du lịch "quá giang"

 

 

 

 

 

 

 

Hạc Xám ở Elk Grove

 

 

Khi nói đến hạc, óc chúng ta thường hình dung ra những con hạc trắng (Snow Crane). Thật ra có nhiều loại hạc với màu sắc khác nhau. Hạc trắng chỉ có ở Nhật Bản, Trung Hoa và Siberia (Nga). Hôm nay tôi xin giới thiệu loài hạc xám (Sandhill Cranes) ở vùng Elk Grove, bang California (Hoa Kỳ), nơi tôi cư trú.

 

 

Hạc xám cao từ 80cm đến 1,2m, nặng từ 3kg đến 7kg. Đầu và mỏ màu đỏ, cổ màu trắng, lông ức đôi khi màu hồng hay vàng. Hạc xám có 2 loại. Một loại to con (Greater) toàn thân màu cát xám. (Nguồn ảnh: Internet)

 

 

Một loại nhỏ con hơn (Lesser) lông màu nâu đất, nhưng vào mùa xuân lông chúng cũng đổi thành màu xám. Hạc đi đâu cũng là một cặp vợ chồng.  (Nguồn ảnh: Internet)

 

 

Bao bọc ngoại thành Elk Grove là những ruộng bắp, lúa mạch (oat), và đồi nho. Cuối tháng Mười, bắp và lúa gặt hết, cánh đồng chỉ còn cỏ rác và những hạt ngũ cốc còn sót lại. Đó là mùa hạc xám từ những xứ lạnh lẽo phương Bắc di cư về tiểu bang Florida nắng ấm, phương Nam. Hạc to con (Greater Sandhill cranes) xuất phát từ tiểu bang Nebraska. Hạc nhỏ con (Lesser Sandhill cranes) xuất phát từ Canada.

 

 

Trên đường thiên di, chúng dừng chân ở Elk Grove chừng hơn 1 tháng để ăn những hạt ngũ cốc còn vương trên ruộng.

 

 

Năm nào cũng vậy, hạc chỉ tụ lại ở một vùng cố định. Để bảo vệ hạc và thiên nhiên, thành phố cải biên nơi hội tụ đó thành vùng sinh thái có tên là Cosumnes River Preserve.

 

 

Cảnh trong đầm Cosumnes River Preserve, Elk Grove. Lẫn lộn với hạc là những con ngỗng và vịt trời. Chúng cũng là loại chim thiên di.

 

 

Khi được 4 tuổi thì hạc xám lập gia đình. Từ đó hạc không bao giờ đổi bạn đời. Một vợ một chồng sống bên nhau cho đến chết, kéo dài trung bình khoảng 30 năm.

Mức sinh sản của hạc rất thấp. Mỗi gia đình chỉ đẻ 2 con là tối đa.

(Nguồn ảnh: Internet)

 

 

Con cái cháu chắt hạc sống quây quần với cha mẹ ông bà tạo thành một hộ. Có hộ đông tới 20 con.

 

Khi tới tuổi kết bạn, hạc đực ngẫu hứng tung ra một màn biểu diễn tài năng để tán tỉnh hạc cái. Màn trình diễn gồm những động tác như xòe cánh, vẹo cổ, xoay người lơ lững trên không, và “ca hát”… Người ta gọi hoạt cảnh này là hạc múa. Nếu hạc cái đồng tình nó cũng múa và hát theo hạc đực. Hội Hạc Quốc tế (International Crane Foundation) đã ghi được 4 điệu vũ khác nhau với những tiếng hạc kêu theo nốt nhạc.

 

 

Cảnh 2 cặp hạc đang múa. Cặp bên trái chỉ có con đực trổ tài, cặp bên phải cả 2 con trống mái đều múa.

 

 

Cận ảnh cặp hạc đang say sưa luân vũ trong tình yêu (Ảnh: Danh Nguyễn)

 

 

Trên thế giới có 15 loại hạc với tổng cộng khoảng 600.000 con và đang trên đường suy thoái dân số. Riêng tại Elk Grove chỉ có hạc xám. Hằng năm có khoảng vài ngàn hạc xám đến California.

 

 

Khác với chim, khi hạc xám bay đầu và chân luôn luôn duỗi thẳng. (Ảnh: Danh Nguyễn)

 

 

Sáng sớm, cảnh vật như trong cõi mộng. (Ảnh: Danh Nguyễn)

 

 

Khi mặt trời mới nhú ở chân trời, sương mù bay là là trên mặt cánh đồng như tấm khăn mỏng phủ lên đầu các ngọn cỏ. Không gian yên tĩnh lạ thường. Tiếng hạc gọi bạn càng làm tăng thêm nỗi tĩnh mịch của cảnh Thu. (Ảnh: Danh Nguyễn)

 

 

Hoà vào không gian lành lạnh, hai cánh hạc cô đơn vượt bầu trời mờ mịt sương Thu. Tâm hồn người xa xứ không khỏi bâng khuâng nhớ nhà và nhớ người. (Ảnh: Danh Nguyễn)

 

 

Nét đẹp thanh tao khi hạc hạ cánh đáp xuống đất (Ảnh: Danh Nguyễn)

 

Để đón chào hạc về, hằng năm vào đầu tháng 11, tỉnh Lodi, cách Elk Grove nơi tôi ở chừng 34 cây số, có tổ chức lễ hội hạc xám (Sandhill Crane Festival). Truyền thống này họ đã có từ 36 năm nay.

