tư liệu

 

 

 

Triết lý của huy hiệu THKT

 

Trong thời gian góp nhận ý kiến về huy hiệu THKT, chúng ta sẽ bị hoang mang trước nhiều ý kiến khác hướng nhìn. Điều này thường xảy ra nếu chúng ta chưa xác định một triết lý nền tảng cho huy hiệu. Trước hết, chúng ta cần xác định chúng ta là ai. Từ đó mới có cái huy hiệu làm biểu tượng cho chúng ta. Chúng ta không thể làm huy hiêu trước rồi dựa theo hình ảnh của nó mà gán ghép cho chúng ta một ý nghĩa.

 

Triết lý nền tảng

 

Chúng ta là ai? Dù không nói ra nhưng trong tâm nhiều thành viên đã thấy mình qua 3 điểm độc đáo:

1)      Chúng ta là những cựu giáo chức và cựu học sinh trong thời gian của thập niên 60 và chấm dứt vào năm 1975 (?) (thời điểm THKT thay tên khác).

2)      Không gian của chúng ta là những kỷ niệm xoay quanh THKT và tỉnh lỵ Mộc Hóa trong thời gian nói trên.

3)      Sức mạnh của chúng ta là mối tình thầy trò và bạn hữu của những người cùng có chung một lịch sử và đã sống với nhau ở cùng một địa điểm, đóng khung trong khoảng thời gian trên.

 

Ba thành tố trên dẫn tới 3 hệ luận:

1)      Vì lý do tình nghĩa mà chúng ta tìm lại nhau. Do đó nhóm chúng ta là chỉ là một hội thân hữu.

2)      Vì thời gian ngắn hạn, chúng ta không có chính ngôn và pháp lý để đại diện cho một cơ sở giáo dục dài hạn. Chính chúng ta cũng không muốm làm việc đó.

3)      Vì là một hội thân hữu nên thành viên gồm những người tự nguyện gia nhập. Hội có toàn quyền tự do muốn làm gì thì làm theo ý chung của nhóm. Chúng ta không bị ràng buộc vào một nhiệm vụ giáo dục, hay xã hội.

 

Biểu tượng của huy hiệu

 

Với những yếu tố vừa nói chúng ta sẽ chọn những biểu tượng đúng với tiêu chuẩn để đặt lên huy hiệu.

1)      Biểu tượng về thời gian và không gian: theo ý tôi hình ảnh cổng trường cũ hội đủ điều kiện này. Dĩ nhiên còn nhiều hình ảnh khác, nhưng cho đến nay chưa ai tìm ra.

2)      Biểu tượng về chủ đích hội thân hữu: tôi nghĩ danh xưng “Gia đình THKT” vừa là tên của hội, vừa xác định rằng nhóm không đại diện cho cơ sở THKT, vừa là châm ngôn (slogan) của nhóm.

3)      Biểu tượng về thành viên: theo tôi khóm từ “Cựu Giáo chức & Học sinh” đã nói rõ được chủ đề.

 

Những điều nên tránh: Không dùng những chữ gây hiểu làm rằng chúng ta là đại diện cho THKT. Không dùng những hình ảnh mang tính cách nhận lãnh trách nhiệm xã hội.

 

Những vấn đề liên hệ

 

Đã có vài ý kiến nêu ra chẳng hạn như vấn đề (VĐ) nhạy cảm về niên đại 1975. Vân Hồng đề nghị rằng không cần ghi niên đại. Hình ảnh cổng trường đã nói lên đầy đủ ý nghĩa. Tôi ở ngoại quốc nên không nhìn ra VĐ “nhạy cảm” này. Nhưng nếu vậy ta cũng đâu cần bận tâm tới năm thành lập. Chúng ta đâu có thành viên nào sống vào thời 1957. Chúng ta cũng đâu có là đại diện cho cơ sở giáo dục THKT. Nguyễn Thanh Liêm đề nghị thay cổng trường bằng hình ảnh bó đuốc và quyển sách. Theo tôi, đây là biểu tượng về giáo dục hơn là tình thầy trò và bằng hữu. Biểu tượng này rất có ý nghĩa cho các trò còn đang đi học trong trường hơn là cựu học trò. Có ý kiến cho rằng chúng ta phải nối kết với thế hệ đàn em và con cháu. Chúng ta mở rộng cửa cho tất cả mọi người dù họ không phải là thành viên. Tôi rất mong website của chúng ta có những bài do chính chúng ta sáng tác để góp phần vào sự xây dựng xã hội, nhưng không muốn đi ra ngoài khuôn khổ một hội thân hữu.

 

Từ việc sáng tạo huy hiệu, chúng ta lại một lần nữa chứng tỏ khả năng đa năng của nhóm. Chúng ta cũng nhận ra thành viên của nhóm có mặt ở Úc Châu, Mỹ Châu, Âu Châu, và Á Châu (có ai ở Phi Châu xin lên tiếng). Tất cả những tài liệu góp nhặt được, nếu chẳng may không thể dùng, nên lưu trữ vào một tập. Tôi xin tạm đưa ra một tên là “THKT Thư Chí”. Những chi tiết như năm thành lập trường, huy hiệu cũ của trường…v.v. đều có thể được ghi vào sách. Sách có thể được phát hành theo hình thức CD hay video.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove 24-5-2010)

 

 

 

 


 

Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage