đáng là một Phật tử.

Nói chung mục đích kẻ mách lẻo thường là:
Để chứng tỏ mình là người giao thiệp rộng, thành thạo mọi sự việc;
Để nâng cao vai trò của mình, hoặc lôi cuốn chú ý về mình;
Để mua ảnh hưởng tạo cảm tình gắn bó với người khác;
Để tỏ tài dí dỏm của mình về chuyện tào lao của người khác;
Để che đậy sự thiếu khả năng nói chuyện của mình;
Để biểu lộ sự tức giận và trả thù đối với một người;
Để gieo rắc nghi kỵ giữa mọi người, hy vọng mang phần lợi cho mình
Để lòe lại khi bị thất thế, uy hiếp;
Để giấu giếm sự mình ghét người đó; vì họ điên khùng - Proverbs
10:18;
Và vì họ không có việc gì để làm - Timothy 5:13
Như một bệnh kinh niên, mách lẻo cũng đưa tới nhiều hậu quả xấu, cho
nạn nhân. Và cho kẻ đưa tin.
Trong mách lẻo có sự bội ước, loan truyền ý tưởng có hại tới danh dự
của người khác có thể đưa tới tan vỡ hạnh phúc gia đình, sự nghiệp,
việc học của nạn nhân.
Khi ta ngồi lê đôi mách là ta đã lấy đi cái quyền đáng lẽ được nói
sự thực của người đó. “Con người thường rất thích nghe chuyện thêu
dệt, với cái vị ngọt và hậu quả cay đắng của nó. Những lời gossip
giống như miếng trái cây ngon ngọt, nó đi lần vào nội tâm xâu nhất
của con người” - Proverbs 18.8.
Có người tự hỏi nếu đời không có gossip (chuyện ngồi lê đôi mách)
thì tẻ nhạt biết mấy, sẽ nói gì với nhau bây giờ.
Có người coi chúng như một thứ giải trí, đưa đà câu chuyện làm ăn.
Nhưng nhiều khi cũng gây khó khăn giao tế, vì nghe một người nói xấu
về người khác thì mình lại tự hỏi bao giờ đến lượt mình bị thêu dệt
đây?! Thế là giao tế trở thành dè dặt hơn.
Câu chuyện một bà nọ truyền lan bịa đặt về một người đàn ông. Khi
biết rằng mình đã làm hại thanh danh người đó, nữ nhân xin lỗi và
hứa làm bất cứ điều gì để bù đắp. Ông ta đưa cho bà một túi lông gà,
bảo ra góc phố tung lông trong gió. Làm xong, nữ nhân hỏi như vậy đã
đủ để tạ tội chưa. Sẽ đủ nếu bà lượm lại được hết lông. Chúng bay tứ
tán khắp nơi, làm sao lượm lại được. Thưa rằng: những lời bịa đặt
của bà đã gây ra những thiệt hại không lấy lại được cho tôi. Chẳng
khác gì những cái lông gà đã tung đi trong gió không sao nhặt lại
được.
Muốn hóng chuyện người, hãy sẵn sàng khi ai đó mở đầu:
Này bà có biết chuyện gì xảy ra cho con Xuân không?
Mày có muốn nghe tin cuối cùng về vợ chồng con Bích không?
Tao muốn hỏi ý kiến mày về vụ ông xếp lăng nhăng với cô Tình…
Này, tớ chỉ nói cho cậu nghe thôi đấy nhé..
Mà không muốn nghe hoặc là nạn nhân thì cũng dễ thôi. Bản tính nhiều
người là thích đưa chuyện.
Nhưng nên nhớ rằng mọi sự việc đều có mặt trái mặt phải; rằng dù chỉ
là một chi tiết nhỏ cũng đủ làm hại người khác; rằng mách lẻo thường
bắt nguồn ở sự không cởi mở. Ai trong chúng ta chẳng có một số lỗi
lầm lớn nhỏ nào đó.
Nói cho nhau hay để thông cảm, rằng ta cũng chỉ là con người thì có
thể giảm những soi mói, bâng quơ bóng gió về mình.

Có người cho là cứ gossip với Thượng đế là thượng sách.
“Nếu thấy ai định nói lén về một người khác thì chẳng nên nghe” -
Timothy 5:19
Tác giả “Words that hurt, Words that heal” Rabbi Joseph Teluskin:
Gossip là một hình thức khủng bố bằng lời nói.
Mà “hủy hoại thanh danh của ai là phạm một tội sát nhân”.
Cách hữu hiệu nhất để chứng tỏ điều đó là dối trá là đối diện với sự
việc bằng việc làm của mình; chạy trốn có thể bị hiểu nhầm là điều
đó có thực”.
Theo Mark Twain, “Cần hai người để làm tổn thương trái tim của ta:
người lén lút nói xấu ta và người thuật lại hành động đó với ta”.
Nếu có người hỏi có biết X nói gì về mình không, thì hãy can đảm trả
lời: không biết và cũng không muốn nghe kể lại. Làm được như vậy thì
không những đời ta thanh thản hơn mà cũng cho kẻ đó hay ta không
muốn nghe chuyện thị phi tào lao.
Cho đỡ bực mình. Và chờ Thượng đế phán xét.
* Tác giả: BS NGUYỄN Ý ĐỨC
* Người tìm chọn và chia sẻ: TT COLO
(Colorado 21-10-2010)
|
|