|
Một thoáng chùa Hương
* Ký sự
Suối Yến. (Photo: Internet)
Ngay từ lúc còn nhỏ, cứ mỗi lần đọc bài thơ “Đi
Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp, tôi cảm thấy rất thích thú,
tôi nghĩ rằng chùa Hương chắc chỉ có trong thơ ca. Sau này khi lớn
lên, qua sách báo, tạp chí, qua ti vi, tôi mới biết là chùa Hương có
thật trong đời sống của con người. Nhìn những ngọn núi hùng vĩ,
những chiếc thuyền chèo trên sông đưa du khách tham quan lễ hội,
phong cảnh rất nên thơ và rất đẹp, tôi nghĩ có lẽ mình khó mà thực
hiện một chuyến viếng thăm chùa Hương vì xa quá mãi tận Hà Tây…
Nhưng rồi, có lẽ do trời “độ” kẻ có lòng tha thiết, cuối cùng tôi
cũng đã được đi thăm chùa Hương cùng những người bạn, người em trong
khóa học nâng cao công tác quản lý tại Hà Nội vào tháng 4 năm 2007.
Đoàn chúng tôi đi xuất phát từ Học viện Quản lý giáo dục (số 31 Phan
Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Chúng tôi
đến thị xã Hà Đông (Hà Tây) cách Hà Nội khoảng 80km. Qua khỏi thị
xã, chúng tối thấy bông hoa gạo nở đỏ rực cả một góc trời, lần đầu
tiên tôi mới nhìn thấy bông hoa gạo, thân cây hoa gạo trông giống
như thân cây gòn. Chúng tôi đi qua những con đường làng rất nhỏ, khá
quanh co với những tường rào bằng gạch. Hai bên đường làng là những
căn nhà nhỏ chắc là xưa lắm rồi vì mái ngói rêu phong, tường gạch đã
bị loang lổ nhiều.
Ảnh tư liệu của Phan Ngọc Lạc.
Đoàn đến Bến Yến, có rất nhiều thuyền nan bằng
sắt nằm dọc theo hai bên bờ để chở khách. Người ta buôn bán tấp nập
chủ yếu là các loại bánh, xôi, bông hoa, trái cây, hàng mã để cúng
đình, cúng chùa…
Đoàn vào Đền Trình lạy Phật và các vị tướng
trong đình, mùa này cũng đông người đi lễ, khói hương bay thơm ngát.
Sau đó đoàn chúng tôi xuống thuyền nan để đi
vào động Hương Tích. Trên dòng sông có rất nhiều thuyền nan chèo chở
khách, có xuồng chở đông người, có thuyền chở vài người, một người
chèo ở phía trước và một chèo phía sau, dòng sông nước trong vắt,
hai bên bờ là lúa non xanh ngát, có những chỗ là bãi cỏ xanh, có
những ngọn núi cao nối tiếp nhau nhìn như những con voi không lồ,
anh thợ chụp hình nói “nhìn dãy núi hình thù giống như con voi, có
99 con đều đưa mặt vào trong, có một con đưa mặt ra ngoài, đấy là
con voi chứng”. Đi thuyền đúng 60 phút, chúng tôi đến nơi, hai bên
đường người ta bán đủ thứ thức ăn, hàng hóa, quà lưu niệm, các đồ
dùng để cúng tế…
Ảnh tư liệu của Phan Ngọc Lạc.
Đoàn vào chùa Thiên Trù lạy Phật, chùa rất đông
người, người nước ngoài cũng khá nhiều, chúng tôi thấy nam thanh
niên đi chùa nhiều hơn các chùa trong miền Nam.
Sau đó đoàn mua vé đi cáp treo lên núi. Ngồi
trên cáp treo, chúng tôi nhìn thấy núi non hùng vĩ, cây rừng xanh
mát, những ngọn núi cao nối tiếp nhau để dẫn tới động Hương Sơn,
khung cảnh rất đẹp nhưng cũng có một cái gì đó của sự huyền bí,
hoang sơ, tôi cảm thấy hơi sợ sợ, nếu sống ở đây chắc là buồn lắm.
Đoàn vào động Hương Sơn phải đi những bậc thang rất sâu để xuống
động. Trong động thờ Phật, các vị thần, cô chèo thuyền nói vào tháng
1, tháng 2 âm lịch là đông ghê lắm chen chân không lọt, hôm nay thì
bớt rồi, thế mà chúng tôi còn thấy đông, nếu đi vào những tháng cao
điểm đó chắc là ngộp thở quá. Trong động có nhiều thạch nhũ, có cây
đá vàng, đá bạc, người ta dùng tiền chà vào cây đá vàng, đá bạc để
lấy phúc và mọi người cùng đưa tay hứng lấy bầu sữa mẹ là những giọt
sương từ trên cao rơi xuống theo những khe hở của thạch nhủ, có một
cái gì đó rất linh thiêng khi con người đến động Hương Sơn này.
Photo: Internet.
Khi về, tôi và cô bạn cùng đi bộ xuống núi,
đường đi là những bậc thang bằng đá xanh rất dễ đi nhưng nếu trời
nưa thì cũng dễ trơn trợt, có nhiều cụ ông, cụ bà đi bộ xuống núi,
các cụ bảo đi bộ thích hơn và khỏe hơn, chúng tôi đi ngang qua chùa
Cậu, một chùa nhỏ nằm cạnh đường đi, dọc hai bên đường người ta bán
những đặc sản của núi như các loại thuốc bổ, các loại mộc nhĩ trị
tóc bạc sớm, quả mơ…
Chúng tôi ghé vào chùa Giải Oan nằm trên ngọn núi nhỏ lạy Phật, tôi
thấy có bức tường ngang cạnh chùa bỗng tôi liên tưởng tới câu thơ:
“Đi qua chùa Giải Oan - Bỗng thấy bức tường ngang - Chàng đưa tạy lẹ
bút - Thảo bức tranh liên hoàn…” Ông Nguyễn Nhược Pháp ơi, bài thơ
của ông vẫn còn vang vọng mãi đến hôm nay đấy ông ạ…
Photo: Internet.
Chùa Hương một lần đi một lần nhớ, nhớ khung cảnh nên thơ khi ngồi
trên thuyền nan để đi vào động Hương Tích, nhớ những dãy núi cao
nhấp nhô nối tiếp nhau với cây rừng xanh mát, nhớ dòng sông xanh
nước chảy hiền hòa với những đám ruộng xanh ngát nằm hai bên bờ, nhớ
những chiếc thuyền nan nằm dọc hai bên bờ Bến Yến đón đưa khách, nhớ
thật nhiều khung cảnh đẹp, nên thơ của chùa Hương.
PHAN NGỌC LẠC
(Mộc Hóa 24-8-2012)
Em đi chùa Hương. Nhạc: Trung Đức. Thơ: Nguyễn Nhược
Pháp. Ca sĩ: Tâm Đoan.
|
|
|