 

 

Tượng hạc bằng đồ gốm ở sảnh đường tổ chức lễ hội hạc xám.

 

 

Âm thanh hoan ca của đôi uyên ương hạc được nghệ thuật hóa bằng 2 tiếng trống hợp tấu. Âm thanh trầm hùng của trống đại là tiếng hạc đực. Âm thanh cao và mau của trống con là tiếng của hạc cái. Màn trình diễn do hai nghệ sĩ Nhật Bản trình bày.

 

 

Được hạc xám đến múa chào mừng là điều ai cũng muốn.

 

 

Trong sảnh đường có rất nhiều gian hàng bán các sản phẩm về hạc. Tôi thấy có hai lão trượng cặm cụi khắc tượng hạc và các loài chim. Trông dáng họ gù lưng tỉ mỉ làm việc chẳng khác gì 2 con hạc.

 

 

Đây là 2 tác phẩm đoạt giải nhất của phòng triển lãm. Trước mặt tôi là tác phẩm điêu khắc bằng gỗ theo lối siêu thực. Sau lưng tôi là tác phẩm nhiếp ảnh.

 

 

Từ cổ xưa, ấn tượng về hạc là hình ảnh chim hạc tung cánh bay đi. Đó là hình bóng của tâm trạng nuối tiếc về một viễn ảnh thiện hảo mà con người muốn vươn tới nhưng khó nắm bắt. (Ảnh: Danh Nguyễn)

 

Một câu chuyện có thật về cô bé Sadako ngây thơ ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản). Sadako bị nhiễm phóng xạ bom nguyên tử nên mắc bệnh ung thư máu (leukemia). Bạn của em cho biết theo cổ tích, nếu ai bị bệnh mà thành tâm xếp được 1.000 con hạc giấy thì sẽ khỏi bệnh. Sadako cố gắng xếp hình hạc giấy, nhưng đến con thứ 644 thì em qua đời. Nhà văn Yasunari Kawabata đoạt giải Nobel Văn chương (1968) có một chuyện rất nổi tiếng nhan đề Ngàn Cánh Hạc (Thousand Cranes – Senbazuru -1958). Tất cả đều có một nội dung nằm ngoài ngôn từ hướng về một giấc mộng đẹp đẽ và bình an.

 

 

Thầy ĐỖ NGỌC TRANG - cô NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY

(Elk Grove, California 7-11-2012)

 

______

(*) Sandhill là danh từ chỉ vùng đất cằn bởi có nhiều cát nên thường chỉ có cỏ hoang mọc. Hạc xám sống trong những vùng này nên có tên là Sandhill crane. “Hạc xám” là danh xưng tôi tạm đặt ra chỉ để dùng trong bài này.

 

Xin mời xem một video clip cảnh hạc múa.

 

Sandhill Dance

 

PHỤ CHÚ:

 

 

Để thực hiện phóng sự này, vợ chồng chúng tôi đã phải đi từ tờ mờ sáng cho đến tối trong nhiều ngày thời tiết khác nhau. Chúng tôi lái xe vòng vo trong vùng Cosumnes River Preserve, cách nhà chúng tôi chừng 20km, để săn ảnh. Vì vậy mà hình ảnh tuy chụp cùng một chỗ mà màu sắc và ánh sáng rất khác nhau.

 

 

Khi thấy hạc, bà Nước Biếc nhà tôi cố gắng nhắm một mắt để chọn đối tượng.

Hạc xám rất nhát nên rất khó lại gần chúng. Muốn xem hạc phải dùng ống nhòm. Muốn chụp cận ảnh, máy hình phải có ống kính với độ zoom rất lớn. Máy chụp hình của tôi không có ống kính mắc tiền đó nên không thể nào thực hiện theo ý muốn. Tôi chụp hằng trăm tấm hình rồi phải bỏ đi. Tôi đành phải mượn tạm vài tấm hình trên Internet thế vào cho câu chuyện được rõ ràng.

 

 

Tôi và anh bạn, nhiếp ảnh gia Danh Nguyễn, với ống kính nhà nghề đang khẩn trương chờ đợi hạc đến. Những hình mang tính chất mỹ thuật trong bài này tôi trích đăng lại từ sưu tập của anh.

 

Cả nước Mỹ chỉ có vài nơi hạc xám tụ về. Ngoại ô Elk Grove là một trong những nơi hiếm hoi ấy. Vì vậy tôi cảm thấy rất vui khi được chia sẻ cảnh lạ nơi xứ người với quí vị.

 

Thầy ĐỖ NGỌC TRANG - cô NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY

(Elk Grove, California 7-11-2012)

 

 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage