thkt chat! chit!

 

 

 

 

 

 

Chat với cô Huỳnh Trung Dung

 

Cô Huỳnh Trung Dung về THKT lúc gần Noel 1969, khi cô đang học năm thứ 2 Khoa Kinh tế của trường Đại học Vạn Hạnh (Saigon). Năm 1972, cô rời THKT về dạy tại trường Kỹ thuật Tây Ninh. Tới năm 1974 thì về Saigon dạy học.

 

Có thể nói không sợ bị thầy Ngô Bảo Toàn gầm gừ vì cạnh tranh cái môn võ "đại nổ" của thầy rằng: cô Trung Dung là một trong những người đã thổi một làn gió mới mẻ, mát mẻ và tươi trẻ vào mái trường Trung học Kiến Tường nơi một tỉnh lẻ vùng biên giới giáp Campuchia. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, (chỉ dám nói dưới mắt học trò thôi, chứ không dám qua mặt quý thầy), cô "đẹp một cách toàn diện", từ vóc dáng thanh thoát, cao cao, thon thả, tới khuôn mặt như tài tử xinêma. Đẹp một cách đài các, kiêu sa nhưng không xa cách. Không chỉ sắc vóc mà cả tính tình, cách xử thế của cô cũng "trên cả tuyệt vời". Có lẽ, đó là lý do mà các bạn học trò nữ chẳng những không "ghen tị" (xin lỗi vì có sao nói vậy người ơi), mà còn coi cô như một thần tượng. Có thể nói rằng, chỉ có những người "mắt bị trục trặc" mới thấy cô Dung... đẹp ít!

 

Chẳng trách mà bọn học trò THKT "nhiều chiện" ngày xưa xếp cô Trung Dung vào Tứ Đại mỹ nhân THKT (ba giai nhân kia là cô Nguyễn Thị Bích Thủy, cô Huỳnh Kim Thọ và cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy).

 

Kiến Đen nói có "pa-tăng" (patent) vì năm cô Trung Dung về THKT cũng là lúc Kiến Đen bước vào ngưỡng cửa THKT, lớp Thất A3 (1969-1970), và được học cô mấy năm. Kiến Đen đã từng chứng kiến những lần cô Dung bị học trò nghịch trét mắt mèo lên hộp phấn, bông phấn và cả ghế ngồi. Lần lớp Kiến Đen bị thầy Giám thị Nguyễn Văn Đấu xuống "hỏi thăm" là trước giờ cô dạy Toán, mấy bạn ở "xóm nhà lá" (bàn chót) dùng đầu thuốc lá châm lên tờ giấy tập thành hình một chiếc đầu lâu trắng rồi treo lên cọng kẽm phía trên bảng, có cắm cả điếu thuốc ngắt nửa làm nhang. Hồi đó, giang hồ THKT đồn rằng cô Dung không chỉ có võ mà còn "chơi bùa" nữa. Đó là lý do của cái đầu lâu kia. Cô Dung vào lớp vẫn dạy bình thường, trong khi cả lớp căng cứng vì hồi hộp. Chiếc đầu lâu phía trên đầu cô vẫn đung đưa, lắc lư theo gió. Một lúc sau, hình như cảm thấy có điều bất thường, khi bọn học trò cứ nhìn lấm la lấm lét lên bảng, cô ngước lên và... sau đó thầy Giám thị có mặt.

 

Hồi đầu năm nay (2010), có được thông tin cô Trung Dung đang sống tại Tây Ninh, rồi kiếm được cả số phone của nhà cô, Kiến Đen và Nguyễn Thanh Phong "Xẹp" quyết định bao một chiếc taxi chạy từ TP.HCM lên Hòa Thành (Tây Ninh) thăm cô. Cô hỏi có cần cô mô tả đặc điểm nhận diện để học trò nhận ra không? Dù sao thầy trò cũng cách biệt nhau suốt từ năm 1972 tới nay, 38 năm trời chứ ít đâu. Bạn Phong tự tin: "Không cần đâu cô, hễ thấy người phụ nữ nào cao và đẹp là em biết ngay là cô." Cô Dung cười lớn trong điện thoại: "Em ơi, bà lão 60 rồi đó!" Thật sự là sau đó, khi cô Dung ra đón ở gần thánh thất Cao đài, Phong thú nhận với Kiến Đen: "Mình chớ hề nhận ra nổi cô!" Phần mình, lúc đó Kiến Đen nhận ra ngay cô Dung, đơn giản vì ở điểm hẹn đón chỉ có một mình cô là... phụ nữ!

 

Từ sau cuộc họp mặt lần đầu tiên hôm Mùng 5 Tết Canh Dần (2010) tại nhà thầy Cao Thành Phát ở Gò Công, giang hồ THKT phong tặng cô Trung Dung ngoại hiệu nữ Chưởng môn phái núi Bà Đen. Có nhiều lý do: cô Dung có võ, cô sống ở Tây Ninh nổi tiếng với Núi Bà Đen, huyền thoại phái Nga My trong Võ lâm Trung Hoa gồm toàn những sư tỷ muội xinh đẹp và giỏi võ, nhiều thầy cô khác thuộc Gia đình THKT cũng được phong làm chưởng môn, trại chủ dưới trướng Minh chủ võ lâm Võ Xuân Sơn,...

 

Cô Huỳnh Trung Dung khi mới về THKT (cuối năm 1969).

 

1. Thưa cô, cái tên Huỳnh Trung Dung có liên quan gì tới thuyết Trung dung (*) của Nho giáo không ạ? Và nó có ảnh hưởng gì tới cuộc đời của cô không?

 

- Cả hai đều ..có.

 

2. Môn Toán vốn bị coi là khô khan nên chủ yếu dành cho cánh đàn ông. Vậy là nữ, cô có thuận lợi gì và khó khăn gì khi dạy môn Toán?

 

- Nói ít, hít bụi phấn hơi nhiều

 

3. Hồi xưa khi xuống lớp dạy Toán, cô chớ hề đụng tới mấy cuốn sách giáo khoa. Vậy thì cô làm cách nào để nhớ được bài giảng?

 

- Đâu chỉ riêng cô. Những thầy cô khác còn siêu hơn cô nữa kìa. Em thử hỏi thầy Phạm Doanh Môn xem.

 

4. Có khi nào cô vận dụng những định đề, nguyên lý trong Toán học để giải các bài toán cuộc đời mình? Nếu có thì kết quả ra sao?

 

- Toán đời có bài nào "đụng hàng" với bài nào để mà vận dụng định đề, nguyên lý... Thậm chí còn không thể hỏi ai hay ngó nghiêng quay cóp. Nhưng mà vẫn phải đối mặt, đâu phải chỉ một lần trong đời! Và gặp những tình huống ấy, đành:
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng (**)
đồng thời lâm râm khấn vái lạy Trời thương con.

 

Ảnh chụp phía trước văn phòng trường THKT năm 1969. Cô Huỳnh Trung Dung (áo đậm) và cô Trần Thị Trị (ôm cặp). Trong ảnh có các bạn Đồng Ngọc Lan, Hữu, Rỏ, Cho, Chiến (chị Hữu Lắm).

(Ảnh do bạn Đồng Ngọc Lan cung cấp ngày 10-4-2010)

 

 

5. Như cô đã tỏ tường, giang hồ THKT phong tặng cô là một trong Tứ đại Mỹ nhân THKT. Cô nghĩ sao về danh hiệu này? Và vào tuổi nào thì cô biết mình không xấu?

 

- Vào ngôi nhà không cửa nẻo, thấy một "hắc y lão bà bà" đang giơ tay há miệng tấu hài kèm theo hàng quảng cáo thật hoành tráng TỨ ĐẠI MỸ NHÂN THKT. Nghĩ sao bây giờ hở Kiến Đen? Danh hiệu cao quý ấy: Ta không nhận nhưng cầm.
- Không mang mặc cảm là gái trời bắt xấu, nhưng cũng chưa bao giờ thấy mình không xấu, dù ở tuổi nảo.
 

6. Ông bà mình tổng kết: hồng nhan bạc phận hay hồng nhan gian truân. Từ thực tế cuộc đời mình, cô chiêm nghiệm thế nào về nhận xét này?

 

- Ông bà nói thì cũng có khi không trúng. Không cứ hồng nhan gian truân hay phận bạc. Nhìn mà xem, trái lại là đằng khác. Tuy nhiên, thường thì:
Hồng nhan -> Sớm được nhiều ưu ái -> Quên mình là ai -> Bi kịch.
 

(Kiến Đen: Thấy chưa, nữ giáo sư Toán THKT bắt đầu lập công thức rồi đó!)

 

7. Người ta bảo rằng: Làm hoa cho người ta hái. Làm gái cho người ta trêu. Huống chi đây lại là một người con gái đẹp. Vậy thì cô thường làm gì khi bị trêu?

 

- Làm thinh

 

(Kiến Đen: Thường thì làm thinh có nghĩa là đồng ý. Rất may cô Trung Dung là một phụ nữ, mà đã là phụ nữ thì như ông bà mình phán: phụ nữ thường nói ngược cái bụng của mình!)

 

● 8. Cơ duyên nào đưa cô về với THKT?

 

- Ý Trời!

 

(Kiến Đen: Vậy thì có biết bao người sẽ phải lập đàn tạ ơn Trời vì cái "good idea" này!)

 

9. Cô có thể kể lại ấn tượng và điều làm cô nhớ mãi trong ngày đầu ở Kiến Tường?

 

- Cá! Cá lội tung tăng quanh chân giường. Cá trườn lên mặt lộ. Bữa ăn, cá nhiều hơn cơm. Ngày đầu ra chợ, thấy con cá lóc dài hơn nửa thước, tự hỏi nếu làm dâu xứ này không khéo mất mẹ chồng!
- Điều đáng nhớ, rất nhiều, nhiều lắm. Nhưng chuyện không thể nào quên là như vầy :
Mùa nước nổi năm 1970. Ở chung nhà với anh em Dũng, Hùng, Mai, Lan. Khu nhà song lập bỗng chốc thành cô lập, bốn bề những nước. Phương tiện để từ nhà ra chợ lúc đó là xuồng ba lá và... "phi thuyền" (các thành viên THKT chắc không ai xa lạ với phương tiện dã chiến làm từ chiếc thùng phuy cắt dọc rất ấn tượng này.) Hàng ngày đến trường, vẫn quá giang đò ra đầu phố chợ. Một buổi sáng, chuẩn bị đi dạy, Hùng (lúc đó học lớp 6 thì phải) cười hí hửng khoe chiếc xuồng ba lá vừa mới được ba mẹ đặc cấp và ân cần xin được đưa cô giáo đi. Cô giáo cũng rất mừng vì từ nay chắc khỏi phải lụy đò (!) Áo dài quần rộng thướt tha, cặp ôm trước ngực, giày gót cao gần nửa gang tay.. cô nhẹ nhàng uyển chuyển bước xuống xuồng. Học trò nhỏ tay ghìm mái chèo, gồng mình giữ thăng bằng. Xuồng chòng chành và bất ngờ ùm một cái... lật úp. Điều gì đã xảy ra?!
Hùng kịp bơi thoát ra ngoài. Còn cô giáo (tội nghiệp thân tôi lúc đó biết chừng nào) có lẽ không khác một con mèo ướt, quơ vội chiếc cặp đen đang bồng bềnh trên sóng nước chui tọt vào nhà mặc cho Hùng mặt mày tái xanh, hì hục lật xuồng lại, tát nước còn bị Dũng vừa phụ, vừa hăm he: Lát nữa biết tay tao!
Kỷ niệm với Hùng không phải chỉ bấy nhiêu.
Một buổi trưa. Trời vừa xong cơn mưa lớn. Cô giáo đến trường. Việt Hùng ôm vở theo sau. Cô đi từng bước khẽ khàng sợ "Áo em bùn lưa thưa". Bất ngờ, một chiếc GMC lao nhanh qua xé toang vũng nước sình trước mặt. Không còn chọn lựa nào khác, cả hai đều đứng yên, nhận đủ. Không có gương để soi nhưng cũng thừa biết lúc đó mình khó coi cỡ nào bởi nhìn Việt Hùng thấy như một một mảng tranh ấn tượng. Trở vội gót hài, quày quả về nhà thay đổi xiêm y, chẳng kịp ngó ngàng gì đến cậu học trò nhỏ đồng hành đang mặt mũi méo xệch, mình mẩy tèm lem.
Xin được nói thêm :
- Trước ngày 26-6 vừa qua, Hùng đã có nhã ý tự tay lái xe đưa cô giáo ngày xưa của mình về phó hội, Bách nghe được cười ha hả: "Có mang máy bay đến đón, cô Dung cũng không dám đi cùng..."
Được học trò quan tâm chăm sóc, hạnh phúc và hãnh diện lắm. Có biết cho cô không hỡi Hùng thân mến?
- Sau lần tắm nước lụt, những lần phải "loay hoay với trời nước mênh mông" (ngôn ngữ của thầy Bùi Trung Tính), một học sinh đã ra tay chèo chống đón đưa. Gần 40 năm mới nói lên lời cám ơn. Có muộn lắm không An Ngọc Quang?
 

10. Hồi xưa bọn học trò THKT rỉ tai nhau rằng: "cô Dung có võ đó". Thiệt hư ra sao thưa cô?

 

- Có. Tập chút ít để rèn luyện cơ thể. Không thể và không dám tự nhận là CÓ VÕ, e rằng thầy Nguyễn Hữu Hệ (***) sẽ "hỏi thăm".

 

● 11. Có giai thoại: Do thấy cô Dung chuyên mặc áo dài xanh, bọn học trò "nhiều chuyện" muốn biết là cô thích màu xanh hay chỉ có một hai cái áo dài xanh nên phải mặc một màu. Có bạn đã tìm cách tới thăm nhà cô và lén đếm số áo dài cô có, sau đó về tri hô lên: Cô Dung có cả chục chiếc áo dài xanh. Vậy thì vì sao cô chọn màu xanh?

 

- Cho khoe thêm chút xíu: Trong hành trang còn có nhiều màu áo khác, nhưng "kết" màu xanh vì:
- Bụi phấn không ảnh hưởng
- Cảm giác mát dịu cho bản thân và người xung quanh
- Hình như có người khen!
 

(Kiến Đen: Ông nhà thơ Nguyên Sa có 2 câu thơ bất hủ: "Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường." Sau 40 năm, hết hạn giữ bí mật, xin công khai rằng: ngày ấy, chiếc áo dài xanh của cô Trung Dung đã làm đảo điên, say xỉn nhiều đấng mày râu THKT, say xỉn còn hơn là uống rượu đế Bắc Chan nữa. Quý thầy thì "mến lá sân trường", còn bọn học trò đệ nhị cấp thì biết thân phận mình đành ra Cửa Đông mà nhá... cỏ xanh. Nhưng chưa ai mãnh liệt và lãng mạn bằng thầy Nguyễn Đức Nhuận, chuyên gia làm thơ tình dễ như lấy từ trong hồ lô rượu ra. Thầy nói mình mà "mết" màu áo xanh thì sẽ về "quét lá sân trường". Rất tiếc là thầy Nguyễn Seattle Tiên sinh về THKT khi cô Dung đã "thăng" - chữ của thầy, nếu không thì sân trường THKT của Gia đình mình ắt đã luôn sạch sẽ!)

 

Cô Trung Dung và cô bạn học Ngọc Thu năm 1973 tại Tây Ninh. Hiện nay, Ngọc Thu đang là luật sư tại TP.HCM.

 

 

12. Bạn Nguyễn Thanh Phong "Xẹp" tới nay vẫn còn nhớ: Năm bạn ấy học lớp 8P, cô là giáo sư chủ nhiệm. Ngày đầu tiên, cô hỏi trong lớp ai là người quậy nhất? hay nói chuyện trong lớp nhất? Cả lớp đồng thanh chỉ... Phong "Xẹp". Vậy là cô sắc phong bạn Phong làm trưởng ban trật tự của lớp. Xin hỏi, với tư cách chưởng môn (hồi xưa là chưởng môn lớp 8P, nay là chưởng môn phái Núi Bà Đen), cô gọi đó là chiêu thức hay bí kíp gì trong võ lâm? Có linh nghiệm không? (Xin bật mí với cô là cho tới bây giờ, bạn Phong "Xẹp" vẫn còn "quậy" tới bến và siêu.... nhiều chuyện sau khi nạp vài ba lon Heineken!)

 

- Đường Môn gọi là DĨ ĐỘC TRỊ ĐỘC.

Với gia đình Mộ Dung Cô Tô là GẬY ÔNG ĐẬP LƯNG ÔNG.

 

13. Cô có biết là ngày xưa THKT (không phải Ngày xưa Hoàng thị...), chiếc áo dài xanh của cô đã làm bao nhiêu đấng mày râu THKT (cả quý thầy lẫn bọn học trò nam đệ nhị cấp) phải đâm ra "mến lá sân trường". Vậy có khi nào cô mất ngủ vì một THKT-nhân nào không?

 

- Ngày đó thì không. Mấy ngày nay, phải tự thú là nhiều người ở THKT đã làm cho cô mất ăn mất ngủ, trong đó có Kiến Đen với cái vụ phỏng vấn này.

 

14. Hồi thời THKT, cô chuyên trị tóc ngăn ngắn, có người nói theo kiểu cô đào Mỹ Marilyn Monroe. Còn bây giờ cô lại chuyên tóc dài xõa ngang lưng. Có gì bí ẩn phía sau chiều dài của mái tóc?

 

- Lúc nhỏ, cắt tóc kiểu Jean Seberg, vừa gọn, vừa đỡ tốn tiền. Trước ngày về trỉnh diện THKT, ra tiệm nhờ làm tóc giống Sandra Dee, về nhà gội xong thành Marilyn Monroe (nhận xét của Kiến Đen). Giờ thì cam chịu "tóc dài thả gió tung bay" vì chưa nghĩ ra kiểu tóc nào thích hợp hơn.

 

(Kiến Đen: Phải chăng Gia đình THKT mình nên phát động cuộc thi tìm kiểu tóc cho cô Trung Dung? Dân gian ta có câu ca dao: "Trúc xinh trúc đứng đầu đình. Em xinh em đứng một mình cũng xinh." Từ định đề đó, ta suy ra: "Trúc xinh trúc đứng đầu đình. Cô xinh trọc lóc cũng xinh nhất trường!")
 

15. Hồi ở THKT, cô thường đi dạy với chiếc cặp táp bằng da đen to đùng. Bây giờ, sau hơn 40 năm rồi, cô có thể bật mí, dù chỉ hi hí, về những gì đựng bên trong chiếc cặp hoành tráng đó không?

 

- Cặp đen - Nếu ngày đó là hộp đen thì hôm nay đã có video clip TẮM NƯỚC LỤT minh họa cho phần trả lời câu hỏi số 9. Đựng gì? - Tài liệu giảng dạy (dù không mở ra xem trong lớp), giấy viết, khăn tay, áo đi mưa (hết thắc mắc tại sao cặp lúc nào cũng căng phồng rồi nhé). Trong ngăn nhỏ, vài tấm ảnh của những người thân, một ít tiền. Ngoài ra còn có thêm hộp đựng kim chỉ và một cây quạt giấy. Hình như khi đặt câu hỏi này, Kiến Đen muốn thử xem cô trung thực đến mức độ nào. Cô đã bảo là có sao nói vậy mà!
 

(Kiến Đen: Mèng đét quỷ thần ông địa ơi. Cô nói vậy hóa ra hồi xưa Kiến Đen từng thò râu thám thính cái cặp da to đùng của cô sao?)

 

● 16. Cô nghĩ thế nào khi bây giờ lại được vui vầy bên các đồng nghiệp và học trò THKT xưa sau gần 40 năm cách biệt?

 

- Xin mượn lời thầy Cao Thành Phát: NHƯ MƠ.

 

● 17. Xin cô cho THKT biết đôi nét về cuộc sống hiện nay của mình.

 

- An phận!

 

18. Bây giờ cô đang sinh sống bằng nghề vẽ áo dài. Xin cô kể về việc mình đến với nghề này và sau bao nhiêu năm làm nghề vẽ áo dài, cô có những ý nghĩ thế nào? và có những dự định ra sao?

 

- Đam mê từ bé. Sau bao năm chìm nổi trong nghề, vẫn chưa hề có ý rửa tay gác cọ.
Hỏi: Dự định làm gì?
Đáp: Còn có thể làm gì!
 

● 19. Cô muốn nhắn gửi điều gì cho Gia đình THKT?

 

- Nhắn gửi: Lời yêu thương trao đến cho người!

 

Cô Trung Dung và anh Nguyễn, học trò THKT, trong cuộc Họp mặt Thầy trò THKT "Về thăm trường xưa" ngày 26-6-2010 ở Mộc Hóa.

 

 

● 20. Kiến Đen xin lỗi cô vì đã hỏi cô quá nhiều, dai như đỉa trâu Đồng Tháp Mười. Nhưng cũng hên cho cả hai, cuộc phỏng vấn này được thực hiện gián tiếp qua e-mail, chứ nếu mà có dịp phỏng vấn trực tiếp, e rằng số lượng câu hỏi sẽ phải nhân tới n lũy thừa. Thay mặt hãng tin THKT - Tin Hay Không Tin, em xin chân thành cảm ơn cô đã nhận lời và "qua truông" xuất sắc cuộc phỏng vấn này.

Nhân tiện, cô đề xuất nhân vật nào sẽ được hãng tin THKT - Tin Hay Không Tin phỏng vấn lần tới?

 

- Cô đề nghị cô Nguyễn Thị Bích Thủy.

 

● 21. Nhưng mà xưa nay cô Bích Thủy vẫn đứng chung liên danh với phu quân là thầy Đỗ Ngọc Trang thành đôi TT Cali...

 

- Cô biết chớ. Nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ. Thầy Đỗ có muốn trợ giúp hiền thê thì cũng phải đứng sau cánh gà... Hơn nữa, phụ nữ có những chuyện của phụ nữ, thầy Đỗ sao can dự được?

 

KIẾN ĐEN

(Hãng tin THKT - Tin Hay Không Tin 22-12-2010)

 

(*) Thuyết Trung dung (trung là không ngả về một thái cực nào, dung là dung hòa, thích hợp với hoàn cảnh) là một trong những triết lý sống của người Á Đông.

(**) Cô Dung: Vì phải một thân một mình tả xung hữu đột đỡ "đòn" của Kiến Đen nên chuyện "mượn tạm, cầm nhầm" là không tránh khỏi. Mong được mỉm cười xí xóa.

(***) Thầy Nguyễn Hữu Hệ hiện là huấn luyện viên võ thuật tại TP.HCM.

 

Cô Huỳnh Trung Dung (ảnh chụp tháng 11-2010 tại Tây Ninh).

 


 

Trang Chat chit với cô Huỳnh Trung Dung được Google thể hiện trong công cụ Search hôm 30-12-2010.

 

CÂU HỎI QUÁ GIANG:

 

* Từ bạn Nguyễn Thị Vân Hồng (Michigan):

Cô Trung Dung không muốn Vân Hồng gọi bằng cô. Cô chỉ muốn chúng tôi coi nhau là tỷ muội. Vậy để muội quá giang một câu hỏi tỷ nhé:
- Tỷ hội đủ 3 cái đẹp mà người phụ nữ nào cũng mơ ước, đó là: Người đẹp. Tên đẹp. Mái tóc đẹp. Người thì do Trời ban, tên do Cha mẹ đặt. Vậy thì có bí quyết gì, ở tuổi này mà tỷ còn giữ được mái tóc dày, dài và mượt mà như vậy?

 

Cô Huỳnh Trung Dung: - Nhìn ảnh, muội khen tóc tỉ dày. Thích lắm. Nhưng đành phải khai thật: Kiến Đen và "Già" Bách liên thủ làm photoshop cho tỉ đấy!
Dài ư? Ba mươi năm lẻ, chỉ ngần ấy sao? Vừa đủ cột đuôi gà!
Mượt? Nói ra càng tủi phận - Có ai sờ sờ vào đâu nên còn nguyên độ bóng.
Vân Hồng ơi, muội đừng hỏi thêm gì về nhan sắc của tỉ nữa. Chẳng lẽ tỉ phải khui hết ra sao?

 

(Kiến Đen: Thì ra chị Vân Hồng nhà ta rất khoái được xưng hô tỷ tỷ muội muội với cô Trung Dung. Tình hình là không thể không đưa ra hai tùy chọn: a. Cô Trung Dung muốn được xếp vào nhóm "trẻ" như chị Vân Hồng. b. Cô Trung Dung coi chị Vân Hồng cũng... nhiều tuổi như mình.

Riêng với câu trả lời này, rõ là cô Trung Dung cũng cà ngơ cà ngất, lơ lửng trên mây như chị Vân Hồng. Lẽ ra, cô phải gọi điện thoại cho đại diện mấy hãng dầu gội đầu để "ra giá" rồi trả lời rằng: "Tóc cô dày, dài và mượt là nhờ... Sunsilk Bồ Kết hay Clear Bạc Hà đó!")



* Từ bạn Trần Ngọc Bách (TP.HCM):


- Câu 1: Chắc cô còn nhớ vụ án "con ễnh uơng" tại lớp 9A1 cách đây gần 40 năm mà em là tòng phạm. Cô có suy nghĩ gì về vụ chọc ghẹo này?

- Câu 2: Nếu cho thời gian quay trở lại, cô có chọn THKT là nơi đầu tiên trong sự nghiệp dạy học của mình không?

 

Cô Huỳnh Trung Dung: - Nếu sớm biết trong cái gói vuông vuông ấy chỉ vỏn vẻn một con ễnh ương đang thoi thóp thì cô đâu phải bôn ba lên văn phòng, Bách và Điền cũng đâu phải gần cả tuần ôm cặp lang thang trên Núi Đất

- Xin Nhận Nơi Này Là Quê Hương.


 

* Từ thầy Nguyễn Đức Nhuận (Seattle):

Chị Dung thân. Hồi tụi em về trường, chị đã thăng rồi, nên không biết dung nhan mùa hạ của chị ra sao, nhưng trông ảnh thì rõ ràng "danh bất hư truyền". Thế nên, cư dân trên trang THKT chẳng tiếc lời ca ngợi...
Nghe KĐ bật mí: Chị có mười mấy cái áo màu xanh.... Vậy thì, ngày xưa có bao nhiêu chàng... quét lá sân trường vậy chị? Bật mí một chút "ngày xưa Huỳnh thị..." cho đời vui, chị nhé.

 

Cô Huỳnh Trung Dung: Ngày ấy - Lá sân trường
Ai mến
Ai thương
Ai hờn
Ai ghét
Có ai hé môi
Nên nào ai biết
Nhưng mãi đến bây giờ vẫn chưa quên một người, ngày qua ngày, không quản nắng mưa, miệt mài quét lá sân trường. Không biết bây giờ người ấy nơi nao?!

 

(Kiến Đen: Nếu như ngày ấy thầy Nguyễn về THKT cùng thời với cô Trung Dung thì bây giờ với câu trả lời đầy ý nhị và bí ẩn như thế này của cô, cầm chắc thầy Nguyễn lại phải tìm đáp án với sự trợ giúp của cả chai rượu Tây chớ không ít đâu!)



* Từ thầy Phạm Doanh Môn (Canberra, Úc):

Kính gửi cô Huỳnh Trung Dung. Xin có một câu hỏi quá giang gửi phỏng vấn cô nhé. Ngày xưa… khi phê thành tích biểu cho học sinh THKT, tôi nhớ có đọc được vài lời phê hơi lạ và hơi “lửng lơ con cá vàng” của cô như: “Học khá, nhưng ….”. Xin được thắc mắc, trong lời phê trên, qua cụm chữ:” … nhưng …” cô muốn nhắn gửi điều gì đến em học sinh này và cô có nghĩ rằng em đó sẽ hiểu được những lời cô nhắn gửi cho em không? Cảm ơn cô.

 

Cô Huỳnh Trung Dung: Xin được nghiêng mình bội phục trí nhớ có một không hai của thầy Phạm Doanh Môn và xin thưa với thầy: Cả đôi bên cùng RẤT HIỂU.


 

* Từ thầy Ngô Bảo Toàn (Tân An):

Xin cô Huỳnh Trung Dung vui lòng cho chúng tôi được biết: theo lời tiên đoán của nhà thơ Phạm Thiên Thư là trong vòng một năm tới [Lời tiên đoán này đã xảy ra hơn 4 tháng rồi], cô Trung Dung sẽ được hiện thực một chuyện vui vui gì đó? Vậy xin cô cho biết, điều này có diễn ra đúng như lời nhà thơ "Đưa em tìm động hoa vàng" hay chưa? Và đã được cấp độ nào rồi?

 

Cô Huỳnh Trung Dung: Que sera, sera.
Ngô Nguyên soái yên tâm. Kiếm Ỷ Thiên đã gãy, Cửu Âm Chân Kinh cũng thất truyền. Dù sao chăng nữa cũng không tìm đến Động Hoa Vàng vấn an tác giả Ngày Xưa Hoàng Thị như thầy Ngô đâu.


 

* Từ bạn Lê Kim Ngọc (Canada):

- Thua Co, la nguoi may man duoc gan gui voi Co những khoang thoi gian sau nay, cung nhu duoc Co chi day về môn vẽ trên lụa, (mac du con van biet minh khong phai la hoc tro gioi !!! ). Con lông bông va lam nguoi lu khach ngay noi chon nhau cat run cua minh. Gap Co, con biet Co la 1 artiste (nghệ sĩ) qua nhung tac pham cua Co ma con thay duoc. Con ngac nhien vi nhung nghe si thuong song tu hop voi nhau: Hollywood la noi tu hop cua nhieu ngoi sao dien anh; New York co nhieu nha xuat ban noi tieng va nhung nguoi viet van song o do; Paris co nhung tiem cafe ma nhieu thap nien la noi gap go cua nhieu nha van, nha tho, nha viet kich, hoa si noi tieng ... Con ngac nhien vi thay Co khong he co 1 contact nao voi the gioi nghe si ca.
Cac khach hang cua Co phan lon la nhung co tho may, nhung nguoi het suc binh dan, ho mang hàng đến cậy cục nhờ cô vẽ. Co lan con thay Co bo het cac cong viec dang lam dở, de bat tay vao trang tri cho 1 khăn hoàng hậu, chac la cua 1 cô dâu nao do, Co noi: em biet nguoi lam khan nay kheo lam, nhung ho ngheo, vi vay Co lam truoc de ho kip giao cho nguoi ta, kiem chut tien!
Co hom con den thay Co dang hoan thanh những mẫu vẽ tren 1 cai ao, con xuyt xoa vi nhung duong nét vẽ hoa lá rất tinh tế, chi tiết va mau sac phối hợp rat dep, nhung 1 lat sau, tho may den lay ve giao cho khach, con tiec ngan ngo va uoc gi Co co 1 showroom de trung bay nhung gi co da ve.
Con mong uoc 1 lan duoc gioi thieu Co voi nhieu artiste khac tren the gioi nhu sau: “Day la 1 nguoi dan ba Viet Nam. Nàng cung nhu dat nuoc chung toi, cac ban khong bao gio tim thay nhung lâu đài, thành quách đồ sộ, hay nhung tac pham tuyet tac, boi vi tu co chi kim, truoc nhung xam lang, chien tranh, dan toc toi chua bao bao gio duoc yen de co thoi gian lam nen nhung tac pham lon lao. Nang cung vay, truoc nhung kho khan cua cuoc song, nhung ganh vac gia dinh triu nang, thieu moi phuong tien, gan nhu cô lập trong vung que nho, moi ngay nang dùng cây cọ vẽ va mau sac tao ra nhung tac pham, thuc tien nhat la tren nhung ta ao dai hay ao ngan, để mưu sinh, nhung bang bac trong cach song, su tinh lang truoc dâu biển đổi dời, nhung doi xu voi nhan the, doi voi toi, la 1 buc tranh tuyet dieu, khong ai co duoc!”
Dau nam nay, 2010, con tro lai VN va gọi cho Co, con nghe Co mung ro ke ve doan hoc sinh hoi xua o Kien Tuong, Moc Hoa lien lac duoc va bat ngo den tham Co. Tu do moi ngay con den, deu duoc Co ke va cho xem hinh anh cua THKT.
Nay qua web THKT, con xin duoc Co giai dap nhung thac mac tu lau nhung khong dam hoi:


1 / Trong cong viec lang le hang ngay, nhin thoi gian va cuoc doi troi qua, Co nghi ve dieu gi de an ui su đơn lẻ va mo uoc gi cho tuong lai? (Con den nha Co hoai nen co vai lan gap mấy chú có ánh mắt và tỏ vẻ tử tế khac thuong, còn Co thi van bình thản. Thay vay, con trong long tham uoc gi minh co 1 vai anh "hiền” nhu vay de “sai vặt” thi khoe qua!!! Sui cho con la ket than voi anh Bách, anh nay “dữ” qua chung!)

2 / Con nghe may anh o THKT noi hoi xua Co day mon toan o Moc Hoa, lam con kha ngac nhien, vi con biet Co qua khia canh khac đầy hoa lá và văn thơ, co phai vi co thay may anh nay hồi đó mat may nhon nhac, phá như quỷ, nen hoi do co dem tho van ra ma noi cung chi uong cong thoi?

Cô Huỳnh Trung Dung: Ngọc thương.
Ngày về THKT, dì là tư nhân dạy giờ. Muốn biết TNDG là sao, Ngọc xem lại bài hồi ức TRUNG HỌC KIẾN TƯỜNG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ của thầy Bùi Trung Tính. Nếu chỉ chuyên trị môn Toán, chắc dì phải ăn cá linh trừ cơm, nên đành khệ nệ vác thêm nào Công dân, nào Sử, nào Địa, nào Pháp văn! Đã vậy, còn dám quảy gánh Văn thơ sang đất thầy Nhiêu rao bán (*). Có lúc cả gan nhận luôn phần Vật lý (không trị liệu), bây giờ nhớ lại còn... run. Cày một tuần trên dưới 40 giờ, nên chi hồi nào cũng áo xanh thấp thoáng sân trường, mặc ai ngó, mặc ai không ngó.
Các anh ở THKT gửi lời cám ơn Ngọc đã quan tâm. Chừng nào Ngọc về lại VN, chắc chắn sẽ được các anh ấy vây quanh chào đón cẩn thận lắm đấy, nhất là cái anh "Già" Bách "dữ"!

(*) Lúc bấy giờ, thầy Đoàn Văn Nhiêu là hiệu trưởng trường TRUNG HỌC BÁN CÔNG MỘC HÓA.

 


Trang thông tin cá nhân của cô Huỳnh Trung Dung.

 

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage