dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:

Hòn vọng... thê

 

 

* tạp bút 

 


Kể từ hôm vợ thằng Hai Sầu đành đoạn bỏ con sâu rượu "yêu dấu" của mình mà ra đi (*), thằng Hai Sầu lòi cái buồn của nó ra mặt! Mà hễ càng buồn thì nó lại càng nại cớ đó ra để "dớt” thêm vài xị đế Gò Đen cho có thêm mùi vị thất tình với người ta. Ngày đêm, nó những mong hy vọng sao cho cứ mỗi lần "cử bôi tiêu sầu" thì... cái bộ đồ lòng queo quắt của nó được vơi đi phần nào những nỗi ấm ức với... cố nhân! Mà hỡi ơi, có bài hát sao sến nào đó đã từng giải nghĩa cho nó rành rọt rồi: “Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm!” (**) Nhưng với nó thì ngược ngạo lại: Dù nó cố muốn nhớ đến đâu cho giống bản nhạc não lòng kia thì với cái đầu đầy nhóc… hơi cồn 45 độ cố hữu của hắn cũng đành phải chịu: "Thà phóng thê chứ ai phóng tửu".

 

Nguồn: Internet.


Vợ thằng Hai Sầu ra đi được vài bữa thì Hai Sầu không còn buồn bã gì nữa. Bây giờ tâm trạng của nó lại bắt đầu thuyên chuyển qua tiết tấu mới hơn: "Hận tình đen bạc, khạc nhổ kẻ vong ân" bởi lý do là các chiến hữu chung mâm dần dần lánh xa nó. Vì đâu? Ngày trước lúc còn thím Hai Sầu ở nhà thì lần nào Hai Sầu cũng rộng rãi bao mâm cho bạn bè [tiền mồi nhắm, rượu cụng là phần vợ Hai Sầu phải trích ra từ tiền công chèo xuồng đi cắt bàng xa hàng chục cây số rồi đem về nhà giã bàng cả đêm và suốt mấy ngày liền ngồi cong lưng đan đệm]. Ngó quanh quất trong nhà, thấy cái gì còn kha kha giá trị là Hai Sầu đều đem cầm cố hay bán chác để có tiền mua “dung dịch màu trắng có vị cay nồng, thơm thơm mùi nếp mới đầu mùa” về nhà để rồi ngồi một mình và tự... nốc! Thấy hắn ngồi uống rượu một mình, chị Tám Nhiều nhà bên ghẹo chọc:


- Mọi lần tui thấy anh Hai nhậu chung nhiều người, vui lắm mà. Sao hôm nay ngồi "chia" có một mình vậy anh Hai?


Hai Sầu ngẩng mặt nhìn chị Tám rồi trả lời giọng trịch thượng:


- Sao bây biết tao nhậu có một mình? Còn hai tay nữa đang nhậu chung với tao, mày không thấy sao?


Chị Tám nhìn quanh quất rồi trố mắt ngạc nhiên:


- Hai tay nào? Tên gì và ngồi chỗ nào mà tui hỗng thấy?

 
Hai Sầu bật cười ha hả:


- Thì thằng tay Mặt với thằng tay Trái của tao chớ ai mà mày hỗõng thấy.


Nói xong, hắn giơ hai tay lên trời như chỉ cho chị Tám Nhiều: Hai tay đang thù tạc với hắn là như thế đó!


Chị Tám Nhiều kêu trời, rồi hết có ý kiến ý cò gì thêm. Chị ta ngoe nguẩy bỏ đi một hơi cái rẹt.


Thấy hoàn cảnh ngày càng bi đát cho Hai Sầu, và vì tình làng nghĩa xóm nên bà con gần xa cùng hẹn nhau tụ họp lại để an ủi, khuyên can cho hắn vơi sầu đi. Bà Sáu Lanh an ủi:


- Thôi duyên phận do trời, bắt bây phải bẽ bàng rồi thì bây có buồn cũng vô ích. Uống rượu cho cố vào, không làm sáng sủa gì thêm hơn mà có khi bây bị "hắt–i-vê" ăn cái gan bây hỗng chừng à! [Bà Sáu Lanh này lộn với virus HBV siêu vi gan rồi!]


Chị Tám Nhiều thì an ủi một cách quá khích:


- Anh Hai à, hơi đâu mà anh buồn cho mất công. Cái ngữ đàn bà hư thúi như vậy thì tiếc tác gì mà anh rầu anh rỉ. Mai mốt có thiếu cha gì con gái đẹp khác cho anh tha hồ mà lựa chọn làm vợ, hén anh Hai.


Hai Sầu vằn mắt lên dữ tợn nhìn mọi người rồi bật hét to:


- Yêu cầu mấy mẹ về giùm cho con. "Đèn nhà ai nấy sáng, trán của ai nấy sưng". Hết chuyện!


Nhắm tình hình thấy không mấy gì cải đổi, phần nghe thằng nát rượu nói cũng có lý: “Chắc gì đèn nhà mình đủ dầu để sáng" nên không ai bảo ai, tất cả cùng đều chung tâm trạng tẽn thò lò mà đồng loạt… nín thinh, rồi lặng lẽ nơi này mà xúm nhau ra về một cái rột. Ngon ơ!
Rồi thời gian như dề lục bình dưới sông dần dần trôi. Sáng mặt trời lên, chiều mặt trời lặn. Trên bờ rạch Long Cang kế bên cái cống Đôi Ma lúc nào cũng có chàng Hai Sầu ngồi một mình với chai rượu đế Gò Đen. Chốc chốc nhìn trời, nhìn quanh quất rồi quắc mắt chằm chằm vào cái cống Đôi Ma, nơi người ta đồn có con ma áo đen hiện về hút hồn con vợ nó, Hai Sầu thét to: “Con ma áo đen khốn nạn, con quỉ vợ thấy ghét. Tụi bây hãy... đợi đó nghen.”


Đợi bao lâu không biết, người ta chỉ thấy Hai Sầu ngày nào cũng bất kể mưa gió đều ra đó để tợp rượu và cứ lặp đi lặp lại câu nói quá quen thuộc: Hãy đợi đó...


Chị Tám Nhiều là người đầu tiên đưa ra nhận xét:


- Cứ cái điệu này kéo dài, tôi tin rằng mai mốt đây làng mình thế nào cũng có một anh chàng ngồi nhớ vợ mà hóa thành bức tượng đá đó nghe. Tôi xin được ưu tiên đặt tên búc tượng này là hòn… Vọng Thê nghe bà con.


Ai cũng hoan hô cái ý tưởng tuyệt vời của chịTám nhà mình, vì nghe qua sao nó cũng na ná hay hay như cái tên Hòn Vọng Phu trong chuyện cổ tích vậy.


Duy nhất chỉ có ông giáo già trong làng là không nói gì về ý tưởng cao siêu của chị Tám, bởi ông mới là người hiểu biết rành rẽ cái ý nghĩa, nội dung hay đẹp của tích Hòn vọng phu trong sách ghi lại. Ông chép miệng thở dài rồi buông thõng lời nói:


- Họa chăng chú Hai Sầu trong chuyện này hóa thành đống Gò mối Vọng Thê thì may ra mới có lý hơn nhiều.


Ông giáo già hay chị Tám Nhiều mới là người đặt tên cho bức tượng Hai Sầu là đúng chóc đây ta?


ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 14-1-2011)

 

(*) Xin click vào đây để đọc tạp bút Chuyện cái Cống Đôi Ma của cùng tác giả.

(**) Bài hát Sầu lẻ bóng của Anh Bằng.
 

 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage