Lễ hội
Hoa Anh đào ở San Francisco
Ở bên nhà, mới qua cơn
“nắng tháng Ba bà già chết cháy” và giờ này đang trong “tháng Tư đầu
mùa Hạ - Tiết trời thật oi ả” (Nguyễn Khuyến). Trái lại ở Mỹ, hoa
Anh đào nở rộ báo hiệu mùa xuân đang tới. Cuối tuần vừa rồi (April
21-22) ở San Francisco có lễ hội hoa Anh Đào (Cherry Blossom
Festival). Một lễ hội mừng mùa xuân đầy sắc thái văn hóa Nhật.
Một chút gió, một chút
lạnh, một chút sương mù, một chút nắng, hoa và người rực rỡ khắp
nơi… đó là tiết xuân ở phố Nhật (Japanese Town), San Francisco. Biểu
tượng cho tinh thần Nhật ở nơi đây là cây bảo tháp Chùa Hòa Bình
(Peace Pagoda). Tháp có 5 tầng tượng trưng cho thiên hạ khắp 5 châu
kết hợp với nhau.
Đỗ Xanh đứng trước bảo tháp Peace
Pagada
Nhớ quí vị bên nhà đi du
lịch Lagi nên chúng tôi chọn góc đường Laguna, tên phố mang chút âm
hưởng Lagi, để xem diễn hành.
Bà Nước Biếc nhà tôi chiếm
“ghế” hạng nhất. Người xem ở hai bên lề đường nhiều như thế này kéo
dài hơn 30 block phố.
Trong khi đó tôi lo đi săn
hình
Hàng chục ngàn người Mỹ
gốc Nhật dự buổi diễn hành và hàng trăm ngàn du khách tới dự khán.
Có rất nhiều điều để nói
về người Nhật, nhưng những biểu tượng bình dân thường là những chàng
samurai đeo kiếm vác bị đi lang thang và các nàng geisha ở quán trọ.
Thực tế còn nhiều sắc thái hơn nữa trong
nếp sống đời thường. Trên đây là điệu múa vào mùa xuân. Qua đó chúng
ta thấy những cái độc đáo như nón lá, guốc gỗ, dây cột tóc, áo dài
kimono, và quần áo ngắn.
Ngoài văn hóa cổ truyền, Nhật còn nổi
tiếng với truyện vẽ và phim vẽ gọi là Anime. Mỗi truyện có những
nhân vật khác nhau, nếu cộng tất cả, Anime đã sáng tạo ra hằng ngàn
nhân vật. Thanh thiếu niên hiện đại rất say mê những nhân vật ảo
này. Đây là những fan hóa trang thành những thần tượng của họ.
Đoàn diễn hành của nhóm thiếu niên này
rất dài chứng tỏ ảnh hưởng văn hóa của phim ảnh và truyện vẽ. Tôi
nhận ra vài nhân vật tôi thích trong tập Final Fantasy.
Trở lại với điệu múa dân
gian (folk dance), những vũ công này tay cầm những thẻ gỗ đập vào
nhau kêu lách cách theo điệu vung của tay và bước đi.
Để ý chúng ta thấy phụ nữ mặc yếm và quấn thắt lưng như phụ nữ quê
của ta.
Có những cái trống rất lạ. Chúng tròn và
phẳng như cái quạt.
“Xin chào các Miss Anh Đào”
Nhóm Taiko (đại cổ) Dojo gồm trống cái,
trống con và ống đồng.
Taiko nguyên là trống to có hai mặt.
Tiếng trống phỏng theo tiếng sấm dùng để cầu mưa cho nhà nông.
Tiết mục luôn luôn phải có trong mọi cuộc
lễ hội là tục lệ rước thần. Kiệu Gaaru Mikoshi (mikoshi = bàn
thờ) do thiếu nữ rước. Họ vừa đi vừa rung cái kiệu. Càng rung nhiều
thì càng có nhiều ơn phước từ thần rải ra cho dân.
Kiệu thứ hai là
Kanda Mikoshi do nhóm thanh nam rước kiệu.
Họ cũng phải vừa đi vừa rung kiệu lên xuống để thần ban cho dân
nhiều ơn lành.
Điểm chính của buổi lễ
quyến rũ hằng triệu du khách là kiệu Taru Mikoshi. Đó là một bàn thờ
làm bằng thùng rượu sake nặng 10.000 pound (4.536kg) chưa kể 3 ông
cởi trần đứng ở trên. Kiệu được 120 người khiêng. Trên thực tế có
nhiều hơn 120 người vì họ phải đổi phiên nhau. Có rất nhiều người Mỹ
xin được làm phu vác kiệu vì họ cho là vui.
Theo cổ tục, bàn thờ này
được dân chúng tin là nơi ngự của thần linh. Rước thần xung quanh
nơi cư ngụ để thần ban phép lành cho cư dân. Muốn thần ban phép lành
phải rung bàn thờ. Vì kiệu rất nặng nên phải rung theo điệu nhịp
nhàng không thì gẫy tay què chân. Vì vậy có 3 ông từ mặc khố đứng
trên kiệu thổi còi ra dấu. Mỗi lần còi thổi là mọi người hô “saiyo”
(giống như tiếng dô-ta của Việt Nam) rồi rung kiệu một cái.
Trông cảnh đó chúng tôi
không ai nín cười được. Lễ hội kéo dài 2 ngày, nhưng grand parade
đến đây là hết.
Đỗ Xanh xin chào 2 nàng
geisha.
Thầy ĐỖ NGỌC TRANG - cô NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
(Elk Grove, California 22-4-2012)
|